Cô sinh viên dám thách thức chế độ quân chủ Thái Lan

Làn sóng dân chủ thứ tư vẫn đang tiếp tục tràn đến. Chúng ta chứng kiến phong trào Black lives matter đòi hỏi những xét lại sâu rộng về những vấn đề sắc tộc, bất bình đẳng trong nước Mỹ, những cuộc biểu tình đông đảo tại Belarus nhằm phản đối chế độ độc tài của Lukashenko, phong trào dù vàng tại Hồng Kong...Tại Thái Lan, một đông đảo giới trẻ đang cùng đồng hành với nhau để đòi hỏi những chuyển hóa chính trị từ chế độ quân chủ sang một chế độ dân chủ lành mạnh. Dù khác biệt nhau về nếp sống, địa lý hay văn hóa...nhưng nếu có một kết luận chung nhìn từ những phong trào này thì có thể khẳng định khát vọng dân chủ đa nguyên, nhân quyền đã được mọi người chia sẻ như một nguyện ước chung. Trái đất nhỏ lại và trở thành mái nhà chung của nhân loại, không phải chỉ để mô tả về những tiến bộ, những phương tiện trong thời đại toàn cầu hóa, mà còn vì những giá trị chung thuộc vào quyền con người đã dần trở thành những giá trị phổ quát.

Panusaya Sithijirawattanakul
Chụp lại hình ảnh,

Panusaya Sithijirawattanakul đọc bản tuyên ngôn 10 điểm kêu gọi cải cách chế độ quân chủ

"Có một nỗi sợ hãi đang rình rập trong tôi, nỗi sợ hãi sâu sắc về hậu quả.'' Panusaya Sithijirawattanakul nói.

Vào tháng 8, cô gái 21 tuổi hồi hộp bước lên sân khấu ở Thái Lan và đưa ra một thử thách mở đối với chế độ quân chủ.

Trước sự cổ vũ của hàng ngàn sinh viên tại một trong những trường đại học hàng đầu của Thái Lan, Panusaya Sithijirawattanakul đọc bản tuyên ngôn 10 điểm nổi tiếng hiện nay, kêu gọi cải cách chế độ quân chủ.

Đó là một động thái gây sốc. Người dân Thái được dạy từ khi mới sinh ra là phải tôn kính và yêu mến chế độ quân chủ, nhưng cũng sợ hậu quả của việc nói về chế độ.

'Cuộc sống không còn giống như trước'

Thái Lan là một trong số ít quốc gia có luật về tội Khi quân. Bất kỳ ai chỉ trích nhà vua, hoàng hậu, người thừa kế hoặc nhiếp chính có thể bị bỏ tù tới 15 năm.

Nhưng trong vài tháng qua, các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đã lan tràn khắp đất nước, và những sinh viên như Panusaya là tâm điểm của nó.

"Tôi biết cuộc sống của mình sẽ không còn bao giờ như cũ", cô nói với BBC News Tiếng Thái.

A protester holds a sign while doing a three-fingered salute during a demonstration to demand the release of activist leaders in Bangkok, Thailand August 8, 2020
Chụp lại hình ảnh,

Thái Lan đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong nhiều tháng, và kiểu chào bằng ba ngón tay đã trở thành một biểu tượng của phong trào

Panusaya được cho xem bản tuyên ngôn chỉ vài giờ trước khi cô đọc nó trong một cuộc biểu tình lớn hiếm hoi ở thủ đô Bangkok.

Tuyên ngôn đó kêu gọi một chế độ quân chủ chịu trách nhiệm trước các thể chế được bầu cử, một đề xuất cắt giảm ngân sách hoàng gia và kêu gọi chế độ quân chủ kiềm chế can thiệp vào chính trị - những tuyên bố gây sốc đối với hầu hết người Thái.

"Họ chuyển nó cho tôi, hỏi tôi có muốn sử dụng nó không. Tại thời điểm đó, mọi người đều cảm thấy nội dung bản tuyên ngôn rất mạnh mẽ và tôi cũng nghĩ rằng nó rất mạnh. Tôi quyết định là người công bố nội dung đó.''

"Tôi nắm tay các bạn sinh viên, hỏi to xem chúng tôi có đang hành động đúng ở đây không.'' Panusaya nói.

"Câu trả lời là có - đó là điều đúng đắn phải làm. Sau đó tôi lại ngồi xuống, hút một điếu thuốc trước khi lên sân khấu và để mọi thứ trong đầu ra ngoài."

Từ sân khấu, cô nói với đám đông: "Tất cả mọi người đều có dòng máu đỏ. Chúng ta không khác gì nhau.''

"Không ai trên đời này sinh ra đã mang trong mình dòng máu xanh. Một số người có thể sinh ra đã may mắn hơn những người khác, nhưng không ai sinh ra đã cao quý hơn bất kỳ người nào khác."

Phát biểu của Panusaya gây một náo động vang trời- một kết hợp giữa sự hoan nghênh từ các học giả tự do cùng với lên án từ các phương tiện truyền thông bảo hoàng, xen lẫn với sự hoài nghi của nhiều người dân Thái.

'Ghét đất nước mình là một căn bệnh'

Trong những ngày sau cuộc biểu tình, các trang Facebook của các nhà hoạt động bảo hoàng hàng đầu đã xôn xao tấn công Panusaya, một số cáo buộc cô bị các chính trị gia cộng hòa thao túng, điều mà cô phủ nhận.

Apirat Kongsompong, một vị tướng quyền lực của quốc gia về cơ bản vẫn do quân đội kiểm soát, nói người biểu tình bị ảnh hưởng bởi "chung chart" - một thuật ngữ tiếng Thái có nghĩa là "lòng căm thù dân tộc" - và nói thêm rằng điều đó còn "tồi tệ hơn cả đại dịch đang hoành hành.''

"Căm thù đất nước mình là một căn bệnh không thể chữa khỏi.'' Ông nói.

A person holds a picture of Thai King Maha Vajiralongkorn with Queen Suthida as members of Thai right-wing group "Thai Pakdee" (Loyal Thai) attend a rally in support of the government and the monarchy and in opposition to the recent anti-government protests, in Bangkok, Thailand August 30, 2020
Chụp lại hình ảnh,

Các cuộc biểu tình đã bị phản đối bởi những người bảo hoàng

Tuy nhiên, Panusaya nói ngay từ khi còn là một đứa trẻ, cô đã đặt câu hỏi về vị trí của gia đình hoàng gia trong đời sống Thái Lan.

Vào một ngày oi bức, một quan chức xuất hiện trước cửa và yêu cầu mọi người trong gia đình cô ra khỏi nhà và ngồi xuống vỉa hè để chờ đón một đoàn xe hoàng gia.

"Tại sao chúng ta phải ra ngoài nắng trong nửa giờ để nhìn một đoàn xe chạy qua? Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi đã không ra ngoài để hòa vào đám đông đang chờ đợi."

Là con út trong gia đình có ba chị em gái, Panusaya đã sớm tỏ ra yêu thích chính trị. Ở trường trung học, thảo luận về chính trị với những người bạn thân là một trong những trò tiêu khiển mà Panusaya yêu thích. Khi một cuộc đảo chính xảy ra vào năm 2014, cha cô - người duy nhất trong gia đình theo chính trị hồi đó - đã khuyến khích cô tìm hiểu thêm.

Thai Prime Minister Prayut Chan-o-cha gestures during a press conference after a weekly cabinet meeting at the Government House in Bangkok, Thailand, 18 August 2020
Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ chối thực hiện yêu cầu của người biểu tình

Nhưng khi lớn lên Panusaya rất nhút nhát và hay bị bắt nạt ở trường. Năm tháng tham gia chương trình''trao đổi sinh viên'' sang Mỹ đã khiến cô thay đổi hoàn toàn.

"Tôi trở về nhà là một con người khác, người không ngại nói ra và không sợ hành động."

Cô ngày càng tích cực hoạt động chính trị sau khi vào Đại học Thammasat danh tiếng. Hai năm trước, cô tham gia "Dome Revolution", một đảng chính trị của hội sinh viên.

Trong tháng Hai, Panusaya đã giúp tổ chức các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ rầm rộ đầu tiên sau khi Future Forward Party, một đảng theo chủ nghĩa cải cách được các cử tri trẻ tuổi yêu thích bị giải tán sau phán quyết gây tranh cãi của tòa án rằng đảng này đã chấp nhận các khoản vay bất hợp pháp từ chính lãnh đạo của mình.

Đảng Future Forward đạt nhiều thành quả tốt đẹp trong cuộc bầu cử năm 2019 và việc giải thể được những người ủng hộ coi là một nỗ lực nhằm loại bỏ ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của đảng này.

Nhưng đây không phải là sự kiện duy nhất truyền cảm hứng cho người trẻ tham gia phong trào ủng hộ dân chủ do sinh viên lãnh đạo đang phát triển ở Thái Lan trong những năm gần đây.

Vua Maha Vajiralongkorn, người thừa kế ngai vàng năm 2016, hiếm khi xuất hiện trước công chúng và dành phần lớn thời gian ở nước ngoài - đặc biệt là sau khi đất nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch virus corona, một quyết định bị một số người Thái chỉ trích trên mạng xã hội.

Thái Lan cũng có một loạt các vụ bê bối tham nhũng. Gây tranh cãi nhất là quyết định bãi bỏ tội danh của người thừa kế công ty nước tăng lực Red Bull liên quan đến một vụ tai nạn giao thông chết người vào năm 2012.

Chính phủ Thái Lan nói họ tôn trọng quyền tự do ngôn luận và chấp nhận những lời chỉ trích, nhưng sinh viên phải thực hiện quyền phát biểu của mình trong khuôn khổ luật pháp và không được đe dọa đến an ninh quốc gia.

Panusaya Sithijirawattanakul
Chụp lại hình ảnh,

Panusaya đặt câu hỏi về vai trò của chế độ quân chủ ở đất nước mình

Nhưng giới học sinh rất lo sợ cho sự an toàn của họ.

Ít nhất 9 nhà hoạt động trốn ra nước ngoài kể từ cuộc đảo chính chống lại chính phủ do quân đội lãnh đạo năm 2014 đã biến mất sau khi lên tiếng chỉ trích thể chế được tôn sùng nhất của Thái Lan. Xác của hai người sau đó được tìm thấy trên bờ sông.

Chính phủ Thái Lan kịch liệt phủ nhận mọi liên quan đến những vụ mất tích này.

Panusaya nói rằng kể từ sau đêm đọc bản tuyên ngôn, sự di chuyển của cô đã bị chính quyền giám sát cả ngày lẫn đêm, cả trong khuôn viên trường và trong ký túc xá.

"Mặc dù họ mặc thường phục, tôi có thể biết họ là cảnh sát vì họ có cùng kiểu tóc húi cua và luôn chụp ảnh tôi ở những nơi công cộng."

BBC News Thai
Chụp lại hình ảnh,

Panusaya nói không thể quay đầu lại sau khi đọc bản tuyên ngôn

Panusaya hiện vẫn chưa bị bắt và nói cô sẽ không bao giờ đầu hàng chính quyền.

Cô cũng chưa bị buộc tội Khi quân - bộ luật ít được sử dụng trong những năm gần đây, theo yêu cầu của cung điện - nhưng cảnh sát đã ban hành những lệnh bắt giữ với tội danh sử dụng ma túy, phổ biến thông tin sai lệch vào mạng máy tính và vi phạm luật giãn cách xã hội, vì các cuộc biểu tình đã làm nổi lên các hạn chế về virus corona.

Riêng tội danh dấy loạn có thể bị phạt tù tối đa bảy năm.

Và cũng giống như những học sinh khác bị buộc tội "vượt quá giới hạn", Panusaya cũng gặp phải căng thẳng ở nhà.

Mẹ cô nằm trong số những người thấy kinh hoàng trước quyết định của cô và đã cầu xin con đừng đi biểu tình.

Trong năm ngày sau đó, hai mẹ con không nói với nhau lời nào.

"Rõ ràng là mẹ tôi quan tâm, nhưng bà không thể hiện điều đó và cư xử bình thường khi tôi ở bên cạnh. Nhưng khi ở bên chị gái tôi, đôi khi mẹ khóc", Panusaya nói.

Mẹ cô sau đó đã nhượng bộ, nói rằng Panusaya có thể làm bất cứ điều gì cô thấy phù hợp - nhưng cảnh báo con nên tránh đề cập đến chế độ quân chủ.

Nhưng giờ đây - khi huẩn bị cho một cuộc biểu tình lớn ngày 19/9 - Panusaya đang chuẩn bị tinh thần là có thể mình sẽ vào tù. Cuộc biểu tình sẽ kêu gọi các cải cách khác nhau - đối với chế độ quân chủ, quân đội, hiến pháp và giáo dục.

"Tôi nghĩ mẹ tôi phải hiểu rằng chúng tôi không làm việc này vì vui. Đây là việc nghiêm túc và là việc chúng tôi phải làm. Chúng tôi xem đó là nghĩa vụ của mình nên mẹ phải hiểu. Tôi muốn mẹ tự hào."

 BBC Tiếng Việt