Phản đối dự án khách sạn trên Đồi Dinh, Đà Lạt (Thanh Phương)

Nếu xây khách sạn thì không gian xanh của khu Hòa Bình không còn nữa. Ý nghĩa không gian công cộng cũng không còn, bởi vì người dân lúc trước đi bộ lên đồi, một khu không gian công cộng miễn phí, bây giờ phải đi thang máy lên và không loại trừ khả năng là sẽ bị thu tiền để đi lên không gian này.


Giới kiến trúc sư lại phản đối dự án khách sạn trên Đồi Dinh, Đà Lạt

Từng là nơi ở và làm việc của các tỉnh trưởng trước đây, nằm trên một ngọn đồi ở trung tâm thành phố, Dinh Tỉnh trưởng là một trong những công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng sớm nhất và được xem là một trong những công trình đẹp ở Đà Lạt. Khu vực Dinh tỉnh trưởng, hay còn được gọi tắt là Đồi Dinh, rộng gần 17.000m2, riêng dinh tỉnh trưởng có diện tích hơn 1.500m2. 

Đây là nơi duy nhất ở khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt có diện tích đất lớn, vị trí cao và đẹp nhất. Đồng thời, đây cũng là không gian xanh quan trọng bên cạnh Đồi Cù. Trả lời RFI Việt ngữ ngày 25/11/2021, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, cho biết về hiện trạng và giá trị cảnh quan của Đồi Dinh :

"Công trình này được xây từ đầu thế kỷ 20 và cho tới hiện nay thì kiến trúc vẫn trong tình trạng còn rất tốt, bao quanh Dinh Tỉnh trưởng là một khu rừng cây lớn. Đây có thể được xem là không gian xanh quan trọng nhất của khu Hòa Bình, bởi vì chung quan người ta đã xây dựng, bê tông hóa cũng khá nhiều. Lúc xưa, khu Hòa Bình có khá nhiều không gian xanh, hiện giờ thì đây là không gian xanh còn sót lại quan trọng nhất.

Dinh Tỉnh trưởng lúc trước có thời gian được giao làm bảo tàng nhưng hiện nay đang bị bỏ hoang để chờ làm dự án. Thật sự thì nếu giao lại cho các đơn vị công, tư để làm công trình công cộng thì tốt hơn, nhưng hiện giờ có lẽ là họ đang muốn làm dự án, nên tạm thời không có sử dụng".

Khu vực Đồi Dinh đẹp như thế, vậy mà chính quyền tỉnh Lâm Đồng vẫn không từ bỏ ý định xây tại đây một khách sạn cao tầng, mặc dù dự án này trước đây đã từng bị giới kiến trúc sư phản đối, nhất là vì bây giờ Đồi Dinh đã được xếp danh sách di sản văn hóa cần được bảo tồn. Gần đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thông báo là trong 3 phương án kiến trúc khu vực Đồi Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt được đưa ra để lấy ý kiến, các lãnh đạo của tỉnh cuối cùng đã quyết định chọn phương án 1, tức là dự án Hotel du Printemps của kiến trúc sư Thierry Van de Winagaert.

Họ khẳng định là với phương án này, công trình Dinh Tỉnh trưởng sẽ "được giữ nguyên vẹn và nâng cấp trở thành một bảo tàng Đà Lạt ở điểm cao mới (dời lên độ cao 28 m), mở cửa cho mọi người ; bên cạnh đó còn mang đến cho người dân thêm các trải nghiệm tiện ích hiện đại từ dịch vụ khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế, đến việc tham quan không gian, cảnh quan đặc sắc…, tạo được sự kết hợp giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại". 

Đối với kiến trúc sư như ông Ngô Viết Nam Sơn, làm một dự án địa ốc trên Đồi Dinh sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề bản sắc và giữ gìn di sản cho Đà Lạt :

"Dự án quy hoạch đã đi sai với định hướng quy hoạch ban đầu mà thủ tướng phê duyệt, tức là khu này nằm trong khu đô thị lịch sử, phải ưu tiên cho việc bảo tồn và chỉnh trang, nhưng bây giờ không còn là bảo tồn.

Thứ hai, quy hoạch của thủ tướng quy định đây là chức năng văn hóa và là công trình công cộng, sau đó quy hoạch lại chuyển thành khu thương mại dịch vụ, trong đó có khách sạn nhiều tầng.

Từ cái sai về định hướng quy hoạch nó dẫn đến cái kiến trúc của cả ba phương án đều sai luôn, trong đó phương án mà thành phố muốn chọn xây dựng là phương án làm một cái đồi giả ở dưới. Gọi là đồi nhưng thật sự đây là một khách sạn nhiều tầng ở dưới và Dinh Tỉnh trưởng được nâng lên cao độ là 28 mét. Hình thức này chẳng khác gì mình xây dựng mới, bởi vì không gian di sản và rừng cây bị xâm phạm, cây bị chặt rất nhiều, cũng như ý nghĩ đối với một không gian công cộng, đối với người dân không còn như trước nữa.

Thành ra tôi nghĩ định hướng này không còn phù hợp, có thể là có những định hướng tốt hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, cũng như cho lợi ích dài hạn của địa phương.

Vấn đề này thì đã có nhiều kiến trúc sư cũng như chuyên gia trong và ngoài nước nhìn thấy và mọi người đều lên tiếng. Ở đây, chắc là có vướng víu gì đó. Tôi nghĩ nói chung là lãnh đạo đều mong muốn cho địa phương phát triển tốt, nhưng họ chưa được tư vấn tốt. Nhà đầu tư vẽ ra hình ảnh một khu cao tầng hiện đại, thì có lẽ lãnh đạo đang nghĩ rằng làm như vậy thì đô thị sẽ giàu có, mạnh hơn, tốt lên hơn.

Nhưng thật ra, việc xây dựng hiện đại và thậm chí cao tầng, nếu mình làm đúng chỗ thì rất tốt cho Đà Lạt. Tức là Đà Lạt có rất nhiều đất. Nếu như dự án tương tự như vậy được đưa ra khu ngoại vi thì có lẽ là nó tốt hơn. Nhưng nếu như mình xâm hại di sản của khu Hòa Bình để mình cắm một công trình cao 10 tầng thì thứ nhất là không gian xanh duy nhất còn sót lại sẽ không còn nữa, bởi vì một số lượng cây lớn sẽ bị chặt để làm công trình.

Thứ hai là công trình di sản Dinh Tỉnh trưởng từ muôn đời đã là công trình mang tính biểu tượng của khu Hòa Bình là khu di sản Phố Việt".

Điều khiến ông Ngô Viết Nam Sơn cũng như nhiều kiến trúc sư khác bức xúc nhất đó là việc "nâng cấp" Dinh Tỉnh trưởng thành một bảo tàng Đà Lạt ở "điểm cao mới", nói rõ hơn là dời công trình này lên một độ cao 28 mét :

"Việc đưa lên trên cao như vậy, về mặt bảo tồn di sản, không có ai làm như vậy, bởi vì bảo tồn di sản không chỉ có bảo tồn cái nhà, mà không gian xanh bao quanh nó và ý nghĩa của toàn bộ không gian đó đối với người dân, vẫn bảo đảm cho họ tiếp cận một cách dễ dàng. Còn đây chẳng khác gì mình chuyển một di sản thật thành một di sản giả để mà nói là chúng tôi cũng có bảo tồn đó, chúng tôi đưa lên trên cao để tôn vinh nó, nhưng thật sự ra mục tiêu chính vẫn là để xây khách sạn 10 tầng ở dưới.

Nếu xây khách sạn thì không gian xanh của khu Hòa Bình không còn nữa. Ý nghĩa không gian công cộng cũng không còn, bởi vì người dân lúc trước đi bộ lên đồi, một khu không gian công cộng miễn phí, bây giờ phải đi thang máy lên và không loại trừ khả năng là sẽ bị thu tiền để đi lên không gian này.

Riêng công trình Dinh Tỉnh trưởng là một kết cấu bằng gạch, mình di dời tới lui, đưa lên trên cao như vậy thì thế nào nó cũng sẽ bị hư hại"

Nói chung, điểm sai cơ bản của các quy hoạch khu Đồi Dinh đó là vì chính quyền vẫn dựa trên "tư duy địa ốc", thay vì "tư duy bảo tồn", theo quan điểm của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn :

"Họ đang muốn làm một dự án địa ốc ở đây, tức là vẫn có tư duy "địa ốc", có nghĩa là muốn tối đa hóa diện tích cây xanh còn sót lại, để xây dựng khách sạn 10 tầng, coi như là phục vụ lợi ích cho nhà đầu tư Nhưng một dự án như ở khu Đồi Dinh đúng ra phải làm theo tư duy "bảo tồn và chỉnh trang". Một mặt chúng ta phải đưa ra định hướng giữ gìn di sản này. Thứ hai phải giữ nguyên rừng cây ở đỉnh đồi, thậm chí phải làm thêm không gian xanh, công viên.

Bên cạnh đó, khi bảo tồn Dinh Tỉnh Trưởng, mình có thể chuyển đổi chức năng của nó thành chức năng văn hóa công cộng, như là bảo tàng, thư viện, nhà sinh hoạt cộng đồng cho người dân. Bên cạnh đó có thể làm các tuyến đi bộ từ Dinh xuống các khu chung quanh, nối xuống chợ Đà Lạt, nối xuống Hồ Xuân Hương.

Chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm của thế giới làm tốt như thế này, ví dụ như đồi Monmartre, Paris, khu phố cổ Montréal, khu phố cổ Québec hay khu chợ Pike Place Market ở Seattle.

Tham khảo những kinh nghiệm đó mình sẽ thấy rằng nó đem lại lợi ích kinh tế rất lớn và phục vụ lợi ích cho người dân địa phương, làm cho họ giàu hơn. Trong khi mình làm dự án địa ốc thì nó chỉ phục vụ cho nhà đầu tư thôi. Người dân không những là không được lợi nhiều, mà còn bị cạnh tranh về dịch vụ thương mại, cũng như là người dân đang có một không gian xanh miễn phí tự nhiên bây giờ biến thành không gian dịch vụ thương mại có thu tiền. 

Chính quyền địa phương cũng không có thu lợi bao nhiêu, bởi vì khi là dự án như thế này thì phải đền bù giải tỏa rất là nhiều khu vực và xung quanh phải xây dựng, phải nâng cấp thêm rất nhiều hạ tầng cơ sở. Trừ những chi phí này, thu nhập của địa phương không có bao nhiêu hết".

Điều đáng nói là sau khi đã quyết định chọn phương án đó, chính quyền tỉnh Lâm Đồng mới có văn bản gửi Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị "góp ý bằng văn bản". Họ lấy lý do "tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp", nên không thể tổ chức làm việc trực tiếp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam để lấy ý kiến cho công trình này. Theo tin báo chí trong nước, Hội Kiến trúc sư đã có phản hồi, không đồng tình với phương án được chọn.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 29/11/2021