Covid-19 : Đóng cửa quá lâu, Việt Nam mất nhiều « khách sộp »

Việt Nam dự kiến có đủ vac-xin chống Covid vào đầu năm 2022, và chính quyền cố gắng tỏ ra lạc quan. Nhưng nhiều nhà sản xuất bị thiệt hại vì phong tỏa đã rời đi, và nhiều thương hiệu (trong đó có Nike và Adidas) muốn dịch chuyển ra khỏi Việt Nam một thời gian.

Ảnh minh họa: Một xưởng may mặc thương hiệu Nike tại Nhà Bè, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh chụp ngày 15/02/2003.
Ảnh minh họa: Một xưởng may mặc thương hiệu Nike tại Nhà Bè, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh chụp ngày 15/02/2003. AFP

 

Hồ sơ của L’Obs tuần này nói về « Cuộc chiến điện gió », Le Point dành số đặc biệt cho doanh nhân kiêm chính khách quá cố Bernard Tapie, L’Express nói về sự dàn xếp giữa các viên chức cao cấp. Chủ đề của The Economist « Nền kinh tế thiếu hụt », còn Courrier International quan tâm đến cơn sốt tiền ảo.

Nike giảm 10% tăng trưởng, Adidas mất nửa tỉ euro

Liên quan đến Việt Nam, Libération cuối tuần đặt câu hỏi « Liệu có giày basket cho Noel này hay không ? », với hình minh họa là một bàn chân mang vớ, cột dây cẩn thận, nhưng không có giày !

Nike, tập đoàn hàng đầu thế giới về trang phục thể thao đã giảm dự báo tăng trưởng từ 15% xuống 5%. Giám đốc sản xuất của Nike cho biết đã mất đi khoảng 10 tuần lễ sản xuất cộng với thời gian vận chuyển lâu hơn, dẫn đến thiếu hàng trong những quý tới. Đó là do biến thể Delta của virus corona hoành hành trong khi thiếu vac-xin, mà Việt Nam là trường hợp điển hình.

Phân nửa số giày của Nike được sản xuất tại Việt Nam trong năm 2020. Từ mùa xuân, Việt Nam phải đối mặt với biến thể Delta và hơn 1/3 trong số 100 triệu dân bị phong tỏa. Đến ngày 01/10, chỉ có 10% dân số được chích ngừa Covid. Một thảm họa cho kỹ nghệ nhất là dệt may, các nhà máy buộc phải đóng cửa dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nike loan báo đóng 80% nhà máy ở miền nam Việt Nam. Nhiều hãng thời trang lớn cũng bị ảnh hưởng.

Adidas dự kiến doanh số bán sẽ giảm 500 triệu euro, vì hãng này và Puma trong những năm gần đây đã gia tăng lượng đặt hàng tại Việt Nam. Gap và Uniqlo cũng vậy, và Gap đành phải dùng đường hàng không để tránh giao hàng trễ.

Đến lượt Việt Nam mất các nhà đầu tư 

Những thương hiệu khác như Benetton muốn giảm phân nửa sản lượng tại châu Á từ nay đến cuối 2022, chuyển đơn hàng sang Serbia, Croatia, Bắc Phi, Thổ Nhĩ Kỳ. Tập đoàn Inditex sở hữu thương hiệu Zara sẽ cho sản xuất hơn phân nửa gần Tây Ban Nha, trong khi 70% sản lượng H&M là tại châu Á. Tổ chức vận động hành lang Mỹ Apparel and Footwear Association đã gởi thư ngỏ lên tổng thống Joe Biden đề nghị gởi thêm vac-xin cho « quốc gia đối tác » này để mở cửa lại các nhà máy đang gặp khó khăn.

Đã gần đến Black Friday và mùa Noel. Khi được báo trước nạn khan hiếm hàng, người tiêu dùng sẽ ồ ạt mua sắm nên mùa này hàng tồn sẽ hầu như không có.

Về vac-xin, theo thứ trưởng y tế Việt Nam, quốc gia này dự kiến sẽ có đủ vào đầu năm 2022, và chính quyền cố gắng truyền thông một cách lạc quan để trấn an. Nhưng nhiều nhà sản xuất đã rời Việt Nam và nhiều thương hiệu (trong đó có Nike và Adidas) muốn dịch chuyển ra ngoài Việt Nam một thời gian. Theo chính quyền địa phương, hoạt động kinh tế Việt Nam bị giảm ở mức kỷ lục từ tháng Sáu đến tháng Chín.

Người Việt chuộng tiền ảo nhất thế giới

Việt Nam cũng được đề cập đến trong hồ sơ « Cơn sốt bitcoin » của Courrier International. Tuần báo Pháp dịch bài viết của Financial Times, giải thích vì sao tiền ảo thu hút các quốc gia mới trỗi dậy như Việt Nam, Brazil hay Venezuela, được coi như giải pháp thay thế cho đồng tiền quốc gia bất ổn.

Theo Chainalysis, một trong những công ty chính chuyên phân tích tiền ảo, người Việt chuộng loại tiền này nhất trên thế giới. Việt Nam nằm trong top 20 bảng xếp hạng năm 2021, Hoa Kỳ là nền kinh tế phát triển duy nhất trong danh sách này.

Được coi là mặt hàng đầu cơ tại những nước giàu, bitcoin - đồng tiền ảo nổi tiếng nhất - tìm được chỗ đứng tại các quốc gia đang phát triển có hệ thống tài chính yếu kém. Lạm phát, tỉ lệ hối đoái lên xuống bất thường, dịch vụ ngân hàng đắt đỏ nhưng chậm chạp, quy định không rõ ràng, hạn chế dịch chuyển đồng vốn…Riêng Salvador là trường hợp ngoại lệ : đồng tiền ảo biến thành thực. Tổng thống nước này ra luật coi bitcoin là đồng tiền chính thức, và có nguy cơ bị cáo buộc là đánh bạc bằng công quỹ.

Quốc gia Trung Mỹ có 6,5 triệu dân trong đó 70% không có tài khoản ngân hàng, đa số sống bằng kiều hối, là phòng thí nghiệm hoàn hảo cho bitcoin. Khi tung ra ứng dụng dùng tiền ảo trên smartphone ngày 07/09, tổng thống Nayip Bukele tặng cho mỗi người dân Salvador 30 đô la bằng bitcoin để khuyến khích họ sử dụng, và cho đặt 200 máy rút tiền trên toàn quốc để đổi sang đô la. Đến ngày 24/09 bitcoin sụt giá, người Salvador không còn 30 đô la mà là 26, ngược lại nếu họ mua 1.000 đô la bitcoin hồi tháng Sáu, nay họ có 1.280 đô la.

Hầu hết các Nhà nước hoặc quy định chặt chẽ việc sử dụng, hoặc tạo ra đồng tiền ảo riêng. Hai viên chức cao cấp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) trên Frankfurter Allgemeine Zeitung nhận định bitcoin « quá biến động » « quá tốn kém », không bao giờ thay thế được đồng tiền thực. Bitcoin cũng không bình dân như cộng đồng sử dụng tiền ảo vẫn tưởng : 75% chỉ sở hữu 0,2% thị trường bitcoin, đồng tiền này lên xuống theo lợi ích tài chính và những nhà đầu tư hùng mạnh.

Nếu chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập không phận Đài Loan ?

Về tình hình Đài Loan, The Economist cảnh báo các vụ xâm nhập liên tiếp của chiến đấu cơ Trung Quốc có nguy cơ gây ra khủng hoảng. Đó là một sự cố ý khiêu khích được tính toán cẩn thận. Hôm 01/10, đúng vào ngày quốc khánh, Trung Quốc cho 38 phi cơ tiêm kích và oanh tạc cơ bay vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Liên tiếp ba ngày sau, thêm 111 chiến đấu cơ xâm nhập. Đài Loan đáp trả bằng cách gây nhiễu phi cơ, phát cảnh báo và theo dõi bằng hệ thống hỏa tiễn phòng không. Bộ trưởng Quốc Phòng Khâu Quốc Chinh (Chiu Kuo Cheng) đánh giá « chưa bao giờ thấy tình hình căng thẳng như thế trong suốt 40 năm quân ngũ ».

Bầu trời Đài Loan tương đối yên tĩnh lúc tuần báo Anh lên khuôn. Cho đến nay, chưa có máy bay Trung Quốc nào xâm nhập không phận Đài Loan trải rộng phía trên vùng 12 hải lý, mà ở khoảng 35 hải lý. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt khiêu khích, và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan bày tỏ quan ngại với Dương Khiết Trì, nhưng Trung Quốc không nao núng. Báo chí Hoa lục nói rằng các vụ xâm nhập chứng tỏ khả năng « tấn công trên không lúc chiến tranh ». Ông Khâu Quốc Chinh cảnh báo Trung Quốc có thể xâm lược Đài Loan từ nay đến 2025, khi cái giá phải trả được đảng cộng sản cho là có thể chấp nhận được.

Trung Quốc bắt đầu mon men đến gần đường trung tuyến, biên giới không chính thức giữa eo biển, bay sang hầu như mỗi ngày, có thể nhằm làm Không quân Đài Loan mất sức và bình thường hóa các vụ xâm nhập để khi tấn công thật sự Đài Bắc vẫn ngỡ chỉ là tập trận. The Economist cho rằng đợt xâm nhập kỷ lục này có thể do chính quyền Biden vận động được Liên Hiệp Châu Âu, G7, Nhật Bản, Hàn Quốc tuyên bố ủng hộ Đài Loan. Đặc biệt trong tháng Chín, Đài Loan xin gia nhập CPTPP và liên minh AUKUS (Mỹ, Anh, Úc) được thành lập.

Một số nhà phân tích tự hỏi liệu một tiêm kích Đài Loan được phép hành động mạnh mẽ hơn là bắn cảnh cáo, nếu chiến đấu cơ Trung Quốc bay vào không phận. Hai nhà tư vấn Mỹ Bonny Lin và David Sack ghi nhận từ báo chí xứ Đài, là Đài Loan có thể chia bầu trời làm ba khu vực : « vùng giám sát » 30 hải lý, « vùng cảnh báo » 24 hải lý và « vùng hủy diệt » 12 hải lý. Hai chuyên gia cho rằng nếu một phi công tử nạn trong một sự cố, đôi bên khó thể kềm chế, nhất là với xu hướng dân tộc chủ nghĩa hiện nay tại Hoa lục.

Bắc Kinh muốn vào CPTPP lúc Mỹ chưa gia nhập

Về việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), The Economist nhận định dù lời đề nghị được đưa ra đột ngột, nhưng nhiều tháng trước Tập Cận Bình đã nói rằng « sẽ cân nhắc », và lời nói cũng ông ta cũng được coi như luật pháp. Nhiều nhà phân tích (và cả một số viên chức chính phủ ngoại quốc) tin rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ được chấp nhận.

Các quốc gia thành viên đã đồng ý hạn chế trợ cấp cho các doanh nghiệp lớn của nhà nước, cho phép lưu chuyển dữ liệu xuyên quốc gia, cấm cưỡng bức lao động. Tuy Trung Quốc khó tuân thủ được các tiêu chí này, nhưng việc xin gia nhập không phải là tình cờ, mà đã được tính toán kỹ. Hiệp ước CPTPP là « đứa con mồ côi » của TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), do chính quyền Obama khởi xướng nhằm bao vây Trung Quốc, nhưng bị ông Trump hủy bỏ.

Khi Nhật Bản đứng ra vận động các thành viên sáng lập khác đề xướng giải pháp thay thế là CPTPP, Bắc Kinh nhận ra được một lối mở. Các quan chức Bắc Kinh mất hai năm nghiên cứu, và kết luận rằng sẽ rất khó được chấp thuận do căng thẳng với các thành viên hiện tại có quyền phủ quyết, nhất là Úc, Canada và Nhật Bản. Nhưng họ cũng cho là sẽ càng khó khăn hơn nếu Hoa Kỳ nằm trong CPTPP – một viễn cảnh còn xa vời vì chính quyền Biden đang phải đặt lợi ích người lao động Mỹ lên hàng đầu.

Orban, con ngựa thành Troie của Trung Quốc ở châu Âu

Nhìn sang Đông Âu, Le Point trong bài « Orban, con ngựa thành Troie của Trung Quốc ở châu Âu », nhận định việc thủ tướng Victor Orban để cho Bắc Kinh xây một trường đại học ở Budapest đã giúp phe đối lập có ảnh hưởng mạnh hơn.

Gergely Karacsony, đã qua mặt ứng cử viên đảng cầm quyền giành được chức đô trưởng Budapest năm 2019 và nay đã vào được vòng hai cuộc bầu cử sơ bộ của đảng đối lập. Nếu chiến thắng, chính khách 46 tuổi có nhiều khả năng lật đổ ông Orban trong cuộc bầu cử sang năm. Thế đang lên của ông Karacsony là nhờ một sự kiện bất ngờ : quyết định của chính quyền cho xây dựng một trường đại học Trung Quốc tại thủ đô Hungary khiến người dân giận dữ.

Dự án này lên đến 1,5 tỉ euro, tương đương ngân sách giáo dục hàng năm. Dự kiến năm 2024 mọc lên một khu đại học rộng đến 52 hecta, trực thuộc đại học Phục Đán ở Thượng Hải, 6.000 sinh viên và 500 giảng viên sẽ làm việc tại đây. Tất cả đều là Trung Quốc, từ cái tên cho đến chủ thầu, công nhân, vật liệu xây dựng, thậm chí cả món nợ 1,3 tỉ euro ! Ban giảng huấn một phần từ Hoa lục, và hầu hết sinh viên cũng thế. Phía Hungary được dành cho nhiệm vụ duy nhất là chi trả, và lương giảng viên ở đây cao gấp 10 lần so với các trường khác của Hungary.

Ông Orban đã ưu ái dành cho Bắc Kinh mảnh đất béo bở nhất bên dòng sông Danube gần khu trung tâm Budapest. Đô trưởng Karacsony bèn cho đặt tên những con đường xung quanh tòa đô chính là « Những người tử nạn Duy Ngô Nhĩ », « Đạt Lai Lạt Ma », « Hồng Kông tự do », và khi phát biểu trước công chúng, luôn cho đặt trước mặt tượng gấu Winnie – bị cấm ở Trung Quốc vì trông giống Tập Cận Bình.

Đây là lần đầu tiên một trường đại học 100% Trung Quốc được xây lên tại Liên Hiệp Châu Âu và hoàn toàn do Bắc Kinh điều khiển. Điều đáng lo là từ 2019 điều lệ của Phục Đán đã được sửa đổi, độc lập đại học và tự do tư tưởng được thay bằng « chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa » của Tập Cận Bình, và nay 25% giảng viên, sinh viên của trường là đảng viên. Chưa kể từ 10 năm qua, Phục Đán có một trường trực thuộc chuyên đào tạo gián điệp cho Trung Quốc ! Chủ tịch đảng đối lập Momentum lo ngại các cơ quan tình báo châu Âu sẽ nghi ngại không muốn hợp tác với đồng nghiệp Hungary.

Thủ lợi nhờ làm ăn với Trung Quốc

Orban quay sang với Trung Quốc từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, khiến Bắc Kinh mừng rỡ khi nắm được thủ tướng một nước Liên Hiệp Châu Âu. Hungary cũng là nước duy nhất mua vac-xin Trung Quốc - vẫn đang bị cấm ở châu Âu. Le Point cho biết cánh tay phải của Orban là Gyorgy Matolcsy, thống đốc ngân hàng trung ương, chưa bao giờ vắng mặt trong những chuyến công du Bắc Kinh. Cố vấn thân cận nhất của thống đốc lại là cựu sinh viên Phục Đán lấy vợ người Hoa.

Krisztina Baranyi, thị trưởng quận 9 Budapest vẫn còn bị sốc khi biết Phục Đán sẽ đặt tại địa bàn mình, trong khi từ một năm qua quận chuẩn bị xây dựng ký túc xá cho 10.000 sinh viên. Nhiều sinh viên Hungary vẫn chưa có chỗ trọ, một cựu sinh viên tức giận : « Tại sao đem tất cả số tiền ấy cho cộng sản trong khi chúng tôi không có máy tính, và các giáo sư phải làm ngoài để kiếm thêm ? »

Nhưng nhiều người đột ngột giàu lên nhờ làm áp-phe với Trung Quốc, chủ yếu là gia đình và các phe nhóm bạn bè Viktor Orban. Chẳng hạn Lorinc Meszaros, bạn của Orban lúc nhỏ, từ một người thợ lò sưởi nay giàu nhất nước (1,3 tỉ euro), sở hữu nhiều khách sạn, một ngân hàng, một kênh truyền hình, nhiều tờ báo, một nhà máy điện và được giao hầu hết các dự án lớn cho Liên Hiệp Châu Âu tài trợ. Ông ta còn dự định xây tuyến đường sắt Budapest-Belgrade, một mắt xích trong « Con đường tơ lụa » trị giá 2,1 tỉ đô la, tất cả từ tín dụng của Trung Quốc mà không ai biết được chi tiết.

Có thể kể thêm con rể của thủ tướng, Istvan Tiborcz, 35 tuổi, tỉ phú trẻ nhất nước chuyên về các hợp đồng chiếu sáng ; cha của thủ tướng, Gyogo Orban cung cấp bê-tông và đá dăm cho các chủ thầu. Đô trưởng Budapest hứa hẹn một khi lên nắm quyền, sẽ chấm dứt vụ đại học Trung Quốc và đường sắt, những kẻ thủ lợi bất chính phải trả lời trước công lý.

Anh quốc và « Mùa đông giận dữ »

Ở Tây Âu, trong bài « Nước Anh, mùa đông giận dữ », tờ New Statesman được Courrier International dịch lại nêu ra các vấn đề : xăng dầu và khí đốt khan hiếm, giá tăng do tác động của Brexit và đại dịch, Anh quốc đang lao đao và có thể dẫn đến khủng hoảng xã hội.

Kinh tế tăng trưởng đột ngột sau đại dịch Covid, những sự cố bất ngờ (như hỏa hoạn tại một trung tâm truyền tải điện từ Pháp sang Anh), các vấn đề địa chính trị làm giá khí đốt thế giới tăng cao. Trong khi đó tại Anh số nhà ở lệ thuộc vào gaz để sưởi ấm vào nấu ăn thuộc loại nhiều nhất châu Âu, nên Anh quốc đặc biệt bị ảnh hưởng. Không chỉ có khí đốt, mà Anh còn thiếu nhiều thứ khác.

Hiện nay nước Anh cần thêm 100.000 tài xế xe tải nặng. Brexit cùng với Covid đã làm nhiều tài xế chạy sang nước khác, lại thêm việc xét cấp bằng bị ngưng lại trong đại dịch. Có đến 69% cử tri Anh nói rằng thực phẩm đã tăng giá từ vài tháng qua, 67% thấy hàng trong siêu thị ít dần. Trợ cấp cho người dân trong đại dịch sẽ chấm dứt vào cuối tháng Mười, và từ tháng Tư sang năm các khoản đóng góp xã hội bắt buộc lại tăng 1,25%.

Hiện đã có 3 triệu gia đình phải chọn lựa giữa sưởi ấm và nấu ăn, con số này sẽ còn tăng thêm nửa triệu khi gaz tăng giá. Và nếu các khó khăn này khiến Anh quốc lâm vào hoàn cảnh của thập niên 70, mùa đông giận dữ này sẽ khởi đầu cho buổi hoàng hôn của thời đại Boris Johnson. Hồi 1973, đình công trong ngành than đá khiến chính phủ quy định tuần làm việc chỉ ba ngày để tiết kiệm năng lượng. Năm năm sau, lạm phát và 2.000 cuộc đình công trên toàn quốc khiến nước Anh tê liệt trong một mùa đông khắc nghiệt. Công đảng phải rời quyền lực, thủ tướng mới là lãnh đạo đảng bảo thủ, một người nào đó tên là…Margaret Thatcher.

Nguồn tin RFI Tiếng Việt