Phó tổng thống Mỹ đến Việt Nam tìm thêm đối tác kiềm chế Trung Quốc - Laurent Gédéon
Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris công du Việt Nam 24-25/08/2021, đúng một tháng sau chuyến thăm của bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin. Hà Nội trở thành đối tác quan trọng của Washington trong khu vực Đông Nam Á, nơi mà chính quyền Biden coi là chủ chốt để ngăn chặn bành trướng Trung Quốc.
Vào đầu tháng Tám, tại Hội nghị thường niên bộ trưởng Ngoại Giao ASEAN - Hoa Kỳ, ngoại trưởng Anthony Blinken cũng tái khẳng định “Hoa Kỳ duy trì cam kết vững chắc đối với cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, cũng như ủng hộ mạnh mẽ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Hai chuyến công du Đông Nam Á liên tiếp trong vòng một tháng của quan chức cấp cao Mỹ còn cho thấy Washington tìm cách trấn an đồng minh và đối tác về “cam kết lâu dài trong vùng”, Hoa Kỳ “là một phần của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương” và “sẽ ở lại đó”.
Vấn đề bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ trong vùng và mở rộng hợp tác quốc phòng là những chủ đề chính được phó tổng thống Hoa Kỳ trao đổi với Singapore và Việt Nam trong chuyến thăm. Tuy nhiên, chuyến đi của bà Kamala Harris rơi đúng vào thời điểm Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Tình trạng hỗn loạn, bất ổn, khó khăn vẫn diễn ra ở quốc gia Trung Á này.
Bối cảnh trên có gây tác động đến chuyến công du Việt Nam của phó tổng thống Mỹ ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, trường Sư Phạm Lyon tại Pháp.
RFI : Chuyến công du Hà Nội của phó tổng thống Mỹ Kamala Harris được lên kế hoạch từ trước, nhưng diễn ra trong bối cảnh khá tế nhị cho Washington, sau quyết định rút hết quân Mỹ khỏi Afghanistan. Tại sao lại có đến hai chuyến công du Việt Nam ở cấp cao như vậy trong vòng một tháng ? Và bối cảnh hiện nay ở Afghanistan có tác động đến cách nhìn của Hà Nội về chuyến công du của phó tổng thống Harris và uy tín của Hoa Kỳ ?
Laurent Gédéon : Theo tôi là có, bởi vì việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan mang khía cạnh biểu tượng, như báo chí nêu là có sự tương đồng đáng kinh ngạc về cách quân đội Mỹ vội vã rút quân khỏi Kabul giống như cách quân Mỹ nhanh chóng rời khỏi Sài Gòn cách đây hơn 40 năm, vào năm 1975.
Có thể thấy là sự tương đồng này gợi nên cùng một câu hỏi : Về cơ bản, liệu cam kết của Hoa Kỳ với một đối tác có thể kéo dài và bền vững không ? Hay ngược lại dần dần có những thay đổi chiến lược tương đối đột ngột dẫn đến việc Hoa Kỳ giảm cam kết và để đối tác hay đồng minh một mình đối phó với sức ép từ đối thủ, kẻ thù ?
Chúng ta hoàn toàn có thể đặt bối cảnh này vào chuyến công du của bà Kamala Harris. Chuyến thăm của phó tổng thống Mỹ đúng là để trấn an Việt Nam, gửi tới Hà Nội một thông điệp tích cực, bảo đảm rằng Hoa Kỳ vẫn vô cùng quan tâm đến vấn đề Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Tôi nghĩ là chính quyền Biden tiếp quản tính liên tục trong chiến lược của chính quyền Obama, cũng như nhận thức và đánh giá chiến lược cách đây khoảng 10 năm. Có nghĩa là đối thủ cạnh tranh chính của Hoa Kỳ là Trung Quốc, cần phải củng cố hơn sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương, cũng như những mối quan hệ mà Mỹ có thể duy trì với các đối tác được đánh giá là quan trọng, thậm chí là sống còn, trong trường hợp đối đầu với Trung Quốc. Trong trường hợp này, Việt Nam đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược địa-chính trị của Mỹ.
Tôi muốn nói thêm về trường hợp Afghanistan. Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan mở rộng cửa cho nhiều nước có sức ảnh hưởng khác vào quốc gia Trung Á này, trong đó có Trung Quốc. Nếu nhìn rộng hơn về phân tích chiến lược, có thể coi việc Mỹ rút khỏi Afghanistan sẽ tác động đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, do Bắc Kinh sẽ can dự vào những lĩnh vực mới, thâm nhập vào những không gian mới để gia tăng ảnh hưởng. Điều này vừa giúp Trung Quốc mạnh hơn vừa khiến nước này dễ bị tác động từ nhiều kiểu sức ép khác nhau.
RFI : Trước chuyến công du của phó tổng thống Kamala Harris, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã thăm Việt Nam ngày 28-29/07. Một số ý kiến cho rằng chuyến công du của ông Lloyd Austin cũng nhằm thăm dò Hà Nội về khả năng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Ông nghĩ gì về điểm này ?
Laurent Gédéon : Đúng là bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã bày tỏ mong muốn của Washington chuyển mối quan hệ hiện nay với Việt Nam thành đối tác chiến lược khi ông tiếp kiến chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 29/07/2021. Tôi nghĩ là phải điểm lại một chút bối cảnh đã khiến Hoa Kỳ đề xuất nâng cấp mối quan hệ lên thành đối tác chiến lược, cũng như mối quan hệ song phương từng bước được cải thiện từ 25 năm nay.
Chúng ta thấy là ngày càng có nhiều thỏa thuận và các chuyến công du song phương, ví dụ Đối thoại Quốc phòng song phương do Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ chủ trì, Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng do bộ Ngoại Giao hai nước chủ trì, hoặc Đối thoại về Chính sách Quốc phòng được bộ Quốc Phòng hai nước tổ chức… Song song đó là các chuyến công du cũng tăng lên, đặc biệt trong những năm 2010, như những chuyến thăm Hoa Kỳ của nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam, hay hai chuyến công du Việt Nam của nguyên thủ Mỹ Barack Obama và Donald Trump vào năm 2016 và 2017.
Đặc biệt hơn liên quan đến Biển Đông, chúng ta thấy là Hoa Kỳ ngày càng chú tâm nhiều hơn vào vấn đề các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhất là dưới thời tổng thống Donald Trump. Trước đó, Washington chỉ đơn thuần kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế về tự do lưu thông hàng hải, nhưng cũng đẩy Hà Nội và Bắc Kinh vào thế đối đầu nhiều hơn về vấn đề chủ quyền các quần đảo. Dưới thời tổng thống Trump, tuy không công nhận những yêu sách chủ quyền của Việt Nam, nhưng Washington đã thay đổi lập trường đối với Trung Quốc khi cáo buộc đích danh Bắc Kinh “bành trướng”.
Chúng ta cũng thấy là từ năm 2017, tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam đã được Hoa Kỳ tái khẳng định, kể cả trong nhiều tài liệu quan trọng như Chiến lược an ninh Quốc gia Hoa Kỳ (National Security Strategy) năm 2017 và 2018 và trong báo cáo Ấn Độ - Thái Bình Dương năm 2019. Những sự kiện này đã đưa đến bối cảnh hiện nay, trong đó Mỹ và Việt Nam đã có mối quan hệ quan trọng trong nhiều lĩnh vực, dĩ nhiên là từ kinh tế, quân sự cho đến văn hóa và khoa học.
Vì Hà Nội và Washington đã nâng tầm quan hệ lên thành đối tác toàn diện vào năm 2013, nên theo tôi, việc hướng đến đối tác chiến lược sẽ chủ yếu mang tính biểu tượng để tăng cường mối quan hệ song phương, vốn đã vững mạnh, và cho thấy mức độ tin cậy còn cao hơn giữa hai nước.
RFI : Liệu thái độ quá nhiệt tình của Mỹ có gây ảnh hưởng cho Việt Nam, cũng như tác động đến quan hệ Việt - Trung không ?
Laurent Gédéon : Có, có lẽ sẽ có tác động vì khi nhìn vào cách mà tôi gọi là “áp lực” của Mỹ tới Việt Nam, muốn Hà Nội xích lại gần với Washington và khi nhìn vào “lời mời” Việt Nam tham gia đối tác chiến lược với Mỹ, dĩ nhiên đằng sau đó có một thông điệp gửi đến Trung Quốc.
Rõ ràng từ quan điểm của Washington, sự phát triển nhanh chóng quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Mỹ có thể được cho là cả hai nước có chung nhận thức về mối đe dọa liên quan đến Trung Quốc, trong đó có vấn đề Biển Đông. Vẫn theo Mỹ, Việt Nam có vai trò chủ đạo cần đảm nhiệm trong việc bảo đảm lối vào khu vực biển này được tự do và rộng mở, đồng thời biết rằng Việt Nam là đối tác không thể thiếu trong nỗ lực này.
Điểm này được thể hiện qua các chuyến thăm song phương, qua những thỏa thuận được ký kết mà chúng ta nêu ở trên. Tôi muốn nói thêm đến những chuyến thăm cảng của các tầu sân bay Mỹ Carl Wilson vào năm 2018 và Theodore Roosevelt vào năm 2020. Đây là những chuyến thăm đầu tiên của Mỹ theo kiểu này kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Ngoài vấn đề biểu tượng, những chuyến thăm này còn tỉ lệ thuận với tầm quan trọng của Việt Nam trong chiến lược quân sự hàng hải của Mỹ. Chúng ta cũng thấy là vị trí của Việt Nam luôn được nhìn nhận như là một tiềm lực quân sự đáng kể trong khu vực so với Trung Quốc, cũng như đối với QUAD+ (Bộ Tứ mở rộng, gồm Úc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các đối tác, đồng minh). Các bước tham gia của Việt Nam chắc chắn sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng để không làm đảo lộn mối quan hệ tế nhị giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Liên quan đến mối quan hệ chiến lược có thể ký với Mỹ, chắc chắn là Việt Nam sẽ rất thận trọng trong mảng quân sự để thỏa thuận này không bị coi như là một kiểu liên minh quân sự trá hình nhắm trực tiếp đến Trung Quốc. Nhưng đồng thời, điều quan trọng đối với Hà Nội cũng là tăng cường khả năng răn đe đối với Bắc Kinh thông qua mảng hợp tác quân sự của đối tác chiến lược này.
Vì thế Hà Nội ở thế khó : Không được tỏ ra quá đe dọa, nhưng cũng phải thể hiện đáng tin cậy, mà vẫn có sức răn đe đối với Trung Quốc. Tôi nghĩ là phải chú ý đặc biệt đến vế quân sự trong đối tác chiến lược nếu được ký kết, vì điểm này sẽ cho thấy những ý định rõ ràng của cả hai bên, cũng như những ẩn ý của Hà Nội và Washington.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, trường Sư phạm Lyon (ENS de Lyon), Pháp.
Nguồn tin RFI Tiếng Việt