Còn quá sớm để nói về “một thời đại mới của đảng Cộng Sản Trung Quốc”

Hội nghị 6 Ban Chấp Hành Trung Ương đã thông qua “nghị quyết lịch sử Đảng”, nhưng nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc không hào hứng đón nhận văn bản đó. Trong bài tham luận trên báo The Conversation trên mạng ngày 16/11/2021, giáo sư Cholé Froissart, Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông Quốc Gia INALCO của Pháp, ghi nhận như trên. Phải chăng đó là dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình chưa dễ “mở ra một thời đại mới” cho đảng Cộng Sản Trung Quốc ?  

Khách tham quan tại Bảo tàng đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 11/11/2021.

Khách tham quan tại Bảo tàng đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 11/11/2021. © REUTERS/Carlos Garcia Rawlins

Chuyên gia Pháp giải thích nhân vật thế lực nhất tại Bắc Kinh có lẽ biết rõ điều đó, nên đã không dám lạm dụng cụm từ “Tư tưởng Tập Cận Bình” như đảng Cộng Sản Trung Quốc đã dùng “Tư Tưởng Mao Trạch Đông”. Tài liệu mới của đảng Cộng Sản Trung Quốc nghi nhận vai trò “hạt nhân” của ông Tập Cận Bình, nói đến mục đích đem lại thịnh vượng cho nhân dân và đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường thế giới. Dụng ý kèm theo là giải thích về tính chính đáng để ông lãnh đạo Đảng mãn đời, mà trước mắt là giữ chức tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ thứ ba. 

Theo đánh giá của nhà Trung Quốc học tại viện INALCO Chloé Froissart, chủ đích của bản nghị quyết vừa được Ban Chấp Hành Trung Ương Trung Quốc thông qua nhằm “dập tắt mọi mầm mống chống đối âm ỉ trong nội bộ Đảng”, để chuẩn bị Đại Hội Đảng vào mùa thu 2022. Tuy nhiên, bà nêu bật một chi tiết cho thấy có lẽ tính toán của ông Tập Cận Bình không được suôn sẻ như mong đợi. Ông Tập Cận Bình không dám thu hẹp đầu đề nghị quyết này vào cụm từ chính thức là “tư tưởng Tập Cận Bình”.  

Ở Bắc Kinh, giới lãnh đạo vẫn nói tới “tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội theo định hướng Trung Quốc trong một thời đại mới”. Điều đó có nghĩa là lãnh đạo họ Tập biết ông chưa thể đứng ngang hàng với Mao. Hơn nữa, vẫn theo giáo sư Froissart, viện INALCO, “nhãn quan của ông về xã hội chủ nghĩa, (…) còn rất mơ hồ”. Hào quang của đương kim chủ tịch Trung Quốc còn tùy thuộc vào định nghĩa thế nào là một “sự thịnh vượng chung”, vào “cái nhìn của Đảng về một cuộc Cách Mạng dân chủ mà Đảng hứa hẹn đem lại cho người dân”.

Vẫn theo nhà Trung Quốc học Chloé Froissart, để có được một chỗ đứng “ngang tầm với Mao”, Tập Cận Bình phải vượt qua hai trở ngại không nhỏ. Thứ nhất là vượt qua được di sản cồng kềnh mà Mao Trạch Đông để lại trong lịch sử Trung Quốc với bước Đại Nhảy Vọt và cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Thứ hai là, như Mao đã từng nói, “phải nhìn thấy được sự thật trong những gì diễn ra” hàng ngày, tức là ý thức được về những thử thách cụ thể mà Trung Quốc đang phải đối mặt. 

Vậy ông Tập Cận Bình có khả năng vượt lên trên hai trở ngại đó hay không ? Giáo sư Froissart phân tích : về khó khăn thứ nhất, đương kim lãnh đạo Trung Quốc chứng tỏ ông là một người thực tiễn. Tuy tôn sùng Mao nhưng ông Tập sẽ không phạm phải sai lầm của quá khứ. Ông không chủ trương đập đổ tất cả để xây dựng lại từ đầu, mà muốn cai trị một đất nước “ổn định với một đường lối lãnh đạo hiệu quả hơn”. Do vậy, Tập Cận Bình ưu tiên cho việc tăng cường vai trò của Đảng và đồng thời phải biết “thích nghi” với tình huống. Điều này đã được chứng minh qua cung cách Bắc Kinh  “xử lý” vấn đề Hồng Kông.  

Về trở ngại thứ nhì, giáo sư Froissart kém tin tưởng hơn vào khả năng của ông Tập Cận Bình, vì theo bà, “mãi tô hồng quá khứ lịch sử”, tầm nhìn của đương kim lãnh đạo Bắc Kinh hoàn toàn lãng quên những “thử thách cụ thể” mà Trung Quốc phải đối mặt.  

Nguồn tin RFI Tiếng Việt