Sai đâu sửa đó (Sơn Dương)

Chính phủ Phạm Minh Chính không thể biện minh cho sự yếu kém năng lực như là chưa có tiền lệ, như phải vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Một nhà cầm quyền có bản lãnh và năng lực sẽ tỏa sáng rực rỡ khi bị thử thách. Ngược lại là nỗi nhục cho chế độ và cho 90 triệu người dân. Người ta thường nói lấy lửa thử vàng. Nếu lấy đại dịch Covid-19 làm lửa thử vàng, hình tượng các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam đương nhiệm dưới lớp son thiếp vàng của tuyên giáo Trung ương chỉ toàn là đất sét.


Tính từ ngày 30/4/2021, sau gần năm tháng tấn công dập dịch Covid-19, nhà cầm quyền Việt Nam dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Phạm Minh Chính xem ra đã nằm im phơi mình chờ dịch dập. Tinh thần cấp lãnh đạo đã hết khí thế tấn công mà lui về băng bó vết đạn tự bắn vào chân qua Chỉ thị 16. Lãnh đạo đang cuống cuồng sửa chữa những biện pháp chống dịch bất nhất, bất cập, bất nhân được thay thế và hủy bỏ liên tục đến không còn ra thể thống gì. Nếu có tâm lý hoảng sợ nào phủ chụp vào đại chúng thần tốc hơn con Covid-19 thì chính là năng lực xử lý khủng hoảng xã hội của nhà đương quyền.

saigon1

Sài Gòn thiếu rau xanh, người dân hỗ trợ nhân lực thu gom và bốc xếp rau xà lách từ Đà Lạt chuyển về Sài Gòn - Ảnh minh họa

Chỉ thị 16/CT-TTg của chính phủ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ 0 giờ ngày 9/7 trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong 15 ngày. Trước đó đã râm ran trong dư luận chỉ thị sẽ được áp dụng tại Sài Gòn nhưng cấp lãnh đạo đã phủ nhận tin. Để rồi chỉ ba ngày sau, chỉ thị được ban hành. Chủ tịch UBND/TPHCM Nguyễn Thành Phong lên gân : phát huy tinh thần ‘mỗi người dân là một chiến sĩ ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch’ (Thanhuytphcm.vn 7/7).

Thực tế không phải vậy. Tiếng kèn xung phong đã thổi lên nhưng giặc Covid-19 không ngạo mạn như những tượng đài nghìn tỷ, nó lẩn trốn tài tình trong không khí người ta thở. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho ngưng ngay hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách, giao dịch, giao tế, nhu cầu đi lại của dân Sài Gòn. Lãnh đạo đóng ngay 204/234 chợ truyền thống trên địa bàn thành phố. Cái chỉ thị duy lý bất kể đến ổn định xã hội và dân sinh đã bẽ gẫy dây chuyền cung ứng, tạo ra nạn khan hiếm thực phẩm giả tạo ở Sài Gòn. Trong khi thực phẩm rau củ ở các tỉnh lân cận phải đổ đống, ung thối, làm phân xanh, dân Sài Gòn không có rau ăn. Nông gia khóc ròng. Siêu thị, cửa hàng Bách Hóa Xanh tăng giá thực phẩm. Sài Gòn lên cơn sốt đáng sợ của Covid-19. Chỉ 8 ngày sau, ngày 17/7, Hà Nội quay ngược mũi nhọn chống dịch ‘hỏa tốc chỉ đạo bỏ quy định cấm vận chuyển hàng không thiết yếu’ (Báo Giao thông/bộ Giao thông Vận tải 17/7).

saigon2

Chủ tịch UBND/TPHCM Nguyễn Thành Phong lên gân : phát huy tinh thần ‘mỗi người dân là một chiến sĩ ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch’

Lãnh đạo cấm mọi hoạt động bán vé số, dịch vụ ăn uống, giải trí, xe buýt, xe ôm, bán hàng rong… của hàng trăm ngàn con người mà không quan tâm đến trợ giúp an sinh xã hội. Nhà cầm quyền im lặng nhìn người dân tự phát tổ chức những quán cơm từ thiện đùm bọc lẫn nhau. Thiện nguyên viên cứu trợ phải vượt qua những chốt kiểm soát của tổ dân phố, xã phường và công an để đưa cơm cho người bị đói. Tức nước vỡ bờ. Ngày 9/7 bốn mẹ con nghèo khổ đạp xe về cội nguồn Nghệ An cách tỉnh Đồng Nai hơn 1300 cây số. Bốn mẹ con mở đầu cho cuộc tháo chạy hoảng loạn từ Sài Gòn về miền Bắc và cả về miền Tây. Ban đầu là dòng suối nhưng chỉ dăm ba ngày sau trở thành một dòng thác cách mạng của người chạy giặc/dịch Covid-19. Một trang sử bi hài hùng thời đại Hồ Chí Minh được viết trên từng cây số. Thêm một lần nữa nhà cầm quyền im lặng nhìn đoàn người tháo chạy dịch/giặc Covid-19 mãi đến ngưỡng cửa quê hương thì mới ra tay can thiệp. Nhà cầm quyền địa phương nhìn đoàn người chạy dịch/giặc có hình dạng con Covid-19 đáng sợ đã xua đuổi đoàn ‘hành hương’ trở về nơi xuất phát ! Vì áp lực của một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra khi đoàn người chạy dịch ngủ lăn lóc lê la bên vệ đường, Hà nội ‘chỉ thị’ cho các lãnh đạo địa phương hủy bỏ lệnh đuổi người chạy dịch và sửa chữa lại các quy định để áp dụng có tình lý hơn.

saigon3

Thêm một lần nữa nhà cầm quyền im lặng nhìn đoàn người tháo chạy dịch/giặc Covid-19 mãi đến ngưỡng cửa quê hương thì mới ra tay can thiệp.

Tất cả những biến động bi hài này được diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh không kiềm chế nổi. Trước đó, các lãnh đạo cao cấp đã dương dương tự đắc mình đồng da sắt khi trong một tháng năm 2020, đã không tìm ra một ca Covid-19 làm thuốc. Bệnh nhân 91 hiếm quý, phi công người Anh Stephen Cameron, 42 tuổi, của hãng Hàng Không Việt Nam, đã được sự hỗ trợ của cả nước, được toàn bộ y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy túc trực cứu chữa tận tình 24/24. Thậm chí còn cho đầu bếp riêng nấu ăn để giúp anh nhanh chóng phục hồi. Việt Nam được khen ngợi có khả năng chữa trị Covid-19 giỏi nhất thế giới. Nhưng nếu nhìn vào số liệu hôm nay thì không phải thế.

‘Tính từ ngày 27/4 đến nay 11/8 trong số 228 990 người Việt Nam bị nhiễm Covid-19…’ (báo Nhân Dân) chỉ cần một phần nhỏ trong chi phí điều trị cho bệnh nhân 91, đã có thể giúp hàng ngàn người Việt Nam được hồi phục. Mạng người Việt Nam trở thành vô nghĩa trong một chiến dịch đánh bóng chế độ.

Từ con số nhiễm bệnh vài trăm ca trước 30/4 đến nay là 228 990 ca, trong đó có 511 ca đang nằm ở ICU là một chặng đường quá ngắn của 4 tháng. Dịch bệnh đã bùng phát dữ dội. Nhưng trước đó để trấn an dư luận, ngày 25/7 Bộ Y tế cho biết ‘tình hình dịch bệnh đã có những dấu hiệu tích cực. Tỷ lệ ca nhiễm sẽ có xu hướng "đi ngang" trong một vài ngày tới nếu TP HCM’…] (VnExpress.net 25/7/21).

Nếu số liệu nhà nước mà tin được, từ phát xuất điểm khoảng 500 ca nhiễm đến ngày 11/8, tức là chỉ 3 tuần sau đó, số ca mới lên đến 2.128. Biểu đồ phải ‘đi lên’ chứ không thể ‘đi ngang’. Covid-19 là con cua đỏ, cua ‘cách mạng’. Nó đi lên chứ không ‘đi ngang’.

Sự bùng nổ dịch bệnh có liên can đến cách phân loại người bị Covid-19 và biện pháp xử lý của giới hữu trách. F0 là người bị Covid-19 phải được cách ly và điều trị tại các cơ sở y tế. Nhưng biện pháp tập trung các F1 vào cơ sở cách ly thiếu thốn phương tiện và trang thiết bị y tế đã trở thành những ổ dịch. Chưa kể đến tác hại tâm lý của gia đình nạn nhân vì bị cách ly với người thân, nhất là trẻ em, đã góp phần gia tăng sự hoảng sợ. Ngày 14/7 Bộ Y tế hủy bỏ biện pháp cách ly tập trung F1 và đưa ra các yêu cầu cách ly, trang thiết bị y tế tại nhà cho F1, F2, F3.

Ngày 10/7, bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên buông giáp quy hàng khi ‘nói rằng đã đến lúc ông cần phải gặp trực tiếp các chuyên gia, nhà khoa học để lắng nghe các ý kiến độc lập…’ (TTO 10/7). Sau hai tuần hội họp trao đổi ý kiến, ngày 22/7, ông Nên cho lệnh phun 7 tấn thuốc khử khuẩn Cloramin B trên toàn thành phố Sài Gòn, Thủ Đức. Nhưng biện pháp chống dịch này đã đi ngược lại khuyến cáo Tổ chức Y tế Thế giới. Từ lâu WHO đã khuyến cáo việc phun thuốc khử khuẩn vào không gian rộng lớn chẳng những vô ích mà còn có hại đến con người. Theo chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình ‘Cloramin B là chất tạo ra Clo hoạt tính khi pha với nước. Hàm lượng Clo cần phải có để khử khuẩn là từ 500mg/L trở lên.Trong khi đó hàm lượng Clo gây kích thích hệ hô hấp là 1-5mg/L trong không khí. Như vậy, khi phun vào không khí, chất khử trùng chính là chất độc đối với người’ (soha.vn).

saigon4

Ông Nguyễn Văn Nên cho lệnh phun 7 tấn thuốc khử khuẩn Cloramin B trên toàn thành phố Sài Gòn, Thủ Đức.

Sau khi đã phun hết 7 tấn Cloramin B, ngày 2/8 Bộ Y tế yêu cầu ‘không phun hóa chất khử khuẩn ngoài trời và vào người do kém hiệu quả và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe’ (Bộ Y tế, Cổng thông tin điện tử, 2/8). Cần phải lên án các chuyên gia, nhà khoa học xã hội chủ nghĩa là thế lực thù địch đã làm mất uy tín của một ủy viên trong bộ chính trị ở Hà Nội như bí thư Nguyễn Văn Nên.

Cuối cùng, Chỉ thị 16 giao quyền xử phạt cho các UBND xã phường, quận huyện nên các cán bộ cơ sở nồng cốt tùy tiện cấp giấy phạt. Biện pháp ‘sai đâu sửa đó’ của các cấp UBND là một cáo trạng dài. Chuyện một quan phó phường đã bắt giữ, xử phạt anh công nhân vì đã đi mua bánh mì, bị coi không phải là thực phẩm thiết yếu, đã gây bão trên trang mạng xã hội. Thêm vào đó, vì yêu cầu nghiêm ngặt người dân chỉ được ra đường khi cần thiết, các chính quyền địa phương đã có vô số quy định hành chánh thiếu sự bất nhất, thừa sự mâu thuẫn, chồng chéo lên nhau làm khổ dân. Giấy xét nghiệm Covid-19, giấy đi đường, giấy đi chợ, giấy công tác, giấy chứng minh nhân dân, giấy lái xe… Một người ra đường phải đếm lại bảo đảm có 5 loại giấy tờ tùy thân nếu không muốn bị phạt.

Ngày 23/7 thủ tướng Phạm Minh Chính trong một buổi họp trực tuyến với cấp thừa hành đã chỉ thị phải xiết chặt hơn nữa những biện pháp chống dịch. Kết quả, hiện tượng người dân quỳ lạy các hung thần áp dụng Chỉ thị 16 bắt đầu gây bão trên mạng.

Chiến lược chống dịch như cách ly, giản cách xã hội đã được áp dụng trên các quốc gia cùng bị đại dịch Covid-19. Nhưng chỉ ở Việt Nam mới sinh ra những tai họa mà thế giới chưa ai làm được. Chính phủ Phạm Minh Chính không thể biện minh cho sự yếu kém năng lực như là chưa có tiền lệ, như phải vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Một nhà cầm quyền có bản lãnh và năng lực sẽ tỏa sáng rực rỡ khi bị thử thách. Ngược lại là nỗi nhục cho chế độ và cho 90 triệu người dân. Người ta thường nói lấy lửa thử vàng. Nếu lấy đại dịch Covid-19 làm lửa thử vàng, hình tượng các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam đương nhiệm dưới lớp son thiếp vàng của tuyên giáo Trung ương chỉ toàn là đất sét.

Sơn Dương

(14/08/2021)