Khi nhà băng ‘ôm’ nợ xấu (Hiền Lương)
Do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp không trả được nợ ngân hàng, tất yếu nợ xấu của nhà băng tăng lên…
Dịch Covid-19 dẫn tới giãn cách toàn xã hội trong quý III/2021 đã tác động lớn tới nền kinh tế, theo đó, cơ cấu nhóm nợ tại các ngân hàng thay đổi, tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng cao.
Nợ xấu ngân hàng : Nỗi lo vơi lại đầy
Dựa vào báo cáo tài chính hợp nhất quý 4-2021 vừa được các ngân hàng công bố, có thể thấy vị trí bảng xếp hạng top 10 về nợ xấu đã có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, VPBank, VietinBank và BIDV là ba gương mặt có khoản nợ xấu cao hàng đầu, từ 13.000 – 16.000 tỷ đồng. 7 thành viên còn lại trong top 10 đều có khoản nợ xấu dao động từ 3.000 – 6.000 tỷ đồng.
Cụ thể, khép lại năm tài chính 2021, VPBank dẫn đầu trong top 10 ngân hàng ôm nợ xấu nhiều với hơn 15.800 tỷ đồng, tăng 60% so với năm trước. Về chất lượng nợ vay, nợ nghi ngờ của VPBank tăng đáng kể, nhưng nợ có khả năng mất vốn giảm đi một nửa. Nếu xét riêng ngân hàng mẹ thì nợ xấu ngân hàng mẹ có phần đi ngang.
VietinBank cũng bị đẩy lên một bậc so với năm trước, xếp hạng 2/10 khi gánh khoản nợ xấu gần 14.300 tỷ đồng, tăng gần 49% so với năm trước. Diễn biến này đến từ việc khoản nợ dưới chuẩn (nhóm 3) tăng mạnh gần 275% lên hơn 7.000 tỷ đồng.
BIDV lùi xuống vị trí thứ ba về nợ xấu trong năm 2021 sau khi dẫn đầu ở năm trước đó. Cụ thể, năm qua khoản nợ xấu của nhà băng này đã giảm gần 38% xuống còn hơn 13.200 tỷ đồng. Trong đó nhóm nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh tới 58%, kéo tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm xuống.
7 ngân hàng còn lại trong top 10 về nợ xấu gồm có Vietcombank (6.100 tỷ đồng), Sacombank (5.700 tỷ đồng), SHB (5.100 tỷ đồng), VIB (4.600 tỷ đồng), HDBank (3.300 tỷ đồng), MB (3.200 tỷ đồng) và ACB (2.800 tỷ đồng)
Như vậy trong bảng xếp hạng 10 ngân hàng có nợ xấu lớn nhất năm 2021, HDBank và ACB là hai gương mặt mới gia nhập, Eximbank và LienVietPostBank đã rời khỏi danh sách.
Nói về nợ xấu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết : "Do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp không trả được nợ, tất yếu nợ xấu tăng lên. Đây chính là nợ xấu của nền kinh tế, hoàn toàn do khách quan, do dịch tác động. Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện rất rõ vấn đề này và xác định đó là thách thức rất lớn phải đối mặt trong năm tới, thậm chí cả những năm sau đó. Vì vậy về lâu dài, muốn kiểm soát được nợ xấu, giảm được nợ xấu thì phải làm cho doanh nghiệp thoát ra khỏi khó khăn, sớm phục hồi trở lại hoạt động bình thường".
Nhìn từ ACB : tăng trưởng dương 25% so cùng kỳ
Có thể viện dẫn số liệu của ACB cho minh họa ý kiến của Phó Thống đốc Đào Minh Tú. Theo báo cáo tài chính quý IV/2021, ACB báo lãi trước thuế sụt giảm 4,8% trong quý IV/2021 do tốc độ tăng của chi phí dự phòng nhanh hơn so với thu nhập. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ACB trong quý IV/2021, đạt 4.794 tỷ đồng, tăng gần 8,6%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh tới 84%, đạt 746,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh khác cũng khởi sắc, trong đó lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 238 tỷ đồng, tăng 20% ; lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư tăng 24,5% và lãi thuần từ hoạt động khác đạt 69 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Trong khi đó, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tại ACB trong kỳ cũng được đẩy lên cao, thậm chí tăng bằng lần. Cụ thể, chi phí hoạt động tăng 654 tỷ đồng lên 2.417 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp 2,1 lần lên 524 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, tổng thu nhập hoạt động của ACB đạt 23.564 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm liền trước.
Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 18.944 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm trước. Lãi thuần từ dịch vụ đạt 2.894 tỷ đồng, tăng hơn 70% ; Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 871 tỷ đồng, tăng 26,7% ; Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 450 tỷ đồng, tăng 171%.
Trong năm, ACB mạnh tay tăng trích lập dự phòng rủi ro (gấp 3,5 lần lên 3.336 tỷ đồng so với năm 2020).
Kết năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 25%, đạt 12.000 tỷ đồng. Kết quả này vượt 13% kế hoạch lợi nhuận ACB đã đề ra.
Tại thời điểm 31-12-2021, ACB có tổng tài sản là 527.000 tỷ đồng, tăng 18,7%. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 16,3%. Tiền gửi khách hàng là 380.000 tỷ đồng, tăng 7,6%.
"Những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt gãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ… sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng năm 2022 do có độ trễ. Nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu hiện nay khoảng 7,31%", ông Đào Minh Tú nhìn nhận.
Hiền Lương
Nguồn : VNTB, 10/02/2022