Trung Quốc hậu Covid-19 (Việt Hoàng)
Việt
Nam đang đứng trước một thời cơ vô cùng lớn để đất nước hội nhập và có chổ đứng
trong một trật tự thế giới mới sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên nhiều khả năng
là đất nước lại lỡ hẹn một lần nữa bởi Đảng cộng sản
Việt Nam với cơ chế chính trị như hiện nay không có khả năng để tạo ra bất
cứ sự thay đổi lớn nào. (Việt
Hoàng)
Đến hôm nay
trên thế giới đã có hơn 2,9 triệu ca nhiễm Covid-19 với hơn 200.000 người chết.
Mỹ vẫn đứng đầu với hơn 900.000 ca nhiễm và hơn 53.000 người tử vong. Tuy nhiên
con số tử vong và lây nhiễm đang có dấu hiệu giảm xuống. Dù vậy thì đại dịch
Covid-19 đang và sẽ làm thay đổi thế giới mà chúng ta vốn đã quen thuộc.
Trung Quốc,
cường quốc thứ hai trên thế giới và cũng là nơi bắt nguồn đại dịch sẽ đi về
đâu? Liệu Trung Quốc có thể thay thế vai trò của Mỹ không và quan hệ giữa Trung
Quốc-Việt Nam sẽ như thế nào?
1. Trung Quốc
sẽ thay thế Mỹ lãnh đạo thế giới?
Đại dịch
Covid-19 bắt nguồn từ Trung Quốc là điều mà ai cũng biết. Nhưng liệu con virus
này có phải do con người, cụ thể là Trung Quốc tạo ra không thì có lẽ không bao
giờ có câu trả lời. Nhiều quốc gia trong đó có Mỹ đang yêu cầu mở một cuộc điều
tra quốc tế độc lập để tìm hiểu về nguồn gốc của con virus corona nhưng có thể đoán
được là Trung Quốc sẽ không chấp nhận chuyện đó và thế giới cũng chẳng làm gì
được.
Nhiều người
dân Mỹ, trong đó có cả người Mỹ gốc Việt đang viết đơn kiện ra tòa đòi Trung Quốc
đền bù cho những thiệt hại do Covid-19 gây ra. Đây cũng là việc làm mang tính
hình thức vì kể cả khi tòa ra phán quyết thì Trung Quốc cũng không trả và một lần
nữa, chẳng ai làm gì được Trung Quốc.
Tuy vậy có một
sự thật hiển nhiên mà ai cũng có thể thấy và điều này mới thực sự gây hậu quả
nghiêm trọng cho Trung Quốc đó là thái độ của người dân trên thế giới nói chung
và nhất là người dân Mỹ nói riêng đối với Trung Quốc. Theo thăm dò dư luận của hãng
Pew ngày 21/04/2020 thì có đến 2/3 người dân Mỹ có thái độ tiêu cực đối với Trung
Quốc và 90% người được hỏi xem Trung Quốc là một mối đe dọa.
Hiện tại các
quốc gia trên thế giới đều đang phải tập trung mọi cố gắng để dập dịch nên chưa
có thái độ với Trung Quốc nhưng rõ ràng là quan hệ với Trung Quốc đang xấu đi.
Mặt khác do quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp vật liệu y tế từ Trung Quốc nên
phương Tây đang phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Đại dịch Covid-19 cho thấy Châu Âu
quá lệ thuộc vào “công xưởng thế giới”. Trung Quốc cung cấp 97% lượng kháng
sinh tiêu thụ tại Mỹ. 80% hoạt chất chính dùng trong ngành sản xuất dược phẩm nằm
ở Trung Quốc. 80-90% dược liệu để bào chế ra các hoạt chất chính đó cũng do Trung
Quốc nắm giữ. 70% khẩu trang bảo hộ đang dùng ở Mỹ là sản xuất ở Trung Quốc.
Phong trào
toàn cầu hóa và chủ nghĩa phóng khoáng bùng lên sau khi Liên Xô sụp đổ đã đặt
quyền lợi kinh tế lên trên tất cả khiến Mỹ và thế giới bỏ hết trứng vào cái giỏ
Trung Quốc. Covid-19 làm cho thế giới chao đảo và trả giá đắt vì sự lệ thuộc
đó. Việc phong tỏa và cô lập Trung Quốc là một quá trình lâu dài, cần quyết tâm
cao, có sự chuẩn bị chu đáo và phối hợp đồng bộ giữa các nước dân chủ chứ không
“dễ thắng” như Trump huênh hoang.
Kế hoạch rời Trung
Quốc đang được các cường quốc lên kế hoạch. Nhật chi 2,2 tỉ USD để hỗ trợ các
công ty Nhật chuyển nhà máy về trong nước hoặc chuyển sang Đông Nam Á. Tuần báo
Politico ngày 21/4 đưa tin, Cao ủy Thương mại Liên minh Châu Âu Phil Hogan cho
biết khối này sẽ tìm cách “giảm sự lệ thuộc thương mại” vào Trung Quốc sau đại dịch. Giám đốc Hội đồng
Kinh tế Quốc gia của Mỹ Larry Kudlow nói Washington nên trả chi phí
để các công ty Mỹ đưa sản xuất rời khỏi Trung Quốc về Mỹ. Trong đó
các công ty sản xuất thiết bị bảo hộ y tế và các loại thuốc thiết yếu được ưu
tiên hàng đầu.
Quá trình này
không thể nhanh gọn mà sẽ kéo dài trong nhiều năm, thứ nhất các công ty không
muốn từ bỏ thị trường 1,4 tỉ dân và thứ hai chi phí về nhân công và các qui
định khắt khe về môi trường tại các nước phát triển ngăn cản sự “hồi hương” các
công ty đa quốc gia. Thứ ba, quá trình toàn cầu hóa không thể đảo ngược mà chỉ
có thể điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Nhiều ngành nghề như sản xuất
và gia công cần nhiều lao động đã chuyển dịch hoàn toàn sang các nước đang phát
triển. Toàn cầu hóa bằng cách bỏ hết trứng vào giỏ Trung Quốc sẽ kết thúc sau
đại dịch và chuyển sang hình thái “khu vực hóa”. Tức là chia nhỏ các nhà máy và
chia đều ra năm châu. Châu Á sẽ phục vụ cho thị trường Châu Á, Châu Âu sẽ phục
vụ cho thị trường Châu Âu…
Trung Quốc sẽ
là một trong những nước khốn đốn nhất trong đại dịch này theo phân tích của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Nền kinh tế
của Trung Quốc bắt đầu rơi vào khủng hoảng khiến Tập Cận Bình bắt buộc phải rút
lui và co cụm lại kể cả khi không xảy ra đại dịch. (*) Covid-19 sẽ làm cho quá
trình đó diễn ra nhanh hơn. Sự rút lui đột ngột khỏi vai trò lãnh đạo thế giới
của Mỹ thời Donald Trump đã làm cho thế giới bối rối và xáo trộn. Tuy nhiên Trung
Quốc không có đủ uy tín để lấp vào chổ trống mà Mỹ đã tạo ra. Các chiến dịch
ngoại giao nhằm đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc sẽ nhanh chóng thất bại. Việc
thao túng các định chế quốc tế như WHO cũng vậy. Thế giới đã đủ văn minh để hiểu
việc tôn trọng nhân phẩm con người quan trọng hơn tiền bạc.
Trật tự thế
giới sẽ thay đổi sau Covid-19. Mỹ đã từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới và thế
giới đã chấp thuận sự từ nhiệm đó. Trong đại dịch Covid-19 không ai kêu gọi
trách nhiệm của Mỹ mà chỉ yêu cầu Mỹ tôn trọng các thỏa thuận đã ký kết. Tuy nhiên,
do trọng lượng rất lớn về kinh tế-quân sự nên Mỹ vẫn có một tiếng nói quan
trọng trong một liên minh dân chủ, thay Mỹ, lãnh đạo thế giới. Liên minh đó có
thể là G7. Trung Quốc sẽ rút lui và co cụm lại trước khi tan vỡ. Việc Trung
Quốc thay thế Mỹ lãnh đạo thế giới là điều không thể xảy ra.
2.Quan hệ Trung Quốc với
Việt Nam sẽ ra sao?
Ai cũng thấy là mối quan hệ
anh em, đồng chí giữa Trung Quốc và Việt Nam đang xấu đi.
Ngày 30/3/2020, Việt Nam gửi lên Liên Hiệp Quốc công hàm khẳng định chủ quyền
của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa, và phản đối các yêu sách vô lý của Trung
Quốc tại Biển Đông.
Ngày
02/04/2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam tại
vùng biển Hoàng Sa, và sau đó vu cáo tàu đánh cá Việt Nam đâm vào tàu của họ.
Ngày 14/04/2020,
Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc thêm hai công hàm để đáp lại quan điểm của Malaysia
và Philippines.
14/04/2020
tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi bờ biển của Việt
Nam và tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), được đi kèm bởi tàu tuần
duyên Trung Quốc, theo số liệu từ Marine Traffic, một trang mạng theo dõi vận tải
biển.
19/04/2020 Trung
Quốc đặt tên cho 80 đảo, đá và thực thể tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
đồng thời lập hai quận Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa để quản lý hai
quần đảo này.
Câu hỏi đặt
ra là Trung Quốc định làm gì trên Biển Đông? Liệu Trung Quốc có tấn công và xâm
chiếm các đảo của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa như những
đe dọa bóng gió của họ không? Theo phân tích của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì Trung Quốc chỉ khiêu khích và quấy rối
trên Biển Đông chứ không có ý định dùng vũ lực tấn công các đảo của Việt Nam.
Việc tàu HD8 của Trung Quốc đi lại trên Biển Đông kể cả trong khu vực đặc quyền
kinh tế của Việt Nam không vi phạm pháp luật quốc tế. Khi nào họ tiến
hành khai thác trong khu vực đó thì mới nên chuyện. Theo Tập Hợp thì các đế quốc
chỉ bành trướng khi mạnh và thường co cụm khi nội bộ có vấn đề.
Việc Trung Quốc
tăng cường khiêu khích và quấy rối trên Biển Đông đồng thời tung hết các quân
bài như gửi công hàm của Phạm Văn Đồng năm 1958 lên Liên Hợp Quốc phản ánh điều
gì? Câu trả lời ngày càng rõ ràng: Quá trình “bỏ Tàu theo Mỹ’ của ban lãnh đạo Đảng
cộng sản Việt Nam đang tăng tốc và không thể đảo ngược. Đã có một sự thỏa thuận
ngầm nào đó giữa Việt Nam và Mỹ nên trong việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam thì không chỉ Bộ Ngoại giao Mỹ mà còn cả Bộ Quốc
phòng Mỹ cũng lên tiếng phản đối. Hiện tại Mỹ cũng đã cử hai tàu chiến đến tuần
tra trên Biển Đông. Họ đang sửa chữa sai lầm của 30 năm về trước.
Trung Quốc còn
một “vũ khí” nữa để đe dọa Việt Nam là chặn biên giới,
không cho hàng hóa nhập vào Trung Quốc. Tuy nhiên vũ khí này cũng là con dao
hai lưỡi vì trong giao thương với Trung Quốc thì Việt Nam là nước nhập
siêu chứ không phải Trung Quốc. Mỗi ngày Việt Nam nhập khẩu từ Trung
Quốc một lượng hàng trị giá 320 triệu USD, chủ yếu là nguyên vật liệu để
gia công và xuất khẩu. Đồng thời mỗi ngày Việt Nam cũng xuất
sang Trung Quốc một lượng hàng là nông hải sản trị giá 115 triệu USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2019 là gần 117 tỉ USD
trong đó Việt Nam mua hàng hóa của Trung Quốc là 75,4 tỉ USD và xuất sang Trung
Quốc 41,4 tỉ USD (Việt Nam nhập siêu 34 tỉ USD).
Nếu
đóng cửa hoàn toàn biên giới thì Trung Quốc thiệt nhiều hơn, cho nên khả năng
là Trung Quốc chỉ gây khó dễ rồi cũng phải mở cửa thông
thương. Dù thế thì Việt Nam cũng cần phải có kế hoạch giảm phụ thuộc vào xuất
nhập khẩu từ Trung Quốc vì nền kinh tế Trung Quốc
lớn gấp 15 lần Việt Nam. Nếu xảy ra khủng hoảng giữa hai nước thì Việt
Nam thiệt hại sẽ rất lớn vì là nước nghèo nên dễ tổn thương.
Hơn lúc
nào hết Việt Nam đang rất cần một chính phủ sáng suốt và có bản lĩnh. Đại hội
13 đang đến gần nhưng thay vì cởi mở hơn, dân chủ hơn thì đảng cộng sản chọn co
cụm lại. Mọi nhân sự của khóa tới đều do Tổ giúp việc của Tiểu ban nhân sự đại
hội 13 do ông Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban quyết định tất cả. Tức là mọi
nhân sự khóa 13 đều được “quy hoạch” chứ không được bầu chọn, ngay cả trong nội
bộ đảng. Như vậy chất lượng của các nhân sự này thế nào thì ai cũng có thể đoán
được.
Việt
Nam đang đứng trước một thời cơ vô cùng lớn để đất nước hội nhập và có chổ đứng
trong một trật tự thế giới mới sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên nhiều khả năng
là đất nước lại lỡ hẹn một lần nữa bởi Đảng cộng sản
Việt Nam với cơ chế chính trị như hiện nay không có khả năng để tạo ra bất
cứ sự thay đổi lớn nào.
Việt
Hoàng
(27/04/2020)
(*).https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/15379-trung-qu-c-s-banh-tru-ng-ra-hay-co-c-m-l-i