Chính quyền Joe Biden sẽ cương quyết hơn với Trung Quốc

Đôi lời về Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng : Tổng thống đắc cử Joe Biden của đảng Dân chủ sẽ nhận chức vào ngày 20/01/2021. Ông Biden cho biết sẽ đưa ra chính sách chống dịch bệnh Covid-19, ngay trong ngày đầu nhận nhiệm vụ. Ngoài ra chính quyền Biden cũng phải đối phó với tình hình kinh tế sa sút và nạn thất nghiệp lên cao trên toàn thế giới do Covid 19 gây ra.

Trong lĩnh vực ngoại giao, các nhà nghiên cứu tin rằng ông Joe Biden sẽ đổi mới toàn diện chính sách quan hệ với đồng minh, nhưng đồng thời cũng cảnh giác cao độ với các nước đối thủ của nước Mỹ. Giới quan sát cũng tin rằng chính sách ngoại giao và mậu dịch tương lai của Chính quyền Biden sẽ có những điều kiện khắt khe hơn về dân chủ và nhân quyền đối với các đối tác.

joe1

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng

Để giúp khai sáng viễn ảnh của chính sách ngoại giao trong 4 năm tới của Chính quyền Biden, đồng thời nhìn lại những thành công và thất bại của Tổng thống Cộng hòa mãn nhiệm Donald Trump trong lĩnh vực này, chúng tôi đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, một học giả chuyên ngành Chính trị Quốc tế. Ông là Giáo sư ngoại hạng (Professor Emeritus) đã từng giảng dạy nhiều năm về Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Mason, gần Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng còn là Học giả cao cấp bất thường trú của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quan hệ Quốc tế (Center for Strategic and International Studies, CSIS) ở Washington, D.C. Thêm vào đó, Giáo sư Hùng còn là Học giả vãng lai hai niên khóa 2015-2016 tại viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak Institute nổi tiếng của Tân Gia Ba.

Các bài nghiên cứu của ông, phần lớn về Châu Á và Đông Nam Á được đăng trên các tạp chí chuyên đề (professional journals) như World Affairs, Asian Survey, Pacific Affairs, Global Asia, The Diplomat, Asia Pacific Bulletin và CogitAsia.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của chúng tôi.

-----------

Joe Biden – Donald Trump

Phạm Trần : Thưa Giáo sư, Tổng thống đắc cử Joe Biden của đảng Dân chủ sẽ nhận chức vào ngày 20/01/2021, và tôi tin rằng ông sẽ đưa ra một Chính sách ngoại giao mới đối với cả bạn lẫn thù để đánh dấu nhiệm kỳ Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dậy về Khoa Chính trị Quốc tế tại Đại học George Mason, xin ông cho biết Thế giới đang chờ đợi gì ở Chính quyền Biden ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Nói chung, các đồng minh và đối tác của Mỹ chờ đợi hai điều chính. Thư nhất, phục hồi quá trình hợp tác và tin tưởng lẫn nhau giữa các đồng minh đã bị chính quyền Trump phá. Thư hai, một chính sách ngoại giao nhất quán, không có tính cách bốc đồng và bắt nạt. Ba đồng minh nặng ký của Mỹ -Pháp, Anh, Đức - đều tỏ vẻ vui mừng và là những nươc đầu tiên gửi lời mừng ông Biden đắc cử chức vụ Tổng thống. Cụ thể, họ muốn Mỹ bỏ đường lối hành động đơn phương, gia nhập lại Hiệp định Khí hậu Paris để cùng nhau chặn đứng sự tàn phá môi sinh, hâm nóng địa cầu ; trở lại Tổ chức Y tế Quốc tế để cùng nhau giải quyết nạn dịch Covid-19 đã giết chêt 1,2 triệu người trên thế giới và gây nhiều khó khăn kinh tế ; gia nhập lại thỏa thuận về Kế hoạch Hành động chung (Joint Comprehensive Plan of Action) để hạn chế khả năng chế tao vũ khi nguyên tử của Iran ; và môt chính sách nhất quán đối với sự bành trướng của Trung Quốc.

Phạm Trần : Sau 4 năm cầm quyền của Chính quyền Cộng hòa Donald Trump, Giáo sư đánh giá về Chính sách Ngoại giao của ông Trump như thế nào, đặc biệt với hai nước đối phương Nga và Trung Quốc trên ba lĩnh vực cốt yếu : chính trị, kinh tế và quốc phòng ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Thành quả thì có mà thất bại cũng không phải là ít.

Về thành quả, chính quyền Trump đã : 1) Làm áp lực khiến đồng minh phải đóng góp thêm vào nỗ lực chung bằng cách tăng ngân sách quốc phòng ; 2) Triệt hạ Nhà nước Hồi giáo ; 3) Làm môi giới để một số quốc gia Á Rập ký hiệp ươc với Do Thái, giảm rủi do chiến tranh DoThái-Á Rập và tăng cường an ninh cho Do Thái, tuy không đếm xỉa đến sự công bình cho dân tộc Palestine ; 4) Áp dụng chinh sách cứng rắn về quan hệ thương mại với Trung Quốc gây khó khăn kinh tế cho nước này ; 5) Xây dựng hợp tác 4 nước (the Quad) Mỹ, Ấn, Nhật, Úc để cùng đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Về thất bại, chính quyền Trump đã : 1) Gây căng thẳng và làm suy yếu các liên minh chính và làm suy yếu ngay cả quyền lực cứng của Mỹ ; 2) Làm suy giảm quyền lực mềm của Mỹ vì thế giơi bớt tin vào khả năng lãnh đạo và giá trị của Mỹ (cuộc khảo sát gần đây cùa Pew Research Center cho biết 83% người trong nhiều quốc gia trên thế giới được phỏng vấn nói rằng họ "không tin" Tổng thống Trump "có khả năng hành xử đúng về các vấn đề quốc tế", dưới cả Chủ tịch Tập Cận Bình (78%) và Tổng thống Putin (73%) ; 3) Các cố gắng thay đổi chế độ (regime change) đã thất bại ở Iran, Bắc Triều Tiên và Venezuela ; 4) "Áp lực tối đa" (maximum pressure) chưa có kết quả đối với Trung Quốc và thất bại ở Iran (khả năng sản xuất vũ khí nguyên tử của Iran tăng, chính sách cấm vận không ngăn được Iran xuất cảng dầu hỏa và không đươc các đồng minh tôn trọng) ; 5) Chính sách "Mỹ trên hết" khiến "Mỹ bị cô lập" ; 6) Không ngăn chặn được sự bành trướng ảnh hương của Trung Quốc ở Biển Đông và bất lực trước vi phạm hiệp ước quốc tế và nhân quyền của Trung Quốc ở Hồng Kong và Tân Cương".

Cuộc chiến mậu dịch

Phạm Trần : Theo quan điểm của ông thì Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump có thành công trong cuộc chiến mậu dịch với Trung Quốc không, bởi vì Tổng thống đắc cử Joe Biden đã phê bình rằng chính sách đối đầu với Trung Quốc của ông Trump chỉ mang lại thiệt thòi cho nhà nông, các nhà sản xuất và giới tiêu thụ của Mỹ. Tại sao ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Lúc đầu, chính quyền Trump không hề có ý định gây chiến tranh mậu dịch với Trung Quốc mà muôn ký một thương ươc "lịch sử" đặt quan hệ kinh tế-thương mai song phương trên căn bản công bằng và lưỡng lợi, buộc Trung Quốc phải cải tổ cơ cấu (structural reform), không được "ăn cắp công nghệ" của Mỹ. Vì những mục tiêu này không đạt được nên mới xẩy ra chế tài và thương chiến. Cuôc chiến này làm thiệt hại cho cả hai nước, Trung Quốc mất một mảng lớn thị trương của Mỹ và tổng sản lượng nội địa (GDP) đã bị giảm. Ngược lại, Mỹ ước tính bị mất đi 300.000 công ăn việc làm, tổng sản lượng quốc nội giảm 0,3%, nông dân Mỹ bị mất một thị trường lớn trị giá 24 tỷ Mỹ kim, giới tiêu thụ Mỹ mất một nguồn cung cấp hàng hóa rẻ tiền. Riêng đối với Mỹ, nhâp siêu từ Trung Quốc có giảm đôi chút nhưng nhập siêu các nước khác lại tăng, làm trầm trọng thêm thâm thủng trong cán cân thương mại tổng quát của Mỹ. Ông Biden cho rằng cuộc chiến tranh thuế suất là một "sai lầm".

Thêm vào đó, nạn dịch Covid-19 làm cho hai nước bị lúng túng, nhưng Trung Quốc giải quyết vấn đề có hiệu quả hơn, đẩy Mỹ lùi lại đằng sau.

Quan hệ Donald Trump-Vladimir Putin đặt ra rất nhiều nghi vấn

Phạm Trần : Thưa Giáo sư, giới học giả và chuyên gia ngoại giao và an ninh Mỹ đã chỉ trích ông Trump, trong 4 năm cầm quyền, đã làm mất lòng nhiều nước đồng minh lâu đời của Mỹ ở Châu Âu và Châu Á, nhưng lại có những quan hệ thân thiện với Nga, đặc biệt với Tổng thống Vladimir Putin ; Chủ tịch, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình và Nhà độc tài Kim Chính Ân (Kim Jong-un) của Bắc Hàn, nhưng lai không đem lại thắng lợi nào cho Hoa Kỳ về các lĩnh vực kinh tế và giải trừ vũ khí nguyên tử. Ông có đồng ý như thế không ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Đồng ý. Mỹ hoàn toàn thất bại trong cố gắng giải trừ vũ khi nguyên tử của Iran và Bắc Hàn. Riêng cách đối xử của ông Trump đối với Nga và ông Putin (Trump tin ông Putin hơn các chuyên viên an ninh tình báo của Mỹ) đặt ra rất nhiều nghi vấn. Chính sách đối với Bắc Hàn là một thất bại vì phương thức điều đình (deal making) của Trump trước thì dọa nạt sau là tâng bốc không gây ảnh hưởng nào với các lãnh tụ độc tài vốn được dân sùng bái, như Kim Chính Ân. Điều này cho thấy Trump chỉ dọa kẻ yếu và cần mình, nhưng lại lùi bước trước kẻ mạnh và không sợ mình.

Phạm Trần : Chính quyền Trump có dành được chiến thắng ngoại giao nào ở Trung Đông, Châu Âu và ở chiến trường Afganistan, sau khi triệt thoái hàng loạt quân đội Mỹ khỏi các vùng chiến lược này, hay Donald Trump đã mở cửa cho Nga và Iran tỏa rộng ảnh hưởng tại các nước Mỹ bỏ trống ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Thắng lợi lớn nhất ở Trung Đông là "Nhà nước Hồi giáo" bị triệt hạ và môt số nhân vật cầm đầu chủ mưu các cuộc tấn công khủng bố bị giết. Mỹ không có khả năng can dự vào những cuộc chiến tranh không lối thoát (endless wars) nên phải rút. Khi rút thì tạo ra khoảng trống, những thế lực khác sẽ điền thế vào.

Hoa Kỳ và Châu Á

Phạm Trần : Thưa ông, quay sang Châu Á, ông có thấy một tia hy vọng nào đã ló dạng trong nỗ lực thành lập khối 4 nước, dưới thời Donald Trump, do Hoa Kỳ lãnh đạo, gồm Ấn Độ, Úc Đại Lợi và Nhật Bản, để dối phó với kế hoạch bành trướng ảnh hưởng ở Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương của Trung Quốc không ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Điều quan trọng là đã lập được môt cái khung để lôi cuốn hai nước lớn là Nhật và Ân tham dự vào cuộc đối đầu với Trung Quốc. Những cuộc thao diễn quân sự chung của bốn nước để bảo vệ an ninh khu vưc và "ngăn chặn những kẻ đe dọa môt khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tư do và rộng mở" buộc Trung Quốc phải quan tâm và dè dặt. Nhưng ngược lại, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đôi tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tạo cơ hội cho Trung Quốc củng cố vai trò lãnh đạo kinh tế và chính trị của mình trong khu vưc qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vưc Toàn diện (Regional Comprehensive Economic Partnership) và "Sáng kiến Một vành đai, Một con đường" (One belt, One road Initiative). Lối hành động đơn phương, bất nhất và bắt nạt đồng minh của chính quyền Trump đã gây nghi kỵ, làm mất niềm tin về khả năng và cam kết cũa Mỹ, do đó khiến thế đứng của Mỹ ở khu vực này suy yếu hơn.

Phạm Trần : Dưới chính quyền mới Joe Biden, ông có dự đoán nào về chính sách của Mỹ ở Biển Đông, trước chủ trương không từ bỏ tham vọng giành quyền kiểm soát vùng biển chiến lược này của Trung Quốc ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Điều chắc chằn là dưới thời Biden, chính sách Mỹ sẽ có tính cách nhất quán hơn, không o ép đồng minh và tìm cách xây dựng lại lòng tin đã mất. Quan tâm trước mắt của Biden là đối phó với nạn dịch Covid-19, phục hồi nền kinh tế Mỹ, và ổn định tình hình nội bộ nên khó có thể coi Biển Đông là ưu tiên số 1. Nói chung, chính quyền mới sẽ bỏ cách hành động đơn phương thiên về hợp tác đa phương. Ở Mỹ đã có đồng thuân lưỡng đảng rằng chính sách hòa hoãn, nhân nhượng để Trung Quôc trở nên môt thành viên có trách nhiệm (responsible stakeholder) trong công đồng thế giơi đã thất bại, vì thế cần phải cương quyết hơn đối với Trung Quốc. Chính quyền Biden sẽ tiếp tục chính sách này. Khác với Trump luôn coi Tập là "người bạn tốt của tôi" và làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, Biden, khi tranh cử, đã từng gọi Xi Jinping là "côn đồ" (thug) và cam kết sẽ phục hồi lại vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc cổ võ những giá trị nhân quyền và dân chủ, nhưng đồng thời cũng coi thương chiến với Trung Quốc qua biện pháp tăng thuế suất là một điều sai lầm. Có thể nói là quan hệ Mỹ-Trung trong thời gian tơi sẽ đặt trên căn bản quyền lợi quốc gia hơn là quan hệ cá nhân và sẽ pha trộn giữa đấu tranh và cộng tác, nhưng thiên về đấu tranh nhiều hơn.

Riêng đối với khu vực Biển Đông, chính quyền Biden sẽ tìm cách trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũ (TPP) bằng cách gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Transpacific Partnership-CPTPP), sẽ tiếp tục các tác vụ tuần tra bảo về tư do lưu thông hàng hải (FONOP) và các cuộc thao diễn chung, giúp tăng cường khả năng quân sự của các đồng minh và đối tác trong khu vực, tiếp tục củng cố hợp tác bốn nuớc (QUAD) đồng thời tiếp nhận tham dự viên mới qua hình thức QUAD cộng (QUAD +). Điều quan trọng là, với chính quyền Biden, các nước nhỏ sẽ bớt sợ bị Mỹ bỏ rơi vì quyền lợi kinh tế của Mỹ ở Trung Quốc và đồng thuận Xi-Trump về mối "quan hệ nước lớn kiểu mới" (new type of great power relations). Một chỉ dấu đáng lưu ý khác cho thấy chính quyền Biden có thể dứt khoát hơn trong cam kết bảo vệ đồng minh chống hành động lấn lướt của Trung Quốc là, trong cuộc nói chuyên điện thoại với Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga hôm 12 tháng 11 vừa qua, Tổng thống tân cử Biden đã mạnh dạn xác nhận rằng hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật áp dụng với quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) vẫn còn hiệu lực và đoan quyết Mỹ sẽ bảo vệ Nhật trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc về các đảo này.

Thành thật cảm ơn Giáo sư.

Phạm Trần thực hiện

(18/11/2020)