Thành công trong hoạt động chính trị là gì ? (Việt Hoàng)
Ông rất lạc quan, yêu đời vì ông đã sống một cuộc đời xứng đáng. Ông đã cống hiến cho dân tộc, cho đất nước một cách trí tuệ, bền bỉ và trọn vẹn. Với ông như thế là thành công, là một cuộc đời đáng sống. Sự thật đúng là như thế, thành công lớn nhất của một nhà tư tưởng chính trị và hoạt động chính trị như ông là để lại một di sản tốt đẹp và hữu ích cho cuộc đời. Di sản đó sẽ được anh em Tập Hợp tiếp nối trong tự hào.
Văn hóa Khổng giáo quan niệm làm chính trị thành công là được làm quan, vinh thân phì gia, được ăn trên ngồi trước hoặc để người khác nể sợ. Văn hóa đó đặt quyền lợi của người làm quan lên trên quyền lợi của người dân. Họ cho rằng được làm quan là do số mệnh hoặc do sự cố gắng của bản thân vì vậy họ có quyền hưởng vinh hoa phú quí. Khái niệm hy sinh và cống hiến cho xã hội không có trong văn hóa Khổng giáo. Cũng văn hóa đó đã sinh ra tâm lý phục tùng chính quyền tuyệt đối thay vì đấu tranh để thay đổi nó, ngay cả khi đó chỉ là một chính quyền tồi dở và bạo ngược.
Quan niệm về chính trị như vậy rất sai và đã lạc hậu. Trong thời đại mới, chính trị là một lĩnh vực đòi hỏi sự nghiêm túc, đạo đức và trong sáng ở mức cao nhất. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) định nghĩa "chính trị là đạo đức ứng dụng vào trong cuộc sống". Mỗi quyết định đúng - sai của người lãnh đạo chính trị ảnh hưởng đến số phận của hàng nghìn, hàng triệu người khác. Người làm chính trị không có đạo đức sẽ gây họa cho chính mình và cho cả dân tộc. Chính trị là việc chung, ai cũng có quyền tham gia vào chính trị. Mục đích chính của việc làm chính trị là để mưu tìm hạnh phúc cho nhân dân, cho cả cộng đồng chứ không phải vì mục đích cá nhân. Nếu muốn làm giàu và hưởng thụ thì nên kinh doanh. Người làm chính trị gần như đi tu. Phải từ bỏ những ham muốn đời thường để dồn hết tâm trí cho lý tưởng đã chọn.
Người Việt Nam không quan niệm về chính trị như vậy. Họ luôn nghi ngờ lòng tốt của người khác. Họ không tin có những người chỉ cho đi mà không đòi hỏi gì. Điều đó hoàn toàn sai. Các tu sĩ là một ví dụ, họ sống đạm bạc và hy sinh mọi ham muốn của bản thân để phụng sự cho một lý tưởng mà họ cho là đúng và cao đẹp. Những người làm từ thiện cũng chỉ cho đi chứ đâu cần nhận lại.
Người làm chính trị cũng phải có đức tính hy sinh như các tu sĩ. Rất nhiều người âm thầm đóng góp cho tương lai chung, cho sự tiến bộ và tự do cho dân tộc mình, đất nước mình mà không đòi hỏi bất cứ một ân huệ hay quyền lợi gì. Nhiều chí hữu của Tập Hợp dù đã lớn tuổi và thành công ở nước ngoài nhưng vẫn đóng góp cho công cuộc dân chủ hóa đất nước mà không có bất cứ tham vọng gì cho bản thân. Sự hy sinh của họ luôn là bất vụ lợi và một chiều.
Người thành công là người đã để lại một di sản tốt đẹp và hữu ích cho cuộc đời. (Ảnh: Mẹ Têrêsa, một nữ tu bình dị đã dành cả cuộc đời để chăm sóc cho những người nghèo khổ, bất hạnh ở Ấn Độ và trên khắp thế giới. Bà được Giáo hoàng Phanxicô phong thánh năm 2016)
Anh em Tập Hợp đấu tranh không phải để làm ông này bà nọ. Trong Tập Hợp không có nhiều chức danh và cấp bậc. Mọi người đều tự nguyện đến với nhau, không ai có lương và không ai được hứa hẹn bất cứ một ân huệ nào trong tương lai. Tập Hợp đấu tranh để mở ra một trang sử mới cho dân tộc. Nếu Tập Hợp được người dân Việt Nam bầu chọn làm đảng cầm quyền trong tương lai thì khi đó chúng tôi sẽ dựa trên khả năng của từng người để phân công công việc. Chúng tôi sẽ xem đó là một trách nhiệm và bổn phận thay vì là ân huệ hay phần thưởng.
Ông Nguyễn Gia Kiểng vẫn thường nhắc nhở anh em chúng tôi rằng, trong chính trị đừng bao giờ tính toán thiệt hơn cho bản thân và tổ chức mình mà thấy cái gì đúng, cái gì cần và cái gì có lợi cho đất nước thì cứ thế mà làm. Ông luôn hành động như vậy và chúng tôi cũng sẽ hành động như vậy. Với anh em Tập Hợp thì sự thành công của những người làm chính trị là đã cống hiến và đóng góp cho cái đúng, cho lẽ phải và cho một nước Việt Nam dân chủ. Ông Kiểng dù tuổi đã cao trong lúc tương lai của đất nước vẫn còn mơ hồ nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy ông sốt ruột hay thất vọng khi con đường công danh của bản thân ông và tổ chức mà ông xây dựng vẫn chưa đến đích. Ông rất lạc quan, yêu đời vì ông đã sống một cuộc đời xứng đáng. Ông đã cống hiến cho dân tộc, cho đất nước một cách trí tuệ, bền bỉ và trọn vẹn. Với ông như thế là thành công, là một cuộc đời đáng sống. Sự thật đúng là như thế, thành công lớn nhất của một nhà tư tưởng chính trị và hoạt động chính trị như ông là để lại một di sản tốt đẹp và hữu ích cho cuộc đời. Di sản đó sẽ được anh em Tập Hợp tiếp nối trong tự hào.
Nguyên nhân khiến phong trào dân chủ Việt Nam không mạnh lên được là do quan niệm sai lầm và lệch lạc về sự thành công. Tất nhiên ai cũng muốn và cố gắng để thành công. Nhưng thế nào là thành công? Với người Việt Nam thì thành công được đặt trên ba giá trị rất cũ và lạc hậu đó là quyền lực, sự giàu có và bằng cấp. Một người thành công là phải có danh tiếng, là người lãnh đạo hoặc một anh hùng. Thành công với người Việt Nam phải cụ thể, phải đến sớm ngay trước mắt chứ không phải là những di sản tốt đẹp mà họ để lại cho mai sau.
Việc ông Tô Lâm, Bộ trưởng công an ăn “thịt bò dát vàng” tại một nhà hàng đắt tiền bậc nhất ở London trong lúc người dân đang phải oằn mình chống đại dịch Covid-19 chứng tỏ ông và các quan chức Việt Nam không có kiến thức lẫn đạo đức chính trị. Quan niệm và hiểu biết về chính trị của họ rất sai lầm và thấp kém khiến họ làm những việc rất phản cảm mà không hề hay biết. Không chỉ mỗi Tô Lâm mà tất cả các nhà độc tài thường không có trí tuệ và tâm hồn. Họ nhỏ mọn và chỉ nghĩ cho bản thân mình chứ không nghĩ cho người khác. Maduro, tổng thống của đất nước Venezuela đang thiếu ăn cũng từng ghé quán “bò dát vàng” trong một chuyến công du. Họ không biết những quán ăn này là dành cho các ngôi sao, giới lắm tiền nhiều của chứ không dành cho các chính khách. Các chính trị gia dân chủ không bao giờ bước chân vào những nơi như vậy.
Những nhà độc tài trên thế giới nổi tiếng và được nhiều người biết đến như Hit-le, Mao Trạch Đông, Putin, Trump...Họ có phải là những người thành công không? Rõ ràng là không. Di sản của họ để lại cho nhân loại thật là kinh khủng và họ bị nhiều người nguyền rủa hơn là khen ngợi. Những kẻ sẵn sàng làm mọi chuyện kể cả dối trá và thủ đoạn để thành công đâu có gì đáng để tôn vinh. Người làm chính trị chân chính cần có viễn kiến, đạo đức, tâm hồn, sự bao dung để kiến tạo và mang hòa bình cho đất nước và nhân loại. Hai tấm gương vĩ đại về tâm hồn cao cả đó là Giê-su Kitô và Phật Thích Ca, họ cứu rỗi cả thế giới nhưng không hề làm hại một ai. Một ví dụ cụ thể nữa là những trí thức đã bền bỉ tranh đấu cho việc bảo vệ trái đất không bị nóng lên. Ban đầu (vào thập niên 60) họ chỉ là một nhóm nhỏ, yếu thế. Tiếng nói của họ không được ai lắng nghe, thậm chí bị xem là gàn dở thế rồi 60 năm sau, đã có 200 quốc gia trên thế giới tham dự hội nghị khí hậu COP26 đang diễn ra tại Anh quốc. Tất cả các cường quốc đều phải lắng nghe và làm theo những gì họ đề nghị nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu của trái đất. Nhân loại phải mang ơn họ.
Cái đúng và lẽ phải có sức mạnh vô địch. Những người lên tiếng chống biến đổi khí hậu đã chiến thắng sau gần 60 năm tranh đấu bền bỉ và quyết tâm. (Ảnh: Hội nghị về khí hậu COP26 đang diễn ra trong hai tuần tại Anh quốc)
Cuộc đấu tranh cho dân chủ Việt Nam cũng vậy, nó rất gian nan chứ không dễ như nhiều người nghĩ. Sự thực là cho đến bây giờ, không chỉ ở Việt Nam mà ngay tại hải ngoại, nơi có gần 4 triệu người Việt Nam sinh sống với hơn nửa triệu người có bằng cấp cao và thành đạt trong xã hội nhưng rồi vẫn chưa xây dựng được một tổ chức chính trị nào có tầm vóc và thực chất. Người Việt nói nhiều về chính trị nhưng không quan tâm sâu sắc và đúng cách. Bằng chứng là có rất ít bài viết về môn “khoa học chính trị” như đấu tranh chính trị là gì, quá trình xây dựng và phát triển một chính đảng phải trải qua những giai đoạn nào, vì sao cần phải có các dự án chính trị, vai trò của tư tưởng chính trị và đội ngũ nhân sự quan trọng ra sao...Người viết về chủ đề này đã ít người đọc lại càng ít hơn. Các bài viết về chính trị của Tập Hợp rất dễ đọc, dễ hiểu, rõ ràng và cụ thể chứ không trừu tượng như chủ nghĩa Mác-Lê nhưng dù vậy chúng vẫn chưa nhận được sự quan tâm cần có của trí thức Việt Nam. Trí thức đây phải hiểu là những người có hiểu biết và quan tâm đến đất nước chứ không phải những trí thức khoa bảng.
Tập Hợp là một tổ chức chính trị có lẽ khá lạ lẫm với nhiều người Việt Nam vì chúng tôi không kêu gọi bạo lực, hận thù và lật đổ mà chỉ kêu gọi tình yêu, sự bao dung và xây dựng. Cách tranh đấu của chúng tôi cũng không giống với các tổ chức khác khi chỉ dùng lời nói để thuyết phục người dân. Chúng tôi xem cuộc cách mạng dân chủ này đồng thời cũng là một cuộc cách mạng về văn hóa. Người Việt Nam đã tụt hậu khá xa do với thế giới và tụt hậu bi đát nhất, là nguyên nhân của mọi sự tụt hậu khác chính là tụt hậu về tư tưởng chính trị. Nếu không thay đổi văn hóa và tư duy về chính trị và các hoạt động chính trị thì đất nước mãi mãi sẽ không có tương lai.
Như chúng tôi đã nói, cuộc tranh đấu này không cần trí thức Việt Nam phải hy sinh hay vào tù ra tội mà chỉ cần họ dũng cảm với...chính bản thân mình. Sự dũng cảm đó là tôn trọng sự thật, lẽ phải và can đảm xét lại những giá trị cũ đã lỗi thời như danh tiếng hay những ánh hào quang phù phiếm, vô nghĩa để ủng hộ cho những gì đúng đắn, nhân bản và văn minh. Trí thức phải vượt lên chính mình và lịch sử để trở thành người tự do, tự kiến tạo tương lai cho mình và cho cả dân tộc. Sự cao cả của trí thức và những người hoạt động chính trị là sống thành thật với bản thân mình và đóng góp cho sự thắng lợi chung của cái đúng.
Anh em Tập Hợp đa số đều dùng bút danh để viết báo và giao tiếp, ngoài lý do an ninh ra thì còn một lý do nữa đó là chúng tôi không cần sự nổi tiếng. Chúng tôi tham gia vào Tập Hợp, đóng góp cho Tập Hợp và trưởng thành cùng Tập Hợp. Nếu Tập Hợp không thành công (vì người dân Việt Nam không thích dân chủ hay vì đã sống quen với chế độ cộng sản...) thì chúng tôi cũng không có gì phải tiếc nuối hay hối hận.
Tập Hợp xem đấu tranh chính trị là công việc chung, là những cố gắng chung để có thành công chung. Tập Hợp không phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện và là nơi qui tụ những người Việt Nam yêu nước lại với nhau. Muốn thành công thì phải có tổ chức vì đấu tranh chính trị luôn là giữa các tổ chức với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Lý do khiến Tập Hợp không đi nhanh được là vì trí thức và người dân Việt Nam vẫn chưa ủng hộ chúng tôi. Tập Hợp không thể nhảy khi chưa có nhạc.
Đã đến lúc những người Việt Nam ít ỏi còn quan tâm và ưu tư với vận mệnh đất nước nên dành thời gian và sự quan tâm đúng mức cho chính trị và các hoạt động chính trị. Đừng ngụy biện bằng những câu hời hợt và thiếu thành thật như “dân trí Việt Nam còn thấp” hay “Tập Hợp chưa thuyết phục được tôi”...Thử hỏi bao nhiêu năm qua, người Việt trong và ngoài nước đã ủng hộ cho bất cứ một tổ chức chính trị nào hay chưa?
Việt Hoàng
(11/11/2021)