Học online quá lâu gây sang chấn tâm lý cho trẻ

Theo bác sĩ Lê Phương, chuyên gia tâm lý gia đình và giới trẻ, đang hành nghề tại Bắc California, dịch bệnh và chuyện học online ở nhà làm thay đổi cơ cấu sinh hoạt đều đặn hàng ngày của học sinh. Đặc biệt tuổi càng nhỏ thì ảnh hưởng càng lớn :

online1

Một em học sinh học môn thể dục online khi cha đang làm việc ở tại một cửa hàng ở Hà Nội hôm 16/9/2021 - AFP

"Là bởi vì các em rất cần cái structure (khuôn khổ) và cái routine (lịch trình một sinh hoạt) đều đặn. Thí dụ sáng mấy giờ phải dậy, mấy giờ phải ăn sáng, mấy giờ phải có mặc ở trường. Đối với trẻ càng nhỏ chừng nào thì những điều này càng quan trọng chừng đó.

Nguy hiểm nhất là routine - cái sinh hoạt hàng ngày bị xáo trộn. Trong thời gian trẻ học online ở nhà thì cha mẹ có tâm lý "thả nổi", ngủ dậy trễ một tí cũng được, ăn sáng trễ một tí cũng được. Nhưng mà câu trả lời là không được, cha mẹ cần phải giữ cho trẻ nếp sinh hoạt càng giống giờ học ở trường càng tốt. Rồi trong thời gian đầu online mấy ngày đầu, mấy tuần đầu, thì mình phải ngồi cạnh để tập cho các em quen với cái sinh hoạt mới".

Để tránh lây nhiễm Covid-19, Việt Nam cho phép học online ở nhà từ năm ngoái. Chuyên gia trong nước quan ngại việc học online quá lâu khiến trẻ bị sang chấn tâm lý.

"Có người nói là ảnh hưởng về mặt tâm lý, có người nói là sang chấn tâm lý, cơ bản cũng không có gì khác biệt đâu. Ảnh hưởng về mặt tâm lý hiểu theo nghĩa là cả tích cực và tiêu cực, nhưng mà sang chấn tâm lý thì nó thiên về tiêu cực nhiều hơn".

Đó là lời ông Phạm, một phụ huynh ở Hà Nội, có hai con đang học online gần một năm nay. Theo ông thì dấu hiệu khác thường đầu tiên mà ông nhận thấy nơi con là :

"Mỗi một tháng cháu nào cũng tăng cân rưỡi, hai cân, gia đình đang tìm mọi cách giảm cân cho các cháu. Lúc nào các cháu cũng tỏ ra mệt mỏ, uể oải. Đặc biệt phụ huynh có con em học lớp một thì vô cùng vất vả. Trẻ lớp một, sáu tuổi, ngồi tám tiếng đồng hồ/ngày trước máy tính thì làm sao có thể giữ được trạng thái tinh thần bình thường tỉnh tháo được".

"Trước đây khi được đến trường thì các cháu rất vui vẻ, thích kể cho cha mẹ nghe những câu chuyện ở trường, thầy cô như thế nào, bạn bè ra sao. Nhưng bây giờ học online cháu chẳng có gì để kể. Không có gì để kể nên cảm giác là cháu không hào hứng trong chuyện học hành, đầu óc không tập trung. Tôi hỏi thì cháu bảo là mỏi mắt và đau đầu. Rõ ràng có sang chấn về mặt tâm lý, và nếu tình trạng này kéo dài thì các cháu có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, stress".

Điều đáng mừng, vẫn theo ông Phạm, là Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam cũng đã nhận thức được vấn đề. Chính vì vậy đã có sự quyết tâm đưa trẻ trở lại trường để thay đổi và cải thiện môi trường học tập cho các cháu. 

online2

Một em học sinh được mẹ giúp học lớp học văn online tại một cửa hàng ở Hà Nội hôm 16/9/2021. AFP

Phụ huynh thứ hai, ông Minh, cũng là cư dân Hà Nội, cũng có hai con đã học online từ tháng tư năm ngoái đến giờ : 

"Cháu thứ nhất học lớp hai, vì nó học online ngay từ lúc mẫu giáo lớn rồi thì không sao. Thế nhưng cháu thứ hai bốn tuổi, học mẫu giáo nhỡ thì có vấn đề.

Thằng lớn thì đúng là nó học online nhiều quá, cả thể dục và âm nhạc thì online kiểu gì vậy mà vẫn phải học. Cuối cùng thì phải bắt con đứng lên không cho ngồi nhiều như thế. Rõ ràng học online thì thằng thứ hai nhà tôi không có bạn chơi, mà mẫu giáo nhỡ là thời điểm buộc phải có bạn để cùng học".

Đối với câu hỏi trong quá trình con học ở nhà thì cha mẹ có gây chấn thương tâm lý cho con không, Ông Minh khẳng định câu trả lời là có : 

"Như tôi thì ở nhà để trông hai đứa, tôi chuyển từ work offline sang work online, làm việc ở nhà. Mình cũng bận công việc của mình, đang vui vẻ với nó mà cuối cùng phải trông nó đâm ra có lúc bực mình cáu lên là quát tháo mắng mỏ làm chúng nó bị ảnh hưởng. Nhiều gia đình khác theo tôi biết cha mẹ còn đánh cả con nữa, sang chấn tâm lý là chỗ đấy".

Thực chất học sinh tuổi teen và tuổi nhỏ học online quá lâu thì có bị sang chấn tâm lý hay không còn tùy thuộc hoàn cảnh gia đình, phương cách giám sát của cha mẹ, cùng với sự chấp nhận học online là việc chẳng đặng đừng, xử lý tình huống ấy mới là cần thiết.

Đây là phần giải bày của nhà xã hội học ở Đà Nẵng, bà Duyên Hồng, có hai con gái trong độ tuổi đang lớn và đang học online ở nhà như bao nhiêu bạn khác :

"Vì dịch bệnh thì nhà trường bắt buộc phải đầu tư vào hệ thống và cách dạy online. Nếu mà phó mặc cho nhà trường hết thì đúng là khủng hoảng thật.

Trẻ con nhà em vì mẹ cũng làm việc ở nhà, b mẹ con cũng làm việc với nhau. Chúng nó cũng nhìn thấy mẹ làm việc nghiêm túc, đàng hoàng, họp hành online thì vẫn áo quần chỉn chu, nên con em coi việc học online là một cách học nghiêm túc.

Hôm vừa rồi đi du lịch cùng với mẹ thì nó vẫn học online được, không phải nghỉ học và thầy cô vẫn chấm điểm chuyên cần cho cháu. Học online thì ngày nào chúng nó cũng gọi cho nhau, làm bài tập với nhau rất vui. Điều tụi nó than phiền là vì dịch mà không được hội họp, không được tổ chức những sự kiện thi hát thi múa vân vân ở trường, tụi nó buồn vì cái việc đó".

Trong lúc chờ dịch bệnh và giãn cách chấm dứt, bà Duyên Hồng nói tiếp, thiết tưởng cách hay nhất là gia đình nên cố gắng tạo cho trẻ môi trường học tập thoải mái trong kỷ luật : 

"Học trực tuyến trên Internet sẽ trở thành chuyện bình thường của xã hội hiện đại trong tương lai. Trẻ không bắt kịp được, không thấy thoải mái trong môi trường đó thì nó sẽ khó hòa nhập vào thế giới mới sau Covid.

Cái điều ảnh hưởng đến tâm lý đó là 100% online hoặc khi online khi offline thì nó đều giảm sự tập trung nơi trẻ. Nếu phụ huynh đi làm cả ngày, không có thời gian trông con, cũng chưa rèn cho con tính tự giác và tinh thần kỷ luật, rồi đổ lỗi cho việc học online làm trẻ con hoang mang, kiểu như mình không biến được thách thức thành cơ hội để mình dạy con của mình".

Các chuyên gia tâm lý trong nước vẫn khẳng định với báo chí rằng dù gì đi nữa thì cũng không nên để trẻ con học online ở nhà quá lâu, nhất là những trẻ mà cha mẹ đi làm tối ngày đến không có thì giờ trông nom săn sóc con. 

Liên quan đến vấn đề học online, từ đầu 2022, Thủ tướng Việt Nam đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số giáo dục, trong đó có phần đề cập đến việc học online của học sinh trong bối cảnh dịch bệnh khiến các em không thể đến trường.

Giãn cách xã hội nhằm tránh sự lây nhiễm Covid-19 còn dẫn đến việc con trẻ chết vì bị điện giật hay vì điện thoại nổ trong thời gian học online ở nhà.

Nhiều chuyện không hay xảy ra khi trẻ phải ngồi nhà học online mà không có sự giám sát của người lớn. Quan trong nhất về mặt tâm lý là trẻ có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tính và cách ứng xử của các em trong tương lai.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 23/03/2022