Nguyễn Xuân Phúc có vấn đề (Nguyễn Đình Ấm - Nguyễn Huỳnh)

"Có thể bây giờ nói kinh tế thị trường không cần khen thưởng nữa, nhưng đó là nhận thức sai. Phải khắc phục hạn chế về hình thức, chưa đi vào thực chất. Khen thưởng tôi nói thật có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. Có không ? Tôi nói là có, có một số ngành tôi ký quá mỏi tay vì ký khen thưởng quá nhiều" – Chủ tịch nước chia sẻ – theo tường thuật bằng lời dẫn trực tiếp của báo Tuổi Trẻ . 


Phát bằng khen như bươm, không tố giác tội phạm : Nguyễn Xuân Phúc có vấn đề

"Huân chương như nắp bia, bằng khen như bươm, bướm"

Nguyễn Đình Ấm, VNTB, 25/10/2021

"Vô thiên lủng" doanh nghiệp, cơ quan làm ăn dễ dàng, nhiều lợi ích, thậm chí sai phạm, đổ vỡ cũng giàu thành tích.

Ai để ý sẽ thấy số doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có thành tích, danh hiệu nọ, kia nhiều hơn số doanh nghiệp tư nhân, số doanh nghiệp nhà nước có điều kiện làm ăn thuận lợi, kinh tế khá có nhiều thành tích, danh hiệu hơn số doanh nghiệp, cơ quan điều kiện khó khăn.

Xem ra là như thế này : doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cần thành tích, danh hiệu để lãnh đạo dễ lên chức, lên lương, vào trung ương, quốc hội, thăng tiến, doanh nghiệp được ưu đãi thuế má,vay vốn, CBNV được phê duyệt lương, thưởng ở mức cao…còn doanh nghiệp tư nhân hầu hết chỉ cần lời lãi. 

Ở doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thuộc quy mô nhất định trở lên đều có bộ phận, người phụ trách thi đua, khen thưởng (TĐKT). Ở trung ương có ban thi đua, khen thưởng trung ương (TĐKTTW) to vật vã cũng vụ nọ, vụ kia như vụ nghiên cứu tổng hợp, vụ TĐKT các bộ, ngành,đoàn thể trung ương, vụ TĐKT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, vụ pháp chế-thanh tra, vụ tổ chức cán bộ… Các tỉnh, thành cũng có cơ quan TĐKT nhưng nhỏ hơn. Các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị nhà nước quá nhỏ thì có người, bộ phận phụ trách TĐKT. Có thể nói một bộ phận nhân lực, chi phí khổng lồ cho hệ thống TĐKT từ trung ương đến cơ sở mà những nước văn minh kinh tế thị trường thực sự không hề có. Có thể nói "nghề" thi đua khen thưởng là một "nghề" nhàn hạ và "thơm tho" nhất vì chuyên phán xét thiên hạ, không phải tính toán nắng, mưa, lời lỗ… 

Với thành tích của cá nhân, tập thể từ cơ sở đến bộ, ngành, huyện, tỉnh thì được giới thiệu, bình bàu như đã nói trong bài "Về thành tích của quan chức". Riêng về thành tích từ bằng khen, huân, huy chương của chính phủ, chiến sĩ thi đua, anh hùng…thì như dân gian nói "con có khóc mẹ mới cho bú". Các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thường có nhu cầu được khen thưởng càng cao càng tốt. Có khi cơ quan lớn "khát" thành tích cao còn thành lập một tổ "đặc nhiệm", một khoản tài chính riêng chuyên lo huân, huy chương, danh hiệu cao cho đơn vị. Tổ này phải "bám" sát thi đua cấp trên, làm theo mọi hướng dẫn để đáp ứng yêu cầu. Thường thường bản báo cáo thành tích phải chỉnh sửa nhiều lần như thể rất quan trọng, "khắt khe" mới đạt yêu cầu. Chính cơ quan tôi đã được "tiếp thị" xin khen thưởng cho cơ quan nhưng chúng tôi không "chạy".

 Khi báo cáo đạt yêu cầu rồi thì chủ nhà và khách thường tổ chức "thị sát thành tích". Ở ngành hàng không tôi làm việc có "đặc sản" tiếp khách thi đua cấp trên là thường tổ chức những tour cho khách đi "thị sát" các cơ sở. Ở phía nam đoàn hay đến "thị sát" Vũng Tàu, các sân bay Đà Lạt, Phú Quốc… tất nhiên phía chủ nhà lo toan, chăm sóc "toàn tập". Theo chỗ riêng tư thì thứ "phổ thông" (không công khai) là doanh nghiệp, cá nhân muốn có danh hiệu thì phải "bôi trơn" theo mức khen thưởng, danh hiệu càng cao thì "dầu nhờn" phải tỷ lệ thuận. Không biết có đúng thế không. Ai muốn khẳng định hãy tìm hiểu xem các sếp liên quan, ký duyệt nọ, kia để trình lên hội đồng thi đua khen thưởng trung ương từ trước đến nay giàu hay nghèo so với thu nhập công khai của họ thì biết. 

Cũng như cả nước, ở ngành Hàng không Việt Nam, các sân bay, doanh nghiệp lớn thường xuyên được bằng khen, huân, huy chương cỡ chính phủ, một số đơn vị, cá nhân giàu có hay được danh hiệu chiến sĩ thi đua, anh hùng. Thậm chí doanh nghiệp lụn bại nhưng "chịu chơi" cũng có danh hiệu khủng. Năm 2003 hãng Hàng không Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific) quản lý tồi, tham nhũng nợ lũy kế hơn 200 tỷ đồng đã ở mức phá sản nhưng vẫn đề nghị và nhận được bằng khen của chính phủ. 

Hiện tượng "huân, huy chương như nắp bia, giấy, bằng khen như bươm bướm" và nhiều doanh nghiệp, cơ quan được khen thưởng nhưng bị kỷ luật, lãnh đạo đi tù là như thế. Ông chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói tại buổi bàn về luật thi đua khen thưởng hôm 23/10 : "Có việc chạy thành tích để nâng lương,thăng cấp, và "Tôi ký quá mỏi tay vì khen thưởng nhiều quá" là hoàn toàn chính xác.

Ở ngành hàng không có lẽ tổng công ty quản lý bay là đơn vị có nhiều huân, huy chương, anh hùng tập thể, cá nhân nhất. Đơn vị này chỉ có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ không lưu cho máy bay đi, lại, quá cảnh. Nhiệm vụ vất vả, quan trọng chỉ có đội ngũ kiểm soát viên không lưu, khí tượng… cỡ vài trăm nhân viên trình độ từ cao đẳng trở lên. Họ thay ca kíp trực 24/24 điều hành máy bay đóng góp vào an toàn hàng không còn đơn vị hơn 3.000 CBNV làm việc nhàn hạ. Sản xuất kinh doanh của TCT như kiểu thu phí ở trạm BOT (bằng VND, USD), khai thác tài nguyên quốc gia nhàn hạ, dễ dàng, hiệu quả nhất trong ngành hàng không nên đơn vị dư dả tài chính và cũng nhiều thành tích các cỡ cao nhất. Tương tự TCT quản lý bay, công ty dịch vụ SASCO ở Tân Sơn Nhất độc quyền kinh doanh thương mại "siêu lợi nhuận" đơn vị cũng rất giàu thành tích tập thể,cá nhân…

Có thể rút ra : Có những đơn vị, cá nhân thật sự có thành tích xuất sắc xứng đáng danh hiệu này, nọ nhưng cũng "vô thiên lủng" doanh nghiệp, cơ quan làm ăn dễ dàng, nhiều lợi ích, thậm chí sai phạm, đổ vỡ cũng giàu thành tích. 

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn : VNTB, 25/10/2021

**********************

Ông Nguyễn Xuân Phúc có dấu hiệu ‘không tố giác tội phạm’ ?

Nguyễn Huỳnh, VNTB, 25/10/2021

Sáng 23/10/2021, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật thi đua khen thưởng . Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay dự thảo sẽ quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, các phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, hạn chế tính hình thức trong thi đua.

nxp2

‘Khen thưởng tôi nói thật có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm’. 

Đồng tình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra thực tế hiện có nơi, có lúc chỉ tập trung vào khen thưởng, nhưng lại chưa chú ý phát động phong trào thi đua một cách mạnh mẽ trong tầng lớp nhân dân, giai tầng xã hội.

"Có thể bây giờ nói kinh tế thị trường không cần khen thưởng nữa, nhưng đó là nhận thức sai. Phải khắc phục hạn chế về hình thức, chưa đi vào thực chất. Khen thưởng tôi nói thật có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. Có không ? Tôi nói là có, có một số ngành tôi ký quá mỏi tay vì ký khen thưởng quá nhiều" – Chủ tịch nước chia sẻ – theo tường thuật bằng lời dẫn trực tiếp của báo Tuổi Trẻ .

Như vậy, liệu ở đây là hành vì ‘tòng phạm’, hay là ‘không tố giác tội phạm’ ?

Không tố giác tội phạm, được hiểu là hành vi không báo cho cơ quan có thẩm quyền về một trong các tội phạm được Bộ luật Hình sự quy định (tại Điều 389) mà mình biết rõ là đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện.

Tội không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 :

"Điều 390. Tội không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt".

Các nội dung ở Điều 390 không liên quan đến hành vi Tội đưa hối lộ, tội môi giới hối lộ được quy định, hướng dẫn tại Điều 364, điều 365 Bộ luật hình sự.

Như vậy về nguyên tắc, không đủ căn cứ pháp lý để quy kết hành vi gọi là "không tố giác tội phạm" của ông Nguyễn Xuân Phúc qua phát biểu, "Khen thưởng tôi nói thật có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. Có không ? Tôi nói là có, có một số ngành tôi ký quá mỏi tay vì ký khen thưởng quá nhiều".

Tuy nhiên công luận được quyền đặt nghi vấn, liệu ở đây để "ký quá mỏi tay", có vấn đề gì liên quan đến "bánh ít đi, bánh quy lại" ?

Nếu căn cứ Luật phòng, chống tham nhũng  thì xem chừng sẽ phù hợp hơn cho ngữ cảnh của câu "Khen thưởng tôi nói thật có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. Có không ? Tôi nói là có, có một số ngành tôi ký quá mỏi tay vì ký khen thưởng quá nhiều".

"Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng

1. Công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật ; có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

2. Công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng".

Ông Nguyễn Xuân Phúc đã "ký mỏi tay" trên cương vị là Chủ tịch nước. Ông Nguyễn Xuân Phúc còn giữ trọng trách Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Với ‘hai vai’ như vậy cho thấy trước tiên ông Nguyễn Xuân Phúc phải là công dân gương mẫu, nên ông cần thực hiện quyền và nghĩa vụ được ghi ở Điều 5, Luật phòng, chống tham nhũng.

Nguyễn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 25/10/2021