Tại sao bộ máy chính quyền lại vô cảm như vậy ? (Trần Hùng)

Nếu lấy những quyết định đúng đắn với đất nước nhưng trái với ý của “giai cấp thống trị" thì họ vẫn bị trừng phạt như thường, trong khi họ đã “chạy" không ít để vào vị trí hiện tại. Kết quả là họ chỉ biết hành xử rập khuôn, máy móc, “đúng với quy trình" - bất chấp cái quy trình đó đúng hay sai, để lỡ khi nào mắc phải sai lầm thì cũng có cái “quy trình" mà đổ lỗi.




Câu chuyện một người dân Quảng Nam phải chờ một buổi chiều để nhận 2000 đồng (hai nghìn đồng) tiền hỗ trợ thiệt hại bão lũ từ năm 2020 (vào tháng 11/2021) gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Người ta chỉ có thể “cười ra nước mắt". Những câu chuyện “thật như đùa" này không khó bắt gặp, cách đây vài tháng là câu chuyện “bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu" hay việc “tiêu huỷ 15 con chó tại Cà Mau"... Không phải một vài cá nhân hay một vài địa phương, mà là cả bộ máy chính quyền dưới chế độ cộng sản đều làm việc một cách rất máy móc, vô cảm. Tại sao ?

vocam-1

Tham nhũng là một tai họa của đất nước. Nó làm hư hỏng tất cả bộ máy nhà nước. Không thể chống tham nhũng dưới chế độ cộng sản.

Tham nhũng trong vấn đề nhân sự

Trước hết nguyên nhân xuất phát từ vấn đề nhân sự. Không giống như các nước dân chủ, nơi nhân sự chính trị được chọn lựa trực tiếp hay gián tiếp thông qua các cuộc bầu cử tự do, dưới chế độ cộng sản bộ máy chính trị được chỉ định theo những tiêu chuẩn phe đảng, hối lộ và chia chác hay những mối quan hệ mờ ám. Và cũng không giống như các nước dân chủ, nơi bộ máy chính trị chỉ dừng lại ở cấp lãnh đạo các bộ, ban, ngành của chính quyền, các cơ quan hành chính hoàn toàn phi chính trị, dưới chế độ cộng sản các cơ quan hành chính bị chính trị hoá tới tận cấp cơ sở. Thậm chí lãnh đạo các phòng ban trong các trường học, các bệnh viện hay các công ty nhà nước cũng phải là đảng viên. Kết quả cả một guồng máy được xây dựng lên bởi những tiêu chuẩn phe đảng.

Một người tham nhũng là một người gian. Và với một guồng máy gồm những người lãnh đạo từ trên xuống dưới đều là những người gian như vậy nó tạo ra cả một văn hoá, một nếp sống và một cách ứng xử riêng, tưởng thưởng cho những người gian, bằng chức vụ hay quyền lợi, và loại bỏ dần những người lương thiện, có trí tuệ và nhân cách. Hành xử một cách văn minh, có danh dự và trách nhiệm, đòi hỏi một trình độ văn hoá nào đó, nhưng đây là cái mà chúng ta không thể đòi hỏi ở những người gian. Đó là nguyên nhân của lối làm việc máy móc, vô cảm. Nó là một nếp sống.

Không phải guồng máy chính quyền cộng sản không có những người tốt, nhưng họ hoặc là không vươn lên được, hoặc là dần bị biến chất bởi guồng máy. “Phải biết hối lộ (phải gian) mới lên được". Kết quả càng lên cao thì văn hoá của các cấp lãnh đạo càng kém. Cấp cơ sở là câu chuyện “2.000 đồng”, “bánh mì", cao hơn là câu chuyện “kiểm lâm bảo kê cho hoạt động phá rừng”, “tướng công an bảo kê cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ”, “bộ trưởng bộ y tế thì đi bảo kê cho công ty kinh doanh thuốc giả”, hay gần đây nhất là “vợ của lãnh đạo phòng chống buôn lậu bị bắt về tội buôn lậu”… Tham nhũng làm hư hỏng tất cả. Tuy nhiên nó không phải là nguyên nhân chính.

Chính quyền cộng sản đặt nền tảng trên những triết lý sai lầm

Trong các chế độ dân chủ, chính quyền được xem như là một phương tiện để đảm bảo an ninh và công lý, để mang lại sự tự do và sung túc cho người dân. Luật pháp được quan niệm như là một phương tiện để thể hiện lẽ phải trong sinh hoạt xã hội. Với những nền tảng này, cách ứng xử của bộ máy công quyền đương nhiên phải là làm những gì đúng đắn với luật pháp, hợp lý cho dân chúng. Nhưng đây không phải là logic trong các chế độ cộng sản. Các chế độ cộng sản quan niệm chính quyền và luật pháp chỉ là công cụ để đàn áp và bóc lột của giai cấp thống trị. (Đó là lý do mà họ yêu cầu quân đội và công an phải trung thành với Đảng cộng sản-giai cấp thống trị, trước cả nhà nước Việt Nam trong hiến pháp 2013).

Với một quan niệm bệnh hoạn như vậy thì tham nhũng là hệ quả, nhưng nó cũng làm bộ máy chính quyền sống trong một mâu thuẫn lớn, giữa chức năng thực sự và đúng đắn của mình với vai trò chỉ là một công cụ của đảng. Mâu thuẫn này làm bộ máy chính quyền mất phương hướng, các công chức không biết phải hành xử thế nào cho hợp lý. Nếu lấy những quyết định đúng đắn với đất nước nhưng trái với ý của “giai cấp thống trị" thì họ vẫn bị trừng phạt như thường, trong khi họ đã “chạy" không ít để vào vị trí hiện tại. Kết quả là họ chỉ biết hành xử rập khuôn, máy móc, “đúng với quy trình" - bất chấp cái quy trình đó đúng hay sai, để lỡ khi nào mắc phải sai lầm thì cũng có cái “quy trình" mà đổ lỗi.

Xả lũ đúng quy trình, dù cái quy trình đó đã cuốn đi cả tài sản lẫn sinh mạng của nhiều người dân từ năm này qua năm khác; chống dịch đúng quy trình, dù cái quy trình đó chỉ làm dịch bệnh tồi tệ hơn; bổ nhiệm cũng đúng quy trình, nhưng cái quy trình đó chỉ chọn ra được những người gian tham; trong câu chuyện người dân nhận hỗ trợ 2000 đồng, ông chủ tịch xã vẫn khẳng định mình làm “đúng quy trình"!

vocam-2

Bộ máy công chức Việt Nam vô cảm và máy móc vì chỉ biết làm theo “qui trình” mà Đảng cộng sản đã vẽ ra thay vì phục vụ nhân dân theo đúng lẽ phải và trách nhiệm.

Giải pháp nào ?

Cả hai nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, tham nhũng và triết lý chính trị sai lầm đều không có giải pháp dưới chế độ cộng sản. Tham nhũng là một hành động ăn cắp của chung làm của riêng. Và Đảng cộng sản cũng là một kẻ cắp, họ đã chiếm đoạt đất nước làm của riêng. Cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay về bản chất chỉ là cuộc đấu giữa những kẻ cắp, có thể là do ăn chia không đều. Vô nghĩa. Còn về triết lý chính trị, đó là nền tảng để định hình nên chế độ, muốn thay đổi nó cũng có nghĩa là phải thay đổi chế độ.

Chắc chắn là tất cả mọi người dân đều muốn một bộ máy chính quyền hữu hiệu, trách nhiệm, lành mạnh và phục vụ cho công ích. Muốn thế chúng ta cần một văn hoá chính trị mới, một triết lý chính trị mới cũng như một nhân sự chính trị mới. Chúng ta cần một giải pháp khác, ngoài Đảng cộng sản.

Trần Hùng

(14/12/2021)