VNTB – Quốc hội Việt Nam cần thông báo xóa Dự luật Đặc khu

Xây dựng những đặc khu kinh tế không chỉ vừa lỗi thời mà còn không cần thiết. Nước Việt Nam dân chủ đa nguyên trong tương lai sẽ không phân biệt những quyền kinh tế, dân sự giữa bất kì vùng nào thuộc chủ quyền cả. Bài viết cũng dẫn chứng một ý khá quan trọng, đó là dự luật đặc khu dưới thời chính quyền CSVN còn có tác dụng hợp pháp bất động sản, động sản mà người Trung Quốc sở hữu tại Việt Nam, bỏ qua vấn đề an ninh quốc gia.

Dự luật Đặc khu


Mai Lan
(VNTB) – Tháng 3-2019, trong bài báo “Dự Luật Đặc Khu Kinh Tế đang hồi sinh?”, đăng trên VOA, nhà báo Phạm Chí Dũng cảnh báo về một ‘hồn Trương Ba, da Hàng Thịt” ở Dự luật Đặc khu. (1)

“Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban Chỉ đạo đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật theo hướng xây dựng một luật chung.

Về thực chất, thông báo trên đã mở đường cho luật đặc khu – bị hoãn vô thời hạn vào tháng Mười năm 2018 – nảy nòi trở lại. Ngay trước mắt, một chiến dịch ‘đánh’ giá đất đang bùng nổ ở các khu vực dự kiến ‘lên đặc khu’ là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và có thể cả ở Vân Phong (Khánh Hòa). Vô số đất mà giới quan chức đã ‘tậu giá rẻ’ ở những nơi này sẽ có cơ hội bằng vàng để ‘thoát hàng’ với giá trên trời”.

Tác giả Phạm Chí Dũng viết có đoạn như trên trong bài báo đăng trên trang web của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 23-3-2019.

“Về Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng xây dựng một luật chung. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các cơ quan liên quan đang thực hiện nội dung này” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết như vậy hôm 21-4-2020, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2).

Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, là tên gọi khác của Luật đặc khu.
“Liên quan đến Luật đặc khu, khi dừng lại Quốc hội có nói sẽ bàn vào kỳ sau, hiện chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của cả năm 2019 và 2020 đều không có dự án luật này, vậy có thể hiểu là lùi vào đến sau 2020 hay không?”.

Đó là câu hỏi được phóng viên đặt ra tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội thứ 7, chiều 17-5-2020.

Trả lời, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về dự án Luật Đặc khu, khi nào Chính phủ thấy ‘chín’ thì sẽ trình Quốc hội, hiện nay thì Chính phủ đang tiếp tục hoàn chỉnh để báo cáo và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. (3)
Tư cách là một cử tri, người viết cho rằng với những gì đang diễn ra trên nghị trường Quốc hội, cho thấy cần thái độ dứt khoát là xóa dự án luật đặc khu.

Vì sao ư? Lúc dự luật đặc khu đưa ra thảo luận ở nghị trường Quốc hội vào năm 2018, có quá nhiều ý kiến cảnh báo đây là một phiên bản khác của luật đất đai theo hướng hợp pháp hóa các bất động sản, động sản mà người Trung Quốc đang sở hữu tại Việt Nam.
Dĩ nhiên khi ấy trên nghị trường không dẫn cụ thể các địa chỉ người Trung Quốc đang là những ông, bà chủ đất tại Việt Nam. Phải đến tháng 5-2020, khá bất ngờ khi báo chí và trên diễn đàn Quốc hội, lại được đưa tin rộng rãi về chuyện đất đai có yếu tố Trung Quốc.

Thông tin trên báo Người Lao Động cho hay Bộ Quốc phòng xác nhận từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biển Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, ‘núp bóng’ sở hữu và thuê của UBND thành phố Đà Nẵng tại các vị trí: Dọc các khu đô thị ven biển; ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn); khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang, quận Sơn Trà. (4)

Một tìm hiểu riêng của cá nhân người viết cho biết dưới ‘triều đại’ Nguyễn Bá Thanh, từ tháng 1-1997 đến tháng 2-2013, đây là thời gian mà gần như cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc mặc tình ‘hô mưa – gọi gió’ ở thành phố lớn nhất miền Trung này.
Địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ở các tỉnh, thành: Đà Nẵng 22, Quảng Ninh 17, Hải Phòng 16, Bình Định 09, Hà Tĩnh 05, Bình Thuận 05… Các doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc ở khu vực biên giới đều hình thành từ tháng 12-2018 trở về trước (năm 2019 chưa ghi nhận có doanh nghiệp mới nào); trước khi cấp phép, đầu tư đã được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.

Theo thông tin thì tổng diện tích nhóm người Trung Quốc đang sử dụng là 162.467,7 ha tương đương bằng cả một tỉnh hay thành phố chứ đâu phải nhỏ, điều này sẽ là lo ngại chất chồng lo ngại ở trường hợp Quốc hội Việt Nam thông qua dự luật đặc khu, khi đó coi như sẽ hợp pháp hóa việc công khai hình thành những khu đô thị, buôn bán làm ăn thuần Trung Hoa lục địa trên lãnh thổ Việt Nam.

Còn trên biển thì mức độ ngang ngược của Trung Quốc tới đâu, chắc chẳng cần nói ra thì ai cũng quá hiểu…
____________
Chú thích:

Nguồn tin: VNTB