Putin sử dụng NATO như một cái cớ để xâm lược Ukraina - Iliya Kusa
Đối với Vladimir Putin, Liên Minh Bắc Đại Dương (NATO) luôn là một mối đe doạ lớn. Matxcơva không ngừng phản đối việc Ukraina gia nhập liên minh quân sự mạnh nhất hành tinh này. Đòi hỏi của Putin là Ukraina phải có quy chế trung lập, nhưng điều này có khả thi với Kiev hay không ?
Những tiếng nổ đầu tiên trên bầu trời Ukraina đánh dấu cuộc tấn công quân sự trên diện rộng của Nga chính thức bắt đầu vào hôm 24/2. Ngay trong tối cùng ngày, tổng thống Ukraina đã đưa ra phát biểu thể hiện mong muốn gia nhập NATO, nhưng không có phản hồi :
"Hôm nay, tôi muốn hỏi lãnh đạo các nước châu Âu là liệu Ukraina có được vào NATO hay không ? Tôi đã hỏi trực tiếp như vậy, nhưng ai cũng lo sợ, không ai trả lời. Nhưng chúng tôi không sợ, chúng tôi không sợ bất cứ thứ gì. Chúng tôi không sợ phải bảo vệ đất nước của chúng tôi. Chúng tôi không sợ Nga, chúng tôi không sợ phải đàm phán với Nga, hay đàm phán về bất cứ điều gì, về việc bảo đảm an ninh cho đất nước chúng tôi. Chúng tôi cũng không sợ phải nói về trung lập, chúng tôi hiện không phải là thành viên của NATO. Nhưng liệu chúng tôi có được bảo đảm từ đâu ? Nhất là quốc gia nào sẽ đưa ra bảo đảm cho chúng tôi ?"
Vấn đề Ukraina gia nhập NATO dường như là vấn đề chính trong các bài diễn văn của Matxcơva từ nhiều tháng qua. Bước sang ngày thứ sáu của cuộc chiến, căng thẳng giữa Nga và Ukraina vẫn chưa có dấu hiệu hoà dịu, Nga vẫn khăng khăng nhất mực yêu cầu lực lượng NATO rút quân tại Đông Âu, chính phủ Ukraina phải được "tẩy trừ ảnh hưởng quốc xã" và bảo đảm giữ quy chế trung lập.
Về chủ đề này, RFI phỏng vấn chuyên gia về quan hệ quốc tế Iliya Kusa, nghiên cứu tại think tank Ukrainian Institute for the Future, có trụ sở tại Kiev. Ông chuyên nghiên cứu, phân tích các chính sách đối nội đối ngoại của Ukraina.
RFI : Trước tiên ông nhìn nhận về hành động xâm lược, gây hấn của Nga từ những ngày qua như thế nào ?
Iliya Kusa : Tôi nghĩ rằng Nga đã tính toán sai lầm nhiều thứ. Đầu tiên họ không nghĩ rằng phương Tây lại phản ứng mạnh mẽ đến vậy, đặc biệt là liên quan đến các lệnh trừng phạt. Thứ hai, họ không ngờ rằng quân đội Ukraina lại phản kháng mạnh đến mức mà họ phải từ bỏ mục tiêu "đánh nhanh thắng nhanh" chỉ trong vài ngày. Hiện giờ, lực lượng Nga đến Ukraina tấn công càng nhiều, thì chiến tranh càng kéo dài lâu hơn. Tôi nghĩ rằng quyết định xâm lược Ukraina của Putin là bản chất của ông ta và ông ta đã tính sai chiến lược. Đó là lý do tại sao ông ta không thể chấp nhận lùi bước bởi vì điều đó có nghĩa là ông ta đã sai lầm. Trong tâm lý và văn hoá hậu Liên Xô, chấp nhận lỗi sai tức là bạn đã làm sai và bạn không còn tư cách làm lãnh đạo nữa. Với Putin, đó là một vấn đề, vì ông ta muốn lãnh đạo mọi thứ, nắm giữ quyền lực. Nếu Putin nói, "được thôi, tôi đã sai" và lùi bước trước áp lực của nước ngoài, nghĩa là ông ta là một lãnh đạo tồi và có thể sẽ mất đi quyền lực
RFI: Trong cuộc khủng hoảng Ukraina, khả năng Ukraina gia nhập NATO dường như là nguồn cơ của các cuộc leo thang ? Ông đánh giá như thế nào về việc này ?
Iliya Kusa : Tôi không cho rằng NATO là nguyên nhân thật sự. Tất cả mọi người ở Ukraina đều biết điều đó. Đó không còn là bí mật về việc hồ sơ Ukraina muốn gia nhập NATO bị chặn lại từ 2008 khi Đức và các quốc gia châu Âu không chấp nhận Ukraina làm thành viên tại hội nghị thượng đỉnh Bucarest. Cho đến nay tình hình không có nhiều thay đổi.
Tôi nghĩ rằng Nga chỉ sử dụng NATO làm cái cớ để áp đặt các điều kiện chính trị mới đối với Ukraina. Mong muốn thực sự của Nga là Ukraina thực hiện quy chế trung lập và Ukraina công nhận Crimée là một phần lãnh thổ của Nga (vì chúng tôi vẫn chưa công nhận từ 2014). Thứ ba, Matxcơva muốn gây sức ép bắt Ukraina nhượng bộ liên quan đến tiến trình của Thỏa Thuận Minks. Tôi nghĩ rằng Putin dùng quân bài NATO để giải thích cho người Nga về về cuộc chiến và nguy hiểm lớn mà Nga phải đối mặt. Putin đã sử dụng nó từ nhiều năm nay trong các bài hùng biện của mình. Bởi vì Putin không chỉ coi khối này như là một liên minh quân sự tự vệ mà là một công cụ tạo ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở châu Âu. Đó là lý do tại sao họ cần lời giải thích để gây chiến với Ukraina
RFI : Ngay vào ngày cuộc chiến bắt đầu, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky một lần nữa đã thể hiện mong muốn gia nhập NATO, điều mà Nga nhất mực phản đối. Giả sử như tổng thống Ukraina ngay từ khi căng thẳng leo thang, thể hiện rõ thái độ là không gia nhập NATO, điều này liệu có thể ngăn chặn được chiến tranh xảy ra hay không ?
Iliya Kusa : Điều này không giải quyết vấn đề với Nga. Tôi nghĩ rằng ông ấy không tuyên bố như vậy bởi vì công luận Ukraina ủng hộ Nato, hơn 55 %. Dĩ nhiên ông ấy không thể nói như vậy vì như thế sẽ đánh mất sự tín nhiệm và mọi người sẽ nổi dậy phản kháng. Tôi không nghĩ rằng Putin quan tâm đến các tuyên bố hay quyết định của Ukraina. Bởi vì từ 2020, lãnh đạo Nga không quan tâm đến các hành động của Zelensky nữa. Năm 2020 là lần cuối cùng Nga nỗ lực đàm phán với phương Tây và chính phủ Ukraina, nhưng họ đã thất bại. Kể từ đó họ quyết định : "được thôi, chúng tôi không đàm phán với Ukraina nữa mà nói chuyện trực tiếp với Mỹ" bởi vì họ tuyên bố là Ukraina thân Mỹ. Từ đó đến nay, đối thoại giữa Kiev và Matxcơva vẫn khó khăn. Putin quyết định như vậy vì ông ta cho rằng trên nhiều lĩnh vực địa chính trị toàn cầu, chỉ có Nga và Mỹ mà thôi.
RFI : Đối với yêu cầu thực hiện quy chế trung lập của Putin mà ông đã nhắc đến ở trên, vậy theo ông, Ukraina có khả năng sẽ tính đến phương án này hay chỉ là ảo tưởng ?
Iliya Kusa : Đó không phải là ảo tưởng mà vấn đề là sự bảo đảm. Câu hỏi chính ở đây đó là liệu quốc gia nào và sự bảo đảm nào cho an ninh của Ukraina. Đó chính là câu hỏi lớn để thực hiện quy chế trung lập. Trạng thái trung lập có thể được duy trì khi chúng tôi nhận được những bảo đảm đáng tin cậy từ các thể chế quốc tế khác nhau.
Đó là một vấn đề lớn vì không có bất cứ đàm phán nào liên quan đến sự trung lập của Ukraina với bất cứ quốc gia nào và không ai muốn đứng ra bảo đảm cho an ninh Ukraina. Lần cuối cùng chúng tôi nhận được bảo đảm về an ninh vào năm 1994 khi Ukraina quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân sau khi Liên Xô tan rã.
Cho đến năm 2014, Nga quyết định xâm lược Crimea và không ai nói gì cả. Điều đó có nghĩa là những bảo đảm mà chúng tôi nhận được thực ra lại chỉ là những lời hứa hão. Đó là lý do tại sao rất khó để đàm phán về trung lập.
RFI : Gần đây, hình ảnh lãnh đạo của Ukraina Volodymyr Zelensky được báo chí quốc tế quan tâm, nhất là xuất thân từ nghệ sỹ hài của ông. Năm 2019, Zelensky đắc cử với 73 % phiếu ủng hộ, đây là tỉ lệ kỷ lục của Ukraina. Cho đến nay, theo ông, liệu người dân Ukraina vẫn duy trì niềm tin vào lãnh đạo của Zelensky hay không ?
Iliya Kusa : Chiến tranh thường gắn kết mọi người lại hơn. Tôi cho rằng đa số người Ukraina vẫn tin tưởng vào tổng thống và chính phủ, bởi hiện nay chúng tôi đang trải qua thời kỳ khó khăn. Tất cả mọi người đều hợp lực với chính phủ vì đây là cách duy nhất để bảo vệ đất nước chúng tôi. Theo tôi, Zelensky thể hiện là một người lãnh đạo tốt, một lãnh đạo quân sự và đàm phán có năng lực. Và không giống như người tiền nhiệm cựu tổng thống Viktor Ianoukovich, ông ấy không chạy chốn khỏi đất nước cũng như không khuất phục trước các áp lực quốc tế. Tôi nghĩ rằng điều này làm tăng thêm tín nhiệm của ông ấy. Nếu như chiến sự kết thúc có lợi cho Ukraina, ghế của ông ấy thêm vững chắc và trong tương lai, ông ấy có thể tái đắc cử vì khủng hoảng chính là thời điểm thử thách vai trò lãnh đạo (và ông ấy đã qua bài kiểm tra).
RFI : Theo ông, đâu là kịch bản lý tưởng nhất để kết thúc chiến tranh Ukraina ?
Iliya Kusa : Điều này phụ thuộc vào lý tưởng cho bên nào. Đối với Nga, đó là thay đổi chế độ và thiết lập chính phủ bù nhìn và hợp pháp hóa việc Nga sáp nhập Crimea và một số thứ khác. Tôi nghĩ kịch bản lý tưởng nhất đó là Zelensky và Putin đó là giải quyết các quan điểm khác biệt, dù khá phức tạp để có thể tiến đến đàm phán một cách cơ bản về quan hệ giữa Nga và Ukraina. Nga nên nhượng bộ, thay đổi cách nhìn nhận Ukraina như là một thuộc địa. Tôi nghĩ rằng điểm khó khăn (sticky point) trong quan hệ giữa chúng tôi và Nga, đó là Nga không chấp nhận Ukraina trở thành một nước độc lập. Trong bài phát biểu của Putin vào 21/02, ông ta nói rõ rằng chúng tôi chỉ là một đất nước giả (artificial state). Tôi cho rằng hai nước sẽ không thể thỏa hiệp ngay được, bước đầu tiên sẽ là lệnh ngừng bắn.
RFI xin cảm ơn các đánh giá, phân tích của ông Iliya Kusa, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Ukrainian Institute for the Future tại Kiev. Ông đã có nhiều nghiên cứu về Trung Đông và các chính sách đối ngoại của Kiev từ sau 2014 và các chính sách châu Âu.
Nguồn tin RFI Tiếng Việt