Nguyễn Phú Trọng đe cán bộ đảng viên tham nhũng

Tham nhũng có "chỉ đạo án"

Hoài Nguyễn, VNTB, 14/05/2022

"Chỉ đạo" ở đây liệu có đồng nghĩa với "chỉ đạo án", nhất là khi án tham nhũng ấy xảy ra ngay chính địa phương đó ?

thamnhung3

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến và quyết định về những kiến nghị, đề xuất nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị, nhất là về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh : VGP/Nhật Bắc

Ban nội chính là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo trung ương vì có nhiều đơn vị chuyên môn đủ khả năng tham mưu, còn với ban nội chính tỉnh thành, một số nơi do nhân sự còn ít nên cần liên ngành làm cơ quan thường trực. Từ đề xuất này nên phía quản lý nhà nước cho rằng việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh không sợ làm tăng bộ máy, biên chế bởi ở đây không hình thành cơ quan mới, mà hình thành tổ chức mà các thành viên tham gia đều là cán bộ, lãnh đạo địa phương kiêm nhiệm, đảm nhận.

Vấn đề chính là ở chỗ "các thành viên tham gia".

Một đơn cử từ lần ngược quá khứ như ở vụ án Cựu phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, 57 tuổi, đề nghị tòa phúc thẩm xem lại mức án 6 năm tù ông phải nhận, do sai phạm khi Sagri bán dự án.

Sáng 11/5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Trần Vĩnh Tuyến – bị tuyên phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Quá trình xét xử sơ thẩm cuối năm ngoái, ông Tuyến và luật sư xin tòa được miễn trách nhiệm hình sự.

Theo vụ án thì là người có vai trò chủ mưu, ông Lê Tấn Hùng (59 tuổi, cựu tổng giám đốc Sagri) và ba người khác cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Trần Trọng Tuấn, 53 tuổi, cựu giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh – đồng thời cũng từng là luật sư đã kháng cáo kêu oan, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại vụ án một cách công tâm, khách quan.

Trong khi đó, Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị, đề nghị tòa cấp cao xác định lại thiệt hại của vụ án là 672 tỷ đồng, tương đương giá trị chuyển nhượng dự án tại thời điểm khởi tố vụ án, chứ không phải là 348 tỷ đồng (thời điểm xảy ra sai phạm) như phán quyết của tòa cấp sơ thẩm.

Tuy nhiên, trong phần thủ tục, hội đồng xét xử thông báo đã nhận được đơn xin hoãn phiên tòa của bị cáo Trần Trọng Tuấn do bị hậu Covid-19. Trong đơn, ông Tuấn cho biết mình sức khỏe yếu, bị khó thở, rối loạn tiêu hóa do di chứng hậu Covid-19… nên không đủ sức tham dự phiên tòa.

Sau khi vào hội ý, hội đồng xét xử ra thông báo hoãn phiên tòa. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 8-6.

Với tóm tắt danh tánh những bị cáo ở trên cho thấy đều có một điểm chung rằng tất cả đều từng là "lính của anh Hai Nhựt" – tức ông Lê Thanh Hải, cựu Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII.

Ông Hai Nhựt làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 28/6/2006 đến ngày 5/2/2016, tức 9 năm, 222 ngày. Trước đó, ông Hai Nhựt là chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 18/5/2001 đến 12/7/2006, tức 5 năm, 55 ngày.

Các cộng sự tham gia cùng ông Hai Nhựt trong bộ máy chính quyền như ông Nguyễn Thành Tài, Vũ Hùng Việt, Tất Thành Cang, Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn… về sau đều bị vướng vòng lao lý.

Ông Lê Tấn Hùng, bị cáo đầu vụ trong vụ án kể trên, là em trai của ông Hai Nhựt Lê Thanh Hải.

Liệu nếu giờ đây có những phiên bản năm 2022, 2023 của Hai Nhựt, thì liệu những Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp địa phương sẽ mang đến điều gì cho sự độc lập tư pháp, khi ban này có quyền tối tượng là "chỉ đạo", tức rất có thể sẽ can dự vào quyền độc lập của cơ quan tố tụng (?!)

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 14/05/2022 

***********************

"Cán bộ chống tham nhũng mà vướng tư túi thì tôi xử trước"

Phùng Đô, baogiaothong, 12/05/2022     

"Lao động là cha, đất là mẹ của vật chất"

Sáng 12/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Đơn vị bầu cử số 1 thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự Hội nghị tiếp xúc cử tri quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng trước Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV tại trụ sở quận Đống Đa.

thamnhung1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri

Thay mặt các đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, trao đổi với cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến tâm huyết, sâu sắc của cử tri.

"Ý kiến phát biểu của cử tri ngắn gọn nhưng lại đầy đủ, sâu sắc, nêu đúng và trúng vấn đề sắp tới Quốc hội sẽ bàn, và Hà Nội vẫn đang làm", Tổng bí thư nói.

Liên quan đến việc cử tri đề nghị sớm thông qua dự án Luật Đất đai, Tổng bí thư cho biết, ý kiến này rất đúng và chứng tỏ cử tri đã theo dõi tình hình thời sự của đất nước.

Trung ương vừa họp bế mạc cách đây 2 ngày và vấn đề số một là bàn về đất đai. Đây là vấn đề hết sức cơ bản, cực kỳ quan trọng nhưng đang có nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết mặc dù vừa qua chúng ta có nhiều chính sách để làm sao phát huy được tiềm năng, thế mạnh về đất đai.

"Tôi đã nhiều lần nói ở Trung ương, Bộ chính trị, các hội nghị khoa học là đất đai là vấn đề cực kỳ quan trọng, là tư liệu sản xuất cơ bản. Như câu nói của Mác rất sâu sắc là "Lao động là cha, đất là mẹ của của vật chất". Tôi cũng nói, trong thực tế nhiều người giàu lên vì đất, nhưng nhiều người khốn khổ, nghèo đi về đất, mất cả tình cảm cha mẹ, anh em vì đất. Có khi bố mẹ phân cho con cái không công bằng cũng sinh ra chuyện", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Theo Tổng bí thư, một trong 6 nhiệm vụ của Hội nghị Trung ương vừa kết thúc và bàn nhiều thời gian về đất đai. Trung ương quyết định trên cơ sở Nghị quyết mới lần này, thì Quốc hội phải nghiên cứu xem xét sửa Luật Đất đai để phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của đất nước.

"Nhưng sửa thế nào để phát huy thế mạnh của đất đai thì khó lắm không đơn giản, phải nghiên cứu, tổng kết mang tầm chiến lược nhưng phải thiết thực, hàng ngày. Vừa lý luận thực tiễn, vừa phải đảm bảo đời sống của người dân, nhưng phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây là vấn đề làm dần từng bước, hoàn thiện dần", Tổng bí thư nói.

"Chống tham nhũng lại tham nhũng thì còn chống ai nữa"

Trao đổi với cử tri về vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là vấn đề đã nói từ lâu và làm từ lâu rồi.

Trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, từ Đại hội XI năm 2011 trở lại đây mới thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng năm 2012 và đang chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Ban Chỉ đạo này do Tổng bí thư trực tiếp làm trưởng ban.

"10 năm qua tình hình thế nào thì các bác biết, mất bao nhiêu Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, bao nhiêu người phải ngồi tù rồi, cả công an, quân đội", Tổng bí thư nói.

Tổng bí thư cho biết, Hội nghị Trung ương thống nhất rất cao và hỏi ý kiến địa phương thì 100% đồng ý lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

"Trung ương quyết rồi, sắp tới là triển khai thực hiện, bố trí cán bộ ra làm sao để Ban chỉ đạo này phát huy được như Ban chỉ đạo Trung ương 10 năm qua. Đây là cuộc chiến đấu gian nan lắm. Nhưng không chỉ chống tham nhũng, mà chống cả tiêu cực. Trước thì nói chống tham nhũng, lãng phí, nhưng lãng phí chỉ một khía cạnh thôi", Tổng bí thư nói.

Theo Tổng bí thư, suy thoái về lý tưởng, về đạo đức làm cái gì là cũng nghĩ ngay đến cá nhân chủ nghĩa, rồi đồng lõa với nhau, ăn cắp của nhà nước, cái đó là tiêu cực.

"Chữ tiêu cực rộng lắm, nhưng tôi nói trọng tâm là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Ăn ở làm sao có nghĩa có tình, trung thành với lý tưởng của Đảng, ý chí nguyện vọng của nhân dân, làm việc phải hết lòng hết sức", Tổng bí thư nói.

Tổng bí thư cho biết, xử lý người này để răn đe người khác, giáo dục người khác chứ không phải xử nặng, không có tình, có nghĩa gì với đồng chí của mình.

"Các bác yên tâm về công tác phòng chống tham nhũng, tinh thần của Trung ương, Bộ Chính trị là quyết tâm làm và phải làm. Bác Hồ cũng đã dạy rất nhiều về vấn đề này rồi. Sắp tới phải làm tiếp và cũng đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh", Tổng bí thư nói.

Nói về cách thức tổ chức, vận hành của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sắp tới phải có hướng dẫn thế nào, quy chế làm việc ra sao.

"Nhất là chọn nhân sự thế nào. Chứ ông vào đây chống tham nhũng, ông lại tư túi, ông lại vướng vào tham nhũng thì ông còn chống ai nữa. Ông nào vướng vào đây tôi xử trước, xin nói thẳng là như thế, nếu không không làm được", Tổng bí thư nói.

Phùng Đô

Nguồn : Báo Giao Thông online, 12/25/2022

********************

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về nạn ‘đồng lõa, ăn cắp của nhà nước’

BBC, 12/0/2022

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa đưa ra một số thông điệp về cuộc chiến chống tham nhũng tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.

thamnhung2

Các bị cáo hầu tòa trong một vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ảnh : Hồng Nhung

Truyền thông Việt Nam đưa tin ông Trọng đã có phần "phát biểu giải đáp, làm rõ hơn một số vấn đề" sau khi nghe các ý kiến của các cử tri vào sáng 12/5.

Ông dẫn chiếu tới việc vừa qua Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật cả tập thể tỉnh, cả nguyên Bí thư, nguyên Phó Bí thư, nguyên Chủ tịch tỉnh và rằng những cán bộ bị xem xét kỷ luật "lúc đầu cũng cãi, cũng bảo vệ ý kiến thế nọ, thế kia, nhưng sau đều tâm phục, khẩu phục".

"Tôi đã nói không thể không làm được. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã theo dõi và chỉ đạo rất nhiều vụ. Vừa rồi, mấy vụ khi công bố ra nhân dân hoan nghênh", ông Trọng nói khi dẫn chứng các số vụ án bị xử lý trong hơn 4 tháng đầu năm 2022.

Người đứng đầu Trung ương Đảng mô tả chống tham nhũng là "vấn đề rộng nhưng trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống".

"Rất nhiều biểu hiện tiêu cực, lãng phí cũng là tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, tức anh không trung thành với lý tưởng, anh đi con đường khác, điều đó có đáng chống không ? Suy thoái về lý tưởng, về đạo đức, làm cái gì là cũng nghĩ ngay đến cá nhân, rồi đồng lõa với nhau, ăn cắp của nhà nước, cái đó là tiêu cực".

Tuy nhiên ông Trọng nói rằng việc xử lý cán bộ, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm được làm "rất nghiêm nhưng cũng rất nhân văn, nhân đạo".

"Xử lý vi phạm của người này để răn đe người khác, giáo dục người khác chứ không phải xử nặng, không có tình, có nghĩa. Tôi đã nói không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót. Các đồng chí thấy khi nào tôi nói về vấn đề này cũng đều rất xúc động".

Ông Trọng cũng nhắc lại việc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII mới đây đã "thống nhất rất cao" về việc lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Tuy nhiên ông lưu ý về điều ông gọi là "ban hành quy chế làm việc ra sao".

"Điều quan trọng là chọn nhân sự vào Ban Chỉ đạo này thế nào. Người vào Ban Chỉ đạo này là để chống tham nhũng, nhưng lại tư túi, lại vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa. Ông nào vướng vào đây, tôi xử trước, xin nói thẳng là như thế", Tổng bí thư Trọng nói thêm.

Chỉ đạo của Đảng

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành mới đây bình luận về chủ trương thành lập ban phòng chống tham nhũng cấp tỉnh.

Trả lời BBC từ Hội An, ông Thành nói ông muốn làm rõ vai trò của Đảng như thế nào trong các ban này và cơ chế hoạt động ra sao.

"Vấn đề tôi quan tâm là cơ chế hoạt động các "cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" đó là như thế nào và về pháp lý thì ra sao. Tức là họ sẽ dùng tới nhà nước pháp quyền hay là chỉ đạo của Đảng trong hoạt động đó".

"Tức là cơ sở pháp lý để các ông bí thư tại 63 tỉnh thành đó có những quyền gì, thì nếu có các quyền đó thì cũng phải được qui định rất chi tiết và cụ thể dựa trên pháp luật".

"Nếu không thì không loại trừ sẽ dẫn đến một thực trạng mà nói thì hơi đụng chạm tức là "Đảng trị". Tức là Đảng muốn làm gì thì làm thì cái đó có nên hay không".

"Chúng ta cũng thấy là thời gian qua có những người thuộc lãnh đạo Đảng bộ cấp cơ sở và thậm chí thuộc Trung ương quản lý vi phạm, bị kỷ luật thậm chí bị khởi tố ra tòa và lĩnh án tù. Thế thì nếu những người đó ngồi vào trong các ban bệ phòng chống tham nhũng như vậy thì sẽ ra sao", ông Bùi Kiến Thành nói.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ từ Hà Nội cũng chia sẻ về quan ngại với quy chế làm việc của các ban này.

"Vấn đề nay là lập thành ban bệ và thêm chức năng thôi nên tôi nghĩ cần phải cân nhắc vì "biên chế sẽ tăng lên rất nhiều. Quy chế làm việc thế nào là quan trọng bởi nếu chúng ta làm không khéo có khi lại làm đóng băng việc điều hành của ủy ban nhân dân nếu chức năng bị chồng chéo nhau".

"Tôi thì quan tâm nhất là tính độc lập của các ban này. Vì nếu nó không độc lập thì nó không những không giải quyết được vấn đề mà thậm chí ngược lại vì chẳng hạn cả một tập thể của tỉnh ủy hay thành ủy đó mà có vấn đề rồi thì tôi nghĩ ban như vậy không làm gì được vì dưới quyền của bí thư hoặc thường vụ", ông Thọ nói thêm.

Nguồn : BBC, 12/05/2022