Niall Ferguson và Francis Fukuyama tranh luận ai có lỗi với Ukraine

Hai nhà nghiên cứu nổi tiếng ở Hoa Kỳ, vừa tham gia một cuộc thảo luận để cho biết phân tích của họ về khủng hoảng ở Ukraine.

Biden và Putn

Niall Ferguson, nhà sử học người Scotland đang sống ở Hoa Kỳ, rất nổi danh với các sách như Empire, Colossus. Năm 2015, ông ra tập đầu bộ sách về Henry Kissinger, Kissinger: 1923-1968: The Idealist.

Francis Fukuyama, nhà khoa học chính trị người Mỹ, lần đầu vang danh với cuốn The End of History and the Last Man (1992) và sau này đã viết hàng loạt sách có ảnh hưởng lớn.

"Vào tháng 7 năm ngoái, Putin đã xuất bản một bài luận giả lịch sử kỳ lạ, "Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine", về cơ bản nói rằng nền độc lập của Ukraine là một dị thường lịch sử. Và khi tôi đọc bài luận khi tôi ở Kyiv vào tháng 9, tôi nhận ra rằng Ukraine tiêu tùng rồi. Ông ta sẽ phá bỏ nền độc lập của Ukraine hoặc, có thể khả dĩ hơn, giảm xuống thành một nhà nước bù nhìn tương tự như Belarus hoặc Kazakhstan — rõ ràng là trong phạm vi ảnh hưởng của Nga và không có nguy cơ trở thành một nền dân chủ thành công theo hướng phương Tây hoặc một thành viên của Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)."

Ukraine bị lôi kéo vào cuộc chiến năm 2014 khi phe ly khai thân Nga chiếm giữ các khu vực ở phía đông

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ukraine bị lôi kéo vào cuộc chiến năm 2014 khi phe ly khai thân Nga chiếm giữ các khu vực ở phía đông

Francis Fukuyama ca ngợi Tổng thống Joe Biden:

"Tôi nghĩ rằng ông ấy đã tuyệt vời trong việc tập hợp toàn bộ liên minh NATO để chống lại Putin, chẳng hạn như chuyển nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang châu Âu để họ có thể chịu đựng việc Nga cắt khí đốt trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Ông có lẽ là người chịu trách nhiệm lớn nhất về sự thay đổi đáng kinh ngạc trong chính sách đối ngoại của Đức: người Đức đã từ bỏ 40 năm lấy lòng Nga, là dấu ấn qua nhiệm kỳ của Angela Merkel. Thủ tướng Olaf Scholz đã tuyên bố tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng của Đức và ông sẵn sàng chuyển vũ khí cho Ukraine. Những động thái đó là kết quả của nhiều hoạt động ngoại giao diễn ra trong thời gian kéo dài nhiều tuần dẫn đến chiến tranh. Biden hoàn toàn không phải là một tổng thống thành công về chính sách đối ngoại — việc rút quân khỏi Afghanistan thực sự là một thất bại — nhưng tôi nghĩ rằng, theo nhiều cách, về cơ bản, ông ấy đã tự sửa chữa khá nhiều."

Nhưng Niall Ferguson không tán thành:

"Trong nền văn học Nga, có một cuốn tiểu thuyết rất hay: Gã khờ của Dostoevsky. Biden là gã khờ. Lý do điều này xảy ra là vì chính quyền Biden đã làm chậm lại việc giao vũ khí cho Ukraine, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với đường ống Nord Stream 2 mà sẽ bỏ qua Ukraine, báo hiệu với Nga rằng Mỹ sẽ không hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự, và do đó đã nói rõ cho Putin rằng ông ta có cơ hội thực hiện hành động quân sự mà chỉ phải sợ các biện pháp trừng phạt mà thôi. Chiến lược của chính quyền Mỹ là đe dọa các lệnh trừng phạt tồi tệ nhất — cứ làm như lệnh trừng phạt sẽ ngăn cản Putin. Sau đó, họ đã thử một điều gì đó thậm chí còn điên rồ hơn, đó là nói, "Nga sẽ xâm lược và chúng tôi biết ngày rồi" — làm như sẽ ngăn Putin xâm lược. Và điều tồi tệ nhất mà họ làm là kêu gọi Trung Quốc can ngăn xâm lược, trong khi Trung Quốc đã bật đèn xanh cho Putin với điều kiện không được làm cho đến sau Thế vận hội Bắc Kinh."

Nhà thờ Thánh Sophia ở Kyiv

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Nhà thờ Thánh Sophia ở Kyiv

Được hỏi vì sao Tổng thống Vladimir Putin muốn xâm lược Ukraine, Francis Fukuyama nói:

"Putin muốn thống nhất Belarus, Ukraine và Nga. Ông ấy không tin rằng họ nên tách biệt."

"Ngoài ra, tôi nghĩ rằng nếu nhìn vào yêu cầu của họ trong các cuộc đàm phán dẫn đến cuộc xâm lược, họ cũng muốn NATO bé lại - không chỉ từ bỏ việc mở rộng sang Ukraine, mà còn quay lại những năm 1990."

"Không giống như Niall, tôi nghĩ quyết định của Hoa Kỳ cung cấp tất cả thông tin tình báo này và dự đoán cuộc xâm lược thực sự là một chiến lược tuyệt vời. Chúng ta biết rằng người Nga sẽ tung ra những câu chuyện sai sự thật về những gì họ đang làm ở Ukraine. Và tôi nghĩ rằng chính quyền đã giải mật rất nhiều thông tin tình báo để mọi người sẵn sàng, để họ không tin một số thứ đến từ Nga. Và nó đã rất hiệu quả."

Niall Ferguson nêu ý kiến:

"Vấn đề là chúng ta đã tạo ra khả năng Ukraine gia nhập NATO và gia nhập Liên minh châu Âu. Nhưng thái độ thực tế của chúng ta giống như tranh biếm của tờ New Yorker về anh chàng trên điện thoại nói: "Không, tôi không thể làm trong thứ Năm. Không bao giờ luôn đi?" Chúng ta chưa bao giờ nghiêm túc muốn họ gia nhập NATO hoặc EU. Chúng ta đã không cung cấp gần như đủ vũ khí cho họ để ngăn chặn Nga tấn công. Và kết quả là một cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn mà lẽ ra có thể tránh được."

Quảng trường Độc lập ở Kyiv

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh,

Quảng trường Độc lập ở Kyiv

Được hỏi lẽ ra nên làm gì, Niall Ferguson nói:

"Có hai sự lựa chọn, và chúng ta đã bỏ đi cả hai. Hoặc yêu cầu Ukraine chấp nhận trung lập, bởi vì nếu không, người Nga sẽ xâm lược và chúng ta sẽ không chiến đấu — đây là điều mà Henry Kissinger đã đề xuất hồi năm 2014 — hoặc bạn phải trang bị vũ khí đầy đủ cho người Ukraine để họ có thể ngăn chặn người Nga. Và chúng ta đã không làm."

Nhưng Francis Fukuyama không tán thành ý kiến trên:

"Một phần lý do giúp Ukraine đang làm Nga sa lầy là chúng ta đã nâng cấp rất nhiều vũ khí cho họ. Chúng ta đã đào tạo cho họ. Chúng ta đã cho họ hợp tác tình báo. Những gì bạn đề xuất rằng ta có thể đã làm, đều phi thực tế."

Nhìn về tương lai, Niall Ferguson suy tư:

"Những gì phương Tây nên làm là cố gắng, nếu có thể, để giữ cho sự kháng cự của người Ukraine không bị sụp đổ, mặc dù tôi nghĩ rằng gần như chắc chắn là quá muộn."

"Và nếu không thể ngăn cản chiến thắng của Nga, thì nên tìm cách môi giới một lệnh ngừng bắn. Đây là vở kịch năm 1973 mà Kissinger đã sử dụng khi Israel, cũng không phải là thành viên NATO, bị Ai Cập, Syria và các quốc gia Ả Rập khác tấn công. Thủ đoạn của Kissinger là cung cấp cho người Israel đủ vũ khí để họ có thể tránh thất bại, nhưng cũng không quá nhiều để họ hoàn toàn áp đảo người Ả Rập. Sau đó, ông ta làm trung gian cho lệnh ngừng bắn và đảm bảo rằng Hoa Kỳ chủ động và người Nga về cơ bản đã bị gạt ra ngoài lề."

"Những gì chúng ta đang làm vào lúc này gần như hoàn toàn ngược lại. Chúng ta đang cung cấp những vũ khí là vỗ tay, bài xã luận và bài phát biểu mạnh mẽ thay vì phần cứng mà người Ukraine cần."

"Điều thực sự khiến tôi khó chịu nhất, là hiệu ứng mà một thảm họa này dẫn đến một thảm họa khác: không nghi ngờ gì nữa, tại một thời điểm nào đó sẽ có một cuộc khủng hoảng về tham vọng trở thành cường quốc hạt nhân của Iran, và sẽ có một cuộc khủng hoảng Đài Loan. Và chúng ta đang tiến tới những cuộc khủng hoảng này với tư thế yếu đáng kể, và tôi thực sự không thể nhìn lại và nói rằng chính quyền Biden đã làm bất cứ điều gì khác ngoài việc vớ va vớ vẩn."

Francis Fukuyama không đồng tình:

"Bạn đang tỏ ra quá tiêu cực về tình hình ở Ukraine. Tình hình ở Ukraine gần như không tồi tệ như bạn đang miêu tả."

"Ngay cả nếu Nga xóa bỏ được chế độ Zelensky, họ sẽ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy kéo dài, bởi vì người Ukraine đoàn kết hơn bao giờ hết."

"Chúng ta đang làm rất nhiều, và ý tưởng rằng chúng ta biết Putin cuối cùng sẽ giành chiến thắng, thì thật là tiêu cực."

Nguồn tin BBC Tiếng Việt