Thái Lan : Hơn 10.000 người tuần hành đòi cải cách chế độ quân chủ

"Nếu như trước đây, đích ngắm chủ yếu của phong trào đòi dân chủ là yêu cầu thủ tướng Prayut Chan-O-Cha - cựu thủ lĩnh quân đội và tác giả của cú đảo chính 2014 - từ chức, thì giờ đây quốc vương Thái Lan là đối tượng chính của phong trào. Các sinh viên đòi dân chủ yêu cầu xem xét lại điều khoản 112 Hiến pháp Thái Lan, trừng phạt những người phạm tội khi quân, theo đó, những ai « báng bổ » vua và hoàng gia có thể bị phạt tới 15 năm tù. Điều khoản trừng phạt tội khi quân mà nhiều nhà quan sát cho là khắc nghiệt nhất thế giới."


Biểu tình đòi chính phủ từ chức, giải tán Quốc Hội và bầu cử lại, tai khu Tượng Đài Dân Chủ, Bangkok, Thái Lan, ngày 16/08/2020.
Biểu tình đòi chính phủ từ chức, giải tán Quốc Hội và bầu cử lại, tai khu Tượng Đài Dân Chủ, Bangkok, Thái Lan, ngày 16/08/2020. REUTERS - ATHIT PERAWONGMETHA
Trọng Thành 
 
Kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014, đây là lần dân chúng Thái Lan xuống đường đông đảo nhất chống độc tài, đòi cải cách chế độ quân chủ. Hôm qua, Chủ Nhật 16/08/2020, ít nhất 10.000 người tuần hành tại thủ đô Bangkok kêu gọi cải cách Hiến Pháp. 

Một phát ngôn viên cảnh sát Bangkok cho AFP biết, « trong cuộc tuần hành của sinh viên, có khoảng 10 nghìn người tham gia ». Những người biểu tình đổ dồn về một trong các ngã tư đông đúc nhất của thủ đô Bangkok, hô vang khẩu hiệu « đả đảo chế độ độc tài » và giương cao hình chim bồ câu bằng giấy, biểu tượng cho hòa bình.

Trên một diễn đàn, nhà hoạt động Tattep Ruangprapaikitseree, với biệt danh « Ford », khẳng định phong trào tranh đấu mong muốn có « một chế độ quân chủ lập hiến phù hợp với hiện tại ». Ông kêu gọi « ngừng đe dọa chống lại nhân dân, giải tán Quốc Hội và soạn thảo Hiến Pháp mới ». Tuy nhiên, giống như phong trào của giới trẻ Hồng Kông, phong trào sinh viên đòi dân chủ tại Thái Lan không có người lãnh đạo thực sự, mà chủ yếu dựa vào các mạng xã hội để đưa ra các lời kêu gọi.

Kể từ tháng trước, các cuộc biểu tình quy mô nhỏ hơn, do sinh viên chủ trì, diễn ra gần như hàng ngày, đòi cải cách các định chế quyền lực, kể cả chế độ quân chủ, vốn được coi là một chủ đề húy kị trong xã hội Thái Lan. Hôm thứ Hai tuần trước 10/08, khoảng 4.000 người biểu tình tập hợp tại một khu đại học ở Bangkok, và lần đầu tiên thống nhất 10 yêu sách cải cách chế độ quân chủ.

Nếu như trước đây, đích ngắm chủ yếu của phong trào đòi dân chủ là yêu cầu thủ tướng Prayut Chan-O-Cha - cựu thủ lĩnh quân đội và tác giả của cú đảo chính 2014 - từ chức, thì giờ đây quốc vương Thái Lan là đối tượng chính của phong trào. Các sinh viên đòi dân chủ yêu cầu xem xét lại điều khoản 112 Hiến pháp Thái Lan, trừng phạt những người phạm tội khi quân, theo đó, những ai « báng bổ » vua và hoàng gia có thể bị phạt tới 15 năm tù. Điều khoản trừng phạt tội khi quân mà nhiều nhà quan sát cho là khắc nghiệt nhất thế giới.

Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn, vương hiệu Rama X, sở hữu tài sản trị giá 60 tỉ đô la, sau khi lên ngôi năm 2016, đã tiến hành nhiều thay đổi lớn chưa từng có trong chế độ chính trị Thái Lan, đặt nhiều đơn vị vũ trang trực tiếp dưới quyền chỉ huy của nhà vua. Hôm thứ Năm, 13/08, thủ tướng Prayut Chan-O-Cha nhấn mạnh là đòi hỏi cải cách của sinh viên « là không thể chấp nhận được với đa số người dân Thái ». Tuy nhiên sau đó, trong một phát biểu trên truyền hình, thủ tướng Thái Lan đã dịu giọng, kêu gọi đoàn kết và khẳng định « tương lai thuộc về giới trẻ ».

Tương tự như nhiều nước khác, Thái Lan đang trong cuộc khủng hoảng xã hội do đại dịch Covid-19. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến biểu tình. Đại dịch khiến hàng triệu người dân Thái mất việc làm và phơi bày nhiều bất bình đẳng trong xã hội Thái Lan, nơi nhóm hưởng lợi chính là giới tinh hoa thân tập đoàn quân sự.

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt