Hội Nhà Báo xin hỗ trợ với lý do khó khăn trong mùa dịch! (Diễm Thi)

Đối với người dân Việt Nam thì nếu đại dịch covid - 19 khiến cho các tờ báo, thật ra là những công cụ tuyên truyền mị dân của đảng bị suy sụt hoặc xóa bỏ, thì đó là điều đáng mừng. Nhưng chắc chắn đảng sẽ không để điều đó xảy ra, dù hội nhà báo không xin thì đảng cũng cứu.

Phóng viên Việt Nam đang tác nghiệp. Ảnh minh họa.
Phóng viên Việt Nam đang tác nghiệp. Ảnh minh họa. AFP


Hội Nhà báo ra công văn

Đầu tháng 4 năm 2020, Hội Nhà báo Việt Nam có công văn số 73/CV-HNBVN gửi thủ tướng đề nghị chính phủ hỗ trợ báo chí và người làm báo do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo công văn này, các cơ quan thông tấn, báo đài trong cả nước phải đồng hành cùng cơ quan chức năng để truyền tải nhanh các thông tin về dịch bệnh. Do đó, Hội Nhà báo đề nghị cho phép các cơ quan báo chí được lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và được sử dụng một phần kinh phí từ quỹ này để chi cho một số hoạt động phục vụ công tác bảo vệ, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong cơ quan, như mua sắm vật tư, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác phòng chống dịch của cơ quan và phóng viên tác nghiệp tại hiện trường…

Nhà báo Phạm Thành, người có nhiều năm làm việc cho Đài Tiếng Nói Việt Nam, lên tiếng với RFA về việc Hội Nhà báo ra công văn này:

“Hội Nhà báo không có chức năng đó. Hội Nhà báo không bao giờ là cấp trên của các cơ quan truyền thông. Thực ra hội này lâu nay họ cũng phải sống dựa vào các cơ quan báo chí trong nước, nên bây giờ đứng trước khó khăn do dịch bệnh thì họ thể hiện tấm lòng của họ bằng cách ra văn bản xin chính phủ hỗ trợ thôi. Thực ra họ không có chức năng lẫn quyền làm việc đó nên văn bản đó về mặt hành chính là vô giá trị.”

Theo Luật Báo Chí được Quốc hội ban hành ngày 5 tháng 4 năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội. Hội này có một số nhiệm vụ, quyền hạn như ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí; tổ chức giải báo chí để tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao, có hiệu quả xã hội tích cực…

Có thật sự khó khăn?

Công văn số 73 của Hội Nhà báo Việt Nam có nêu chi tiết các cơ quan báo chí trong cả nước gặp nhiều khó khăn khi doanh thu phát hành, quảng cáo sụt giảm từ 40% - 50%. Trong khi đó, chi phí cho phóng viên tác nghiệp trong khu vực có dịch tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của các tòa soạn cũng như đời sống của người làm báo. Hội mong muốn được nhà nước hỗ trợ để tiếp tục làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao trên mặt trận thông tin, tuyên truyền theo chủ trương "chống dịch như chống giặc".

Bà Phan Thị Châu, phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM đánh giá:

“Thật sự là những tờ báo nhỏ nhỏ thì khó khăn chứ những tờ báo lớn thì không đến nỗi đâu. Mà chưa chắc những tờ báo nhỏ được nhận khoản tiền hỗ trợ ở trên xin về. Chưa chắc rót tới họ.

Thu nhập của nhà báo thì chắc chắn thấp hơn trước nhiều nhưng không đến nỗi như công nhân đâu.

Thu nhập giảm vì các doanh nghiệp ngưng hoạt động cho nên không có quảng cáo. Báo sống được nhờ quảng cáo mà. Những tờ báo lớn có uy tín nên nhận được nhiều quảng cáo.”

Theo nhà báo này, các tòa báo lớn đều có “của để dành”. Họ tính đường dài chứ đâu phải có bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Nhưng nếu nhà nước có hỗ trợ cho các tòa báo thì chưa chắc đến tay các phóng viên.

Nhà báo Minh Hải, báo Quảng Nam có nhận định khác hơn một chút, tức chỉ những tờ báo đảng thì không khó khăn, còn lại đều gặp khó khăn, thậm chí có phóng viên không được nhuận bút. Ông nói:

“Đương nhiên báo chí là khó khăn vì hoạt động độc lập chứ không còn cơ chế bao cấp như hồi trước nữa, trừ những tờ báo đảng như SGGP, Nhân Dân, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo đảng của các địa phương. Những tờ báo này không bắt buộc phải làm quảng cáo. Còn những tờ báo khác không thuộc bao cấp thì có định mức tìm quảng cáo để lấy tiền đó chi trả tiền nhuận bút, tiền lương cho phóng viên. Doanh nghiệp bữa nay họ cũng đâu quảng cáo, tôi viết báo mà không có nhuận bút”.

Tuy khó khăn nhưng nhà báo này chia sẻ rằng, còn nhiều mảnh đời ngoài xã hội khốn khổ hơn nhiều vì họ kiếm ăn từng bữa, chính phủ nên hỗ trợ họ.

Nhà báo Phạm Thành nhận định tình hình khó khăn của các nhà báo trong mùa dịch bệnh hiện nay là có thật, nhưng không phải ai cũng khó khăn. Ông phân tích:

“Bây giờ nói thật với cô, đời sống của báo giới tôi ghi nhận trong thời điểm hiện nay có khó khăn. Đó là điều chắc chắn.

Ở một số cơ quan báo chí lớn như Thông Tấn xã Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam hay Đài truyền hình thì được bao cấp toàn diện. Hàng năm chỉ cần làm văn bản đệ trình lên Bộ Tài chính là duyệt ngân sách. Hệ thống đài phát thanh các tỉnh cũng thế, cũng được cung cấp ngân sách.

Ngoài hệ thống báo chí được nhà nước bao cấp thì những báo chí phải tự cân đối tài chính để hoạt động thì thực sự rất khó khăn đấy.”

Ông Phạm Thành nói thêm rằng, những khó khăn như vậy không phải là mới, nó đã xảy ra mấy năm nay. Bây giờ gặp trường hợp này thì khó hơn. Còn với các báo đảng được bao cấp toàn diện thì “họ vẫn vô tư. Virus này có kéo dài 10 năm họ cũng chẳng mất đồng nào.”

Việt Nam là một nước có số lượng báo chí chính thống khá nhiều. Theo thống kê được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra hôm 6 tháng 11 năm 2019, cả nước có 844 cơ quan báo, tạp chí in, 24 báo, tạp chí điện tử độc lập, 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương. Đang làm việc trong lĩnh vực báo chí có 41.600 người và Bộ đã cấp 23.402 thẻ nhà báo.

Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 có nội dung: Phải xác định các loại hình báo chí để giảm gánh nặng ngân sách của Nhà nước và nâng cao chất lượng báo chí. Ngoài những tờ báo có chức năng nhiệm vụ đặc thù cần phải được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động, còn lại hầu hết các tòa soạn nên bước ra tự chủ về tài chính.

Tự chủ đồng nghĩa với đơn vị báo chí cũng giống như doanh nghiệp, làm thế nào để có kinh phí vận hành, chi trả lương, thưởng, nhuận bút, văn phòng phẩm... Nhà nước cũng đã có chính sách thông thoáng hơn để giúp báo chí có thêm nguồn thu, tự nuôi sống mình. Hiện có 300/857 cơ quan báo chí tự chủ về tài chính.