Meritocracy, một vấn đề của dân chủ (Quốc Bảo)

Trong chính trị, giải pháp chính là nhận thức và lan tỏa nhận thức ấy. Chúng ta tôn trọng thành tựu của một người khi biết những thách thức mà họ đã vượt qua để tới đích. Nhưng cần cẩn trọng, vì nếu chỉ nhìn thành tựu, có thể ta đang bỏ qua di sản. Một thành tựu tốt đẹp phải ươm mầm cho di sản tốt đẹp hơn. Đó là một phương pháp nhìn nhận.


Chúng ta có thể tạm dịch Meritocracy là “Chủ nghĩa xứng đáng”. Vậy đó là hệ tư tưởng nào và tuần tự diễn tiến ra sao trong xã hội và chính trị. Cần cùng nhau suy tư, vì hệ lụy của nó là một vấn đề lớn trong cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam.

Chiếc bẫy tinh vi

Meritocracy là một thuật ngữ được trình bày vào những năm 1950 bởi nhà xã hội học người Anh Michael Dunlop Young, khi ông đề cập đến sự thống trị mặc nhiên của chính phủ vương quốc Anh mà ở đó gồm những người được xã hội ghi nhận là thông minh và xứng đáng. Chúng ta có thể cô đọng ý nghĩa nội hàm Meritocracy: Đó là hệ thống tư tưởng tôn vinh người thành đạt bằng trí thông minh và nỗ lực với giả định rằng xã hội sẽ chia đều cơ hội cho tất cả mọi người. Theo lẽ đó, những ai thành công chắc chắn xứng đáng với thành công của mình, và ngược lại, người thất bại cũng “xứng đáng”. Theo lẽ đấy, những người thành công sẽ xứng đáng được trao quyền và tín nhiệm ở vị trí lãnh đạo.

Cái lí của Meritocracy: Thông minh và nỗ lực là hai đặc tính rất con người. Vượt lên trên con vật. Thông minh cho phép một người tiếp thu và phát huy kiến thức nhạy bén. Nỗ lực là việc sẵn sàng chấp nhận thử thách và vượt qua. Hai điều đó đều đáng trân trọng, nhất là nỗ lực. Và những ai hội tụ cả hai để thành công thì còn gì là không xứng đáng? Meritocracy là tâm lý, sinh học và cả văn hóa.

Theo logic, chủ nghĩa xứng đáng sẽ sản sinh ra một tầng lớp xứng đáng. Có thể gọi là một tầng lớp quyền lực gồm những người nắm cả tiền và quyền trong xã hội. Cũng theo logic đó, tầng lớp này khi đã được mặc nhiên thừa nhận, sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục thăng tiến, tiếp tục xứng đáng và không có lí do gì xét lại. Nhưng chủ nghĩa xứng đáng lại không định nghĩa rõ thế nào là xứng đáng. Những ai thành đạt, họ đã thành đạt như thế nào, vượt khó ra sao để xứng đáng. Câu hỏi nữa là, những ai đã thành đạt và xứng đáng trong quá khứ nhưng họ có tiếp tục xứng đáng trong tương lai nữa không?

Thế nào là xứng đáng? Một cách trừu tượng, đó là tập hợp các ý niệm đồng thuận rằng, với những cá nhân thành công, thì cá nhân ấy mặc nhiên được thừa nhận về vị thế của mình trong hiện tại và đó là người có tài. Về tâm lý, xã hội sẽ dành sự ngưỡng mộ cho cá nhân ấy, và trong khía cạnh sinh học, vị thế ấy là sự thúc đẩy phấn đấu tự nhiên của người hâm mộ. Nhưng tự thân định nghĩa đó không kín kẽ. Không thể phân định sự xứng đáng hay không vì sự so sánh nào cũng cần cơ sở nhận thức, nghĩa là cần một quá trình hình thành. Khi lan truyền tư tưởng - cứ thành công là xứng đáng - tới các lớp người khác nhau, thế hệ khác nhau, theo quy luật tâm lý, sẽ không còn ai nhìn về quá trình hình thành cơ sở nhận thức để đánh giá nữa.

Sự xứng đáng đang đề cập là sự thừa nhận đương nhiên ĐÍCH ĐẾN của một quá trình, không phải cả quá trình. Có nhiều cách để thành công và nhiều cách để vượt khó. Để xét ĐÍCH ĐẾN đến có xứng đáng hay không, thì chúng ta lại phải xét hành trình để đánh giá. Để xét hành trình, so sánh ai xứng đáng hơn ai, cần quay về chung một điểm xuất phát. Vậy, liệu chúng ta có đang ngưỡng mộ cái ngọn không, có biết cách mà họ thành công có tương đồng với quan niệm sống của chúng ta không. Và như vậy, chúng ta có ngộ nhận điều gì không?

banggia-1

Mặt trái của Chủ nghĩa xứng đáng là người Việt Nam sẵn sàng làm mọi việc, kể cả gian dối và xấu xa để đạt được mục đích. Bằng cấp giả tràn lan là một ví dụ.

Những ai thành đạt, họ đã thành đạt như thế nào, vượt khó ra sao để xứng đáng? Một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, sung túc, cùng kinh doanh hay tham gia hoạt động chính trị có thể có lợi thế hơn một đứa trẻ nhà nghèo, gia đình ly tán, cũng rất có tài và cũng theo đuổi cùng một mục đích. Trong trường hợp đó ai xứng đáng hơn ai. Về luân lý, có khả năng đó là sự vượt khó của đứa trẻ nhà nghèo, khi phải vượt qua nhiều hơn hẳn những thử thách do hoàn cảnh mang tới. Nhưng giả sử đứa trẻ nhà giàu lại chiến thắng sau cùng thì sao. Nếu chỉ nhìn ĐÍCH ĐẾN, ai xứng đáng hơn?

Những ai đã thành đạt, xứng đáng họ có tiếp tục xứng đáng nữa không. Trong chính trị, sự xứng đáng tương xứng với quyền lực và trách nhiệm. Trong xã hội, nó tương xứng với địa vị. Về luân lý, sự xứng đáng tương xứng với tài năng. Nhưng khi thừa nhận mặc nhiên những điều đó, mà không trở về câu hỏi đầu tiên, là quá trình nỗ lực thì có một chiếc bẫy sẽ xuất hiện. Quy luật Goodhart cho rằng, khi một chỉ số trở thành mục tiêu, nó sẽ không hữu ích nữa, một phần do quá nhiều người muốn tác động để số liệu đáp ứng chỉ tiêu đó. Đó là với các phép đo. Cảm giác phải có quá trình nhận thức. Sự xứng đáng vừa là phép đo – là sự giàu có, địa vị - vừa là cảm giác – sự ngưỡng mộ. Đây là mục tiêu kép để đạt được và đạt được thế nào sẽ không còn quan trọng nữa. Và sau đó tiếp tục sự xứng đáng hay không cũng không quan trọng bằng mọi cách để giữ vị thế đã được thừa nhận. ĐÍCH ĐẾN trở thành mục tiêu duy nhất và mất đi tiêu chuẩn so sánh như quy luật Goodhart.

Hệ lụy Meritocracy, diễn ra ngay cả trong xã hội dân chủ, như Mỹ, với sự chia rẽ trong lòng người, giữa hai Đảng. Thực tế là lời minh chứng: Tại Mỹ, những chính trị gia mặc nhiên là những người thành đạt và xứng đáng với tầm vóc cao trong xã hội. Nhiều người từng xem Trump là biểu tượng đến mức những gì Trump phát ngôn đều là chân lý. Trump không chỉ dân túy mà còn là hiện thân Meritocracy, ngay cả trong lòng người Mỹ lần người Việt. Ai dám bảo những lãnh đạo cộng sản, hay Trump thiếu đầu óc và nỗ lực. Nhưng nỗ lực đó là vì chức quyền của chính họ. Lúc này, Meritocracy là một lớp vỏ giáp che đậy thủ đoạn để đạt mục đích. Một luận thuyết tương đối để áp đặt tính thừa nhận tuyệt đối nhằm duy trì tham nhũng. Meritocracy không phủ nhận toàn bộ sự tử tế và vị thế của một tầng lớp, nhưng khuynh hướng tự nhiên của quyền lực được trao và thừa nhận là tha hóa nếu không có đối lập và xét lại. Mà Meritocracy đã vô hiệu hóa điều đó. Đây là cơ sở tâm lý trọng yếu trong duy trì quyền lực của các chế độ độc tài.

Chúng ta đang nhìn thẳng vào sự tinh vi của chiếc bẫy Meritocracy và suy ra hậu quả. Về chính trị, hậu quả của nó là sự âm thầm phá hoại nhân cách, phương pháp, phá hoại sự liên đới xã hội, tình đồng bào, những điều tối cần cho một quốc gia thăng tiến. Nếu một xã hội chỉ nhìn ĐÍCH ĐẾN, và ánh hào quang của nó lớn tới mức lóa mắt tất cả, thì quy luật tâm lý tất yếu sẽ diễn ra: Cứ tới đích, tới bằng mọi loại phương tiện, mà nhanh nhất là phi pháp, phi nghĩa và phi nhân, thì ánh hào quang sẽ rũ sạch bùn lầy.

Khi “Chủ nghĩa xứng đáng” không dựa trên quan điểm thúc đẩy sự tiến hóa nó sẽ là thảm họa cho xã hội và chính trị, nó có thể biến con người sống bản năng như con vật, vốn chỉ cần thỏa mãn nhu cầu sinh lý trong khi con người vượt lên ở trách nhiệm và phụng sự. Meritocracy, tận cùng lại là chủ nghĩa tôn vinh sự ăn cướp và giả dối thay vì lao động và nỗ lực.

banggia-2

Một thành tựu tốt đẹp phải ươm mầm cho di sản tốt đẹp. Di sản của những người lãnh đạo cộng sản để lại cho thế giới thật là kinh khủng.

Giải độc cho người Việt

Ngay cả khi không người Việt nào biết Meritocracy là gì, tự thân nó đã thấm sâu vào tâm hồn chúng ta. Văn hóa Khổng giáo vốn đã là xiềng xích cho dân tộc, nay được quốc tế hóa khi “nhập khẩu” thêm Meritocracy. Thực tế chúng ta có sẵn nhiều hơn cả chủ nghĩa này trong thâm tâm: Thắng làm vua, thua làm giặc. Phương châm gắn bó với Meritocracy, một chủ nghĩa như cá gặp nước trong chế độ cộng sản. Chúng ta còn mang sẵn sự thừa nhận mặc nhiên về quyền lực tuyệt đối của Vua, và nay là lãnh đạo Đảng. Không đối trọng, không xét lại, không cần biết từ đâu và làm thế nào, các lãnh đạo đương nhiệm đương nhiên xứng đáng ngôi cao.

Khi một lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam lên chức, càng lên cao, bản lí lịch càng dày lên với đủ loại bằng cấp. Sự thật là lãnh đạo Đảng đã sử dụng bằng giả rất nhiều, ngay cả khi họ có bỏ công đi học thật, tốt nghiệp thật. Gọi là bằng giả, vì họ học trong chính hệ thống tự phong của họ. Ai có thể biết và đối chứng chất lượng nếu đó là hệ thống trao bằng độc quyền. Nhưng tại sao phải làm vậy: Bằng mọi cách, thượng đội hạ đạp, khi một lãnh đạo Đảng nắm giữ được chức vụ cao, được xã hội Việt, vốn tôn sùng “chủ nghĩa xứng đáng” thừa nhận, họ cần củng cố vỏ bọc về sự xứng đáng, từ học hành tới công tác.

Bạn có thể hỏi rằng, giải pháp nào để Meritocracy không phát tán, và đánh giá thành công con người ra sao...Trong chính trị, giải pháp chính là nhận thức và lan tỏa nhận thức ấy. Chúng ta tôn trọng thành tựu của một người khi biết những thách thức mà họ đã vượt qua để tới đích. Nhưng cần cẩn trọng, vì nếu chỉ nhìn thành tựu, có thể ta đang bỏ qua di sản. Một thành tựu tốt đẹp phải ươm mầm cho di sản tốt đẹp hơn. Đó là một phương pháp nhìn nhận.

Một xã hội mà trong sâu thẳm, vừa đố kỵ, vừa khao khát và vừa thừa nhận ĐÍCH ĐẾN bất chấp đạo lý, là một xã hội lí tưởng cho ăn cướp trá hình và là cơ sở để độc tài chuyên chế tồn tại. Lãnh đạo Đảng có đầu óc và nỗ lực không? Có. Thậm chí họ dám liều cả mạng sống để mà tiến lên. Nhưng di sản của họ: Một đất nước tụt hậu và thất bại thê thảm. Meritocracy trong người Việt, còn là một tư tưởng đớn hèn và không dám đấu tranh cho lẽ phải. Làm sao có thể đấu tranh khi đã mặc nhiên thừa nhận cái ác.

Meritocracy vì thế là một chủ nghĩa tôn vinh sự tươi đẹp hiện tại dù giả tạo, nhưng gieo mầm cho một tương lai tăm tối, trên cả phương diện chính trị và xã hội. Chúng ta phải nhìn thật rõ nó.

Dân chủ không phải là một phép mầu để giải quyết tất cả mọi vấn đề, tuy nhiên dân chủ là giải pháp để chúng ta nhận diện rõ những vấn đề của đất nước, những giải pháp cần có và để đặt những con người có khả năng vào đúng chỗ của họ. Dân chủ khó đạt được nhưng lại dễ mất vì vậy phải luôn cảnh giác để giữ gìn và thăng tiến nó.

Quốc Bảo

(8/11/2021)