Vụ kit test Việt Á có thể là “mồ chôn uy tín của đảng và nhà nước” (RFA Tiếng Việt)
“Nếu như ban chuyên án và Đảng và nhà nước không lãnh đạo, chỉ đạo để làm sáng tỏ cái đại án này, thì tôi nói vấn đề công ty Việt Á sẽ là mồ chôn cái uy tín của đảng và Nhà nước. Vì đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng chứ không phải chỉ là một cái chuyện tham nhũng, hối lộ, hàng gian hàng giả bình thường.”
Dư luận cả nước đang xôn xao trước thông tin về vụ án công ty Việt Á cung cấp bộ xét nghiệm COVID-19 với giá thành cao, và đặc biệt là những cáo buộc tham nhũng của quan chức nhà nước từ trung ương cho đến địa phương xung quanh vụ việc này.
Giới quan sát đánh giá rằng vụ án này sẽ có tác động mạnh mẽ đến uy tín của đảng Cộng Sản Việt Nam, đặc biệt là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đang sử dụng chiến dịch chống tham nhũng để duy trì tính chính danh của đảng cầm quyền.
Tổng Giám đốc công ty Việt Á thời điểm ra mắt bộ xét nghiệm COVID-19 (ảnh phải) và lúc bị Bộ Công an bắt (ảnh trái). Bộ Công an/TCVN.GOV.VN
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh Kim Phúc, nhà quan sát và bình luận chính trị nới với Đài Á Châu Tự Do biết quan điểm của ông:
“Nếu như ban chuyên án và Đảng và nhà nước không lãnh đạo, chỉ đạo để làm sáng tỏ cái đại án này, thì tôi nói vấn đề công ty Việt Á sẽ là mồ chôn cái uy tín của đảng và Nhà nước.
Vì đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng chứ không phải chỉ là một cái chuyện tham nhũng, hối lộ, hàng gian hàng giả bình thường.”
Trước đó, hôm 17/12/2021, Bộ Công an Việt Nam bắt giữ Tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt, và Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương Phạm Duy Tuyến.
Hai ông này cùng với 5 người khác bị khởi tố và bắt tạm giam vì bị cho là đã bắt tay nhau nâng khống giá để hưởng lợi từ bộ xét nghiệm COVID-19 do Việt Á và Học viện Quân y sản xuất.
Sau đó, báo chí nhà nước mới vỡ lẽ ra rằng, bộ xét nghiệm của công ty này chưa bao giờ được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận cho sử dụng khẩn cấp, như quảng cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ hơn một năm trước đó. Ông Đinh Kim Phúc nhận định thêm:
“Nếu như làm đường ăn hối lộ, làm không đúng chất lượng con đường thì rõ ràng nó làm nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng của một công trình nhưng mà cái ảnh hưởng đó về lâu về dài.
Còn cái vấn đề các bộ xét nghiệm là dởm, và không đúng quy định của Tổ chức Y tế Thế giới thì nó sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh mạng của con người trong đại dịch vừa qua.
Mà chúng ta thấy rõ ràng mấy chục ngàn người dân đã phải chết vì COVID-19, ngân sách nhà nước đã phải mất hàng ngàn tỷ đồng để phục vụ cho cái việc chống dịch, và cả nước phải đổ mồ hôi, xương máu vào cái việc chống dịch.
Thì không thể nào chấp nhận có những cán bộ làm giàu trên xương máu của nhân dân.”
Chống tham nhũng hiện vẫn đang được cho là nỗ lực lớn nhất của đảng Cộng Sản nhằm giữ uy tín và duy trì tính chính danh của đảng cầm quyền.
Tuy nhiên, Giáo sư Mạc Văn Trang, một cựu đảng viên đảng Cộng sản lại cho rằng sự việc của ông ty Việt Á chứng tỏ việc chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn chỉ diễn ra trên bề mặt chứ không thực chất. Cụ thể, ông bình luận:
“Sự thật là có chống tham nhũng, tiêu cực mạnh bao nhiêu thì nó cũng chỉ là bề ngoài thôi, chữa từ ngọn thôi chứ không chữa được gốc. Cái gốc của nó vẫn là vấn đề độc đảng, toàn trị, không có cạnh tranh không có tam quyền phân lập, không có đối trọng để giám sát, công khai, minh bạch thì chỉ vẫn chỉ một chiều thôi.
Ngay cả truyền thông cũng chỉ một chiều thôi, cho nên rất là nguy hiểm. Khi mà cái công ty Việt Á này có một cái tuyên bố gì là được bộ Khoa học Công nghệ hay Y tế công nhận một cái thì tất đài báo đưa tin giống nhau hết. Không có một cái điều tra độc lập khách quan nào hết. Không có một ý kiến nào phản biện trái chiều hết.
Thành thử ra cái đó là vừa đá bóng vừa thổi còi lúc nào cũng chỉ tuyên truyền một chiều thì sẽ làm cho xã hội méo mó đi. Rồi thì cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng lòi ra thôi, không thể che giấu nhân dân được.”
RFA Tiếng Việt
(21/12/2021)
---------------------
Bộ KH-CN đổ thừa đưa tin theo báo chí vụ “WHO chứng nhận bộ xét nghiệm Việt Á”
RFA
2021.12.28
Thông tin về việc bộ xét nghiệm của Việt Á được WHO chứng nhận là bịa đặt
RFA edited
Hôm 27 tháng 12 năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ có bài viết trên website chính thức đính chính về bài viết “Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận”.
Theo cơ quan nhà nước này, "trong khoảng thời gian từ ngày 25-26/4/2020, một số cơ quan báo chí chính thống đã đăng tải bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận.
Trên cơ sở tổng hợp nguồn tin từ các cơ quan báo chí chính thống, vào lúc 15:36 ngày 26/4/2020, bản tin “Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận” đã được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN (www.most.gov.vn) và bản tin này đã được gửi tới một số phóng viên theo dõi lĩnh vực KH&CN tham khảo như thông lệ khi ngành KH&CN có sự kiện hoặc thành tựu nổi bật."
Đến chiều 20/12, bài viết này trên trang web của Bộ đã không còn xuất hiện sau khi các lãnh đạo công ty Việt Á và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương bị bắt giữ, theo đính chính thì bản tin đã được tạm gỡ trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN để có thời gian xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình.
Bộ này thừa nhận "có sự sai sót trong quá trình tổng hợp, biên tập, kiểm chứng thông tin và cung cấp thông tin để đăng trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN", nhưng không xin lỗi người dân.
Cơ quan Nhà nước này đính chính lại là: “Ngày 24/4/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận yêu cầu xin đánh giá sử dụng khẩn cấp (EUL) cho bộ kit “LightPower iVA SAR-CoV-2 1st RT-rPCR Kit” của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á”.
Trước đó, Đài Á Châu Tự Do đã đưa tin về vụ việc dẫn lại báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới hồi tháng 10 năm ngoái, không chấp thuận sản phẩm của công ty Việt Á do hồ sơ công ty này nộp vì "không tạo thành bằng chứng đầy đủ về việc tuân thủ ISO 13485: 2016 Medical".
Ngoài ra, phóng viên còn phát hiện thêm sản phẩm bộ xét nghiệm của một công ty khác là công ty cổ phần Sao Thái Dương không "có tên trong danh sách sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới" như công bố hồi tháng 6/2020.
RFA Tiếng Việt