‘Có từ điển xào xáo vô tội vạ, sai sót kinh hoàng’ (Tần Tần)

Phỏng vấn ông Hoàng Tuấn Công về tình trạng sai sót chính tả, định nghĩa, cẩu thả trong khâu biên soạn của hàng loạt từ điển Tiếng Việt hiện nay.


Đáng ra phải là chuẩn mực để người đọc tra cứu, song một số cuốn từ điển ngôn ngữ lại có sai sót, được xào xáo, “chế biến” thành những đầu sách khác nhau rồi đưa ra thị trường.

Mới đây, cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt (PGS.TS Hà Quang Năng chủ biên, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội) có nhiều chi tiết sai chính tả. Người “nhặt sạn” cuốn từ điển này là ông Hoàng Tuấn Công (tác giả cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu). Trong vài năm qua, ông chỉ ra những sai sót của trên dưới 10 cuốn từ điển, một số cuốn trong đó đã bị thu hồi. 

Ông Hoàng Tuấn Công đưa ra nhận định về từ điển ngôn ngữ hiện nay.
Hoang Tuan Cong anh 1
Một số cuốn từ điển có sai sót.

Sai sót ngô nghê

- Ông nhận định như thế nào về chất lượng sách từ điển hiện nay?

- Nhìn chung rất đáng buồn, đặc biệt là từ điển khổ nhỏ dành cho học sinh.
Năm 2014, dư luận dậy sóng bởi câu chuyện “từ điển Vũ Chất”, được xuất bản trước 1975 với nhiều sai sót, ngô nghê. Nhiều nhà xuất bản đã liên kết tái bản với chỉ dẫn “dành cho học sinh”. Cuốn từ điển này nhanh chóng bị thu hồi.

Cũng trong dịp này, tôi phát hiện loạt từ điển dành cho học sinh khác, biên soạn theo lối xào xáo vô tội vạ, sai sót kinh hoàng, đến mức phải thu hồi, tiêu huỷ. 

Tuy nhiên, các loại từ điển kém chất lượng, vẫn xuất hiện trên thị trường, phát hành công khai trong hệ thống phát hành sách toàn quốc. 

Sách của hai nhóm này biên soạn phần lớn là loại từ điển “bỏ túi”, khổ nhỏ, hướng nhóm độc giả đông đảo là “học sinh, sinh viên”, giá cả rất vừa túi tiền (từ 30.000 đến 50.000 đồng/cuốn).
Trước 2017, nhóm tác giả này thường thay tên đổi họ. Có cuốn ngoài bìa ghi tác giả là “Kỳ Duyên - Đăng Khoa, Hội Ngôn ngữ học” nhưng bìa trong lại là “Ngọc Hằng - Kỳ Duyên”…
Hầu hết từ điển mà tôi điểm mặt chỉ tên đều sai sót nghiêm trọng và lặp đi lặp lại. Ví dụ những cái sai mà chúng ta có thể tìm thấy trong các cuốn sách từ điển khổ nhỏ, như: “Bói toán: Bói theo phương pháp toán học”; “giao phối (đt): Kết hôn”; “giao cấu: Nói về giống đực giống cái lấy nhau”.
Đáng chú ý, những lỗi này và nhiều lỗi nghiêm trọng khác mà chúng tôi từng nêu có trong 5 cuốn do hai “nhóm” tác giả mà chúng tôi nêu, được phát hành từ năm 2012 đến 2016. Việc sao đi chép lại khiến cái sai cứ thế được nhân lên. 

Ngoài bìa sách, thường ghi những thông tin gây nhầm lẫn cho người mua, như “Ngôn ngữ Việt Nam”, “Ngôn ngữ học Việt Nam”, “Hội Ngôn ngữ học”, “Trung tâm Từ điển học”, thực tế chỉ có Trung tâm Từ điển học - Vietlex do GS Hoàng Phê sáng lập... 

Thậm chí, thay vì thông tin “Ngôn ngữ Việt Nam” lập lờ như ngoài bìa sách, có đơn vị ghi hẳn là “Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (Khoa học - Xã hội - Nhân văn). Có thể nói đây là sự mạo danh, đánh lừa độc giả.

Dù từ điển nhiều sai sót, chúng tôi đã chỉ ra rất cụ thể, phần lớn loại sách này không bị thu hồi, mà vẫn được phát hành bình thường đến nay.

Hoang Tuan Cong anh 2
Tác giả Hoàng Tuấn Công. Ảnh: Fb nhân vật.

Cần cẩn trọng hơn trong biên soạn và xuất bản từ điển

- Từ điển lẽ ra là công cụ chuẩn mực giúp bạn đọc tra cứu, nhưng lại để sai sót, một số cuốn sai nghiêm trọng như trên. Ông nghĩ sao về trách nhiệm của người biên soạn?

- Phần lớn cuốn từ điển có sai sót nghiêm trọng thì tên tuổi của soạn giả chỉ là tên ảo. Nghĩa là người ta lấy bừa một vài bút danh nào đó đặt ngoài bìa sách cho lấy có, còn thực chất kẻ xáo xào, biên soạn là ai, có lẽ chỉ nhà sách mới biết. Bởi vậy, thật khó có thể đặt vấn đề lương tâm trách nhiệm của tác giả ở đây.

Cũng có một số cuốn từ điển gắn với tên tuổi học hàm học vị của ai đó, nhưng do chủ quan, trình độ hạn chế, cộng thêm chút cẩu thả, việc xảy ra sai sót có hệ thống là điều khó tránh khỏi. Tính chất sai sót ở nhiều mục từ cho thấy người biên soạn từ điển không có chuyên môn.

- Các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, có trách nhiệm gì khi đưa đến bạn đọc những cuốn sách sai sót đó?

- Lẽ dĩ nhiên, nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc để xảy ra sai sót đối với ấn phẩm mà họ cấp phép. 

Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc, nhà xuất bản lại đóng vai trò giống như người phán xử, nghĩa là ra quyết định thu hồi, tiêu huỷ, còn thiệt hại hay tội vạ gì thuộc về tác giả sách, hoặc đơn vị liên kết in ấn phát hành.

- Một số người cho rằng tiếng Việt có nhiều điểm chưa thống nhất, ngôn ngữ lại phong phú. Vì vậy, không ít từ điển có những lỗi sai do quan niệm mỗi vùng miền khác nhau. Ông nghĩ sao về điều này?

- Thực ra, lỗi sai của các cuốn từ điển thường không rơi vào những từ ngữ mang tính chất vùng miền. Theo tôi, đây chỉ là sự đánh tráo khái niệm của những người biên soạn từ điển. Họ lý giải, biện minh cho sự sai sót mà hầu như ai cũng nhìn thấy mà thôi. 

- Theo ông, cuốn từ điển tiếng Việt nào khả tín nhất hiện nay? 

- Theo tôi, cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ, do GS Hoàng Phê chủ biên, và Trung tâm Từ điển học Vietlex (do GS Hoàng Phê sáng lập) kế thừa, phát huy là đáng tin cậy hơn cả.
Trên cơ sở công trình biên soạn của tập thể của Viện Ngôn ngữ, Trung tâm Từ điển học Vietlex đã nhiều lần tái bản có sửa chữa bổ sung hàng chục nghìn từ ngữ mới.

Nguồn tin: Zing News