Nghề giáo và nghề làm chính trị (Quốc Bảo)

Nhân ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam mong rằng mỗi chúng ta nên suy nghĩ và quan niệm lại về chính trị vì đó là lĩnh vực quan trọng nhất để vãn hồi trật tự, sửa sai cho nghề giáo đã bị bóp méo và kiến thiết lại đất nước. Phải xem chính trị là một nghề cao quý vì nó dạy làm người tử tế và chỉ có chính trị tử tế mới cứu được dân tộc Việt Nam.


 

Vào ngày mà cả nước đang tri ân thầy cô giáo của mình và nghề giáo, có một nghề như bị lãng quên, dù nó cao quý và đáng trân trọng khi quyết định mọi vấn đề trong cuộc sống của chúng ta: Nghề làm chính trị. Ngày Hiến chương các nhà giáo (20/11) cũng nên xem là ngày tri ân với những người “làm chính trị”.

20-11 của Việt Nam

Ngày 20/11 là ngày Hiến chương quốc tế các nhà giáo, kỷ niệm việc xây dựng bản “Hiến chương các nhà giáo” năm 1949 tại Warszawa- Ba Lan, gồm 15 chương. Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (FISE) từ năm 1953 tổ chức kỉ niệm ngày này lần đầu trên toàn miền Bắc Việt Nam năm 1958. Các nội dung chủ yếu của hiến chương là:

- Đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục phong kiến, tư sản, nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học.

- Đấu tranh chống lại các chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học và ra sức bảo vệ những quyền lợi về vật chất, tinh thần chính đáng cho các nhà giáo.

- Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao vị trí nghề dạy học và những người dạy học…

Ngày 20/11 ở Việt Nam chính là dịp để thế hệ học sinh thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến thầy cô giáo của mình. Tuy nhiên, không ai dám chắc lời tri ân đó là thực lòng hay không khi nhìn vào thực trạng xã hội ngày hôm nay: Nghề giáo đã thực sự bị xem là một nghề kiếm tiền. Nếu với mức lương không đủ sống, áp lực cuộc sống sẽ khiến thầy cô, bằng cách này hay cách khác, đẩy vấn đề đó sang phụ huynh, bằng dạy học thêm hay bằng quà cáp. Với giáo dục tư thục, đó đơn thuần chỉ còn là việc bỏ tiền ra mua kiến thức. Tính nhân văn đã mất đi trong nghề nghiệp vốn có vai trò cao quý trong mọi xã hội, dù các chế độ chuyên chế (xem giáo dục là công cụ truyền bá cho Đảng và tước đi trạng thái tự do học thuật) cũng không dám phủ nhận vai trò của nó.

nha-0

Ngày 20/11 là ngày Hiến chương nhà giáo nhằm tôn vinh nghề giáo.

Khi Việt Nam chưa “mở cửa” và dù đảng cộng sản vẫn cai trị xã hội bằng ý thức hệ sau nội chiến 1975 nhưng xã hội vẫn sản sinh ra những người thầy tử tế giữ được đạo làm thầy, để dạy học trò đạo làm người. Từ khi Đảng làm kinh tế, mọi thứ quay cuồng theo lợi ích của Đảng. Chính quyền mượn giáo dục và lấy độc quyền chính trị để rao giảng thế nào là yêu nước, bóp méo tôn giáo và đảo lộn mọi đạo lý. Tất cả chỉ để người Việt hiểu làm người trước tiên là phải thừa nhận sự độc tôn vai trò của Đảng. Chúng ta không còn thấy hiến chương các nhà giáo đâu nữa. Những quyền lợi chính đáng của nhà giáo quy cả ra tiền. Với chế độ cộng sản thì hoàn toàn có thể đổi tiền để lấy điểm hay lấy bằng. Nghề giáo thành nghề bán cả lương tâm.

Khi lương tâm cũng bị mang ra bán, nghề giáo thành một nghề rẻ tiền hơn những nghề khác, vì sứ mệnh nghề giáo là dạy làm người. Muốn làm người tử tế thì người làm nghề giáo dục cũng phải tử tế. Lời tri ân sâu sắc của học trò với Thầy Cô không phải ở kiến thức được truyền dạy trong thời đại Internet này, mà ở nhân cách của người dạy, để học trò hình thành nhân cách của người học. Bó hoa tặng thầy cô với cả tấm lòng đã bị mất đi ý nghĩa của nó.

Trong lòng chế độ chuyên chế này vẫn có một nghề bị người đời cho rằng là dơ bẩn, thủ đoạn và xấu xa là “nghề làm chính trị”. Hoàn toàn sai. Đó là một nghề cao quý và đáng tôn trọng như là nghề giáo. Nghề này là nghề duy nhất có thể thay đổi số phận dân tộc và sửa sai cho nghề giáo.

Nghề chính trị ở Việt Nam

Ông Nguyễn Gia Kiểng đã viết: “Một cách giản dị chính trị là đạo đức ứng dụng, là sự thể hiện các giá trị đạo đức trong xã hội. Đạo đức và chính trị nhắm trả lời cùng một câu hỏi phải sống và hành động như thế nào. Chỉ khác nhau ở qui mô, đạo đức tìm câu trả lời ở qui mô cá nhân trong khi chính trị tìm giải đáp ở qui mô xã hội”.

Phải sống thế nào cho đúng trong chế độ cộng sản? Đó là câu hỏi không dễ có lời giải. Tư tưởng chuyên chế của Đảng cộng sản bao trùm xã hội. Độc đảng tự tôn vai trò của nó và phủ nhận tất cả những tư tưởng khác biệt. Dĩ nhiên nó phủ nhận bất kỳ hình thức giáo dục nào không đề cao vai trò của Đảng. Một cách thủ đoạn, Đảng cộng sản cố tình nhồi nhét vào đầu người dân rằng “chính trị là thủ đoạn và nhơ bẩn” cho nên cứ để mặc họ làm, người tử tế không cần quan tâm. Lâu dần quan niệm bất thành văn ấy hình thành trong vô thức người dân khiến họ xem thường sự quan trọng của lĩnh vực này. Thậm chí không ít trí thức cho rằng không làm chính trị trở thành một niềm tự hào của bản thân.

Để thay đổi số phận dân tộc cần thay đổi nhận thức về quan niệm chính trị. Phải trả bản chất của chính trị về với đúng tính chất và sự cao quí của nó, đó là các giải pháp mang lại sự thịnh vượng và phát triển cho mọi quốc gia. Phải hiểu và đồng ý với nhau rằng một nghề quyết định cuộc sống và tương lai của bao nhiêu người không thể bẩn thỉu và thủ đoạn. Thay đổi suy nghĩ đó là nhiệm vụ của những người trí thức.

nha-1

Phải xem chính trị là đạo đức trên qui mô quốc gia và đạo đức là chính trị trên qui mô cá nhân

Thể chế chính trị chính là nỗ lực và trí tuệ của mỗi dân tộc. Chế độ cộng sản sở dĩ kéo dài bởi vì chúng ta vẫn còn cho rằng chính trị là việc riêng của các tổ chức chính trị chứ không phải của mỗi người. Quan niệm “chính trị là đạo đức ứng dụng” phải là một niềm tin tất yếu cho những người đấu tranh dân chủ Việt Nam thì phong trào dân chủ mới có tương lai.

Nhìn rộng ra phạm vi thế giới chúng ta có thể thấy những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, di dân, khủng bố, phát triển kinh tế và an toàn sinh thái không phải là vấn đề riêng của mỗi quốc gia. Xét rộng ra, loài người liên kết với nhau không chỉ vì yêu thương nhau mà còn vì phải liên kết để sinh tồn, từ nhu cầu trị thuỷ hay chung tay đối phó dịch bệnh hoặc biến đổi khí hậu. Đó là chưa nói tới những thay đổi lớn về công nghệ, đang ập đến rất nhanh và làm thay đổi cấu trúc xã hội mà không quốc gia đơn lẻ nào giải quyết được. Thế giới cần hợp tác trong sự liên đới. Thế giới chỉ có thể phát triển hài hòa và tốt đẹp khi xem chính trị là đạo đức ứng dụng.

Ở Việt Nam, muốn thay đổi quan niệm “chính trị là dơ bẩn” thành “chính trị là đạo đức” rất cần một lớp người hiểu đúng, tôn trọng và dám dấn thân để truyền bá các giá trị đó và dĩ nhiên, phải đi ngược lại “ánh sáng soi đường” của Đảng cộng sản để trả chính trị về với ý niệm nhân văn, như nghề giáo. Nếu nghề giáo ở đất nước này đã trở thành một nghề, như bao nghề khác thì phải đoạn tuyệt với quan niệm xem chính trị là thủ đoạn, để chính trị có thể sửa sai và kiến tạo lại tương lai cho cả dân tộc. Chỉ có những quan niệm về chính trị tử tế mới tạo ra được thể chế tử tế và con người tử tế.

Chính trị là đạo đức ứng dụng

Hành trình của nhân loại là hành trình đi tìm ánh sáng của tự do, của sự sống, của những ham muốn cá nhân và tập thể, của sự giải thoát khỏi sự ràng buộc bất công và vô lý. Từ đời sống tự nhiên hoang dã loài người tiến đến việc xây dựng nên các thể chế văn minh và các hình thức tổ chức xã hội phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Nguồn lực từ tự nhiên là hữu hạn, tham muốn con người thì vô hạn. Vì vậy, bạo lực được xem là phương tiện đầu tiên để giải quyết sự sinh tồn khi phải tranh đoạt lẫn nhau. Đứng trước sự sống còn, mạnh được yếu thua, khi muôn loài tranh đoạt từ thức ăn, nơi cư ngụ, đến giao phối…loài người tạo ra chiến tranh và nghĩ ra những tư tưởng mới thiết lập lại thế giới.

Nhân loại đã chứng kiến chủ nghĩa phát xít, sô vanh, cộng sản…hủy hoại thế giới tàn khốc như thế nào trong thế kỉ 20. Nhân loại, sau khi đổ máu và tàn sát lẫn nhau đã nhận ra sự nguy hiểm của chiến tranh và tìm cách loại trừ các chế độ độc tài chuyên chế bằng cách khác.

Con người không chỉ có trí khôn mà còn có tâm hồn, đó là điểm khác biệt lớn nhất so với các động vật. Nhận thức rằng vòng xoáy bạo lực chỉ dẫn đến sự diệt vong khiến cho nhân loại chọn phương pháp đấu tranh bất bạo động, tức là bằng tư tưởng chính trị. Con người cũng hiểu rằng bạo lực phải được xếp cuối trong các phương thức đấu tranh, kể cả vì chính nghĩa.

Trong các thể chế chuyên chế như Việt Nam thì Đảng quyết định tất cả và mọi chân lý cũng đảo lộn. Công lý luôn là điều xa xỉ khi luật pháp thay vì bảo vệ công lý thì đi bảo vệ Đảng. Đạo đức là những giá trị của mỗi cá nhân để tư duy và ứng xử trong một xã hội văn minh. Đạo đức là chính trị trên phạm vi quốc gia. Một lần nữa, chính trị và đạo đức là một. Những người Việt Nam đấu tranh cho dân chủ phải tôn trọng và đề cao đạo đức như là phẩm chất cao nhất.

Chúng ta chưa từng có một tầng lớp trí thức chia sẻ khái niệm chính trị là đạo đức. Lịch sử của dân tộc ta là nội chiến và tiêu diệt lẫn nhau, đời này qua đời khác. Muốn thay đổi thực trạng đau buồn ngày hôm nay thì cần phải có bước nhảy vọt về tư tưởng chính trị. Phải xem chính trị và đạo đức là một để đất nước có một tương lai khác. Internet là một công cụ vĩ đại để mang tư tưởng dân chủ đến cho mọi người. Vấn đề còn lại, là những ai đã lãnh hội được vấn đề thì cần tập hợp lại với nhau thành một lực lượng đủ mạnh để có thể áp đặt được thay đổi cho đất nước và dân tộc.

Nhân ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam mong rằng mỗi chúng ta nên suy nghĩ và quan niệm lại về chính trị vì đó là lĩnh vực quan trọng nhất để vãn hồi trật tự, sửa sai cho nghề giáo đã bị bóp méo và kiến thiết lại đất nước. Phải xem chính trị là một nghề cao quý vì nó dạy làm người tử tế và chỉ có chính trị tử tế mới cứu được dân tộc Việt Nam.

Quốc Bảo

(20/11/2020)