Cơn hấp hối của các chế độ độc tài (Duy Quang)

Để không đi vào con đường sai lầm trong quá khứ, chúng ta phải có một triết lý, tư tưởng chính trị riêng của mình và một dự án cho tương lai cho đất nước. Một kịch bản được xây dựng và chuẩn bị chu đáo sẽ giúp chúng ta biết phải làm gì trước những biến cố quan trọng. 


Những ngày gần đây thế giới đang chứng kiến thái độ hung hăng của các nước độc tài cuối cùng mà đại diện là nước Nga của Putin. Kịch bản chung cho thái độ hung hăng này là tuyên bố chủ quyền và sự “toàn vẹn lãnh thổ” với một quốc gia có liên hệ về mặt lịch sử trước đây. Nguy cơ chiến tranh đang đe dọa thế giới, mọi con mắt đổ dồn vào hai điểm nóng là Đài Loan và Ukraine. Tất cả mầm mống gây xung đột đều xuất phát từ sự bá quyền nước lớn. Chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị giáng một đòn mạnh do Covid-19 gây ra chưa kịp phục hồi lại cộng hưởng với tâm lý dự trữ hàng trước nguy cơ chiến tranh khiến giá cả năng lượng, nông sản...tăng vọt.

Dưới con mắt của nhiều nhà quan sát, nguy cơ một cuộc chiến nổ ra rất thấp. Các nước là nguyên nhân gây ra bất ổn đều có rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Tham gia vào một xung đột ngoài lãnh thổ đòi hỏi một khoản chi phí khổng lồ và những thiệt hại kinh tế không thể đo lường. Mặt khác các nhà độc tài luôn phải đối diện với những đòi hỏi về nhân quyền và sự bất mãn do môi trường bị hủy họa. Phát triển kinh tế là lý do được viện dẫn duy nhất cho tính chính đáng của các chế độ độc tài. Khơi mào một cuộc chiến xâm lược sẽ bị thế giới cô lập, trừng phạt kinh tế ngay lập tức. Putin chắc hẳn hiểu hơn ai hết điều đó sau khi dùng vũ lực sát nhập bán đảo Krime. Putin và Tập Cận Bình không dại gì đi một nước cờ khi biết chắc chắn đó là một nước đi tự sát cho sự nghiệp chính trị của họ.

Sau khoảng thời gian phát triển kinh tế hậu Xô Viết tương đối ổn định, nền kinh tế Nga đã chững lại và bắt đầu xuất hiện tăng trưởng âm (trung bình 5.89% trong những năm 1999 đến năm 2008 xuống còn 2.82% năm 2018, năm 2019 còn 2.08% và năm 2020 xuất hiện tăng trưởng âm -2.77%). Thu nhập trung bình của người dân Nga suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn 450 USD/tháng vào năm 2020, thấp hơn một nửa so với 945 USD/tháng vào năm 2013. Uy tín của Putin đang sụt giảm nghiêm trọng đến mức không còn nổi 40%. Với hiện trạng như vậy, Putin cần làm một điều gì đó để lấy lại uy tín cho bản thân.

Còn với Trung Quốc thì sao? Phải nhìn nhận Trung Quốc đã có những thành tựu đáng kể về kinh tế trong vòng 40 năm qua. Chính sách “khai quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình đã giúp Trung Quốc có những tiến bộ vượt bậc và giúp họ vươn lên thành nền kinh tế đứng thứ 2 trên thế giới. Tuy vậy nền công nghiệp và kỹ nghệ cao của Trung Quốc còn gặp nhiều trở ngại, Trung Quốc với bản chất một chế độ độc tài toàn trị không phải là môi trường tốt và thân thiện cho những phát minh, sáng tạo cá nhân. Trung Quốc vẫn đi sau và phải phụ thuộc vào thế giới khi chưa thể phát triển công nghệ sản xuất chip bán dẫn. Kỹ nghệ Trung Quốc có thể miêu tả một từ chính xác là “kỹ nghệ theo đuôi”. Ông chủ tập đoàn Alibaba, Jack Ma là một ví dụ xấu cho điều mà người Trung Quốc không thể vượt qua để sánh ngang với các nước dân chủ: Tài sản và sáng tạo của cá nhân có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào bởi Đảng Cộng Sản.

haphoi-1.jpg

Chủ nghĩa tân phóng khoáng khiến Mỹ và thế giới hợp tác toàn diện với Trung Quốc với hy vọng phát triển kinh tế sẽ mang lại tự do cho người dân. Điều đó đã không xảy ra. Trung Quốc đang ngày càng trở thành mối đe dọa cho hòa bình thế giới. (Ảnh: Tổng thống Mỹ Nixon thăm Trung Quốc năm 1972 để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước)

Sau khoảng thời gian phát triển một cách hoang dại bằng xuất khẩu nguyên liệu, bán sức lao động với giá rẻ mạt Trung Quốc giờ đây phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng: ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, đô thị hóa, sa mạc hóa làm thu hẹp diện tích đất canh tác. Tương lai Trung Quốc rất bấp bênh và vẫn còn phụ thuộc vào thế giới, họ chưa thể trở thành một nước phát triển. Đã thế Trung Quốc còn có động thái gây nguy hại đến hòa bình thế giới khi liên tục can thiệp quân sự vào Biển Đông, đe dọa đánh chiếm Đài Loan. Thái độ hung hăng của Trung Quốc như một lời cảnh báo đến thế giới dân chủ rằng: Không thể có sự cải tiến của một chính quyền độc tài dựa trên những tiến bộ về kinh tế như Nixon và Kissinger đã lầm tưởng! Thế giới phải coi chừng họ nếu không muốn nền dân chủ bị đe dọa.

Làn sóng di chuyển các công xưởng ra khỏi Trung Quốc đã bắt đầu và chưa có dấu hiệu dừng lại, chính sách “không để hết trứng trong một giỏ” đã được Mỹ và các nước đồng minh đồng thuận thực thi. Các nước dân chủ đang xét lại quá trình toàn cầu hóa và chủ nghĩa “tân phóng khoáng”. Cộng hưởng với làn sóng này là sự thất bại của kế hoạch “vành đai và con đường” vốn là “giải pháp” giúp Tập Cận Bình đạt tới đỉnh cao quyền lực. Kế hoạch này đã thất bại và không còn được nhắc đến.

Nói đến Trung Quốc hiện tại chúng ta có thể nhìn thấy nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế do không thể trả nổi nợ công (vượt quá 300% GDP năm 2020). Trung Quốc cũng không thể vay mượn thêm do mất uy tín bởi sự phá sản của các tập đoàn bất động sản lớn mà nhà nước đã đứng ra bảo lãnh. Không trả được nợ, Trung Quốc chỉ còn cách quỵt nợ và co cụm lại. Đế quốc Trung Quốc không còn tương lai, Đảng Cộng Sản Trung Quốc lại càng không vì nó là nguyên nhân gây ra các tai họa cho đất nước và người dân Trung Quốc.

Các chính quyền độc tài luôn phải dân túy để giữ độc quyền lãnh đạo. Hướng sự chú ý của người dân ra bên ngoài khi gặp khó khăn là biện pháp đã được các chế độ phong kiến xưa sử dụng. Thành Cát Tư Hãn luôn phải gây chiến để bảo toàn đế chế của ông ta và khi không thể gây chiến được nữa thì nó sụp đổ. Nguyễn Huệ luôn phải gây chiến khi thì lấy danh nghĩa phù Lê dẹp Trịnh, khi thì dẹp Nguyễn Hữu Chỉnh, khi thì Ngô Thì Nhậm, khi thì nam chinh đánh người anh Nguyễn Nhạc, ngay cả việc tấn công Trung Quốc cũng đã từng được lên kế hoạch, nếu Nguyễn Huệ không mất sớm thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra...Việc đem quân xâm chiếm hoặc đe dọa xâm chiếm nước khác không nằm ngoài lô-gic muốn ổn định nội bộ trước những vấn đề không thể giải quyết. Vấn đề mà thời bình các nhà cầm quyền độc tài không thể viện lý cớ để thoái thác đó là: phát triển kinh tế và thăng tiến các quyền con người.

Trung Quốc và Nga cũng không ngoại lệ, các động thái gây hấn và tạo bất ổn bên ngoài chỉ là một biện pháp để đánh lạc hướng người dân và cố gắng giữ cho đất nước khỏi tan vỡ trước sự suy giảm kinh tế và những đòi hỏi chính đáng về nhân quyền. Suy giảm kinh tế thách thức sự lãnh đạo của nhà độc tài trước các nhóm lợi ích, vi phạm nhân quyền làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ. Thế giới ngày nay đã khác, sự liên đới và đoàn kết đã được nâng lên một tầm cao mới khiến các quốc gia độc tài không thể tùy ý sử dụng luật rừng. Việc tấn công một quốc gia khác có chủ quyền chắc chắn sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Việc đe dọa tấn công hay tấn công các nước nhỏ là biện pháp cuối cùng mà các nhà độc tài có thể sử dụng, nó thể hiện sự bế tắc toàn diện trước một nguy cơ tan vỡ đã hiển hiện rõ rệt. Con thú dữ sẽ gầm gừ nhe nanh đến khi nó không còn sức để gầm gừ được nữa. Các chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới sẽ nhanh chóng rã rượi do những vấn đề nội tại, làn sóng dân chủ thứ Tư sẽ tràn tới thổi bay gốc rễ các chế độ độc tài.

giaiphap-2

Để không đi vào con đường sai lầm trong quá khứ, chúng ta phải có một triết lý, tư tưởng chính trị riêng của mình và một dự án cho tương lai cho đất nước.

Với Việt Nam, chúng ta phải suy nghĩ và hành động gì cho một tương lai sắp tới khi chế độ độc tài đã rã rượi và đi đến cuối chu trình tồn tại của nó? Do thiếu kiến thức và suy tư chính trị mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đã rập khuôn một cách máy móc mô hình chính trị cộng sản sai lầm của Liên Xô. Hệ quả của việc thiếu kiến thức và suy tư của người dân về chính trị là chế độ Cộng Sản mà chúng ta đang phải đối mặt và chịu đựng. Đó là một chế độ cực kỳ tham nhũng, nó không mưu cầu hạnh phúc cho toàn thể người dân, nó chỉ làm giầu cho cá nhân, là những tấm thẻ xanh định cư tại các nước dân chủ, là những biệt phủ nơi quan chức có thể sống tách biệt với phần còn lại của đất nước.

Những biến động của thế giới có thể đến với Việt Nam rất nhanh, với trách nhiệm lịch sử, người trí thức cần phải chuẩn bị kịch bản cho những gì sắp xảy ra. Để không đi vào con đường sai lầm trong quá khứ, chúng ta phải có một triết lý, tư tưởng chính trị riêng của mình và một dự án cho tương lai cho đất nước. Một kịch bản được xây dựng và chuẩn bị chu đáo sẽ giúp chúng ta biết phải làm gì trước những biến cố quan trọng. Trí thức cần tiên phong dẫn dắt quần chúng đi theo con đường có lợi cho dân chủ. Tham gia xây dựng hoặc ủng hộ một kịch bản như vậy để đất nước có được dân chủ mà không rơi vào hỗn loạn là trách nhiệm của tất cả người dân Việt Nam, đặc biệt là những người trí thức. Một dự án chính trị nghiêm túc và khả thi được thảo luận và đồng thuận sẽ giúp đất nước không rơi vào quỹ đạo độc tài một lần nữa.

Duy Quang

(23/2/2022)