Thầy đánh trò, trường buộc trò mua sách (Đằng Vân, RFA tiếng Việt)
Theo ông, khi phát động phong trào học và làm theo Hồ Chí Minh, các lãnh đạo Đảng còn nhằm một mục tiêu khác, nhưng không công bố. Đó là tạo nên sự sùng bái cá nhân lãnh tụ, một trong những chủ trương quan trọng của cộng sản. Chính mục tiêu bị che giấu này đã tạo ra những hoạt động hình thức, chủ yếu là tuyên truyền chứ không học được những điều quan trọng như tinh thần dân chủ mà Hồ Chí Minh rất quan tâm.
Thầy giáo thể dục đánh học sinh dã man ở Lai Châu
Đằng Vân, SaigonnhoNews, 10/12/2021
Vụ thầy giáo đánh học sinh ở Lai Châu được xác định xảy ra ngay trong giờ học từ nhiều ngày trước. Nhà trường và gia đình chỉ phát hiện khi clip được đăng tải trên mạng xã hội.
Nhiều ngày trước, một video clip đăng trên mạng xã hội đã gây rúng động xã hội, khi nhìn thấy một thầy giáo đánh đập đã man học sinh quỳ dưới đất.
Chính quyền và Sở Giáo dục Lai Châu đã khẳng định, người đàn ông áo đỏ xuất hiện trong clip "Thầy giáo đánh học sinh dã man…" là N.V.H – giáo viên dạy bộ môn thể dục đã có gần 20 năm công tác. Những học sinh xuất hiện trong clip là học sinh lớp 8 tại Trường Trung học cơ sở Mường Cang, huyện Than Uyên. Nội dung clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông được cho là thầy giáo đã có hành động túm tóc, tát liên tiếp… vào mặt nhiều học sinh nam trước sự chứng kiến và sợ hãi của nhóm học sinh nữ.
Qua xác minh ban đầu, thời điểm xảy ra sự việc khi nam giáo viên tên H. đang dạy tiết thể dục, lúc đó trời mưa, ông H. cho các em vào mái vòm ở khu nhà bán trú để các em tiếp tục học.
Sau đó, thầy giáo có đi vệ sinh, trước khi đi vệ sinh ông H. nhắc các học sinh học các động tác mà ông ta đã giao. Một số học sinh không thực hiện theo yêu cầu mà lại vào phòng bán trú của các bạn nằm, chơi đùa ở trong đó. Khi thầy giáo quay trở lại lớp thì không thấy học sinh đâu, khi đi tìm thì thấy học sinh đóng cửa nằm trong đó.
Ông H. tức giận vì học sinh không nghe lời, nên không kềm chế được hành động của mình, "giơ tay, múa chân hơi quá đà"… nên có trúng vào vài học sinh.
Đương nhiên, tay giáo viên H., người không còn xứng đáng được gọi là thầy, đã bị tạm đình chỉ công tác bảy ngày để điều tra. Tuy nhiên, Dư luận chưa chưa hết phẫn nộ khi đặt câu hỏi : tại sao vũ việc đã xảy ra hàng tháng trời mà nhà trường, nơi tên H. "dạy dỗ" học sinh, ngành giáo dục địa phương, và cả gia đình các học sinh bị đánh, đều không biết ? Hay chỉ vì "mặt mũi giáo dục", mà vụ việc bị ém nhẹm trước khi đoạn video clip được đưa lên mạng xã hội ?
Sáng 10 tháng Mười Hai, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trịnh Ngọc Hải – Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Than Uyên chỉ cho biết : "Phòng Giáo dục và đào tạo đang phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ nên chưa thể thông tin cụ thể".
Đó là một câu nói "vô thưởng vô phạt", hoặc có thể nói một câu nói khỏa lấp trách nhiệm.
Còn ông Lìm Văn Khơi – Chủ tịch UBND xã Mường Cang, huyện Than Uyên thì cho biết : "Sự việc xảy ra cách đây khoảng một tháng nhưng đến chiều hôm qua (9 tháng Mười Hai) thì chính quyền và cơ quan chức năng mới nắm được sau khi một đoạn clip được phát tán trên mạng xã hội. Sau khi sự việc xảy ra, các cháu không dám nói với gia đình nên bố mẹ các cháu cũng không biết".
Trường Trung học cơ sở Mường Cang, xã Mường Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu hiện có hơn 400 học sinh thuộc 3 dân tộc Thái, Kinh, Mông đang theo học.
Chuyện thầy giáo đánh học sinh như đánh quân thù không phải là chuyện hy hữu ở Việt Nam. Trước đây, học sinh cũng đăng tải lên mạng xã hội một thầy giáo liên tục tấn công học sinh bằng những đòn đánh rất hiểm. Không rõ video clip này được ghi lại từ trường nào.
(Theo Lao Động)
Đằng Vân
Nguồn : SaigonnhoNews, 10/12/2021
**********************
Bắt học sinh từ lớp hai đến hết phổ thông mua sách ‘tư tưởng Hồ Chí Minh’ vì lý do gì ?
RFA, 08/12/2021
Sở Giáo dục và đào tạo hai tỉnh Hòa Bình và Thái Nguyên hồi đầu năm học ra công văn yêu cầu giáo viên và học sinh từ lớp hai đến lớp 12 trang bị tài liệu Hỏi đáp "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
AFP
Theo thông tin từ truyền thông Nhà nước, tài liệu này dày 276 trang với gần 1.000 câu hỏi liên quan đến ba vấn đề : Lịch sử Việt Nam từ năm 1930 đến nay ; nội dung và giá trị tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh ; tìm hiểu biển, đảo Việt Nam và Hồ Chí Minh với biển, đảo Việt Nam. Kèm theo đó là một số văn bản như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Luật Biển Việt Nam, một số chỉ thị của Bộ Chính trị.
Trong khi đó, với học sinh lớp hai, Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ yêu cầu các em đọc được những câu, đoạn văn, bài văn, bài thơ ngắn có nội dung đơn giản, gần gũi với lứa tuổi.
Thầy Sơn, hiện đang dạy tại một trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm của ông với RFA về việc này :
"Phải nhắc lại vụ một đứa bé 10 tuổi đọc cuốn Lenin toàn tập. Theo tôi, nó chỉ ham đọc sách chứ nó hoàn toàn không hiểu gì cả. Nếu cha mẹ hiểu thì cũng ngăn không cho nó đọc mà khuyến khích nó đọc những gì ngang tầm với nó. Việc này báo chí tung hô lên cho thấy cái tư tưởng đã lạc hướng.
Còn với vụ này, tôi thấy mấy ông ở sở giáo dục đó rất là tầm phào. Chắc cũng muốn hợp tác với nhà xuất bản để bán sách chứ trẻ học lớp hai thì mua để làm gì ? Làm sao nó đọc hiểu để mà đối đáp với giáo viên !
Nếu cứ lập đi lập lại thì nó sẽ tiêm nhiễm vào đầu đứa trẻ và nó nhớ lâu hơn nữa. Vấn đề là phụ huynh cần tỉnh táo trong những trường hợp như thế này. Nếu thấy không tốt thì dứt khoát không cho con mình đụng đến, chứ với chính sách nhồi sọ kiểu lập đi lập lại thì trẻ con cũng bị thâm nhiễm. Trừ những gia đình hiểu biết sau này hướng cho nó những cái khác, cho nó đọc những thông tin trái chiều để nó nhận biết. Còn những đứa trẻ sống trong gia đình cách mạng nòi thì cũng khó vượt qua".
Các sách của Lenin được bán tại một chợ sách cũ ở Hà Nội năm 2017. AFP
Cuối tháng 9 vừa qua, nhiều tờ báo lớn trong nước như Tuổi Trẻ, VnExpress đưa tin một cậu bé 10 tuổi ở Hà Tĩnh đọc hàng trăm cuốn sách lịch sử Việt Nam và thế giới. Mục tiêu của cậu bé là sẽ đọc hết 55 cuốn Lê Nin toàn tập, mỗi quyển dày vài trăm trang.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, đây rõ ràng là chính sách nhồi sọ xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam từ mấy chục năm qua. Ông nói :
"Thứ nhất, Hồ Chí Minh không có tư tưởng gì cả, mà giả sử ổng có tư tưởng đi chăng nữa thì tư tưởng là một phạm trù triết học trừu tượng, khó hiểu chỉ dành cho bậc học cao hơn mang tính nghiên cứu. Nó hoàn toàn không phù hợp cho học trò từ lớp 2 tới lớp 12. Việc yêu cầu học trò nhỏ phải mua sách tư tưởng Hồ Chí Minh thì tôi cho rằng nó không nằm ngoài chính sách nhồi sọ. Đây là một chính sách có hệ thống xuyên suốt rất tinh vi.
Cái đặc tính của nhồi sọ, thứ nhất là sùng bái cá nhân, thứ hai là bác bỏ khoa học, thứ ba là phớt lờ pháp luật. Mà đối tượng nhồi sọ thì càng nhỏ, càng trẻ thì càng thành công. Chính sách nhồi sọ này rất có lợi cho các chế độ độc đảng toàn trị nhưng rất tai hại và để lại di họa qua nhiều thế hệ.
Thứ hai, có thể trong tình hình ngân sách ngày càng èo uột thì (bán sách) cũng nhằm để kiếm thêm ít tiền để trang trải lúc khó khăn như thế này. Tôi tin là từ Bộ chính trị cho tới Chính phủ sẽ không quan tâm vụ này, bởi đụng vào chính sách nhồi sọ thì càng tốt cho họ".
Ở Việt Nam trong nhiều năm qua, việc học tập và làm theo gương Hồ Chí Minh được Đảng Cộng sản phát động thành phong trào rộng khắp với nhiều nghị quyết được ban hành. Mục tiêu đề ra là tạo được những chuyển biến sâu rộng về nhận thức và hành động nhằm nâng cao đạo đức, năng lực của cán bộ, đảng viên và quần chúng. Nhiều cuộc thi học viên giỏi, thi báo cáo viên giỏi được tổ chức hàng năm nhằm tuyên dương những người có báo cáo hay.
Mới hôm 5 tháng 12, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức chương trình Giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tên gọi "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng năm 2021" tại Hà Nội. Các vị lãnh đạo đã trao biểu trưng, tôn vinh cho 22 cá nhân, tập thể điển hình tiêu biểu. Nhân đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các điển hình tiêu biểu phấn đấu hơn nữa để cả dân tộc Việt Nam là "một rừng hoa đẹp", góp phần làm cho di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được khẳng định và phát huy mạnh mẽ.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết năm năm thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng, những di sản của ông Hồ Chí Minh để lại cho Đảng, cho nhân dân là vô cùng đồ sộ và quý giá. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời để các thế hệ tiếp nối thường xuyên học tập và noi theo.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống từng kể với RFA rằng, năm 2007 ông từng được huấn luyện để trở thành báo cáo viên, đã tham dự cuộc thi báo cáo viên giỏi, được giải cao. Ông đã phát hiện ra nhiều mánh khóe gian dối trong việc tổ chức học và thi như vậy.
Theo ông, khi phát động phong trào học và làm theo Hồ Chí Minh, các lãnh đạo Đảng còn nhằm một mục tiêu khác, nhưng không công bố. Đó là tạo nên sự sùng bái cá nhân lãnh tụ, một trong những chủ trương quan trọng của cộng sản. Chính mục tiêu bị che giấu này đã tạo ra những hoạt động hình thức, chủ yếu là tuyên truyền chứ không học được những điều quan trọng như tinh thần dân chủ mà Hồ Chí Minh rất quan tâm.
Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ tư tưởng chính thống bên cạnh chủ nghĩa Mác-Lenin, là kim chỉ nam cho mọi hành động và được chính thức đưa ra từ Đại hội VII của Đảng năm 1991. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nỗ lực tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở tất cả các tầng lớp trong xã hội.
Một số người cho rằng, sau hàng chục năm học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ lãnh đạo vào tù vì "suy thoái đạo đức".
Nguồn : RFA, 09/12/2021