Putin, kẻ đặt dấu chấm hết cho đế chế Nga (Việt Hoàng)

Chúng ta đang sống và chứng kiến những thay đổi lớn của thế giới từ sau thế chiến Hai. Việt Nam sẽ không là ngoại lệ nằm ngoài ảnh hưởng của những biến động thế kỷ đó.




‘Đế chế’ có thể hiểu là một ‘đế quốc chuyên chế’. Đế quốc là một quốc gia rộng lớn bao gồm nhiều nước nhỏ, được lãnh đạo bởi một trung tâm quyền lực. Trung tâm đó nắm giữ hoàn toàn về quân sự và áp đặt một ý thức hệ chung. Chuyên chế đồng nghĩa với độc tài và toàn trị. Liên bang Nga bao gồm 22 nước cộng hòa và 4 khu tự trị. Ý thức hệ cộng sản thời Liên Xô được thay thế bởi đạo Chính thống giáo. Putin dù xuất thân là đảng viên cộng sản, một cựu sĩ quan tình báo KGB, một người sống và hoạt động trong môi trường bạo lực và dối trá nhưng từ lúc lên cầm quyền đã rất ‘chịu khó’ đi nhà thờ và biến đạo Chính thống giáo Nga thành một cơ quan tuyên huấn phục vụ cho điện Kremli.

Nga là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới với hơn 17 triệu km vuông, kéo dài từ Bắc Á sang Châu Âu nhưng dân số chỉ khoảng 145 triệu người. Nga là nước có trữ lượng khoáng sản và năng lượng lớn nhất thế giới. Nền kinh tế Nga đứng thứ 12 trên thế giới với GDP 1,45 nghìn tỉ USD (trước chiến tranh Ukraine). Dù vậy Nga vẫn đang bị xếp vào danh sách các nước ‘đang phát triển’ với thu nhập bình quân đầu người chưa đến 10.000 USD/năm. Nga là một trong năm nước thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nga là nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với 5.977 đầu đạn hạt nhân.

Lịch sử nước Nga bắt đầu từ nhà nước Rus - Kiev, Ukraine sau đó di chuyển dần về phía bắc. Từ thế kỷ 13, Moskva trở thành thủ đô nước Nga và tới thế kỷ 17 nước Nga đã trở thành một đế quốc rộng lớn như bây giờ. Lịch sử nước Nga được xây dựng và hình thành trên nền tảng của bạo lực. Các vua chúa cai trị nước Nga đều nổi tiếng bởi sự tàn bạo như Ivan Bạo chúa (1547-1575), Piôtr Đại đế (1721-1725), Nữ hoàng Ekaterina II (1762-1796) và sau này là Lê-nin, Stalin…Những người này đã từng giết hàng triệu người Nga nhưng không bao giờ bị lên án vì nước Nga gần như là một dân tộc nô lệ. Các bạo chúa chỉ bị lên án khi thất bại trong các cuộc chinh phạt mở rộng lãnh thổ. Người Nga sống biệt lập với thế giới bên ngoài trong một lãnh thổ mênh mông và lạnh lẽo, cho đến tận bây giờ họ vẫn xa lạ với các giá trị tự do dân chủ như ở các nước Châu Âu. Họ dễ dàng chấp nhận một lãnh đạo với bàn tay sắt hơn là một người có tư tưởng dân chủ và cởi mở.

putin2

Nước Nga luôn bị cai trị bởi những bạo chúa. (Ảnh: Sa hoàng Ivan Bạo chúa, người đã giết toàn bộ người dân và xóa sổ một thành phố lớn của Nga là Novgorod năm 1570. Ông giết vô số quần thần, kể cả con trai cả là hoàng tử Ivan Ivanovich vì tội dám…bênh vợ).

Bất hạnh lớn nhất với người Nga là trong suốt dòng lịch sử đã không có bất cứ một nhà tư tưởng chính trị nào cho dù có nhiều nhà văn, nhà thơ lớn. Việc thiếu vắng các nhà tư tưởng chính trị dẫn đến hậu quả là nước Nga không có một tầng lớp trí thức chính trị thực sự và đúng nghĩa. Sau thất bại trong cuộc chiến Nga - Nhật năm 1905 thì triều đại của Sa hoàng Nikolai II đã đến hồi cáo chung. Cuộc cách mạng tháng Hai năm 1917 do giai cấp tư sản Nga khởi xướng và lãnh đạo đã đặt dấu chấm hết cho triều đại phong kiến cuối cùng Romanov. Tuy nhiên cuộc cách mạng này không được dẫn dắt bởi một cuộc cách mạng về tư tưởng nên đã bị đảng cộng sản do Lê-nin lãnh đạo cướp đoạt tám tháng sau đó.

Lê-nin, một tay trùm khủng bố thượng thặng đã nhanh chóng biến nước Nga thành một trại tù khổng lồ. Mọi quyền con người đều bị tước đoạt thẳng tay. Stalin, tay chân của Lê-nin lên cầm quyền sau đó đã tàn sát hàng chục triệu người Nga trong đó có đến 2/3 ủy viên trung ương đảng cộng sản. Trostky, một lãnh đạo cộng sản bất đồng với Stalin đã bỏ trốn sang tận Mexico nhưng vẫn bị Stalin truy sát. Stalin cũng là người gây ra nạn đói nhân tạo tại Ukraine khiến 3-5 triệu người dân chết đói. Trong chiến tranh thế giới lần Hai, Stalin đã giết hại hơn 22.000 tù binh Ba Lan tại khu rừng Katyn và nỗi đau đó đã hằn sâu vào ký ức người Ba Lan.

Năm 1991, Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Yeltsin, một cựu đảng viên cộng sản cấp tiến, tổng thống Liên bang Nga đã có ý muốn đưa nước Nga hội nhập vào nền văn minh Châu Âu. Tuy nhiên người dân Nga nói chung và nhất là giới trí thức Nga nói riêng đã không chuẩn bị để đón nhận điều đó. Giai đoạn cầm quyền ngắn ngủi của Yeltsin đã chứng kiến cảnh hỗn loạn, mạnh ai nấy cướp và cuối cùng nước Nga đã quay lại với quĩ đạo cũ của nó. Putin, một sĩ quan tình báo chuyên hành xử bằng bạo lực và dối trá đã được chọn làm người lãnh đạo mới của nước Nga.

Trong thời gian đầu Putin đã ‘có công’ dẹp loạn các nhà tài phiệt cấu kết với quan chức chính quyền thâu tóm gần như toàn bộ tài sản của nước Nga. Nhờ giá dầu lên cao nên Putin đã thu được nhiều ngoại tệ và ổn định được tình hình nước Nga. Nhưng rồi niềm vui qua mau. Putin đã nhanh chóng trượt vào quĩ đạo độc tài và chuyên chế của các vua chúa Nga ngày xưa. Sự giàu có của nước Nga đã được tái tập trung vào tay những nhà tài phiệt mới thân cận với Putin. Tài sản của Putin theo ước tính vào khoảng 200 tỉ USD. Người dân Nga, nhất là ở các vùng thôn quê không được hưởng lợi bất cứ điều gì từ sự giàu có của nước Nga. Các tỉ phú Nga ăn chơi xa hoa nổi tiếng thế giới, có người sẵn sàng bỏ ra cả tỉ đô la để mua một chiếc du thuyền sang trọng trong khi đa số người Nga sống dưới mức trung bình của thế giới. Một ví dụ cho thấy sự phân chia của cải từ nguồn tài nguyên phong phú của nước Nga là không đồng đều khi so sánh Nga với các nước Ả Rập. Sự thành công và thịnh vượng của tiểu vương quốc Dubai hoàn toàn trái ngược với nước Nga dù cả hai đều giàu lên nhờ dầu mỏ.

putin3

Tiểu vương quốc Dubai cũng như nước Nga, ban đầu họ giàu lên nhờ dầu mỏ nhưng sau đó họ đã dùng tiền thu được từ dầu mỏ để xây dựng Dubai thành một trong những nơi giàu có và đáng sống nhất trên thế giới.

Cuộc chiến xâm lược Ukraine vừa tròn 5 tháng với sự thất bại ngày càng rõ của Nga. Nga đã bị cô lập hoàn toàn trên thế giới. Có hai kịch bản cho cuộc chiến này. Một là người dân Nga và quân đội Nga đảo chính Putin vì sự thất bại đã quá rõ ràng. Hai là Nga kiệt sức trên chiến trường nên bắt buộc phải rút khỏi Ukraine. Theo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì cuộc chiến này chỉ có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm nữa là phải kết thúc vì Nga sẽ kiệt quệ hoàn toàn. Vũ khí hiện đại của Phương Tây viện trợ cho Ukraine ngày càng nhiều và người lính Ukraine đã được tập huấn để có thể sử dụng hiệu quả các loại vũ khí đó.

Nhiều ý kiến cho rằng Putin sẽ chiến thắng nếu tiếp tục kéo dài cuộc chiến vì EU và các nước dân chủ sẽ mệt mỏi do lạm phát và suy thoái kinh tế. Điều đó sẽ không xảy ra. Càng ngày giới chính trị gia sẽ càng cố gắng thuyết phục người dân về mối nguy của Nga và người dân các nước dân chủ sẽ hiểu ra điều đó. Cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất của Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg về cái giá phải trả cho cuộc chiến Ukraine mới đây là rất rõ ràng và dứt khoát.

Việc Boris Johnson từ chức thủ tướng Anh là một tin tốt cho Ukraine chứ không phải tin xấu. Johnson là một chính trị gia dân túy chủ trương đưa nước Anh ra khỏi EU với một thái độ không mấy thân thiện vì thế sự ra đi của ông sẽ làm cho mối liên kết giữa nước Anh và EU càng thêm bền chặt. Hơn nữa, cho dù bất cứ ai lên làm thủ tướng thì nước Anh vẫn không thay đổi chính sách đối với nước Nga. Đừng quên một điều là quân đội Anh thuộc loại tinh nhuệ nhất thế giới và vương quốc Anh là nước có truyền thống chống độc tài. Nước Anh từng đánh bại Napoleon trong thế kỷ 19 và trong thế chiến Hai, Anh là nước đứng đầu khối liên minh chống phát xít Đức.

Việc tổng thống đắc cử của Pháp, Macron bị mất đa số tại quốc hội cũng là một tin mừng cho Ukraine. Macron là người thiếu nhiệt tình và quyết tâm nhất trong các nhà lãnh đạo EU trong việc lên án Nga và ủng hộ cho Ukraine. Đảng Cộng hòa liên minh với đảng của Macron có lập trường rất cứng rắn với Nga và vì thế sự hỗ trợ của Pháp cho Ukraine chỉ có thể tăng lên trong thời gian tới.

Về nước Mỹ như lần trước chúng tôi đã phân tích, mặc dù chính trường Mỹ đang bị khủng hoảng nghiêm trọng, có thể đảng Dân chủ sẽ mất quyền kiểm soát Thượng viện hoặc Hạ viện trong kỳ bầu cử tháng 11 tới đây nhưng sự ủng hộ của Mỹ cho Ukraine sẽ không thay đổi. Yếu tố nằm ngoài dự tính đó là các tổ hợp sản xuất vũ khí của Mỹ. Họ cần nhiều đơn đặt hàng sản xuất vũ khí mới và họ có quyền lực ngầm rất lớn. Cứ nhìn dự luật kiểm soát súng của Mỹ không thể thông qua tại quốc hội là thấy được ‘sức mạnh’ của các tổ hợp quốc phòng Mỹ. Sai lầm của Putin đã biến quân đội và binh lính Nga thành ‘chuột bạch’ để các nước thử nghiệm vũ khí mới.

putin4

Vũ khí của phương Tây viện trợ cho Ukraine ngày càng nhiều và chúng sẽ giúp thay đổi cục diện trên chiến trường. (Ảnh: Trọng pháo HIMARS của Mỹ đang là nổi ám ảnh của quân đội Nga)

Một yếu tố quan trọng khiến Putin trả giá đắt là tinh thần yêu nước của người Ukraine. Những ai tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử Ukraine đều thấy rõ quyết tâm chống lại đế chế Nga của người dân Ukraine. Đây là lần thứ ba người Ukraine đứng dậy cầm vũ khí chống lại Nga. Không may cho họ, hai lần trước họ đều thất bại và bị nước Nga đàn áp thẳng tay. Lần này người Ukraine sẽ chiến thắng vì họ được cả thế giới ủng hộ. Sự tàn bạo và vô nhân tính của quân đội Nga khi bắn tên lửa bừa bãi vào các khu dân cư đông đúc, gây ra cái chết cho hàng chục nghìn người dân Ukraine vô tội càng khiến cho họ quyết tâm chiến đấu chống Nga đến cùng. Không phải tự nhiên mà ngoại trưởng Ukraine tuyên bố nếu Phương Tây không viện trợ vũ khí cho Ukraine thì người Ukraine sẽ dùng cuốc xẻng để chiến đấu với quân xâm lược Nga cho đến người cuối cùng. Suốt chiều dài lịch sử của mình, người Ukraine luôn tìm mọi cách để thoát khỏi quĩ đạo Nga nhưng không thành. Đây là cơ hội cuối cùng để người Ukraine đoạn tuyệt với đế chế Nga và họ sẽ làm được vì đó là khát vọng ngàn năm của họ.

Nước Nga đang dần dần cạn kiệt các nguồn lực khi phải điều quân từ biên giới Kazakhstan và vùng Kuril xa xôi, giáp với Nhật Bản để tung vào chiến trường Ukraine. Thậm chí họ phải dùng cả tù nhân để sung lính. Theo nhận định của cơ quan tình báo Anh thì Nga sắp cạn kiệt về vũ khí, họ phải dùng tên lửa đối không S-400 để tấn công mặt đất. Thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cũng không giúp được gì cho Putin. Thổ là thành viên của NATO, tổng thống Erdogan là một chính trị gia dân túy, ông ta chỉ muốn Nga và Iran (hai quốc gia đang bảo trợ cho Syria) bật đèn xanh để ông ta tiến hành một chiến dịch quân sự chống lại người Kurd ở vùng đông Bắc Syria mà Thổ luôn xem là lực lượng khủng bố. Tuy nhiên cả Nga và Iran đều phản đối đề nghị đó. Iran, quốc gia đang bị Mỹ cấm vận không có nhiều tiềm lực để giúp Nga ngoài tinh thần và sự động viên.

Trung Quốc, một đồng minh chiến lược của Nga đã tỏ ra dè dặt, không ai biết Trung Quốc có giúp gì cho Nga sau hậu trường không chứ công khai thì hầu như không có gì. Thậm chí tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) còn thông báo rút khỏi thị trường Nga để tránh bị phương Tây trừng phạt. Nga rất khó liên minh với Trung Quốc vì Trung Quốc luôn nhòm ngó và đang âm thầm xâm chiếm vùng viễn đông rộng lớn và giàu tài nguyên của Nga. Mặt khác Trung Quốc dù cùng ý thức hệ độc tài với Nga nhưng lại có quan hệ làm ăn kinh tế rất lớn đối với Mỹ và các nước dân chủ. Thị trường Nga chỉ bằng một phần nhỏ so với các thị trường này nên Trung Quốc không dám hy sinh vì Putin.

putin5

Vũ khí dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ sớm hết hiệu lực khi EU tìm được các nguồn cung khác. (Ảnh: Chủ tịch Ủy ban Châu Âu và tổng thống Azerbaijan ký thỏa thuận tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ Azerbaijan lên 20 tỷ m3 một năm)

Vũ khí của Nga để chống lại Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu (EU) là dầu mỏ và khí đốt nhưng phần bất lợi sẽ thuộc về Nga chứ không phải EU. Nếu Nga cắt ngay lập tức nguồn khí đốt cho EU thì EU sẽ chao đảo trong một thời gian ngắn nhưng EU sẽ có giải pháp. Các cuộc đàm phán của EU với các quốc gia như Algeria, Azerbaijan, Kazakhstan, Irsael, Qatar, Ả Rập Xê Út…để tăng nguồn cung cấp khí đốt thay thế Nga diễn ra rất suôn sẻ và thuận lợi. Nga dọa đóng van đường dẫn khí đốt Nord Stream 1 sang EU nhưng đã không làm điều đó vào phút cuối.

Putin tiến thoái đều lưỡng nan. Sự ngông cuồng và hoang tưởng của Putin đang khiến nước Nga trả giá đắt. Cuộc chiến rồi sẽ kết thúc với khả năng là nước Nga sẽ tan rã thành nhiều quốc gia độc lập. Như đã trình bày, Putin xây dựng đế chế Nga bằng bạo lực và một ý thức hệ đặt trên nền tảng của đạo Chính thống giáo nhưng điều đó là vô lý vì rất nhiều người Nga theo các tôn giáo khác như Hồi giáo, Phật giáo…Các nước cộng hòa Hồi giáo Nga sẽ nhân cơ hội nước Nga suy yếu để tuyên bố độc lập và điều đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực trong một tương lai gần. Một nước Nga hoặc là suy yếu hoặc là dân chủ sẽ đảm bảo cho hòa bình Châu Âu và thế giới. Putin sẽ đi vào lịch sử như là người đã đặt dấu chấm hết cho đế chế Nga.

Sự thất bại của nước Nga tại Ukraine sẽ làm tăng tốc làn sóng dân chủ thứ Tư. Phong trào toàn cầu hóa duy lợi và xô bồ sẽ chấm dứt để nhường chỗ cho sự hợp tác giữa các nước cùng chia sẻ các giá trị dân chủ và tự do. Thế giới đã rút ra một bài học đắt giá là không thể hợp tác và làm ăn với các nước độc tài. Mọi cố gắng giao thương chỉ làm cho các chế độ toàn trị mạnh lên và đe dọa hòa bình thế giới. Sau Nga sẽ đến lượt Trung Quốc. Sẽ không có chiến tranh mà chỉ là sự chấm dứt hoặc hạn chế hợp tác kinh tế ở mức thấp nhất. Chỉ cần vậy là Trung Quốc không còn che dấu được sự khủng hoảng của nền kinh tế đang lâm nguy.

Chúng ta đang sống và chứng kiến những thay đổi lớn của thế giới từ sau thế chiến Hai. Việt Nam sẽ không là ngoại lệ nằm ngoài ảnh hưởng của những biến động thế kỷ đó. Chưa bao giờ cơ hội dân chủ hóa đất nước lại lớn như vậy. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ bị làn sóng dân chủ cuốn trôi trong một tương lai rất gần. Người dân Việt Nam cần chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng đón nhận một sự thay đổi lớn sẽ xảy ra trong nay mai. Một tương lai tốt đẹp và tươi sáng đang chờ chúng ta ở phía trước.

Việt Hoàng

(24/7/2022)