Con thuyền ma (Doãn Quốc Sỹ)
Truyện ngắn "Con thuyền ma" của Doãn Quốc Sỹ viết cách đây 65 năm nên đọc và đối chiếu với phát biểu rất "nổi tiếng" (1) của ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng : "Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ Nghĩa Xã Hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa !" (nhưng Đảng vẫn kiên trì lèo lái… chiếc thuyền ma !).
Lời tòa soạn : Doãn Quốc Sỹ là nhà văn lão thành, vừa mừng thượng thọ 100 tuổi, có một vị trí quan trọng đặc biệt trong lịch sử văn học và cả lịch sử chính trị của nước ta mặc dù ông không hoạt động chính trị, không tham chính, mặc dù ông bị chính quyền cộng sản Việt Nam gán tội "biệt kích cầm bút" và bỏ tù 14 năm, mặc dù ông sống một cuộc đời nhân hậu, hiền lành, mẫu mực, trong sạch và trong sáng. Ngoài giá trị văn chương, tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ phản ảnh các giai đoạn lịch sử, tình yêu người, tình yêu quê hương, dân tộc, triết lý sống và sự phân biệt thiện, ác rạch ròi. Đảng cộng sản căm giận ông vì bằng bút pháp rất nhẹ nhàng, ôn hoà mà sâu sắc, thấm thía, ông đã phơi bầy, rất sớm, sự thật không thể phủ nhận : chủ nghĩa cộng sản căn bản là một chủ thuyết sai lầm, một tà thuyết tạo nên chế độ chính trị độc ác, gian trá, tuyên truyền mê hoặc, gạt gẫm ở Việt Nam, dẫn đến cảnh núi xương sông máu cùng những tan nát, đọa đày, thống khổ, trụy lạc, suy đồi cho đến hôm nay.
Truyện ngắn "Con thuyền ma" của Doãn Quốc Sỹ viết cách đây 65 năm nên đọc và đối chiếu với phát biểu rất "nổi tiếng" (1) của ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng : "Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ Nghĩa Xã Hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa !" (nhưng Đảng vẫn kiên trì lèo lái… chiếc thuyền ma !).
Thông Luận
Mừng sinh nhật 99 tuổi (17/02/1923) Nhà văn Doãn Quốc Sỹ
**********************
Con thuyền ma
Xưa có một đoàn người hẹn cùng gặp nhau ở miền biên giới nọ. Họ gồm chừng ba mươi tráng sĩ, thân nhau như anh em, đều là những tay phiêu lưu cự phách ; chuyến này họ trù tính đi lâu để thăm nhiều miền xa lạ.
Sau mấy tháng vượt đèo cao, rừng rậm, đoàn tráng sĩ tới một miền duyên hải vô cùng hoang vắng, dân cư không thấy bóng một ai, mặc dầu hai bên đường có vô số nhà cửa bỏ không.
Ở đây vừa có bệnh dịch tàn sát dân vùng chăng ? Những người sống sót phải tản cư đi các miền xa lánh nạn chăng ?
Thật ra thì dân chúng tản đi vì họ cho rằng Trời đã bỏ quên không nhìn nhận miền này, để mặc cho yêu khí xuất hiện. Yêu khí xuất hiện thành một hòn đảo, đứng trên bãi cát thì nhìn thấy rõ, nhưng hễ bước xuống thuyền định chèo tới đảo thì lại không thấy gì cả.
Các tráng sĩ cho ngựa leo lên một khoảng cao rộng để phóng tầm mắt nhìn ra xa. Lúc đó mặt trời vừa lặn.
Hoàng hôn.
Trong ánh vàng bâng khuâng của buổi chiều tà, đoàn người phiêu lưu bỗng thấy một niềm hoang loạn nung chẩy trong không khí. Cả vũ trụ cơ hồ sắp vĩnh viễn tàn theo buổi chiều. Có điều phải công nhận : ánh hoàng hôn hôm đó tuyệt đẹp. Rừng, núi, biển như cao, rộng thêm. Cả đoàn tráng sĩ có cảm tưởng kỳ dị như đương cưỡi ngựa đi giữa thinh không.
Gió ngoài khơi thổi táp vào núi, không ra nhẹ không ra mạnh.
Thăm thẳm dưới chân họ là một vùng biển bao la.
Mặc dầu họ là những tay phiêu lưu kỳ cựu, mặc dầu họ đã làm quen với biết bao gian nguy mà sao họ đều thấy rờn rợn và làn gió như thổi vào hồn họ những xao xuyến, những kinh hoàng. Họ đắm đuối nhìn cả mìền duyên hải với núi non lởm chởm, với những thành đá cao vòi vọi đứng dựng thành một bức tường vô tận chạy thẳng tắp tới chân trời. Tiếng sóng rầm rộ xô vào chân núi và tiếng một loài chim lạ vang lên rõ rệt. Không khí đượm vẻ ma quái hoang vu. Ánh hoàng hôn trước khi tắt chợt bùng lên muôn phần huy hoàng. Đoàn người cùng reo vui, vì họ vừa chợt nhận thấy một hòn đảo xuất hiện nơi xa.
Hòn đảo xuất hiện với một khoảng lớn màu vàng đậm. Chính giữa có một vệt sáng lấp lánh. Xung quanh vệt sáng là đường viền xanh thẫm với những điểm trắng nhỏ lay động luôn luôn.
Một tráng sĩ có biệt tài nhìn xa bèn dùng nhãn lực để quan sát. Lát sau tráng sĩ đó nói :
- Mầu vàng trên đảo là mầu lúa chín. Điểm sáng lấp lánh là hồ nước ngọt, Xung quanh là cây xanh. Bên bờ hồ có một bầy tiên nữ đang nhẩy múa. Những điểm trắng lay động lúc tung lên cao làm vòm cây xanh lốm đốm trăng, lúc lả tả rụng xuống như hoa mai gặp gió, đó là những con hạc cứ mỗi điệp khúc lại sà xuống múa cùng bầy tiên nữ.
Ánh hoàng hôn vừa tắt, đảo xa mờ đi như một ảo ảnh sau làn khói lam dâng lên tự mặt biển.
Trời tối hẳn, phía trước có ánh sáng. Ánh sáng reo vui. Ánh sáng chào đón.
Đoàn tráng sĩ cho rằng nơi đó có người ở bèn lần theo con đường dốc thoai thoải, xuống bờ biển, tiến lại gần. Thì ra đấy là một chiếc thuyền khá lớn, đủ chứa cả bọn. Thấy trên thuyền thấp thoáng có bóng người, họ bèn leo lên. Đó là viên thuyền trưởng, dáng người vạm vỡ, vẻ mặt lầm lì, rõ ra là một đại du khách đã dạn dầy với sương gió.
Viên thuyền trưởng nói có thể chở mọi người đi xem đảo Cực Lạc gần đó.
Cả bọn hỏi : "Đảo Cực Lạc như thế nào ?"
Viên thuyền trưởng đáp : "Đảo này bốn mùa hoa cỏ tốt tươi, cây cối sầm uất, có đủ các thứ lúa đã chín vàng, gặt đi rồi tự nó lại mọc".
Ai nấy vui vẻ buộc ngựa lại trên bờ, bên một hốc núi, rồi lên thuyền.
Họ định đến thăm đảo rồi sẽ quay về xứ sở đón những người thân cùng đến hưởng hoa thơm, quả lạ và gặt lúa vàng ở đấy.
Viên thuyền trưởng tức khắc đẩy thuyền ra khỏi bờ. Vì trên thuyền không có thủy thủ, nên viên thuyền trưởng nhờ mọi người cùng chèo giúp. Ai nấy đều vui vẻ vào việc mà không biết đã lên nhầm một con thuyền ma.
° ° °
Rồi với vùng ánh sáng do chính con thuyền tỏa ra, viên thuyền trưởng nói là sẽ đưa mọi người đến đảo Cực Lạc.
Trời không một vì sao. Biển mênh mông, ánh nước đen ngòm. Con thuyền di chuyển đều do sức chèo của đoàn người ưa phiêu lưu.
Cứ như thế lâu lắm.
° ° °
Chợt một người trong bọn hỏi viên thuyền trưởng : "Tại sao trên trời không có lấy một vì sao ?"
Viên thuyền trưởng đáp : "Đường đi tới đảo Cực Lạc không có sao".
Sự thực đêm hôm đó sao đẹp lắm. Giải Ngân Hà vắt ngang trời rộng và hiền như tình mẹ. Muôn vàn vì sao nhỏ như những mảnh lân tinh vụn chìm dưới đáy hồ trong vắt. Đây đó một vài ngôi cực sáng như qui tụ cả niểm hoang lạc của khoảng trời. Phương Tây, ngôi sao Hôm lấp lánh một niềm tin bất diệt. Phương Bắc ngôi sao Tinh Đẩu hướng chếch lên như chiếc xe chở các thiên thần đương lên một cái dốc thoai thoải.
Tiếc thay đoàn người phiêu lưu ngồi trên con thuyền ma bị yêu khí che lấp, nên không ai nhìn thấy gì.
° ° °
Mọi người lặng lẽ chèo...
Tiếng chèo khua nước vang ra một khoảng rộng trên mặt biển.
Cứ như vậy khá lâu.
° ° °
Một lúc sau, chợt trong bọn lại có người khác lên tiếng hỏi : "Trên trời không có sao thì làm thế nào nhận được phương hướng ?"
Viên thuyền trưởng đáp : "Chính tôi là phương hướng rồi, đừng ai nghi ngại gì cả".
° ° °
Mọi người lại lặng lẽ chèo...
Những đợt sóng từ xa liên tiếp ùa tới, vỗ vào mạn thuyền như muốn gửi lên khoang thuyền một phần bí mật rộng lớn của biển cả.
° ° °
Chợt một người khác nữa trong bọn hỏi : "Trời không có trăng sao soi sáng, thuyền đâm vào núi đá thì sao ?"
Viên thuyền trưởng đáp : "Với vùng ánh sáng do chính thuyền tỏa ra đủ để soi sáng cho thuyền khỏi đâm vào núi đá".
Sự thực, khi đó trăng hạ tuần lên cao đã từ lâu. Ánh trăng hiền dịu tỏa nhớ nhung, thơ mộng lên khắp mặt biển mênh mông. Trăng nước u hoài như dìu nhau đi vào vô tận.
Tiếc thay đoàn người phiêu lưu ngồi trên con thuyền ma, bị yêu khí che lấp nên chẳng ai trông thấy gì.
° ° °
Mọi người lặng lẽ chèo...
Tiếng mái chèo khua trên sóng nghe sao hoang mang. Đôi khi như nghẹn ngào. Đôi khi như thổn thức.
Cứ như vậy lâu lắm... lâu lắm...
° ° °
Chợt một người khác hỏi : "Quái, đáng lẽ phải qua đêm rồi mới phải, sao trời vẫn tối mò thế này ?"
Viên thuyền trưởng đáp : "Trước khi tới đảo Cực Lạc, không ai thấy ánh mặt trời. Đường đi như vậy".
Sự thực lúc ấy mặt trời đã ló ở dãy núi xa xa, mặt biển mênh mông phản chiếu mầu hồng rực. Chỉ một loáng sau, mặt trời lên cao, vũ trụ chan hòa nắng vàng, sóng nước chuyển từ màu xanh thẫm sang mầu cẩm thạch tuyệt đẹp.
Tiếc thay, đoàn người phiêu lưu ngồi trên con thuyền ma, bị yêu khí che lấp nên không ai nhìn thấy gì.
° ° °
Mọi người lặng lẽ chèo. Họ là những người ưa phiêu lưu. Kiên nhẫn là đức tính cố hữu của họ. Bóng đêm mênh mông chụp lấy họ càng như khuyến khích thái độ lặng lẽ và chí kiên nhẫn đó. Có lẽ họ đã chèo như vậy trong nhiều ngày qua rồi. Đôi khi cũng có người cất tiếng hỏi xem đã sắp tới đảo Cực Lạc chưa, thì viên thuyền trưởng vì mãi lái thuyền mà không đáp. Thành thử câu hỏi đó vang lên như một câu tự hỏi trong đáy linh hồn của từng người một. Về sau họ đều ngầm cảm thấy rằng thái độ khôn ngoan hơn cả để bảo tồn sinh mạng là không nên hỏi gì nữa. Viên thuyền trưởng càng trở nên lầm lì, như đương dùng hết sức mạnh của suy tưởng để sai khiến đoàn người phiêu lưu suy tưởng theo một hướng mà hắn quyết định.
Con thuyền chòng chành.
Cả khối đen xung quanh chuyển động dữ dội. Bão biển !
Thuyền xô lên cao, nhào xuống thấp, ngả nghiêng kinh hồn. Rồi biển sủi lên sùng sục như một lớp dầu sôi. Tiếng gầm thét trở nên dữ dội như muốn xé màng tai. Mọi người mở to mắt vì khủng khiếp.
Thuyền nhào lộn giữa cơn thịnh nộ của biển cả, vấp phải những tảng đá ngầm ; nhiều chỗ dập nát. Trong khi chống đỡ với cuồng phong đã có mấy người tử nạn. Viên thuyền trưởng bảo mọi người khiêng những xác đó đặt vào những chỗ thủng. Hắn niệm chú. Tự nhiên xác chết rữa ra thành một thứ keo dính vào thuyền và lấp kín những chỗ hư đó.
Phong ba dịu dần rồi hết.
° ° °
Dưới vùng ánh sáng do chính con thuyền tỏa ra, viên thuyền trưởng nói : "Nhất định thuyền sẽ tới đảo Cực Lạc !"
Mọi người lặng lẽ chèo...
Trời không một vì sao. Biển mênh mông, ánh nước đen ngòm. Con thuyền vẫn di chuyển đều do sức chèo của đoàn người ưa phiêu lưu khi đó đã vắng mất vài bóng người. Họ vừa chèo vừa đưa mắt nhìn về phía thuyền hư, nơi có xác bạn họ rữa ra để hàn thuyền.
° ° °
Chợt sóng gió lại nổi. Mặt biển như phân chia ra thành muôn ngàn luồng nước mãnh liệt, đổ dồn về phía thuyền, biến chỗ đó thành vực thẳm, hợp với vòm trời thành một khối tròn rùng rợn.
Tiếng biển réo lên như muôn vàn thác đổ. Sóng biển cồn lên. Lắm khi thuyền như nhào lộn giữa một hầm dài bằng sóng. Lắm khi thuyền vút nhô lên chênh vênh trên đỉnh của một ngọn sóng. Lúc đó mọi người cùng thấy biển ngầu bọt. Mầu bọt thấp thoáng trắng giữa những khoảng đen lớn bóng loáng như bôi mỡ. Có lúc biển dựng đứng trên đầu như một bức thành vạn cổ.
Sự quái đản cùng cực đó đã khiến đoàn người càng trở thành vô cùng bình tĩnh.
Thuyền tránh sao khỏi đá ngầm. Thêm mấy người tử nạn.
Xác nạn nhân lại được khiêng đắp vào chỗ thủng mới để viên thuyền trưởng niệm chú cho tan rữa ra và gắn vào thuyền.
Sóng gió ngớt dần...
° ° °
Dưới vùng ánh sáng do chính con thuyền tỏa, viên thuyền trưởng nói mấy lời khích lệ : "Thuyền nhất định sẽ đến đảo Cực Lạc !"
Trời không một vì sao. Biển mênh mông, ánh nước đen ngòm. Con thuyền vẫn di chuyển đều do sức chèo của đoàn người phiêu lưu còn lại.
° ° °
Chợt khối đen mênh mông lại chuyển động. Trời ơi, họ không ngờ cuộc phiêu lưu này gặp nhiều gian lao đến thế. Cả đoàn người hãi hùng. Trong bóng tối mênh mông, đại dương như biến thành một con quái vật có đời sống thực sự. Và là một con quái vật luôn luôn giận dữ !
Trong khi chống giữ với trận cuồng phong mới, đoàn người phiêu lưu có nghĩ đến những con ngựa mà toàn thể bọn họ buộc trên bờ, bên hốc núi. Có lẽ những con ngựa đó dứt được giây cương mà quen lối trở về quê hương rồi chăng ? Họ mong như thế lắm. Họ mong cho đoàn ngựa với linh tính phú bẩm sẽ tìm được lối về quê cũ.
Trước đây họ ngỡ có thể đến đảo Cực Lạc ngay để rồi còn quay trở về đón những người thân đến sau. Giờ đây, họ chỉ dám mong chính họ thoát mọi hiểm nghèo mà tới được đảo.
Thuyền tung lên... Rồi nhào xuống... Rồi những lỗ thủng.... Rồi những người tử nạn... Rồi viên thuyền trưởng niệm chú.... Cơn bão biển này vừa qua, cơn khác vội tới. Chính lúc bão ngớt lại là lúc họ có thì giờ để ôn hết mọi hãi hùng. Nghe lớp sóng mơn trớn mạn thuyền, họ cảm thấy như đấy là sự tuần hoàn, sự hô hấp của con quái vật. Sau mỗi cơn điên, con quái vật lại nằm thở lấy sức để sửa soạn một cơn khác kinh hoàng hơn.
Mà quả vậy, càng những cơn phong ba về sau, sóng gió càng dữ dội. Có lần ngọn gió cuồng loạn như muốn thổi tung mọi người lên cao. Nhưng, con thuyền như có một sức hút kỳ dị, mọi người chỉ bám vào mạn thuyền mà không ai bị hất ra ngoài bao giờ. Ngay cả những kẻ vừa tử nạn, chân tay buông rời khỏi mọi bấu víu mà cũng vẫn còn lại trong thuyền để dùng vào việc gắn những chỗ dập nát sau này !
Thuyền đã thủng khắp nơi và có nghĩa là khắp nơi đều có gắn xác người.
Tuy phải luôn luôn chống lại với phong ba, trí nhớ đoàn người phiêu lưu vẫn rất sáng suốt. Họ nhớ chỗ nào đã gắn xác bạn nào. Có thể nói con thuyền giờ đây họ chèo là con thuyền làm bằng xác bạn đồng hành xấu số của họ. Đã có người trong bọn họ tự đặt thầm một nghi vấn : "Hay chính con thuyền đó đã làm bằng xác biết bao nhiêu người xấu số trước họ ?"
Điều đó càng khiến họ cảm thấy một mối tình xót xa đối với chính con thuyền đã đưa họ vào bước phiêu lưu gian khổ này.
Họ không còn mong chóng tới đảo Cực Lạc nữa. Họ chỉ mong con thuyền đi ngang qua bất cứ hòn đảo nào. Khi đó chắc chắn họ sẽ trút cả nỗi căn hờn câm lặng bấy lâu xuống hai bàn tay sắt rồi xông lại bóp nghẹt cổ tên thuyền trưởng, xé xác nó thành từng mảnh trước khi cùng nhảy xuống biển bơi vào.
Ngày đó có tới chăng ? Họ tin rằng sẽ có !
Họ muốn rằng phải có !
Nhưng trong khi chờ đợi, sóng gió hầu như trở thành liên miên. Thuyền vẫn va vào đá ngầm mà không đắm, bởi mỗi khi thuyền rập nát, trên thuyền đã có người tử nạn để vá vào chỗ thủng đó.
Tiếng gió gầm nghe như u uất. Khí âm, khí dương cách biệt nghẹn ngào. Trong không trung, quỷ thần như căm hờn oán trách. Trời biển ngạt đẫm hơi độc.
Tới một ngày kia, trên thuyền chỉ còn lại mấy người sống sót.
Số người càng ít, mối hận thù càng lớn, càng nặng. Họ mệt mỏi lắm rồi. Họ muốn quẳng mái chèo xông tới quyết sống mái với tên thuyền trưởng rồi có bỏ xác lại cũng cam. Nhưng chính những người ưa phiêu lưu đó lại sợ xác mình phiêu lưu trên biển. Bởi vậy họ bảo nhau cố chèo riết. Họ bảo nhau trìu mến lấy con thuyền, phương tiện độc nhất có thể đưa họ ngang qua bất cứ hòn đảo nào. Họ chỉ từng chỗ thuyền thủng và nhắc rành rọt từng tên người bạn xấu số. Nhắc như vậy họ thấy lòng nhẹ nhõm, bởi mỗi người trong họ đều nghĩ :
- Mai đây không may đến lượt ta, chắc các bè bạn còn lại cũng sẽ nhắc luôn đến ta.
Họ đưa mắt nhìn ra bốn phía, soi mói tìm, hy vọng họ thấy một hình nổi mờ nhạt trong khoảng mênh mông, báo hiệu sự hiện hữu của hòn đảo ngang qua. Rồi họ đưa mắt nhìn nhau để thầm trao ý nghĩ : phút hạnh ngộ đó mà tới thì dù trên thuyền chỉ còn một mgười - một người mang oán cừu cho cả đoàn người. người đó hãy trút cả khối nặng oan cừu xuống đôi bắp tay thép mà vung mái chèo lên phang nát mặt hình hài tên thuyền trưởng điêu ngoa trước khi nhảy xuống biển bơi vào hòn đảo cứu tinh. Còn linh hồn nó, trốn thoát sao khỏi oan hồn bao người tử nạn ! Oan cừu phải gặp oan cừu mà tiêu tan để giải tỏa cho đại dương được nhìn thấy vòm trời.
° ° °
Nhưng...
Trong khi chờ đợi, trời vẫn không một vì sao. Biển càng mênh mông, ánh nước càng đen ngòm sau mỗi cơn bão. Con thuyền vẫn di chuyển đều do sức chèo của một số nhỏ những người ưa phiêu lưu còn sống sót.
Doãn Quốc Sỹ
Nguồn : Doãn Quốc Sỹ , " Con thuyền ma ", Tập Truyện Ngắn Sợ Lửa , Nhà xuất bản Sáng Tạo, 1956 - Thư Viện Việt Nam , Viet Messenger.
*********************
(1) Phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Tuệ Nguyễn, Thanh Niên online, 24/10/2013
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị
Tôi xin góp ý vào Lời nói đầu của Hiến pháp, còn một số điểm tôi thấy cần phải nghiên cứu thêm. Đã là lời nói đầu thì phải ngắn gọn, như một tuyên ngôn, có sự tổng kết, cô đúc, khái quát nhưng đặc biệt phải chuẩn xác... Hiện nay so với yêu cầu đó thì tôi thấy chưa đạt được. So với trước dù có bước tiến ngắn gọn hơn nhưng đọc vào tôi thấy vẫn còn một số điểm chưa ổn.
Dự thảo viết "Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân.."., trong khi Lời nói đầu Hiến pháp hiện hành hay hơn ở chỗ nhấn mạnh chủ thể là nhân dân : "Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân Việt Nam đã..".. Dự thảo bỏ chủ thể nhân dân, chỉ nói Đảng Cộng sản lãnh đạo thôi là không ổn.
Tôi đề nghị sửa thế này : thay vì nói là "từ 1930", viết lại thành "trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng" thì chặt chẽ, không ai bắt bẻ được. Tiếp đó, dự thảo viết : "Bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, cùng với sự giúp đỡ quý báu của bạn bè và nhân dân thế giới, nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước". "Bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, cùng với sự giúp đỡ quý báu của bạn bè và nhân dân thế giới", tôi thấy hai vế này không đồng đẳng với nhau. Chỉ cần viết là bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, cùng với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế thôi.
Cái ý "nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế" thì đúng rồi. Nhưng ý sau "đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước" có mấy lỗi.
Lỗi thứ nhất, đây là sự tiếp tục của giai đoạn trước trong cách mạng dân tộc dân chủ. Giai đoạn dân tộc dân chủ đã có xây dựng chủ nghĩa xã hội rồi khi từ 1960 tại Đại hội 3 chúng ta đã tuyên bố đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội chứ đâu phải chỉ tới công cuộc đổi mới mới xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Lỗi thứ hai, xếp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước bằng nhau. Xây dựng chủ nghĩa xã hội thì lại mất cái vế bảo vệ Tổ quốc, rất là thiếu ý và lủng củng chỗ này. Có thể nói là trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc chứ không nên nói trong cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới. Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa. Cho nên nếu có sửa thì phải nói là "đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội" sẽ chuẩn hơn.
Tuệ Nguyễn (ghi)