AmCham: “Cần có một lộ trình rõ ràng để mở cửa trở lại”
(KTSG) – Tiêm chủng là chìa khóa để mở cửa trở lại một cách an toàn và hồi phục kinh tế – khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) nhấn mạnh. Thêm vào đó, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp hội viên AmCham cũng muốn biết về một lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa và phục hồi kinh tế. KTSG đã có cuộc trao đổi với bà Mary Tarnowka, Giám đốc AmCham, để tìm hiểu thêm về các cuộc khảo sát này.
KTSG: Gần ba tuần sau khi AmCham thực hiện cuộc khảo sát, bà nghĩ gì về cảm nhận và phản ứng của các thành viên AmCham hiện tại?
– Bà Mary Tarnowka: Các doanh nghiệp cần biết một lộ trình rõ ràng để mở cửa và phục hồi kinh tế ngay từ bây giờ. Vào ba tuần trước, 13% người trả lời khảo sát của chúng tôi là (doanh nghiệp) đã ngừng hoạt động, với gần 50% hoạt động dưới 50% công suất. Thêm vào đó, 20% người tham gia khảo sát trong lĩnh vực sản xuất cho biết (doanh nghiệp) đã chuyển dịch một số hoạt động sản xuất sang nước khác. 14% khác đã tiến hành các cuộc thảo luận. Hiện tại, những con số này chắc chắn đã tăng lên. Một khi dây chuyền sản xuất phải chuyển dịch, nó có thể khó quay trở lại trạng thái cũ được, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất được mở rộng ở những khu vực khác.
KTSG: Bà nghĩ các cuộc khảo sát của AmCham sẽ giúp chính quyền thành phố điều chỉnh các chính sách Covid-19 ở mức độ nào để đảm bảo quá trình của việc mở cửa lại một cách an toàn và phục hồi kinh tế? Tôi tin rằng bà đã thảo luận về kết quả của các cuộc khảo sát với các quan chức của thành phố.
– Chúng tôi hy vọng rằng kết quả khảo sát này sẽ giúp cả chính quyền TPHCM và trung ương nhận ra tính cấp thiết và tầm quan trọng của một lộ trình phối hợp nhằm mở cửa và phục hồi kinh tế cho các doanh nghiệp và người lao động tại Việt Nam. AmCham và các công ty thành viên hoan nghênh việc Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển đổi chiến lược sang “sống an toàn với Covid-19” và việc Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi mong muốn chung tay phục hồi và đưa nền kinh tế trở lại bình thường. AmCham hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu kép của Việt Nam là bảo vệ cuộc sống và sinh kế và muốn hợp tác trong nỗ lực đó.
Cần phải có một lộ trình rõ ràng để mở cửa trở lại và phát triển bền vững cho việc thiết lập kế hoạch kinh doanh, cũng như phúc lợi và sinh kế của người dân. Điều này bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và người lao động giữa các tỉnh.
Mary Tarnowka, Giám đốc AmCham
Các mô hình “bong bóng sản xuất” (3 tại chỗ) được thiết lập tại TPHCM và các tỉnh khác để cho phép doanh nghiệp hoạt động liên tục trong dịch Covid-19 đã tỏ ra hữu ích như một biện pháp tạm thời. Nhưng các mô hình này lại không tỏ ra hiệu quả đối với các nhà máy lớn, với nhiều lao động trong lĩnh vực giày dép và may mặc. Và mô hình này cũng không bền vững lâu dài, xét từ khía cạnh chi phí, hậu cần và sức khỏe, an toàn và tinh thần của người lao động.
Trong bối cảnh chúng ta tiến tới một “bình thường mới”, ngoài việc tăng cường tiêm chủng nhiều hơn, thì điều quan trọng là phải có sự phối hợp giữa các chính sách trên toàn quốc, bao gồm hoạt động vận chuyển, các xét nghiệm nhanh và các chính sách để xác định và tách F0 nhanh chóng nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Đối với vấn đề này, chúng tôi hoan nghênh việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 105 về Hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch Covid-19, và việc Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác Doanh nghiệp ứng phó Covid-19 do Phó thủ tướng Lê Minh Khái phụ trách, để phối hợp thực hiện, cũng như dự thảo kế hoạch mà TPHCM đã chia sẻ để có thể mở cửa hoạt động trở lại một cách an toàn và phục hồi kinh tế.
KTSG: Bà dự đoán gì về môi trường đầu tư nước ngoài trong quí còn lại? Niềm tin của người tiêu dùng, chi tiêu cá nhân và các vấn đề xã hội khác có thể ảnh hưởng đến khu vực FDI và hoạt động sản xuất?
– AmCham và các công ty thành viên của chúng tôi đang đầu tư vào Việt Nam, với nhiều công ty hiện đang muốn mở rộng. Nhưng giờ đây, hầu hết các kế hoạch mở rộng của các nhà đầu tư trước đây cũng đã bị hoãn lại. Khó khăn trong việc xin chấp thuận cho các chuyên gia nước ngoài đến gặp các quan chức chính quyền địa phương và các đối tác tiềm năng, đã khiến các kế hoạch đầu tư mới khó có thể được tiến hành.
Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều khi các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng các tín hiệu hỗn hợp hiện tại, sự gián đoạn và sự chậm trễ trong lộ trình kiểm soát Covid-19 và cho phép mở cửa trở lại sẽ hạn chế tiềm năng này.
Rất nhiều thứ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc đảm bảo hoạt động triển khai tiêm phòng vaccine, đặc biệt là ở TPHCM và khu vực kinh tế khó khăn phía Nam. 85% người trả lời khảo sát của chúng tôi nói rằng vaccine là chìa khóa để cho phép mở cửa lại và phục hồi kinh tế. Việc thiết lập lại các chuỗi cung ứng thực phẩm và đồ uống thiết yếu cũng rất là quan trọng, bao gồm khả năng mở cửa và hoạt động trở lại của các nhà hàng, ít nhất là để giao hàng.
Cần phải có một lộ trình rõ ràng để mở cửa trở lại và phát triển bền vững cho việc thiết lập kế hoạch kinh doanh, cũng như phúc lợi và sinh kế của người dân. Điều này bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và người lao động giữa các tỉnh.
Các doanh nghiệp đã hoan nghênh các dự án thí điểm như kế hoạch mở cửa trở lại của TPHCM, với việc chính quyền địa phương đã thực hiện các hình thức tiếp cận để nhận phản hồi từ khu vực tư nhân. Họ có thể điều chỉnh chính sách. Tuy nhiên, nếu không có ánh sáng cuối đường hầm, thì sẽ khó có thể duy trì được niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Chúng tôi cũng mong muốn phát triển hộ chiếu vaccine và nỗ lực hợp lý hóa việc nhập cảnh của các chuyên gia, nhà quản lý và nhà đầu tư nước ngoài, cũng như du lịch nội địa, như thông báo của Bộ Ngoại giao vào tuần trước. AmCham cũng hoan nghênh việc chấp nhận nhiều hơn đối với các tài liệu kỹ thuật số, vừa để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong bối cảnh đại dịch, vừa cho phép đổi mới và tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số.
KTSG: Bà thấy việc nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt (để phòng, chống dịch của TPHCM) sau ngày 15-9 như thế nào? Việc giãn cách kéo dài sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của xã hội và kinh tế?
– AmCham và các thành viên của chúng tôi nhận ra sự phức tạp của tình hình hiện tại và mọi thứ đang gặp rủi ro. Chúng tôi muốn hợp tác với Chính phủ để mở cửa lại nền kinh tế một cách an toàn và có trách nhiệm. Và chúng tôi nghĩ rằng bây giờ là lúc để bắt đầu mở lại cánh cửa đó, cho các doanh nghiệp của chúng tôi, cho Việt Nam và người dân Việt.
Chúng tôi cũng cho rằng một trong những điều quan trọng là hệ thống chăm sóc sức khỏe tư nhân phải được sử dụng hiệu quả và được trao quyền để giải quyết sự bùng phát của Covid-19 và cung cấp các phương pháp điều trị y tế khẩn cấp khác, cả trực tiếp và từ xa.
KTSG: Bà có đề nghị gì thêm về việc mở cửa kinh tế?
– AmCham rất lạc quan về tương lai của Việt Nam và TPHCM. Chúng tôi mong muốn được chung tay hợp tác với chính quyền TPHCM và Vùng kinh tế phía Nam, cũng như trên khắp Việt Nam, nhằm thúc đẩy quá trình mở cửa và phục hồi kinh tế một cách an toàn và bền vững.
AmCham kỳ vọng vào sự thành công của Việt Nam. Mối quan tâm hàng đầu tuyệt đối, được 74% người trả lời khảo sát của chúng tôi, là “lo lắng về người nghèo và những người thiệt thòi, những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn”. Năm ngoái, nhờ sự đóng góp hào phóng của các thành viên, AmCham đã trao tặng 250.000 khẩu trang phẫu thuật, hệ thống phân tích và xét nghiệm PCR Thermofisher và xe cứu thương mang thương hiệu Ford, được trang bị đầy đủ, cho cơ quan y tế TPHCM.
AmCham hiện đang thực hiện một chiến dịch gây quỹ mang tên AmCham CARES. Chúng tôi dự kiến sẽ giao bốn máy thở Medtronic, trị giá hơn 200.000 đô la, cũng như các thiết bị y tế cần thiết khác, trị giá hơn 100.000 đô la, vào cuối tháng này để hỗ trợ Chính phủ. AmCham CARES cũng đã thực hiện hoạt động gây quỹ để hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ địa phương nhằm cung cấp thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu cho những người có nhu cầu.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ sớm thực hiện một chiến dịch gây quỹ khác, với EuroCham và AusCham, kết hợp với 10 đầu bếp hàng đầu quốc tế và Việt Nam, để hỗ trợ thực phẩm cho người nghèo. Nhiều thành viên của chúng tôi cũng đã quyên góp một cách hào phóng.
Khảo sát nhanh của AmCham thực hiện với 240 hội viên từ ngày 23 đến 25-8-2021 cho thấy:
Có 49% số hội viên nói rằng phần lớn hay toàn bộ nhân viên của họ
đã được tiêm ít nhất là một liều vaccine. Ba tuần trước đó, tỷ lệ này là
25%.
Có 80% số hội viên cho biết mối quan tâm hàng đầu của họ là tiêm
chủng, vì nó ảnh hưởng đến việc tiếp tục hoạt động của doanh nghiệp và
chuỗi cung ứng. Kế đến, 72% đề cập đến các giới hạn trong việc vận
chuyển hàng hóa và đưa đón nhân viên đến nơi làm việc. 85% xem vaccine
là yếu tố chủ chốt trong lộ trình tái mở cửa an toàn, hồi phục kinh tế.
Các hoạt động sản xuất kinh doanh đang chịu những tác động nghiêm
trọng. Tính đến 25-8, 13% số hội viên tham gia khảo sát nói rằng công ty
họ đã dừng hoạt động hoặc chỉ duy trì số nhân viên trụ cột, với gần 50%
đang hoạt động ở mức dưới 50% năng lực bình thường.
61% lo lắng về các cản trở lưu thông đường bộ giữa các tỉnh. Trong
khi đó, 24% nói sự thiếu hiểu biết về các sản phẩm thiết yếu gây khó
cho doanh nghiệp. Việc áp dụng chính sách thiếu nhất quán, không đồng bộ
giữa các tỉnh đã tạo ra những đứt gãy nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng
và ngăn cản công nhân, nhân viên đến nơi làm việc hoặc quay về nhà.
66% nói không nghĩ đến việc chuyển dịch sản xuất sang các nước
khác. Trong khi đó, 20% nói đã chuyển sản xuất và 16% nói đang thảo luận
tiến trình này.
AmCham Việt Nam hiện có trên 550 hội viên doanh nghiệp và 2.000
hội viên là doanh nhân, với số vốn đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn
30% xuất khẩu của TPHCM. Cùng với chi nhánh AmCham Hà Nội, tổng số hội
viên doanh nghiệp là 650 và số hội viên doanh nhân là 2.500 người.
Hồ Nguyên Thảo thực hiện
Nguồn tin Thesaigontimes