Sri Lanka có nguy cơ vỡ nợ, không trả nổi khoản nợ quốc tế 35,5 tỷ USD
Khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ ngày độc lập hơn 70 năm trước khiến chính phủ Sri Lanka nói họ sẽ phải 'tạm thời vỡ nợ' trong tuần này.
Cùng lúc, một hãng đánh giá tín dụng quốc tế cho rằng "quá trình vỡ nợ quốc gia" của Sri Lanka đã bắt đầu.
Hãng Fitch Ratings hạ điểm về khả năng chi trả của đảo quốc 22 triệu dân ở Nam Á còn S&P Global Ratings cũng cho rằng tình trạng vỡ nợ "đã là một điều hiển nhiên trong một số lĩnh vực kinh tế tài chính Sri Lanka".
Giá sinh hoạt tăng, xăng dầu đắt đỏ, điện liên tục bị cắt khiến người dân xuống đường biểu tình, làm tình hình Sri Lanka thêm nguy cấp.
Chính phủ nay kêu gọi kiều dân, người lao động Sri Lanka ở nước ngoài gửi tiền về cứu nhà, và cứu nước.
Hôm 13/04/2022 Ngân hàng trung ương Sri Lanka kêu gọi hiến tặng tiền USD, euro và bảng Anh để nước này "có thể đáp ứng dịch vụ y tế công, thuốc men và thực phẩm thiết yếu" cho dân.
Thống đốc ngân hàng trung ương Nandalal Weerasinghe xác nhậ khoản nợ cần trả lên tới 51 triệu USD.
Hôm thứ Hai đầu tuần, Sri Lanka phải trả nợ từ lãi suất trái phiếu quốc tế 78 triệu USD.
Tính đến cuối tháng 3 vừa qua, quỹ dự trữ ngoại hối của Sri Lanka chỉ còn 1,93 tỷ USD, mà khoản nợ đáo hạn chỉ trong năm nay đã là 4 tỷ USD.
Sang ngày thứ Ba (12/04), Sri Lanka tuyên bố họ tạm thời xin vỡ nợ với 35,5 tỷ USD, trên tổng số khoản nợ quốc tế 51 tỷ.
Bộ Tài chính nước này đổ lỗi một phần khó khăn kinh tế tài chính cho dịch Covid và chiến tranh ở Ukraine.
Sri Lanka cũng bắt đầu hội đàm với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ tuần sau để vay tiền nhằm cứu nền kinh tế.
Từng là thuộc địa của Anh, Sri Lanka giành độc lập năm 1948.
Nội chiến giữa người Tamil và Sinhala, từ 1983 đến 2009, cộng với xung khắc Phật giáo, Hồi giáo và Ấn giáo làm nước này bất ổn trong nhiều thập niên.
Gần đây, đảo quốc này trở thành ví dụ của các phát triển "rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc" với các khoản vay không trả nổi khiến Sri Lanka phải nhượng một cảng biển lớn cho TQ 99 năm.
Năm 2017, Sri Lanka nhượng cảng Hambantota cho công ty Trung Quốc vì không trả được 1,4 tỷ USD tiền nợ giá thành xây cất.
Nhưng các khoản nợ của Sri Lanka còn đến từ thị trường tiền tệ quốc tế (gần 50%), từ Nhật Bản và một số nước khác chứ không phải chỉ của Trung Quốc.
Nguồn tin BBC Tiếng Việt