Việt Nam: Một ổ đại dịch khác trong tương lai ?

Theo The Diplomat, tại Việt Nam, hiện có đến hàng ngàn trại nuôi thú hoang dã, một hoạt động béo bở tại miền nam, chuyên cung cấp thịt thú hoang dã cho người tiêu thụ và các nhà hàng, mà không quan tâm đến nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm. Việt Nam và Trung Quốc là hai thị trường có nhu cầu rất lớn cho loại này, cộng với việc giao thương thường xuyên, nhiều khi lỏng lẻo trong việc quản lý nhập cảnh...có thể dẫn đến một nguy cơ bùng dịch Covid-19 đợt 2.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của cư dân trong một khu vực có bệnh nhân mới bị nhiễm Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Ảnh chụp ngày 26/07/2020.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của cư dân trong một khu vực có bệnh nhân mới bị nhiễm Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Ảnh chụp ngày 26/07/2020. REUTERS - STRINGER
Ngày 23/07/2020, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ra chỉ thị yêu cầu các bộ cho sửa đổi và cập nhật các điều luật hiện có nhằm « ngăn chận nạn buôn động vật hoang dã dù còn sống hay đã chết (…) và kiên quyết xóa bỏ các khu chợ cũng như các điểm kinh doanh bất hợp pháp loài động vật hoang dã ». Mục tiêu là nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. The Diplomat ngày 28/07/2020 đặt câu hỏi : Lệnh cấm này của chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện được đến đâu ? 

Bệnh SIDA có nguồn gốc từ loài vượn, Ebola từ loài dơi, cúm H1N1 từ loài lợn, và thời sự nhất hiện nay, dịch Covid-19 xuất phát từ loài dơi, thông qua vật chủ trung gian là con tê tê..., giới chức nhà nước Việt Nam, giới khoa học, cũng như giới bảo vệ loài động vật hoang dã đều đồng tình rằng những căn bệnh truyền nhiễm trên lây từ động vật sang người ngày càng trở nên nguy hiểm.
Dù rằng hiện nay khá thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, chưa có ca tử vong nào tính đến ngày 29/07/2020, nhưng chính phủ Hà Nội vẫn chưa thể xóa tan một mối lo khác : Liệu Việt Nam có thể ngăn chận được trận dịch sắp tới hay không ?

Thị trường buôn bán thú hoang mỗi năm thu lợi hơn một tỷ đô la. Việt Nam là điểm trung chuyển lớn của các tổ chức buôn bán trái phép thú hoang dã như sừng tê giác, ngà voi châu Phi mà điểm đến cuối cùng là Trung Quốc.

Mối lo ngại này dấy lên khi mà thứ trưởng bộ Nông Nghiệp, người phụ trách soạn thảo sắc lệnh cấm buôn thú hoang, đã có lời cảnh báo : « Chính phủ hiểu được quan điểm của những ai muốn cấm hoàn toàn mọi hình thức buôn bán các loài động vật hoang dã, chúng ta phải rất cẩn trọng (…) Nhiều loài thú hoang đã được nuôi rất thành công. »

Theo The Diplomat, tại Việt Nam, hiện có đến hàng ngàn trại nuôi thú hoang dã, một hoạt động béo bở tại miền nam, chuyên cung cấp thịt thú hoang dã cho người tiêu thụ và các nhà hàng, mà không quan tâm đến nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm.

Một nghiên cứu khoa học tại chỗ cho thấy là ở 17 trong số 28 trại nuôi thú hoang dã, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam xác định có ít nhất 6 chủng virus corona được biết đến ở loài dơi và các loài gậm nhấm. Sự tiếp xúc chặt chẽ giữa thú nuôi, con người, với các loài dơi, những loại gậm nhấm và những loài chim có khả năng mang các mầm virus corona, đã tạo cơ hội cho các bệnh truyền nhiễm từ động vật lan sang người.

Một nghiên cứu khác cho thấy rõ mối liên hệ giữa 142 chủng virus corona được biết là đã truyền bệnh từ động vật sang người trong nhiều năm liền, theo như Danh sách đỏ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng do UICN công bố. Các tác giả của nghiên cứu này khẳng định « những loài có nguy cơ tuyệt chủng mà số lượng bị suy giảm do bị khai thác quá mức có nguy cơ mang mầm virus các bệnh truyền nhiễm cao gấp hai lần so với loài bị đe dọa tuyệt chủng vì những lý do khác ».

Dù rằng những chủng virus corona đó chưa bao giờ phát triển mạnh, hay chưa bao giờ biến đổi thành chủng gây chết người như Covid-19 hiện nay, nhưng những nghiên cứu này cho thấy việc nhiều chủng virus corona lan rộng trong các trại nuôi còn là một lời cảnh báo rõ ràng cho các cơ quan y tế công cộng về một mối họa đại dịch mới trong tương lai.

Nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã kêu gọi chính phủ Việt Nam nên có những luật lệ nghiêm ngặt hơn và việc thực thi luật phải gắt gao hơn để đối phó với nạn buôn thú hoang có quy mô quốc tế. Liệu Hà Nội có thể vì sức khỏe cộng đồng mà kháng cự được với những áp lực của nhiều nhóm lợi ích đang chăm chăm bảo vệ các trại nuôi thú béo bở hay không ? Đây quả thật là một câu hỏi khó có câu trả lời trong trước mắt !

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt