Vĩnh Long có nên xây bảo tàng nông nghiệp 400 tỉ đồng vào lúc này?

Trong bối cảnh hiện tại, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với rất nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, hạn mặn kéo dài, thiếu hụt về cơ sở hạ tầng...Chính quyền CSVN bỏ ra 400 tỷ đồng để xây dựng bảo tàng nông nghiệp là điều không hợp lý.



Ảnh minh họa: Một góc Bảo tàng Nông nghiệp tư nhân ở Hà Nội.
Ảnh minh họa: Một góc Bảo tàng Nông nghiệp tư nhân ở Hà Nội.
Courtesy Làng Việt
Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) theo đề án phê duyệt của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Long sẽ có diện tích hơn 11 ha tại huyện Vũng Liêm. Ý nghĩa của bảo tàng được nói nhằm tôn vinh sự cần cù, sáng tạo, vai trò to lớn của nông dân.

Nhà nghiên cứu lịch sử, Đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 18/5, nhận định về dự án này:

“Cho đến thời điểm này, ở Việt Nam chưa có một bảo tàng nông nghiệp cũng là một khiếm khuyết. Tuy nhiên, việc một tỉnh đề xuất xây bảo tàng 400 tỷ trong thời điểm này cũng dễ gây ra các ý kiến trái chiều. Đặc biệt với quan niệm khá truyền thống là phú quý rồi mới sinh lễ nghĩa, thì rõ ràng giữa lúc nam bộ đang đứng trước thử thách về thời tiết, biến đổi khí hậu cũng như việc quản lý nước sông Mekong... thì cũng gây ra nhiều suy nghĩ có nên hay không. Tôi tin rằng ngay cả những người phản đối cũng mong rằng khi nào đó có một bảo tàng nông nghiệp, để tôn vinh một lĩnh vực, không chỉ có truyền thống mà hiện nay đang trở thành một nguồn lực rất mạnh của Việt Nam.”
Cho đến thời điểm này, ở Việt Nam chưa có một bảo tàng nông nghiệp cũng là một khiếm khuyết. Tuy nhiên, việc một tỉnh đề xuất xây bảo tàng 400 tỷ trong thời điểm này cũng dễ gây ra các ý kiến trái chiều.
-Sử gia Dương Trung Quốc
Theo dự án được UBND tỉnh Vĩnh Long phê quyệt, Bảo tàng Nông nghiệp dự kiến được đưa vào khai thác vào năm 2027, với 4 khu chính gồm: khu phục vụ cho trưng bày và hành chính, khu tái hiện làng quê Nam Bộ xưa, khu tổ chức sự kiện và khu các công trình phụ trợ.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 18/5, Giáo sư Võ Tòng Xuân, một nhà nông học nổi tiếng, hiện là Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, cho biết ý kiến của mình:

“Hiện nay đã có bảo tàng về nông nghiệp ĐBSCL, ghép vô bảo tàng của tỉnh An Giang. Bảo tàng nông nghiệp ở đó chủ yếu là những nông cụ mà ông bà mình ở ĐBSCL, kể cả người Campuchia ngày xưa sử dụng để canh tác lúa, các loại hoa màu... Tôi có nói là mình gom lại tại An Giang cũng được, ở đó đã làm trước rồi. Tôi biết chắc nước ngoài cũng cho mớ tiền, nhưng không phải hết 400 tỷ... cái này đúng là rất tốn kém, nếu phải xài tiền của mình thì đúng là trong lúc này tiền bạc đang gặp rất nhiều khó khăn.”

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, mục tiêu của dự án Bảo tàng Nông nghiệp nhằm tạo dựng một thiết chế văn hóa quan trọng, xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo tồn các di sản văn hóa nông nghiệp... Bảo tàng có tổng kinh phí xây dựng 400 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.
Báo chi nhà nước hôm 18/5 cho rằng, rất nhiều người ủng hộ việc xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long, vì với gần 18 triệu dân, đa số sống bằng nghề nông, tuy nhiên khu vực ĐBSCL, chưa có bảo tàng riêng biệt cho cả ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chưa đến lúc cần thiết xây dựng bào tàng lớn như vậy vì Vĩnh Long chưa phải là tỉnh giàu.

Để tìm hiểu thêm, Đài Á Châu Tự Do hôm 18/5 liên lạc một nông dân trồng lúa ở Huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, và được ông cho biết ý kiến của mình:

“Theo đúng ra thì số tiền đó quá cao, mà bảo tàng đâu có lợi cho nông dân... Đúng ra số tiền đó để giúp cho nông dân mùa màng, thủy lợi, cái này cái kia, rồi đường lộ để chở vật tư cũng được... Hiện giờ nông dân ở các nơi là bị mặn hết trơn rồi đó, cho nên nông dân chịu khổ, không có sạ lúa được. Ở Vĩnh Long mình phía trên thì không có mặn, chứ phía dưới như Trà Ôn, miệt đó là bị mặn hết trơn rồi... khó khăn đó... có chỗ bây giờ sạ lúa chết hết trơn rồi... do nước mặn đó, năm nay nó hạn... quá trời nắng...”

Ảnh minh họa: Một góc Bảo tàng Nông nghiệp tư nhân ở Thanh Hóa.
Ảnh minh họa: Một góc Bảo tàng Nông nghiệp tư nhân ở Thanh Hóa. Courtesy thanhhoa.gov.vn
Trước phản ứng của dư luận, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, khi trả lời báo chí trong nước cho rằng, dự án mang tầm cỡ khu vực này là ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc còn sống. Trước đây, cố Thủ tướng cũng đã tặng tỉnh Vĩnh Long một số công cụ nông nghiệp thời xưa... Theo ông, Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL không phải xây dựng lên cho hoành tráng để gây tốn kém, mà còn có nhiều ý nghĩa thiết thực, nhằm quảng bá hình ảnh, sản phẩm của bà con nông dân từ xưa đến nay, phục vụ cho phát triển du lịch, nên người dân sẽ được hưởng lợi.

Trao đổi với RFA liên quan vấn đề này hôm 18/5, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển ĐBSCL, nhận định:

“Việt Nam đặt du lịch là chiến lược kinh tế quan trọng, muốn có du lịch thì phải có văn hóa, do đó xây dựng các bảo tàng là cần thiết. Trên thế giới có rất nhiều nước có bảo tàng hay, ý nghĩa và đó là điểm hút du lịch. Nói đến VN thì người ta hay nói đến chiến tranh, nên cần bảo tàng chiến tranh, bảo tàng lịch sử. Thứ hai nữa thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp, cho xây dựng bảo tàng nông nghiệp tôi cho là một ý hay.”

Tuy nhiên Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng Bảo tàng nông nghiệp nếu làm phải đầu tư bài bản. Hiện nay, trung ương, ngay cả nhà nước, cũng chưa bao giờ đặt vấn đề xây dựng bảo tàng nông nghiệp cho quốc gia cả. Thế còn một tỉnh đặt ra vấn đề xây dựng bảo tàng thì ông nghĩ là khó khăn. Ông nói tiếp:

“Có một điểm cần xác định, nếu bảo tàng gắng với một tour du lịch phổ biến, đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài thì có thể cân nhắc, nhưng tỉnh Vĩnh Long thì không phải là một tỉnh du lịch mạnh mẽ lắm... Chưa nói đến nội dung xây dựng, việc quản lý bảo tàng như thế là một thức với một địa phương. Tôi không thấy một bảo tàng nào ở địa phương mà thành công cả, cho dù không phải bảo tàng nông nghiệp, ngay cà bảo tàng quốc gia hiện nay đầu tư rất nhiều nhưng khai thác rất kém. Chỉ có bảo tàng dân tộc học và bảo tàng di tích chiến tranh Việt Nam ở TPHCM... là đông khách. Loại trừ yếu tố vào thời điểm này, nói chung việc xây bảo tàng nông nghiệp phải cân nhắc rất là cẩn trọng.”
Nếu bảo tàng gắng với một tour du lịch phổ biến, đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài thì có thể cân nhắc, nhưng tỉnh Vĩnh Long thì không phải là một tỉnh du lịch mạnh mẽ lắm...
-TS. Đặng Kim Sơn
Giữa lúc vùng ĐBSCL đang đứng trước thử thách về thời tiết, biến đổi khí hậu cũng như việc quản lý nước sông Mekong... thì Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng 400 tỷ có thể làm nhiều việc giúp nông dân như: xây các công trình giữ nước để giữ nước trong mùa mưa, để có thể sử dụng trong mùa khô, giúp cho các hộ dân xây các bồn chứa dưới nền nhà hay mua bồn chứa nước...

Còn theo Đại biểu Quốc Hội, Sử gia Dương Trung Quốc, vấn đề quan trọng là thời điểm nào thích hợp thích hợp xây dựng bảo tàng và nguồn lực lấy từ đâu? Ông nói tiếp:
“Đặc biệt nhiều trải nghiệm cũng gây băn khoăn cho người dân về tính hiệu quả của các bảo tàng, tạo ra nghi ngại việc chúng ta xây nhiều bảo tàng mà chúng ta không làm tốt các quy trình của nó, dẫn đến việc chỉ có cái vỏ mà không có cái ruột. Nên dư luận cũng dễ nghiên về phía lúc này chưa nên làm. Nhưng cá nhân tôi thì tôi cho rằng, việc triển khai hay chưa và nguồn lực lấy từ đâu nên làm cho minh bạch, vì có cả yếu tố xã hội hóa... tại vì nếu chúng ta làm tốt thì chính bảo tàng sẽ đem lại nguồn lực ở góc độc du lịch. Và chúng ta cũng thấy việc xây dựng bảo tàng nông nghiệp cũng không phải mới lạ trên thế giới, chúng tôi cũng thấy không ít cái du lịch là đi về nông thôn, để quan sát sinh hoạt đời sống cũng như hoạt động nông nghiệp, để bồi dưỡng nhận thức đặc biệt của giới trẻ đang sống trong môi trường đô thị hóa hiện nay. Và lực lượng chúng ta cần tôi vinh là nông dân, qua hiểu biết trải nghiệm về quá khứ.”

Tóm lại, Đại biểu Quốc Hội, Sử gia Dương Trung Quốc, cho rằng việc xây dựng Bảo tàng Nông Nghiệp vùng ĐBSCL là một ý tưởng văn minh của một tỉnh. Nhưng theo ông, nếu đã làm, thì phải làm sao cho có hiệu quả thật sự, chứ không thể theo lối mòn của các bảo tàng tại Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam hiện có trên 160 bảo tàng; trong đó 4 bảo tàng cấp quốc gia, 7 bảo tàng chuyên ngành cấp bộ, 34 bảo tàng của các đơn vị trực thuộc bộ, 80 bảo tàng cấp tỉnh và 36 ngoài công lập. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ có số ít trong các bảo tàng đó là thật sự có nhiều khách tham quan.

Nguồn tin: RFA Tiếng Việt