Những “chiêu ảo thuật” hợp pháp cho phép Trung Quốc ‘làm bốc hơi’ những “kẻ gây rối”

Việc Bành Suý mất tích rồi lại xuất hiện trở lại đã làm tốn biết bao giấy mực của truyền thông quốc tế. Trong bối cảnh Trung Quốc chấn chỉnh lại xã hội, theo đường lối của riêng mình : kiểm duyệt từ thông tin đến tư tưởng. Bành Súy đã phải chịu chung số phận với tất cả những người phạm phải "điều cấm kỵ" ở Trung Quốc, và biến mất trong cỗ máy đàn áp kiểm duyệt, đằng sau đó là việc chính quyền hợp pháp hoá việc làm bay hơi những “kẻ gây rối.”  

Ảnh minh họa : Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi)  phát biểu tại Diễn đàn Nhân quyền Nam-Nam, tại Đại Lễ đường Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 07/12/2017.

Cách nay 3 năm, ông, phó thủ tướng Trương Cao Lệ đã nghỉ hưu. Ông đã liên lạc với ông Liu của trung tâm Tennis Thiên Tân để yêu cầu tôi chơi tennis với ông ở tòa nhà Kangming tại Bắc Kinh. Sau khi chơi xong vào buổi sáng, ông và vợ ông đã đưa tôi về nhà ông. Sau đó, ông đưa tôi vào phòng, giống như lần ở Thiên Tân cách đây 10 năm, ông đã muốn có quan hệ tình dục với tôi. Buổi chiều hôm đó, tôi đã rất sợ hãi, tôi không thể ngờ rằng việc đó đã xảy ra. Việc mà vợ ông canh giữ ở phía sau cửa. Tôi không thể ngờ rằng bà ấy đã đồng ý việc này. Ông và tôi đã có quan hệ tình dục cách đây 7 năm, sau đó ông được thăng chức vào Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị. Ông đã đến Bắc Kinh và không còn liên lạc với tôi nữa. Tôi đã cất giấu mọi thứ ở sâu trong lòng. Bởi vì ông không sẵn sàng để bảo đảm một mối quan hệ với tôi, vậy tại sao ông lại quay trở lại ? Tại sao ông lại mang tôi về nhà ông và ép tôi quan hệ tình dục với ông ? Tôi không có bằng chứng gì, và không có cách nào để lưu lại bằng chứng cả".

Trên đây là trích đoạn bức tâm thư, được đăng tải trên mạng xã hội Vi Bác (Weibo) tố cáo cựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ về tội hiếp dâm, nhưng đúng hơn là tố cáo ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tập Cận Bình, giai đoạn 2013 - 2018. Bài viết đã bị xóa đi chỉ khoảng 30 phút sau đó. Báo Pháp Libération đã dựa vào các ảnh chụp màn hình để tìm lại bài đăng. Bành Suý đã xuất hiện trở lại sau hai tuần biệt vô âm tín, nhưng sự im lặng của cô về lời cáo buộc đã khiến công luận thế giới chú ý. Theo tổ chức Human Rights Watch, tất cả 7 ủy viên Thường Vụ Bộ Chính Trị đều là nam giới, là những người tuyệt đối không thể đụng tới. Trả lời RFI Tiếng Việt, bà Maya Wang, chuyên gia nghiên cứu về nhân quyền ở Trung Quốc giải thích thêm : 

“Bành Suý đã cáo buộc một trong những người lãnh đạo đứng đầu chính phủ, và điều này chưa từng xảy ra, người ta thường không dám lên tiếng cáo buộc lãnh đạo cấp cao cho dù là bất cứ chuyện gì đi chăng nữa. Đây là một vụ bê bối khá lớn, bởi vì cô ấy vẫn giữ im lặng sau lời cáo buộc. Chỉ có cơ quan truyền thông của Nhà nước được phép đưa tin, hình ảnh về Bành Suý, và không ai khác được phép nói về vụ việc. »

Đúng vậy, Bành Suý đã động đến người không nên động đến. Chưa bao giờ Trung Quốc có một vụ bê bối tình ái liên quan đến một quan chức cấp cao. Lời cáo buộc của Bành Suý đã làm băng hoại thanh danh của một trong 7 lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc, được mệnh danh là “bảy vị thần bất tử” trong Đạo giáo. Cô đã đụng chạm đến thượng tầng quyền lực của đảng Cộng Sản Trung Quốc, được tuyên truyền như hiện thân của sự trong sạch và mẫu mực. 

Trong khi vụ bê bối của nhân viên tập đoàn Alibaba tố cáo cấp trên lạm dụng tình dục, đã thu hút 900 triệu lượt xem trên mạng xã hội Trung Quốc, thì vụ của Bành Suý đã bị kiểm duyệt ngay lập tức. Tất cả các từ khoá liên quan đến Bành Suý và Trương Cao Lệ, hay từ “quần vợt” đều đã bị xoá khỏi bộ máy tìm kiếm trên Internet ở Trung Quốc. Đại đa số người Trung Quốc không biết đến vụ bê bối này. 

Loại bỏ những « kẻ gây rối » : Truyền thống của cỗ máy đàn áp 

Loại bỏ "những kẻ gây rối", nghệ sĩ, người nổi tiếng, chính trị gia, quan chức cấp cao hay bất kỳ ai chống đối lại chính phủ, là một truyền thống trong chính sách đàn áp của đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Họ mất tích ở ngoài đời thực và cũng không còn dấu vết gì trên mạng Internet.

Trả lời báo Pháp La Croix số ra ngày 26/11/2021, ông Benedicte Roger, người sáng lập tổ chức nhân quyền Hong Kong Watch, lên án việc “chế độ Cộng Sản hoạt động giống như một băng đảng côn đồ bắt cóc, khủng bố và uy hiếp.” Báo La croix, cho biết thêm, mặc dù lạm dụng tình dục không có gì xa lạ ở cấp cao nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc, như trường hợp Mao Trạch Đông đã lần lượt đưa các phụ nữ trẻ lên chuyến tàu riêng của ông, trong khi đối với các quan chức đảng viên đảng Cộng Sản, là những người được cho là có đức hạnh thì "hành vi tình dục không phù hợp" bị cấm.

Phong trào #MeToo xuất phát từ phương Tây, ủng hộ phụ nữ lên tiếng tố cáo về lạm dụng tình dục, đã nhận được hưởng ứng ở Trung Quốc. Để tránh #MeToo trở thành một đại phong trào, gây nguy hiểm cho quan chức Nhà nước, chế độ đã phải nhanh chóng bịt miệng, bóp ngẹt người phụ nữ đầu tiên dám bày tỏ nỗi oan khuất của mình.

Thế nhưng, Trung Quốc không ngờ rằng vụ một nữ vận động viên bị lạm dụng tình dục lại thu hút sự quan tâm của phong trào #MeeToo toàn cầu. Cái tên Bành Suý xuất hiện trên khắp các mặt báo quốc tế. Giới quần vợt quốc tế, Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ và một số nhà lãnh đạo châu Âu đều đòi tìm hiểu rõ thực hư vụ việc. Vụ bê bối tình ái của Bành Suý chỉ là vụ mới nhất trong danh sách dài những công dân Trung Hoa, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, bị biến thành “những bóng ma”, biến mất, không rõ sống hay chết.

Hợp lệ hóa các hành động trấn áp, thanh trừng những người chống đối

Phản ứng mạnh mẽ từ quốc tế không hề phóng đại vụ việc, nhất là khi chúng ta biết được mức độ của các vụ mất tích ở Trung Quốc và luật “ Quản thúc tại gia ở một nơi được chỉ định”, có tên viết tắt là RSDL. Bộ luật được thông qua vào năm 2013, ngay khi Tập Cận Bình lên làm chủ tịch nước. Luật cho phép cảnh sát giam giữ bất cứ ai trong sáu tháng, hoặc thậm chí vô thời hạn, họ không được liên lạc với luật sư, hay gia đình.

Tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders đã thu thập lời chứng của 175 nạn nhân và đưa ra một báo cáo toàn diện về vấn đề này, vào tháng 6/2021. Có khoảng 50 000 người đã “biến mất”, từ khi luật được ban hành. Các nạn nhân của RSDL cho biết bị tra tấn cả về thể xác và tinh thần, bao gồm thiếu ngủ, thiếu ăn, bị cùm và còng kết hợp kéo dài (đôi khi hàng tuần), bị đánh đập, lạm dụng tình dục…, thậm chí, gia đình và người thân của họ cũng bị đe dọa.

Trong chương trình “C dans l’air”, phát ngày 23/11/2021, kênh France 5 đài truyền hình quốc gia Pháp đã dành một tiếng đồng hồ để nói về vụ Bành Suý và những người mất tích trong bộ máy kiểm duyệt của Trung Quốc. Ông Marc Julienne, chuyên gia nghiên cứu về châu Á nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế (IFRI), nhận định như sau :

“Vụ Bành Suý chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi vì tất cả những người đối lập, blogger, nhà báo, nhà hoạt động, luật sư về quyền con người cũng nằm trong số những người tự dưng “biệt vô âm tín”. Cụ thể là trường hợp của hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã biến mất trong vài ngày ngắn ngủi. Ở trung quốc có hai hệ thống luật pháp song song. Một bên là luật pháp của Đảng, và một bên là tư pháp, có toà án, có viện công tố v.v. Nhưng những người mất tích, thông thường họ bị đưa vào guồng hệ thống pháp luật của Đảng. Và hệ thống này thì không tuân theo bất kỳ có quy tắc nào cả.”

Nhà tù vô hình cho những bóng ma

Xin nhắc lại một trong những trường hợp “mất tích”, mà dường như đã bị quên lãng đó là đó là Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, Gedhun Choekyi Nyima, được Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 chỉ định. Chỉ ba ngày sau đó, ông đã bị chế độ Bắc Kih bắt cóc, không có thêm tin tức gì kể từ năm 1995. Dưới áp lực của Hoa Kỳ, năm 2020, nhà chức trách Trung Quốc chỉ nói đơn giản rằng “ông đang sống một cuộc sống bình thường ở Bắc Kinh và không muốn người nước ngoài can dự vào cuộc sống của ông.”

Đáng ngạc nhiên là những tuyên bố này được lặp lại trong thông cáo báo chí của chủ tịch Ủy Ban Olympic Quốc tế sau khi có cuộc gọi trực tuyến với nữ vận động viên Bành Súy ngày 21/11 : “Cô ấy bình an vô sự tại nhà riêng ở Bắc Kinh, và muốn cuộc sống riêng tư được tôn trọng”, hay trường hợp của tỷ phú Jack Ma, người bị coi là một “mối đe doạ kinh tế với chế độ”, vào năm 2020, đã bị mất tích vài tháng, vì đã chỉ trích hệ thống ngân hàng của chính quyền Trung Quốc. Diễn viên nổi tiếng Triệu Vy vào năm 2021 hay Phạm Băng Băng vào năm 2018 đã bị buộc tội làm “vấy bẩn tư tưởng của giới trẻ” và tội trốn thuế. Họ cũng biệt tăm một thời gian và bị xoá sạch dấu ấn nghệ thuật trên mạng Internet.

Theo bà Maya Wang của tổ chức Human Rights Watch, xã hội Trung Hoa chưa bao giờ phải chịu sự kiểm duyệt mạnh mẽ như dưới thời Tập Cận Bình. Bà lên án hay gắt việc làm một công dân biến mất trong tích tắc rồi đến khi họ xuất hiện trở lại thì như bị "tẩy não", và thể hiện "khuất phục trước chế độ".

Đây không chỉ là sự kiểm duyệt thông thường mà là kiểm duyệt về tư tưởng, nhất là khi hành động vi phạm nhân quyền này lại được ghi thành văn bản luật rõ ràng, luật Quản thúc tại gia ở một nơi được chỉ định (RSDL). Bà Wang nói thêm :

“Các điều luật này vi phạm quyền con người một cách nghiêm trọng, và việc hợp pháp văn bản này là để tạo điều kiện cho quyền can thiệp vào các vụ mất tích. Việc sử dụng các điều luật này, hợp pháp hoá sự lạm dụng quyền lực, là bản chất của đảng, hay còn gọi là pháp quyền, tôi nghĩ rằng luật này là một ví dụ điển hình cho chủ nghĩa pháp lý độc tài mà Trung Quốc sử dụng để duy trì sự thống trị quyền lực của mình”

Dưới thời Tập Cận Bình, cuộc trấn áp nhân quyền đã tiến thêm một bước kể từ khi phong trào ủng hộ dân chủ bị đàn áp vào năm 1989. Những vụ mất tích trở nên phổ biến ở Trung Quốc, và thậm chí được hợp pháp hoá. Luật RSDL, không phải là văn bản luật duy nhất được đưa ra để đàn áp những người chống đối.

Gần đây nhất, vào năm 2018, bộ luật « Giam cầm » hay còn gọi là « luật kép - Shuanggui », do Ủy ban Giám sát Quốc gia - cơ quan chống tham nhũng cao cấp nhất ở Trung Quốc, ban hành trong chiến dịch thanh trừng, chống tham nhũng của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Các điều khoản căn bản của luật Giam cầm tương tự như luật RSDL, nhưng mở rộng hơn, nhắm vào các quan chức Nhà nước, đảng viên, lãnh đạo các trường học, bệnh viện, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp. Họ bị đưa đi điều tra, và biến mất mà không cần qua bất kỳ thủ tục xét xử nào.

Các nghi phạm bị giam giữ tại các cơ sở bí mật bên ngoài hệ thống tư pháp. Ủy ban giám sát quốc gia, gọi tắt là NSC, được xếp vào diện cơ quan phi hành chính, cũng được giao nhiệm vụ điều tra cảnh sát, công tố viên, toà án. Không cơ quan nào dám chống lại NSC.

Theo báo cáo của tổ chức Safeguards Defenders, có ước tính có khoảng 29.000 cá nhân có thể đã phải chịu hình thức giam giữ này kể từ tháng 10 năm 2019 và 52.000 kể từ khi NSC thông qua luật « Giam cầm - Liuzhi ». 

Nguồn tin RFI Tiếng Việt