Quan chức trục lợi phơi bày tính chất nghiêm trọng suy thoái chính trị (Phạm Quý Thọ)

Trục lợi là vấn đề phức tạp của thị trường và, nó có thể làm suy thoái hệ thống quan chức của chế độ đảng toàn trị nếu cải cách chuyển đổi không thích hợp.


Tác động tiêu cực

Trục lợi là một phạm trù kinh tế nhưng đồng thời là vấn đề phức tạp của thị trường. Nó có tác động tiêu cực như làm giảm tăng trưởng và suy thoái đạo đức và, người không thể đơn giản loại bỏ nó, nhưng có thể tạo ra các thể chế trong quá trình vận hành hoặc chuyển đổi kinh tế tập trung sang thị trường. Trục lợi diễn ra khi một cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp tìm cách kiếm tiền lời thông qua hành vi thao túng môi trường kinh tế và/hoặc pháp lý thay vì hoạt động kinh doanh (thương mại, dịch vụ hay sản xuất).

Các nhà kinh tế đã chỉ ra rằng trục lợi là hoạt động phi lợi nhuận, nếu giảm số người tham gia trục lợi thì kinh tế sẽ tăng trưởng và, ngược lại. Họ cũng khuyến nghị rằng cần phải có cơ chế tăng cường đảm bảo "quyền tài sản". Và, đối với các nền kinh tế chuyển đổi, khi phần lớn tài sản do nhà nước quản lý dưới hình thức "sở hữu toàn dân" và "tài sản công", thì chính sách tư nhân hóa có vai trò quyết định hiệu lực, hiệu quả của cơ chế nêu trên.

Tuy nhiên, trong trường hợp Việt Nam, khi chế độ độc Đảng cộng sản lãnh đạo chuyển đổi thị trường, mặc dù quan điểm thực dụng được thực hành nhưng trong thực tế luôn gặp thách thức bởi sự níu kéo bởi ý thức hệ chủ nghĩa xã hội. Hậu quả tất yếu là sự suy thoái chính trị diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trong đó sự hoành hành của quốc nạn tham nhũng đang đe doạ sự tồn vong của chế độ.

Tham nhũng hoành hành

Trong muôn vàn các kiểu và đối tượng trục lợi, thì hành vi trục lợi của quan chức là ‘tồi tệ’ nhất, luôn dẫn đến tham nhũng, nghĩa là lợi dụng chức vụ quyền hạn nhằm trực tiếp hay gián tiếp chiếm đoạt tài sản của người khác. Thực trạng tham nhũng đang phơi bày tính chất suy thoái nghiêm trọng tư tưởng, đạo đức, lối sống của quan chức. Thay vì thực hiện bổn phận, chức trách việc tuân thủ luật pháp chính sách nhà nước, các quan chức lại vi phạm, lạm quyền để vụ lợi. Trong 10 năm (2012-2022) phòng chống tham nhũng của Đảng cộng sản có hơn 19.546 vụ/33.868 bị can đã bị khởi tố, điều tra, phần lớn về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong đó có 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang…

Những lĩnh vực có "lợi suất cao" và "độc quyền nhà nước" như đất đai, tài sản công, dịch vụ công, công tác cán bộ… là nơi có hành vi quan chức trục lợi diễn ra phổ biến. Ví dụ điển hình để minh chứng là lĩnh vực đất đai, bất động sản, trong đó số vụ trục lợi, tham nhũng chiếm tỷ lệ cao nhất. Ngoài sự suy thoái đạo đức, quan chức trước cám dỗ khủng thì những bất cập về pháp luật, thể chế, chính sách cũng góp phần. Chế độ "sở hữu toàn dân về đất đai do nhà nước đại diện quản lý" - "gót chân Asin" của chế độ, đã dung dưỡng lạm quyền, các hành vi vi phạm pháp luật với mục đích tham nhũng.

Trục lợi như "vết dầu loang" lan rộng sang các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, thị trường tài chính, doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập…, nơi duy trì tài sản công như một phương tiện cần thiết cho chế độ toàn trị. Trục lợi nghiêm trọng, phức tạp và tinh vi diễn ra trong công tác nhân sự công.

Trong nhiều năm "biên chế" đã không những không thể tinh giản mà còn phình to. Chế độ biên chế suốt đời trong bộ máy đặc quyền đặc lợi, độc quyền Nhà nước đã cám dỗ nhiều ứng viên ‘cạnh tranh’ hơn kém thông qua các hình thức quà biếu, hối lộ tinh vi hay "trao đổi đôi bên cùng có lợi" khác…

suythoai2

Quan chức trục lợi nêu gương "xấu" cho các hình thức ăn theo khác, gây nên tình trạng "trục lợi chồng trục lợi" theo hiện tượng "quả cầu tuyết lăn". Chẳng hạn, các loại giấy phép điều kiện kinh doanh, bằng cấp, chứng chỉ, giấu khám sức khoẻ… như những các thủ tục hành chính phức tạp do Nhà nước quy định bắt buộc, bị "trục lợi" bằng các loại giấy tờ giả, lách luật, phong bì… thay thế.

Quan chức trục lợi, tham nhũng luôn để lại hậu quả nghiêm trọng mà người gánh chịu trước hết là nhân dân : kìm hãm tăng trưởng kinh tế, phát sinh các hiện tượng xã hội tiêu cực, làm mất niềm tin vào chế độ, cản trở cải cách chuyển đổi thị trường… Một trong những biểu hiện điển hình là sự thành và phát triển nhà nước tư bản thân hữu, trong có quan chức cấu kết với giới kinh doanh để trục lợi, tham nhũng bằng nhiều hình thức tinh vi như bảo kê, doanh nghiệp sân sau, biếu tặng hiện vật nhà lầu xe hơi, cổ phần cổ phiếu… Quan chức không ai còn ‘nghèo’ nữa, họ có nhiều tài sản khủng, nổi chìm không rõ nguồn gốc… Khi tham nhũng đã biến quan chức trở thành tầng lớp giàu có, thì việc lãnh đạo, quản lý xã hội bởi họ sẽ thế nào ? !

Tham nhũng liên quan đến tha hóa quyền lực độc quyền như hậu quả của suy thoái chính trị. Ý tưởng chính ở đây là trục lợi mang tính hệ thống có cội nguồn từ bản chất chế độ Đảng cộng sản toàn trị đang đặt ra vấn đề kiểm soát chủ nghĩa cơ hội chính trị của quan chức. Việc thiết lập cơ chế tự kiểm soát quyền lực trong nội bộ đang gặp thách thức khi chống tham nhũng không đạt hiệu quả như mong muốn, thiếu vắng một cơ chế công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với quan chức.

Cải cách chính trị luôn khó khăn, phức tạp, giằng xé giữa cái cũ và mới, bảo thủ và đổi mới, phản biện ôn hòa và chống đối, dân chủ và trung thành, sùng bái sức mạnh quyền lực…, nhưng việc bảo vệ Đảng, chế độ đặc quyền luôn là ưu tiên cao nhất. Mới đây, "đề xuất" của ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về ‘tạo điều kiện cho người phạm tội tham nhũng nộp tiền khắc phục hậu quả để giảm xử lý hình sự’ được ‘đồng chí, cộng sự’ ủng hộ vì "xu hướng tiến bộ", nhưng đang dấy lên băn khoăn trong công luận về hiệu ứng phụ, về sự suy giảm niềm tin, bất bình đẳng trước pháp luật và bất công xã hội... Liệu có trở thành "án lệ" khi thực tế trong thời gian gần đây đã có một số quan tham cấp cao nộp tiền ‘khủng’ để được giảm án ?

Trục lợi là vấn đề phức tạp của thị trường và, nó có thể làm suy thoái hệ thống quan chức của chế độ đảng toàn trị nếu cải cách chuyển đổi không thích hợp. Tham nhũng đồng hành cùng chủ nghĩa cơ hội chính trị của quan chức. Nếu không quan tâm thích đáng đặc điểm này, thì công tác chống tham nhũng sẽ tiếp tục "không đạt kết quả như mong muốn".

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 09/07/2022