Thay vì xét nghiệm Covid đại trà, Sài Gòn cần ưu tiên bảo vệ người già

Quân nhân canh gác một trạm kiểm soát trong ngày đầu tiên của đợt siết chặt phong tỏa "chống Covid" tại Sài Gòn, Việt Nam, ngày 23/08/2021.
Quân nhân canh gác một trạm kiểm soát trong ngày đầu tiên của đợt siết chặt phong tỏa "chống Covid" tại Sài Gòn, Việt Nam, ngày 23/08/2021. REUTERS - STRINGER

 

Kể từ hôm nay, 23/08/2021, chính quyền TP HCM siết chặt phong tỏa phòng dịch theo Chỉ thị 16, đặc biệt với việc đưa quân đội vào kiểm soát an ninh, trong bối cảnh dịch được coi là đang gia tăng. Về mặt y tế, chính quyền thông báo sẽ xét nghiệm toàn thành phố với hy vọng phát hiện nhanh chóng các ca nhiễm (F0).

Biện pháp xét nghiệm đại trà, hay chủ trương « bóc tách » toàn bộ F0, theo truyền thông chính thức, đang bị nhiều y bác sĩ, chuyên gia ngành y tế phê phán là không hiệu quả, thậm chí nguy hại, trong bối cảnh dịch đã lan sâu từ lâu trong cộng đồng. Trên thực tế, do việc hệ thống bệnh viện và trung tâm cách ly đã hoàn toàn quá tải và sau nhiều chỉ trích trong giới chuyên gia và trên công luận, chính quyền đã bắt đầu chấp nhận từ bỏ dần dần biện pháp « bóc tách » toàn bộ F0 tại Sài Gòn và một số nơi khác, kể từ đầu tháng 7. Một chủ trương như vậy nếu được áp dụng, có thể gây ấn tượng là chính quyền kiên quyết chống dịch, nhưng sẽ có nguy cơ gây thêm nhiều tổn thất cho người dân.

Trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt từ thành phố Hồ Chí Minh, Bác sĩ Phan Xuân Trung đề nghị chính quyền, thay vì xét nghiệm đại trà, cần ưu tiên trước hết bảo vệ các nhóm có nguy cao, như người già, người có bệnh nền. Bác sĩ Phan Xuân Trung (*) là một trong số những chuyên gia ngành y từng liên tục cảnh báo về việc quá tập trung cho việc « cách ly », « điều trị » F0 Covid mà dẫn đến nguy cơ hệ thống y tế bỏ rơi các bệnh nhân khác, cũng như nguy cơ những nơi cách ly tập trung biến thành ổ dịch (**). Sau đây là phần phỏng vấn với Bác sĩ Phan Xuân Trung với RFI tiếng Việt.

***

Bác sĩ Phan Xuân Trung (Sài Gòn)

 

RFI : Xin Bác sĩ cho biết nhận định chung của Bác sĩ về chính sách đối phó với dịch Covid của chính quyền tại TP Hồ Chí Minh.

Bác sĩ Phan Xuân Trung : Thành phố HCM đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới, tức là sẽ « giãn cách » nghiêm ngặt hơn, với hy vọng là bằng biện pháp này có thể dập được dịch, ngăn chặn được lây lan, giảm sự tổn thất về nhân mạng, bảo vệ cho dân chúng. Nhìn vô trong quyết tâm đó, chúng ta thấy chính quyền rất là lo lắng, đang tìm mọi cách để cứu vãn tình thế, để giúp cho dân chúng. Tuy nhiên, giải pháp này (« giãn cách xã hội » theo Chỉ thị 16 của chính phủ) đã được lặp lại đến nay đã đến lần thứ 4, lần thứ 5 rồi.

Đã hai tháng trôi qua rồi. Xét lại về cách xử lý, cần phải căn cứ vào các lý thuyết. Có lý thuyết cho rằng cần phải « bóc tách » các F0 (tức những người bị nhiễm) ra khỏi cộng đồng, để cho các F0 đó đừng có lây lan nữa. Tuy nhiên, điều đó đúng trong giai đoạn đầu, còn giai đoạn sau này, khi sự lây lan đó quá mãnh liệt, quá dữ, như « một cơn cháy rừng có gió », thì sức người không thể ngăn cản được. Việc lây lan đã xảy ra rất nhiều. Tất nhiên khi lây lan nhiều sẽ dẫn đến tử vong nhiều, và gần như người ta – vì đang hoảng loạn trước con số lây nhiễm – vẫn giữ ý tưởng là phải « bóc tách » những người bị nhiễm ra.

Tuy nhiên, theo tôi, đã quá muộn để làm chuyện đó. Trên thực tế, số người có miễn dịch đã chiếm hơn phân nửa dân cư thành phố, một mặt do đã lây lan trong cộng đồng, và tự động đã hết (với rất nhiều người), một mặt hàng triệu người đã được miễn dịch qua chích ngừa. Như vậy, việc bóc tách không còn cần thiết nữa.

Quan điểm của tôi là nên thay đổi về mặt lý thuyết. Cho đến nay, chính sách ngăn chặn F0 đã không giúp giảm mà số ca nhiễm ngày càng tăng thêm. Các ca nhiễm tăng lên vượt ra ngoài khả năng thống kê của chính quyền. Ban đầu chính quyền chỉ theo con số thống kê mà chính quyền xét nghiệm được, còn giờ đây bệnh nhân lại tự xét nghiệm, tự phát hiện dương tính, tự điều trị, hoặc không điều trị mà tự hết. Con số này là không đếm được. Hiện nay, người ta lại mong muốn xét nghiệm hết toàn bộ xã hội để tìm F0, thì tôi thấy không mang lại lợi ích gì. Vì trong đó đã có nhiều người đã nhiễm và đã hết, và có những người chưa từng nhiễm, và khi xét nghiệm thì hôm nay nhiễm, ngày mai lại hết, và có khi chưa nhiễm, ngày mai lại nhiễm. Con số F0 này không mang lại một lợi ích nào.

Như vậy đối với nguồn lực y tế và xã hội yếu kém, không đủ để bao phủ hết xã hội, thì chỉ nên tập trung vào đối tượng bị nguy cơ thôi. Thay vì tập trung truy lùng F0, chúng ta cần tập trung « bóc tách » những người có nguy cơ. Những người có nguy cơ ước chừng 5%, thậm chí thấp hơn. Như vậy chúng ta sẽ dư sức để quản lý Covid, và dư sức mà bảo vệ những người bệnh không Covid. Đó là điều cần thay đổi về mục tiêu.

RFI : Trước khi xin được hỏi Bác sĩ kỹ hơn về phương án ưu tiên đối tượng có nguy cơ, xin Bác sĩ cho biết những Được Mất của chính sách chống dịch giai đoạn hơn hai tháng vừa qua.

Bác sĩ Phan Xuân Trung : Theo quan điểm của tôi là việc gì cũng phải rút kinh nghiệm, nhưng tôi thấy người ta hầu như không rút kinh nghiệm từ các đợt giãn cách trước. Đã hơn hai tháng rồi, giãn cách nhiều rồi, gây thiệt hại rất nhiều rồi, phương thức như vậy không mang lại hiệu quả nào mà vẫn tiếp tục. Vẫn phong bế, ngăn chặn, vẫn đóng băng xã hội, rồi vẫn xét nghiệm đại trà, thì hậu quả nó sẽ tiếp tục theo hướng đó, tức dịch được coi như là vẫn tiếp tục, người chết vẫn tăng lên.

Theo tôi, trên thực tế số người đã nhiễm và đã tự hết rất nhiều. Chỉ có cách xét nghiệm kháng thể mới biết được tại thành phố này đã có bao nhiêu người nhiễm (***). Còn để xét nghiệm kháng nguyên chắc cũng khó ra rồi. Vì đã có rất nhiều người nhiễm rồi. Và quá trình giảm sút số người nhiễm mới xảy ra một cách tự nhiên chứ không phải do biện pháp giãn cách, do các biện pháp mạnh. Ngược lại, hậu quả của biện pháp mạnh đó sẽ là xã hội bị suy sụp về mặt kinh tế, suy sụp về mặt xã hội, bị tổn thất vì cái giải pháp quá mạnh tay đó. Việc tiếp tục siết chặt sẽ gây ra tổn thất nhiều hơn là lợi ích trong việc chống dịch.

RFI : Trên thực tế, chính quyền cũng đã thừa nhận chính sách tập trung cách ly và điều trị toàn bộ F0 là thất bại. Hệ thống « tháp 5 tầng » bao gồm các bệnh viện và cơ sở thu dung để điều trị toàn bộ « F0 » (công bố ngày 23/07, sau khi đã nâng lên thành « 3 tầng » và « 4 tầng ») rút cuộc phải rút trở lại thành « tháp 3 tầng » (ngày 17/08), nhưng với tầng thứ nhất là theo dõi người « F0 » không triệu chứng và chăm sóc, điều trị người có triệu chứng nhẹ ngay tại nhà. Thay đổi này phải chăng cho thấy chính quyền đã sửa sai, thừa nhận không thể cách ly và quản lý nổi toàn bộ « F0 » ?

Bác sĩ Phan Xuân Trung : Tôi cũng thấy chính quyền đã nhìn nhận ra điều đó. Tức là không thể nào bóc tách « F0 » được, không thể nào quản lý « F0 » được. Bây giờ, người ta đang tập trung vào việc điều trị, không phải chỉ trong bệnh viện, mà là điều trị tại nhà. Biến mỗi nhà thành một « bệnh viện nhỏ » cho bệnh nhân. Ý tưởng đó thì tốt, nhưng người ta vẫn đang chỉ tập trung vào bệnh nhân Covid, mà chưa chú ý đến những loại bệnh không Covid. Thứ hai là người ta vẫn quan tâm đến tất cả những người bị nhiễm để điều trị. Trong khi 80% người nhiễm là không có triệu chứng, và tự hết không cần điều trị. Như vậy thì không nên quản lý toàn bộ những người bị nhiễm.

RFI : Trở lại với vấn đề các nhóm đối tượng nguy cơ cao với dịch Covid, xin Bác sĩ cho biết thêm đây là các nhóm nào ?

Bác sĩ Phan Xuân Trung : Trong tất cả các bệnh truyền nhiễm, chúng ta biết rằng mỗi loại tác nhân khi tác động vào cơ thể sẽ đặc biệt gây hại đến một nhóm đối tượng. Ví dụ sốt xuất huyết thường tác động vào trẻ em, gây chết do tắc dịch trong lòng mạch, hoặc cúm thì sẽ tấn công vô người già. Virus gây bệnh Covid cũng vậy. Sẽ có một nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tác động. Ban đầu, người ta chưa xác định được đối tượng gây tử vong là ai, nhóm nào. Tuy nhiên, trong những tháng đầu tiên của năm ngoái, và tới năm nay, thì hầu hết các báo cáo cho thấy là đối tượng chính bị virus tấn công là người cao tuổi, có bệnh nền, ví dụ như tiểu đường, suy thận, ung thư, hay các bệnh tim mạch sẵn.

Ở Việt Nam trong giai đoạn đầu cũng nói như vậy. Cho đến nay, khi ở thành phố HCM số người tử vong vì Covid tăng vọt, thì chúng ta lại không thấy báo cáo về nhóm đối tượng nào là nạn nhân nhiều nhất. Rất cần xem lại thành phần tử vong có giống với trước đó hay không. Tôi không có số liệu để nói chính xác, nhưng dự đoán là có thể cũng tương tự như vậy. Căn cứ trên các thống kê quốc tế, cũng như trên báo đài của bộ Y Tế, các quan sát của các bác sĩ ở bệnh viện, cơ sở thu dung chống dịch, cũng như kinh nghiệm của bản thân tôi khi đi điều trị tại nhà, tôi thấy nhìn chung các ca tử vong chủ yếu nhằm vào các phụ nữ tăng cân, béo phì, có tiểu đường, trên 65 tuổi. Nhóm đó là cao.

RFI : Theo Bác sĩ, cần phải bảo vệ các nhóm có nguy cơ cao như thế nào ?

Bác sĩ Phan Xuân Trung : Khó mà tách hẳn những người có nguy cơ cao ra khỏi cộng đồng để bảo vệ riêng họ được. Ở TP HCM, cũng như cả nước, đã từng tạo ra những nơi tập trung, cách ly, nhưng điều đó không mang lại hiệu quả cao, mà nhiều khi mang lại hậu quả xấu. Chúng ta đã có ý tưởng điều trị F0 tại nhà, tuy nhiên, lại gặp điều vướng mắc là những ngôi nhà trong thành phố thường nhỏ hẹp, nên các F0 đó có nguy cơ lây lan.

Vậy thì phải làm thế nào ? Hiện tại TP HCM đang trong thời kỳ giống như là Thiết quân luật, giãn cách nghiêm ngặt. Trong bối cảnh này, chúng ta cần xác định những nhà nào có người già, người lớn tuổi, thì cần cho các lực lượng đi xét nghiệm nhóm người này. Thay vì xét nghiệm toàn thành phố, nên dành trước hết xét nghiệm cho những người có nguy cơ cao, người già, dù là người có bệnh nền hay không. Làm xét nghiệm tại chỗ rất nhanh, trong vòng 15 phút. Nếu như chưa nhiễm, lập tức chích ngừa luôn. Không dồn người già đến các vị trí như kiểu hội trường hay sân vận động để chích, vì điều đó gây lây nhiễm thêm. Còn giả dụ như phát hiện đã nhiễm, phải cấp luôn thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Như vậy, thì áp dụng được giải pháp mới của Nhà nước là biến ngôi nhà thành « bệnh viện ». Sử dụng ngay cái giường ngủ của bệnh nhân để làm « giường bệnh ». Điều trị tại chỗ như vậy là một giải pháp khả thi, tiết kiệm và hiệu quả.

Rồi sau khi mình tập trung xử lý xong nhóm nguy cơ cao nhất rồi, mình chuyển sang nhóm nguy cơ cao thứ hai, là những người trung niên, và béo phì. Theo nguyên tắc tháp tam giác, với đỉnh là nhóm nguy cơ cao nhất, rồi nhóm nguy cơ thứ nhì, rồi hướng sang toàn dân. Nhưng với toàn dân, tôi nghĩ là chắc không cần nữa, với lý do là ở trong cộng đồng đã lây lan với nhau khá nhiều, người ta tự làm xét nghiệm, và có thể tự thấy là cả gia đình dương tính, rồi sau đó « chuyển âm » hết (chuyển sang âm tính). Số lượng đó, nếu có điều tra để thống kê sẽ thấy được số lượng người « miễn dịch tự nhiên » trong cộng đồng. Cùng với số lượng 5 triệu người đã tiêm chủng và các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao đã được bảo vệ, thì phần còn lại cũng sẽ miễn dịch bằng con đường nhiễm tự nhiên và tiêm chủng, cũng không cần can thiệp nữa.  

Về các trường hợp chuyển bệnh nặng đột ngột cũng cần xác định nhóm có khả năng nguy cơ tương đối cao, nói ví dụ như đàn ông trung niên, khoảng 50 tuổi, cao to béo tốt, tôi nói ví dụ thôi. Cần có các thống kê để làm rõ. Với các đối tượng có nguy cơ tương đối cao như vậy cũng cần báo trước với họ để chuẩn bị. Thật ra chuẩn bị chỉ có ba chuyện chính thôi. Thứ nhất là phải có oxy tại nhà. Chuyện thứ hai là phải có thuốc men, thuốc chống đông máu, kháng viêm để sẵn. Và thứ ba là phải có kiến thức ứng dụng, để biết khi nào thì áp dụng các giải pháp đó cho mình. Không dùng quá sớm, và cũng đừng quá muộn. Và ngoài chuyện can thiệp đối tượng nguy cơ cao, thì phải có truyền thông giáo dục để dân chúng tự bảo vệ nữa.

RFI : Nhìn chung, theo Bác sĩ cần phải làm gì để có được một chính sách phòng chống dịch phù hợp, trong giai đoạn hai tuần siết chặt phong tỏa tới, cũng như sau đó ?

Bác sĩ Phan Xuân Trung : Những người lãnh đạo cao nhất cần phải uyển chuyển. Tôi thấy rằng trước đây, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chẳng hạn, ông ấy đã quan sát xã hội hàng giây, hàng phút. Ông đọc báo, ông ấy thấy những hiện tượng bất hợp lý xảy ra, thì lập tức ông ấy ra lệnh liền. Thí dụ như ở Hải Dương, Hải Phòng đem bê tông ra chặn đường, vì một nội dung trong Chỉ thị về giãn cách (« thôn bản cách ly với thôn bản; xã cách ly với xã; huyện cách ly với huyện; tỉnh cách ly với tỉnh...» ). Ông nói ngay, ý tôi không phải là vậy, tôi chỉ ví von để thấy rằng cần phải giãn cách con người với nhau, chứ không phải mang cục bê tông ra ngăn cản. Người đứng đầu phải nhìn nhận, và can thiệp ngay lập tức theo từng giây, từng phút, không có cứng nhắc khi mà đưa ra một mệnh lệnh, phải chờ đến hai, ba, bốn, năm tuần gì đó mới bắt đầu sửa chữa thì điều đó gây ra những hậu quả quá lớn. Tôi không thấy được sự uyển chuyển như vậy trong giai đoạn này.

Tôi nghĩ rằng cần phải một hội nghị Diên Hồng, hội nghị với sự tham gia của những người có chuyên môn, có ý tưởng, những chuyên gia trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, dịch tễ học. Ngồi lại với nhau để đưa ra các ý tưởng chung, lấy kiến thức, lấy chuyên môn, lấy trí óc để định hướng công việc, chứ không nên dựa vào các chỉ thị mang tính hành chính nữa.

RFI : Xin cảm ơn Bác sĩ Phan Xuân Trung.

***

Ghi chú

(*) Bác sĩ Phan Xuân Trung là một trong những người đầu tiên khởi xướng mạng « Giúp Nhau Mùa Dịch » trên Facebook, bao gồm các bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên hỗ trợ cộng đồng trong mùa dịch tại Sài Gòn đầu hè 2021. 

(**) « Việt Nam: Lo ngành y tế ''bỏ rơi'' các bệnh khác, nếu tiếp nhận tất cả ca nhiễm Covid », RFI, ngày 08/07/2021

(***) « Việt Nam: Chính quyền bị động trước Covid do thiếu ‘‘điều tra kháng thể’’ », RFI, ngày 14/08/2021.

 Nguồn tin: RFI Tiếng Việt