Vingroup sẽ xảy ra chuyện ? (Thới Bình)

Giả dụ ông Tổng bí thư nhà mình xin lui về làm người tử tế, thì người khác lên thay có thể không kiên trì đeo đuổi việc tìm kiếm con đường mang tên chủ nghĩa xã hội nữa, nhưng đâu hẳn sẽ mở ra chương mới của đa nguyên, đa đảng. Tôi nghĩ đế chế Vingroup cũng thế thôi !


Đang có đồn đoán là ông chủ của tập đoàn Vingroup đã bị "dừng xuất cảnh". 
Cũng có tin là ông ấy đã xuất cảnh từ trước khi có lệnh cấm…

Ngày 28/6/2022, trong văn bản được đánh số 249/2022/CV-TGĐ-VINGROUP, có tên "Công bố thông tin trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh", có phần nội dung công bố như sau : "Tập đoàn Vingroup – Công ty cổ phần ("Tập đoàn Vingroup") quyết định chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần trong Công ty One Mount Group, sau chuyển nhượng, Công ty cổ phần One Mount Group không còn là công ty liên kết của Tập đoàn Vingroup".

One Mount Group là công ty thành viên thuộc Vingroup được thành lập cuối năm 2019 với vốn điều lệ ban đầu hơn 3.000 tỷ đồng, do Vingroup nắm giữ 51,22% vốn. Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này, là ông Hồ Anh Ngọc, em trai ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank. Nhà băng này cũng là đối tác chiến lược của One Mount Group.

One Mount Group tăng vốn liên tục, với quy mô vốn tính tới giữa tháng 7-2021 là hơn 5.400 tỷ đồng. Định hướng chính của doanh nghiệp này là xây dựng một hệ sinh thái số lớn nhất Việt Nam với ba sản phẩm chính là Vin ID, VinShop và One Housing. Ngay từ đầu, Vingroup sở hữu 51% One Mount Group, đóng vai trò công ty mẹ. Cơ cấu cổ đông nắm giữ phần vốn còn lại không được tiết lộ.

Ông Hồ Anh Ngọc, em trai ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank) hiện đang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT công ty. Tổng giám đốc của One Mount là bà Nguyễn Thị Dịu, người từng là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup.

One Mount Group từng được coi là "sợi dây công nghệ" kết nối hoạt động kinh doanh của ba tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Nguyễn Đăng Quang – Hồ Hùng Anh.

Cùng thời điểm thông báo chuyển nhượng cổ phần tại One Mount Group, Vingroup cũng thông báo thành lập Công ty cổ phần Genestory với vốn điều lệ hơn 102 tỷ đồng, do Vingroup góp 99%.

Một thay đổi khác đáng lưu tâm, là ông Phạm Thiều Hoa – người đại diện pháp luật, chủ tịch hội đồng quản trị của Công ty CP Vinhomes (mã chứng khoán VHM) vừa ký vào bản "công bố thông tin bất thường" vào hôm 5-7-2022, gửi lên Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Theo đó, phía Vinhomes cho biết đã có quyết định chuyển nhượng toàn bộ vốn góp với giá trị hơn 1.600 tỉ đồng tại Công ty CP Vinpearl Landmark 81. Sau khi hoàn tất thương vụ, Vinhomes sẽ không còn sở hữu cổ phần và không còn là công ty mẹ của Vinpearl Landmark 81.

Trước đó, cuối tháng 2-2022, Vinhomes công bố thành lập Công ty CP Vinpearl Landmark 81, với vốn điều lệ hơn 1.605 tỉ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là khách sạn, biệt thự hoặc căn hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày, khu du lịch sinh thái… Riêng Vinhomes đã góp hơn 1.603 tỉ đồng (99,88% vốn góp) vào công ty mới này.

Trong chuỗi hệ thống của Công ty cổ phần Vinpearl, Vinpearl Luxury Landmark 81 là khách sạn cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Khách sạn này có 223 phòng nghỉ, bắt đầu từ tầng 47 của tòa nhà Landmark 81 (Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh).

Hồi cuối tháng 6, Vinpearl công bố hợp tác cùng tập đoàn Marriott International để nâng cấp và phát triển 8 khách sạn, trong đó có Vinpearl Luxury Landmark 81. Bà Vũ Thị Kim Hường – Giám đốc Khối Kiểm soát đầu tư của Vinpearl lúc bấy giờ chia sẻ : "Chiến lược hợp tác toàn diện với Marriott International sẽ góp phần nhanh chóng đưa hệ thống Vinpearl gia nhập mạng lưới khách sạn danh tiếng trên thế giới".

Trước đó, Vinpearl chuyển giao quyền quản lý 12 khách sạn, khu nghỉ dưỡng cho tập đoàn Meliá Hotels International trong thời hạn tối thiểu 10 năm. Chuỗi 12 khách sạn sau chuyển giao sẽ mang thương hiệu mới Meliá Vinpearl.

Vinhomes là công ty con của Tập đoàn Vingroup. Đơn vị này nổi tiếng với nhiều dự án lớn trên thị trường như Vinhomes Grand Park (quận 9), Vinhomes Central Park Tân Cảng (Thành phố Hồ Chí Minh), Vinhomes Ocean Park (Hà Nội)… Về sức khỏe kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý đầu năm 2022 doanh nghiệp này gặt hái tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt hơn 8.920 tỉ đồng. Kết quả trên được góp từ việc bàn giao bất động sản để ở tại ba dự án lớn gồm : Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park.

Do chi phí tăng mạnh, nên chốt sổ quý đầu năm doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 5.880 tỉ đồng, tương đương giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Dưới góc độ đầu tư, mỗi công ty con nằm dưới tập đoàn Vingroup có thể xem là một khoản đầu tư. Hoạt động thị trường được các doanh nghiệp phía dưới với bộ máy vận hành riêng sẽ phát triển chiến lược kinh doanh. Còn Vingroup sẽ chỉ đưa ra chiến lược đầu tư và phải quản trị được rủi ro đầu tư. Như vậy giả dụ mai đây ông chủ của Vingroup vướng vòng lao lý đi nữa thì khả năng các hoạt động của guồng máy chung khó thể đình trệ.

"Hơi phạm thượng chút, giả dụ ông Tổng bí thư nhà mình xin lui về làm người tử tế, thì người khác lên thay có thể không kiên trì đeo đuổi việc tìm kiếm con đường mang tên chủ nghĩa xã hội nữa, nhưng đâu hẳn sẽ mở ra chương mới của đa nguyên, đa đảng. Tôi nghĩ đế chế Vingroup cũng thế thôi !" – một nhà báo tự do nhận xét như vậy trước đồn đoán về số phận chính trị hiện nay của ông Phạm Nhật Vượng.

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 11/07/2022