Kissinger, Macron và Putin (Nguyễn Gia Kiểng)

Điều khó khi bàn đến những giá trị đạo đức là không thể thảo luận như bình thường. Chúng có hay không và có tới mức độ nào nơi mỗi người là thành quả của một quá trình sống cá nhân trong đó truyền thống gia đình và giáo dục có tầm quan trọng đặc biệt. 

Điều khó khi bàn đến những giá trị đạo đức là không thể thảo luận như bình thường. Chúng có hay không và có tới mức độ nào nơi mỗi người là thành quả của một quá trình sống cá nhân trong đó truyền thống gia đình và giáo dục có tầm quan trọng đặc biệt. Chúng là điểm khởi hành chứ không phải điểm đến của lý luận, giống như những định đề trong toán học. Thảo luận giữa những người không chia sẻ những giá trị đạo đức rất khó. Điều này giải thích cuộc tranh cãi gay go và giận dữ sau những phát biểu gần đây của hai ông Henry Kissinger và Emmanuel Macron về cuộc chiến Ukraine.

macron1

Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã phát biểu ý kiến rằng Ukraine phải chấp nhận mất cho Nga một phần lãnh thổ của mình để có hòa bình - Ảnh minh họa Vladimir Putin và Henry Kissinger

Trong Diễn đàn Davos, hội thảo hàng năm của những nhân vật được coi là quan trọng trên thế giới, cuối tháng 5 vừa qua, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã phát biểu ý kiến rằng Ukraine phải chấp nhận mất cho Nga một phần lãnh thổ của mình để có hòa bình, nếu không Putin sẽ không ngừng chiến và tình hình sẽ rất nguy hiểm. Trong những trao đổi với các nhà báo ngay sau đó Kissinger nói thêm rằng không thể làm nhục Putin và nước Nga vì Nga là một nước quan trọng đã góp phần đáng kể trong hai cuộc thế chiến.

macron2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố : "không được làm nhục nước Nga để khi cuộc chiến chấm dứt còn có thể tìm một lối thoát bằng ngoại giao" -Ảnh minh họa Vladimir Putin và Emmanuel Macron

Một tuần sau, trả lời một nhà báo Pháp, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố : "không được làm nhục nước Nga để khi cuộc chiến chấm dứt còn có thể tìm một lối thoát bằng ngoại giao" (1). Macron cũng nói thêm trong cuộc phỏng vấn này là Putin đã phạm một sai lầm lịch sử và nền tảng cho nước Nga, cho chính mình và cho lịch sử (2). Trong cách nói của Macron người ta phải hiểu làm nhục nước Nga đồng nghĩa với làm nhục Putin.

Điều quan trọng cần được lưu ý, dù chưa thấy nhà bình luận nào nói ra, là cả hai ông Kissinger và Macron đều chưa bao giờ nhắc tới những tang tóc mà đất nước và nhân dân Ukraine đã phải chịu đựng vì quyết định hung dữ đơn phương bất chấp công pháp quốc tế của Putin. Hàng chục thành phố đã bị tàn phá, hàng chục ngàn người dân chết oan, gần 15 triệu người phải chạy loạn trong đó gần một nửa chạy ra nước ngoài, phần lớn mất hết tài sản. Đối với Kissinger và Macron hình như chủ quyền của Ukraine và thảm kịch của người Ukraine không quan trọng bằng tự ái của Vladimir Putin.

Một điểm chung khác của hai ông này là họ coi ngoại giao gần như một tôn giáo trong chính sách sách đối ngoại và ngoại giao đồng nghĩa với thỏa hiệp trong mọi trường hợp, ngay cả nếu phải nhượng bộ, hy sinh lẽ phải và những giá trị nền tảng.

Henry Kissinger là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, lấy Klemens Wenzel von Metternich (1773 – 1859), bộ trưởng ngoại giao rồi thủ tướng Đế quốc Áo Hung, làm mẫu mực trong luận án tiến sĩ của ông. Metternich chỉ biết dàn xếp và đi đêm, các giá trị và nguyên tắc hầu như vắng mặt trong quan tâm của ông. Kết quả là tuy Metternich thường đạt được những thỏa hiệp nhất thời nhưng Đế quốc Áo Hung đi từ thất bại này đến thất bại khác để rồi cuối cùng sụp đổ, khiến Châu Âu ngày càng hỗn loạn thêm và tạo điều kiện cho Thế Chiến I sau này. Những mưu mô và thủ đoạn của Metternich đã khiến ông khá thành công trên chính trường Áo Hung trong một thời gian khá dài nhưng sau cùng đã rất bi đát cho chính bản thân ông. Nước Áo hỗn loạn khiến Metternich đang làm thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao phải bỏ trốn trong một thùng quần áo để rồi sống những ngày cuối đời trong cô đơn và tủi nhục.

Những chính trị gia chỉ biết cái lợi trước mắt cho mình thì không thể thành công mãi và cũng không để lại được gì cho mai sau. Kissinger ái mộ Metternich vì cũng thuộc loại người này. Năm 1969 khi làm cố vấn cho Richard Nixon ông nhìn thấy cơ hội khai thác xung đột Liên Xô - Trung Quốc và khuyên Nixon tranh thủ Bắc Kinh sáp lại với Mỹ chống Moscow. Kissinger đã ngấm ngầm đi đêm với Trung Quốc để đi đến bình thường hóa quan hệ Mỹ Trung, sau tuyên bố chung Thượng Hải 1972, với cái giá phải trả là phản bội đồng minh Đài Loan, nhìn nhận chỉ có một nước Trung Quốc do Bắc Kinh đại diện trong đó Đài Loan chỉ là một tỉnh tạm thời ly khai. Đây là một sai lầm ngu xuẩn vì lúc đó chế độ cộng sản Trung Quốc đang rất nguy ngập và sẵn sàng chấp nhận làm hòa với Mỹ bằng mọi giá sau khi cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa đã khiến Đảng Cộng Sản Trung Quốc tan nát và hàng chục triệu người chết đói.

Trong cùng một cách nhìn thiển cận Nixon và Kissinger đã hy sinh đồng minh Việt Nam Cộng Hòa. Tính toán của họ là nếu Việt Nam trở thành một chư hầu của Liên Xô -lúc đó Đảng Cộng Sản Việt Nam đang theo Liên Xô và chống Trung Quốc- thì Bắc Kinh sẽ chỉ còn chọn lựa duy nhất là ngả hẳn về phía Mỹ. Kết quả của mưu tính này là một thảm kịch cho Việt Nam, hàng chục nước rơi vào quỹ đạo Liên Xô ngay sau 1975 và sau cùng Trung Quốc trở thành đe dọa lớn nhất cho hòa bình, công pháp quốc tế và thế giới dân chủ. Kissinger không hề xấu hổ vì những người như ông ta không bao giờ biết xấu hổ.

Emmanuel Macron cũng có một "bản năng ngoại giao" tương tự dù chưa hề có kinh nghiệm đối ngoại. Ông tiếp tục cố gắng đối thoại với Vladimir Putin dù chỉ là để đi từ thất vọng này tới thất vọng khác. Ông cố thuyết phục Putin đừng tấn công Ukraine để rồi thấy Putin tổng tấn công, sau đó ông khuyên Putin ngừng chiến tranh để chỉ thấy Putin gia tăng chiến tranh. Macron từ chối gọi Putin là tên tội phạm chiến tranh dù không một chuyên gia hay một cấp lãnh đạo chính trị Pháp nào phủ nhận những tội ác chiến tranh của Putin khi ra lệnh bắn tan nát các thành phố, kể cả trường học và nhà thương, làm chết hàng chục ngàn thường dân -hơn 20.000 người riêng tại Mariupol- trong mục đích gây kinh hoàng và hỗn loạn, hay cho quân Nga tha hồ tàn sát người dân Ukraine như tại Bucha. Những nhẫn nại của Macron đã chỉ khiến Putin hung hăng hơn.

Macron không mưu mô và xảo quyệt như Kissinger nhưng ở một mức độ nào đó cũng giống Kissinger ở chỗ không mấy quan tâm đến những giá trị đạo đức nền tảng. Cuộc đời của ông là một chuỗi thành công. Đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi, Macron tốt nghiệp trường danh giá nhất nước Pháp, trường Quốc Gia Hành Chính (ENA), trở thành giám đốc đối tác (partner) một ngân hàng lớn ở tuổi chưa đầy 30, rồi được tham gia Ủy Ban Attali, một ủy ban đầy uy tín được trao vai trò nghiên cứu thúc đẩy sự thăng tiến của nước Pháp do Attali, con người được tiếng là thông thái bậc nhất nước Pháp, cầm đầu. Ông được Attali đỡ đầu và đánh giá là một thiên tài rồi trở thành bộ trưởng kinh tế. Sau cùng đắc cử tổng thống Pháp khi chưa đầy 40 tuổi. Macron đạt được tất cả những gì ông muốn. Nhưng cũng chính vì chưa bao giờ phải đụng chạm với những khó khăn lớn nên Macron thiếu chiều sâu. Những bài viết và nói của ông có thể hùng hồn đối với một số người nhưng không có ý kiến nào đặc sắc và cũng không biểu lộ được một lý tưởng hay tình cảm cao cả nào. Một thí dụ điển hình là câu nói trích dẫn ở phần trên : "Ông ta (Putin) đã phạm một sai lầm lịch sử và nền tảng cho nước Nga, cho chính mình và cho lịch sử". Thế nào là một sai lầm lịch sử cho lịch sử ? Rất kêu nhưng vô nghĩa.

Macron là một sản phẩm của chế độ tổng thống trong đó chính trị chủ yếu là trình diễn, bề ngoài cần hơn bề trong, khả năng thu hút quan trọng hơn thực tài. Trong một chế độ đại nghị một người như Macron -không có kinh nghiệm và thành tích nào ngoài việc làm bộ trưởng kinh tế trong hai năm với kết quả không mấy thuyết phục- không có hy vọng nào giành được chức vụ thủ tướng. Nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Macron không có gì đặc sắc ngoài việc làm bùng lên phong trào dân túy và một vài tuyên bố đầy tự mãn. Nhiệm kỳ hai bắt đầu trong khó khăn và có mọi triển vọng sẽ còn khó khăn hơn vì ảnh hưởng của cuộc chiến Ukraine. Macron không có kinh nghiệm đương đầu với những thử thách lớn.

Tôi nói khá dài về thân thế và sự nghiệp của Kissinger và Macron bởi vì, như đã viết khi bắt đầu bài này, các giá trị nền tảng rất khó thảo luận, người ta chỉ có thể tìm hiểu trong con người của họ lý do vì sao họ đã nghĩ và phát biểu như thế. Lý do đó là cả hai đều không coi trọng lẽ phải và các giá trị đạo đức. Tuy vậy trong trường hợp đặc biệt này cũng có những điều mà chúng ta có thể thảo luận.

Trước hết là lập trường của Kissinger theo đó Ukraine phải chấp nhận mất cho Nga một phần lãnh thổ của mình để Putin ngừng chiến. Lập trường thực tiễn này cũng giống như khi kẻ cướp xông vào nhà mình cướp phá thì mình phải chấp nhận nộp cho chúng một phần tài sản để được yên thân. Có thể là bắt buộc khi hoàn toàn bất lực với điều kiện là thực sự được yên thân. Nhưng đây không phải là trường hợp của Ukraine và Putin. Trên thực tế Ukraine đã mất bán đảo Crimea đầy giá trị chiến lược. Thỏa hiệp Minsk gần như đã hợp thức hóa sự sáp nhập Crimea vào Nga nhưng Putin có dừng lại đâu ? Putin không hề giấu giếm ý định thôn tính Ukraine. Tháng 8/2021 ông ta đã tuyên bố Ukraine là một phần không thể tách rời của Nga. Trước đó, năm 2008 Putin đã trắng trợn xua quân vào lấn chiếm hai vùng Abkhazia và Nam Ossetia của Georgia, Mỹ và Châu Âu đã chỉ dàn xếp để chấp nhận sự đã rồi nhưng sự nhượng bộ ô nhục này đã chỉ khuyến khích Putin hung hăng hơn. Câu hỏi cần được đặt lại một cách minh bạch một lần nữa là lãnh thổ và chủ quyền của một nước thành viên Liên Hiệp Quốc có phải được tôn trọng hay không ? Nếu không thì chẳng còn gì để nói, thế giới trở lại thế kỷ 19.

Tuyên bố của Macron tuy không đến nỗi ngược ngạo như vậy nhưng cũng kỳ cục. Vấn đề làm thế nào để chấm dứt cuộc chiến khốc liệt này nhưng mục tiêu của Macron lại là "khi cuộc chiến chấm dứt còn có thể tìm một lối thoát bằng ngoại giao". Cuộc chiến đã chấm dứt có nghĩa là hoặc đã có thắng bại rõ ràng hoặc đã có hòa ước. Trong cả hai trường hợp không còn cần lối thoát ngoại giao nào nữa, nhất là đối với một người như Putin. Chỉ cần một thái độ đúng đắn và thẳng thắn trong thiện chí tăng cường hòa bình và hợp tác giữa các dân tộc. Vả lại vấn đề ngoại giao sau chiến tranh đối với Putin có lẽ cũng không còn đặt ra. Cuộc chiến này có mọi triển vọng sẽ kết thúc với sự thảm bại của Putin và những thiệt hại lớn cho Nga, bằng cách này hay cách khác Putin sẽ không còn cầm quyền.

Không ai cần và có ý định làm nhục Putin. Ông ta muốn chiếm đóng Ukraine và thiết lập một chính quyền bù nhìn tay sai nhưng kết quả chỉ là khiến chính quyền Ukraine mạnh hơn và được cả thế giới ủng hộ. Ông ta muốn ngăn chặn Ukraine trở thành một nước dân chủ nhưng chỉ khiến ý chí dân chủ hóa của Ukraine mạnh hơn bao giờ hết. Ông ta muốn ngăn chặn sự bành trướng của NATO và Liên Hiệp Châu Âu nhưng chỉ khiến thêm nhiều nước Châu Âu từ trước vẫn trung lập xin gia nhập NATO và Liên Hiệp Châu Âu. Ông ta muốn biểu dương thanh thế của Nga nhưng chỉ khiến Nga bị cô lập và lên án và chính ông ta bị nhìn như một kẻ điên khùng, một con thú dữ, một tội phạm chiến tranh. Tất cả sau khi làm Nga bị thiệt hại nặng nề khó còn gượng dậy được. Nếu biết nhục thì Putin đã phải nhục lắm rồi.

Vấn đề rất giản dị. Putin đã chà đạp lên công pháp quốc tế, trắng trợn xua quân xâm lăng một nước mà chủ quyền và lãnh thổ đã được cả thế giới nhìn nhận từ lâu, không những thế còn xâm lăng một cách cực kỳ hung bạo. Putin là một tội phạm phải bị lên án chứ không cần làm nhục. Người Ukraine không khiêu khích ai cũng không làm nhục ai, họ chỉ chiến đấu để tự vệ đồng thời bảo vệ những giá trị đã được cả nhân loại nhìn nhận.

Cả hai ông Kissinger và Macron đều đã lạc lõng trong sự phức tạp bởi vì lẽ phải và đạo đức luôn luôn là kim chỉ nam của lý luận và hành động. Họ không hiểu như vậy nên mất phương hướng.

Nguyễn Gia Kiểng

(12/06/2022)

(1) "Il ne faut pas humilier la Russie pour que le jour où les combats cesseront, nous puissions bâtir un chemin de sortie par les voies diplomatiques".

(2) Je pense, et je lui ai dit, qu'il a fait une erreur historique et fondamentale pour son peuple, pour lui-même et pour l'Histoire.