Đặc tính của các thể chế dân chủ là nó có khả năng tự sửa sai nhờ những thành tố tối thiểu: tự do ngôn luận, đa đảng và bầu cử tự do. Cái chết của George Floyd làm bùng lên những cuộc biểu tình chống tình trạng phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ. Đây cũng là dịp để đặt lại câu hỏi "Make America Great Again", sự vĩ đại của nước Mỹ là vì điều gì? Ngoài mặt một nền kinh tế siêu cường trên tất cả mọi địa hạt, ẩn sâu bên trong nguyên nhân để tạo ra những điều đó là gì? Câu trả lời là nước Mỹ từ trước đến này luôn được biết đến là thành trì của tự do, dân chủ, và có một hiến pháp khăng khít với tuyên ngôn nhân quyền phổ cập. Việc co cụm lại và không quan tâm đến các giá trị nền tảng dưới thời tổng thống Trump, trước hết không làm cho nước Mỹ mạnh lên mà chỉ thêm phần yếu đi, sau đó là sẽ tạo ra chính vấn đề bên trong nước Mỹ.
Vụ George Floyd: Biểu tình phản đối bạo lực cảnh sáu tại Houston, Texas, Mỹ, ngày 02/06/2020REUTERS - CALLAGHAN O'HARE
Hình ảnh một người Mỹ da đen bị một viên cảnh sát da
trắng ghì gáy đến ngạt thở, rồi cái chết của George Floyd dẫn đến bạo
động và hỗn loạn lan từ Minneapolis đến nhiều thành phố lớn trên toàn
nước Mỹ đang làm « suy yếu nền dân chủ Hoa Kỳ ».
Cố vấn an ninh quốc gia của
Nhà Trắng Robert O'Brien hôm 01/06/2020 nêu đích danh Trung Quốc, Iran
và trong một chừng mực nào đó là nước Nga, « Những đối thủ của Mỹ sẽ lợi
dụng khủng hoảng này để gây thêm chia rẽ nhằm làm suy yếu nền dân chủ
của Hoa Kỳ » . Đó là những quốc gia thường xuyên bị Washington chỉ trích
trà đạp nhân quyền. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, lãnh đạo ủy ban tình
báo Thượng Viện Mỹ và là một đồng minh của tổng thống Trump báo động
nhiều tài khoản trên các mạng xã hội ít nhiều liên quan đến « ba đối thủ
nước ngoài » của Mỹ đang « đổ thêm dầu vào lửa, châm ngòi cho bạo
động ».
Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif không ngần ngại
cho rằng hình ảnh George Floyd bị cảnh sát « ghì gáy », gây « áp lực
tối đa » phản ánh lối hành xử của chính quyền Trump nhắm vào 80 triệu
dân Iran. Tại Matxcơva phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Maria Zakharova mỉa
mai cho rằng như thường lệ mỗi lần có vấn đề Mỹ luôn quy trách nhiệm cho
Nga, lần này cũng vậy Washington rồi sẽ tìm cách giải thích vụ án mạng
dẫn tới bạo động lần này cũng do Nga « xúi giục ».
Nhưng đáng chú ý
hơn cả là phản ứng của Bắc Kinh trong bối cảnh Mỹ-Trung tranh hùng trên
tất cả mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chiến lược, ngoại giao... Biển Đông,
Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng … Hoa Vi, virus corona hay Tổ
Chức Y Tế Thế Giới … là muôn vàn những mặt trận Washington-Bắc Kinh đang
đọ sức với nhau. Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội xoáy vào « điểm nhậy
cảm » của đối phương.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc
Triệu Lập Kiên trong hai ngày họp báo liên tiếp đã trở lại với bạo động
tại Hoa Kỳ khi nêu lên câu hỏi « Tại sao Washington luôn ca ngợi các
cuộc xuống đường ở Hồng Kông nhưng lại xem người biểu tình chống tình
trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ là những kẻ bạo loạn ? ».
Cũng
ông Triệu kêu gọi Hoa Kỳ « chấm dứt kỳ thị chủng tộc và bảo vệ các cộng
đồng thiểu số » trong lúc Quốc Hội lưỡng viện Mỹ đã có dự luật trừng
phạt các quan chức Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, tố
cáo Bắc Kinh « giam giữ tùy tiện, tra tấn và sách nhiễu » cộng đồng
thiểu số theo đạo Hồi.
Hình ảnh cảnh sát Mỹ hành hung một
George Floyd, hay những người biểu tình ở Minneapolis, và kể cả một số
phóng viên Mỹ và quốc tế đến đưa tin, đang vô hiệu hóa những chỉ trích
của Washington lên án Bắc Kinh ban hành luật an ninh Hồng Kông. Đạo luật
này vừa được Quốc Hội Trung Quốc thông qua hôm 28/05/2020 nhằm « ngăn
cản, chận đứng và trừng phạt mọi hành vi đe dọa nghiêm trọng an ninh
quốc gia, như các hoạt động ly khai, lật đổ chế độ, khủng bố và sự can
thiệp của các lực lượng nước ngoài ». Điều tai hại hơn nữa, theo
phân tích của nhà báo Dorian Malovic, tổng biên tập chuyên về châu Á
thuộc báo Công giáo La Croix, lập trường cứng rắn của tổng thống Donald
Trump dọa triển khai quân đội để « dẹp loạn », « tái lập trật tự » bằng
« luật pháp » vô hình chung « bật đèn xanh » cho ông Tập Cận Bình huy
động quân đội đàn áp người biểu tình Hồng Kông, nhất là vào dịp đêm Canh
Thức tưởng niệm các nạn nhân Thiên An Môn. Từ năm 1989 tới nay, người
dân Hồng Kông luôn tổ chức tưởng niệm phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc
Kinh đã bị đàn áp đẫm máu.
Dù vậy như cố vấn an ninh quốc gia Mỹ,
Robert O'Brien, ghi nhận khác biệt giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ là « viên
cảnh sát đã gây ra cái chết cho George Floyd sẽ bị điều tra, truy tố và
sẽ xét xử trong một cách công bằng ». Khác biệt thứ nhì quan trọng không
kém là « những người Mỹ biểu tình ôn hòa không sợ bị tống giam ».
Không
một ai ngây thơ để có thể tin rằng, Iran, Trung Quốc hay Nga chỉ trích
chính quyền Trump vì muốn bênh vực những cộng đồng người Mỹ gốc Phi đang
bị phân biệt đối xử và kỳ thị. Có điều như cựu tổng thống Barack Obama
ghi nhận « sức mạnh của Hoa Kỳ có được bởi nước Mỹ luôn là tấm gương
sáng cho thế giới noi theo ». Khủng hoảng lần này và chủ trương của Nhà
Trắng đang làm mất uy tín của nước Mỹ trong công cuộc « bảo vệ nhân
quyền ».
Nhà cựu ngoại giao có uy tín của Mỹ Richard Haass trên
mạng xã hội Twitter lo ngại rằng vụ án mạng George Floyd và dư âm kèm
theo tạo cơ hội cho một số quốc gia trên thế giới « thách thức » Hoa Kỳ.
Nhưng có lẽ hình ảnh hay uy tín của nước Mỹ ở thời điểm này không phải
là ưu tiên của Donald Trump. Ông chỉ theo đuổi một mục tiêu: trong 5
tháng nữa, vẫn giữ được Nhà Trắng. Trên mạng Twitter tổng thống Mỹ viết
hàng chữ hoa « 3 Tháng 11 ». Nguồn tin: RFI Tiếng Việt