Phải hiểu thế nào hạnh phúc của dân qua lăng kính Đảng cộng sản ? (RFA tiếng Việt)

Nếu người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng mà nhân danh Đảng, cam kết cạnh tranh lành mạnh với các tổ chức chính trị xã hội khác, ai tốt hơn sẽ lên lãnh đạo..., thì lúc đó người dân sẽ tin rằng các nhà lãnh đạo đó vì nhân dân, vì đất nước...


Đảng nói lo cho hạnh phúc của dân hay chỉ 'đầu môi, chót lưỡi' ?

RFA, 08/07/2022

Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn lời lãnh đạo cho rằng, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi thành lập, Đảng luôn hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân.

hanhphuc01

Có thực hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi thành lập, Đảng luôn hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân ?

Giới chóp bu của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thường cho rằng, tư tưởng ‘lấy dân làm gốc’ là nguồn gốc của mọi thành công, là quan điểm trị quốc chủ đạo.

Nhà báo Võ Văn Tạo khi trả lời RFA hôm 8/7 từ Nha Trang, nhận định :

"Lâu nay Đảng Cộng sản Việt Nam cứ đưa ra những khẩu hiệu vì nhân dân mà phục vụ, nhưng trên thực tế lời nói và việc làm cách xa nhau lắm. Đơn cử như khi Nhà nước Việt Nam đang còn tranh giành quyền kiểm soát đất nước, họ đưa ra khẩu hiệu ‘ruộng đất cho dân cày’... đến khi Việt Minh chiếm được thành phố nào thì đều tác động vào nông nghiệp, giảm sưu thuế của chế độ cũ cho dân bớt khổ. Hay họ tiến hành cải cách ruộng đất, lấy đất của địa chủ để chia cho nông dân chưa có đất. Chính vì những động tác đó nên người nông dân cho con em mình ra mặt trận chiến đấu để giành quyền tối thượng về cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng khi đã kiểm soát được đất nước, thì suốt mấy chục năm nay Luật đất đai của họ quy định rõ ‘đất đai’ thuộc sở hữu toàn dân, nhưng do nhà nước thống nhất quản lý".

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, chính vì Luật đất đai này, nên đất của người dân bao đời nay tự nhiên mất trắng về tay nhà nước, người dân chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền sở hữu, Nhà nước muốn lấy lúc nào thì lấy, thậm chí người dân sử dụng phải theo mục đích của nhà nước, chứ không phải muốn làm gì thì làm, muốn bán cho ai thì bán. Ông Tạo nói tiếp :

"Từ những năm 90 trở đi, khi Nhà nước có chủ trương phát triển mạnh kinh tế tư nhân, các chủ dự án bất động sản đã móc nối với quan chức nhà nước tiến hành thu hồi đất của người dân, đền bù rẻ mạt, họ làm giàu trên những miếng đất đó bằng cách làm những dự án bất động sản bán với giá cao khủng khiếp, gấp vài chục lần cho đến hàng trăm lần. Những cái đó tạo ra bất ổn xã hội, tạo ra một lượng dân oan hàng trăm ngàn người khắp ba miền đất nước. Những người mất đất đi khiếu kiện bị quy là thành phần chống đối, nhiều người bị khủng bố, thậm chí bỏ tù. Nói thiệt người dân không có hài lòng với đất nước, nhưng nhà nước cộng sản nào cũng nắm bạo lực trong tay, người dân không một tấc sắt nên đa số cúi đầu cam chịu, nhưng không hài lòng".

Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết ông lo ngại tình trạng này nếu kéo dài thì xã hội Việt Nam khó lòng mà yên ổn.

Trong các văn kiện Đảng cũng cho rằng, hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, hiện thực hóa mục tiêu mang lại hạnh phúc cho nhân dân theo tinh thần các Đại hội của Đảng.

Nhạc sĩ Lê Thiệu khi trả lời RFA từ Sài Gòn liên quan vấn đề này cho biết thực tế:

"Làm gì có hạnh phúc, người dân một số ít nào đó giàu có nhưng cũng không hạnh phúc được, vì bây giờ thực phẩm bẩn, thậm chí người giàu cũng không biết ung thư chết lúc nào, tai nạn giao thông xảy ra lúc nào. Đó là người giàu, chưa nói người nghèo chạy ăn từng bữa khổ te tua. Nên hạnh phúc của đa số người dân là điều rất mơ hồ mà cá nhân tôi là một trong những người dân tôi chưa từng thấy. Đảng cố giữ đảng, cố giữ chế độ thôi, còn thực sự họ không lo lắng gì cho người dân nghèo khổ, coi như là bỏ mặc, nói chung dân người nào sống được cứ sống, khổ thì cứ khổ.."..

hanhphuc02

Quang cảnh một Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam. AFP.

Các vị lãnh đạo Chính phủ Việt Nam lâu nay thường nói đến việc đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân lên trên hết. Vậy phải hiểu các đảng viên coi ‘lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân’ là gì ? Liệu họ có coi trọng hơn ‘lợi ích của Đảng’ ?

Một người không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nhận xét với RFA :

"Bề ngoài thì bao giờ cũng nói vì lợi ích quốc gia, vì nhân dân, vì đất nước. Nhưng bởi vì cái đảng này độc tài, có một đảng thôi, không có ai cạnh tranh quyết liệt. Ví dụ đảng này có một người bộ trưởng hay ủy viên trung ương chẳng hạn mà có điều tiếng, chưa nói đến tham nhũng rõ ràng... thì cả cái đảng đó từ chức để đảng khác lên, thì lúc đó mới chính thức là vì nhân dân. Nhưng bây giờ họ nói họ vì nhân dân đất nước nhưng họ vẫn cứ một đảng, rồi nếu họ có tham nhũng, vi phạm nhân quyền, cướp đất đai tài sản của nhân dân... thế nhưng khi xử án thì chính đảng viên đảng cộng sản lại xét xử chính người của họ".

Lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề tối hệ trọng của mỗi quốc gia trong chính sách phát triển và bảo vệ đất nước. Còn nhân dân có thể hiểu là tập hợp đông đảo những người dân thuộc mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, tôn giáo... đang sống trong một khu vực địa lý nhất định, chẳng hạn như ‘nhân dân Việt Nam’.

Khi trả lời RFA hôm 8/7/2022 từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, Nhà nghiên cứu ngôn ngữ, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, giải thích thêm :

"Hạnh phúc của nhân dân không đặt trên bình diện cá nhân. Bình diện cá nhân thì hạnh phúc là chuyện riêng tư, đảng và nhà nước hay bất kỳ ai có quan tâm cũng chịu, không can thiệp được. Ở đây là đặt trên bình diện của một cộng đồng, vấn đề không phải là quan tâm, không phải là ở trên quan tâm dưới, mà là chính quyền ăn thuế của người dân, dân nuôi chính quyền, thì hành xử sao cho đời sống của nhân dân càng ngày càng tăng lên. Cái đó không phải là vấn đề đạo đức, mà trước hết là vấn đề chính danh của chính quyền. Một chính quyền mà không làm sao để cho người dân đời sống càng ngày càng tăng trưởng, thì chính quyền ấy mất đi tính chính danh. Vì thế khi nói quan tâm như vấn đề riêng tư là không đúng, nên bỏ cách nói đó, nhiệm vụ của chính quyền là nên đặt ra vấn đề nhiệm vụ hơn thuần túy chỉ là đạo đức".

Nhà hoạt động Trần Bang khi trả lời RFA trước đây cho rằng, nếu chỉ có một đảng cầm quyền thì các vị lãnh đạo muốn nói gì cũng được. Nếu người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng mà nhân danh Đảng, cam kết cạnh tranh lành mạnh với các tổ chức chính trị xã hội khác, ai tốt hơn sẽ lên lãnh đạo..., thì lúc đó người dân sẽ tin rằng các nhà lãnh đạo đó vì nhân dân, vì đất nước...

Nguồn : RFA, 08/07/2022

*********************

"Phải dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng" tiếp tục là lời sáo rỗng, giáo điều !

RFA, 11/05/2022

Tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5 hôm 10 tháng 5 năm 2022, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến vấn đề xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Theo ông Trọng, phải phát huy thật tốt dân chủ trong đảng và trong xã hội ; phải tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân ; phải dựa vào nhân dân để xây dựng đảng và rèn luyện đảng viên.

hanhphuc03

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng – AFP - Ảnh minh họa

Với tư cách là một người dân, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn nêu quan điểm của ông về vấn đề này :

"Đấy là nguyên văn lời phát biểu của ông ấy nhưng trên thực tế, chúng tôi thấy đây là những lời nói sáo rỗng, giáo điều bao năm qua mà người dân trong nước đã học thuộc rồi. Không có gì mới cả. Trước hết, nói về dân chủ trong đảng thì đảng viên ở trong nước là hơn năm triệu, theo thống kê mà Đảng cộng sản Việt Nam công bố, tưởng rằng họ được hưởng quyền tự do dân chủ và quyền con người hơn dân, nhưng thực tế họ rất khổ.

Tôi rất đồng ý với ý kiến của cụ Nguyễn Hộ, một trong những lão thành cách mạng đã tham gia hai cuộc chiến tranh. Sau này cụ cũng là quan chức lớn trong hàng ngũ Đảng cộng sản Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ nói rằng:‘đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam là một thứ tù binh của đảng". Đấy là nói về đảng.

Nói về xã hội thì các quyền tự do dân chủ căn bản mà Hiến Pháp đã xác nhận và phù hợp với giá trị các công ước quốc tế như quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do lập hội, tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do ứng cử - bầu cử, tự do đi ra nước ngoài và trở về…trên thực tế bị hạn chế, bị thủ tiêu bằng luật hình sự.

Muốn Đảng gắn bó máu thịt với Nhân dân, dựa vào nhân dân thì chỉ có một cách là phải lắng nghe những ý kiến, những khát vọng của nhân dân và đổi mới về mặt thể chế chính trị".

Ông Nguyễn Hộ là một nhân vật cách mạng kỳ cựu, gia nhập Đảng Cộng sản từ năm 1937. Ông đã trở thành nhà đấu tranh dân chủ từ giữa thập niên 80. Ông từ bỏ Đảng vào năm 1991 và viết nhiều bài để bày tỏ lập trường của ông về tình hình đất nước. Ông là tác giả cuốn sách "Quan điểm và cuộc sống".

hanhphuc04

Công nhân dựng tấm biển chào mừng Đại hội Đảng 13 ở Hà Nội hôm 12/1/2021. Reuters

"Lấy dân làm gốc" được cho là mục tiêu, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, Đảng và Nhà nước phải phát huy tinh thần làm chủ và tinh thần sáng tạo của nhân dân ; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Thực tế ra sao, ông Võ Minh Đức, người từng là sĩ quan chính trị trong quân đội từ những năm 90, nêu quan điểm của mình với RFA :

"Từ xưa đến giờ, về mặt tuyên truyền, về mặt hình thức cũng như phát ngôn từ các quan chức thì vẫn nói ‘lấy dân làm gốc’. Trong thực tiễn, tôi thấy họ ‘lấy dân làm thớt’ nhiều hơn. Nhiều chính sách không hợp lòng dân, làm mất niềm tin của dân".

Nhân dân là chủ thể của một đất nước. Nhà cầm quyền muốn gần dân thì phải chăm lo cho người dân, đem lại hạnh phúc cho người dân, phải tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân được quy định trong Hiến pháp. Nếu người dân không có những quyền căn bản này thì những câu nói như "phải đoàn kết với Nhân dân, dựa vào Nhân dân" hay "phải tăng cường mối quan hệ máu thịt với Nhân dân" khó mà có tác dụng.

Luật sư Phạm Công Út nêu nhận định của ông :

"Trước giờ, những khẩu hiệu, phương châm của tổ chức Đảng lúc nào cũng gắn bó giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân. Lúc nào cũng vậy, nó chỉ như một cái khẩu hiệu chứ không đi vào hành động thật củanhững người cầm quyền. Ví dụ câu "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" chỉ là khẩu hiệu chứ thực tế người dân mất nhà, mất đất, mất những quyền của họ. Họ bị hạn chế tối đa quyền con người bằng những rào cản pháp luật.

Họ đặt ra như vậy thì đâu có gần dân được. Nếu gần dân thì phải cho dân cất tiếng nói. Đó là phải xóa đi những rào cản về tự do ngôn luận. Ngoài ra, những quyền cơ bản khác của người dân phải được tôn trọng. Lúc đó mới là gân dân, hiểu dân, lo cho dân. Quan điểm của tôi là khi nào không còn chủ nghĩa lý lịch thì lúc đó đảng và Nhà nước mới gần dân".

Cũng trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5, ông Nguyễn Phú Trọng yêu cầu thường xuyên rà soát, sàng lọc, kịp thời và kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi đảng. Ông Trọng cũng yêu cầu phải thường xuyên kết hợp giữa xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh với củng cố, chấn chỉnh cơ sở đảng yếu kém ; coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng phải đi đôi với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng ; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu, vai trò tiên phong, gương mẫu trong sinh hoạt đảng ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Với phương châm ‘còn đảng, còn mình’, tháng 10 năm 2021, ông Trọng ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về 19 điều đảng viên không được làm. Quy định mới bổ sung một số nội dung đáp ứng yêu cầu chỉnh đốn đảng theo Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII.

Quy định số 37 không chỉ cấm đảng viên không được nói và làm trái, mà đảng viên không được viết trái (nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của đảng ; làm những việc mà pháp luật không cho phép).

Dư luận cho rằng, ngay các đảng viên còn bị áp đặt theo những quy định khắt khe như thế thì còn lâu người dân mới có quyền làm chủ. Mà nếu không có dân chủ cho dân thì đảng không thể "tăng cường mối quan hệ máu thịt với Nhân dân" như yêu cầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nguồn : RFA, 08/05/2022