Covid-19: Trung Âu đi đầu trong chủ trương toàn dân đeo khẩu trang (Mai Vân)

Đeo khẩu trang là một thói quen xa lạ của người phương Tây, nhưng tình hình đang thay đôi khi mà dịch covid - 19 bùng phát toàn cầu.

Vẫn còn nhiều nghi hoặc về tác dụng của khẩu trang trong việc ngăn chặn lây lan dịch bệnh, nhưng không thể phủ nhận là các nước mà người dân có thói quen đeo khẩu trang thì việc kiểm soát covid - 19 hiệu quả hơn.

07/04/2020 - 11:10
Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova và thủ tướng Igor Matovic đeo khẩu trang khi chính phủ làm lễ tuyên thệ nhậm chức tại Phủ tổng thống ở Bratislava ngày 21/03/2020.
Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova và thủ tướng Igor Matovic đeo khẩu trang khi chính phủ làm lễ tuyên thệ nhậm chức tại Phủ tổng thống ở Bratislava ngày 21/03/2020. REUTERS - POOL

Chỉ đến gần đây, Pháp và Mỹ mới nghĩ đến việc khuyến cáo người dân mang khẩu trang khi ra đường. Thế nhưng trên lục địa Châu Âu nói riêng, và ở các nước phương Tây nói chung, một số quốc gia do Cộng Hòa Séc dẫn đầu, theo sau là nhiều nước Trung và Đông Âu khác như Slovakia, Slovenia, Áo và trong một chừng mực nào đó Bulgari, đã đi trước trong việc buộc dân chúng mang khẩu trang.

CH Séc: Buộc đeo khẩu trang là quyết định quan trọng nhất từng đưa ra

Từ ngày 19/03/2020, toàn bộ cư dân ở Cộng Hòa Séc buộc phải mang khẩu trang hay một khăn choàng che mũi và miệng khi ra đường, hay khi đến một nơi công cộng. Đây là một biện pháp mà nhà dịch tễ học Roaman Prymula, đứng đầu lực lượng chống virus ở đất nước này, đã giải thích trong một cuộc họp báo:

“Chúng ta không mang khẩu trang để tự bảo vệ mình vì mức độ bảo vệ rất thấp, mà là để bảo vệ  môi trường sống của chúng ta… Nếu tất cả mọi người đều đeo khẩu trang thì sẽ không có bất kỳ hạt aerosol (bụi chất lỏng li ti) nào được phun ra, và không ai dễ dàng nhiễm bệnh”.

Theo bác sĩ này, khẩu trang cho phép chặn đến 80% các hạt nước li ti, và là một trong những biện pháp then chốt làm chậm lại việc lây nhiễm, tương tự như biện pháp rửa tay.

Trong một video công bố ngày 28/03, bộ trưởng Y Tế Cộng Hòa Séc Adam Vojtech đã hưởng ứng sáng kiến của tập hợp #Masks4All, cổ vũ cho việc tự may khẩu trang: “Tôi khuyên tất cả các đồng nghiệp bộ trưởng và các chính quyền là hãy cho phổ cập việc mang khẩu trangcho dù đó là khẩu trang may ở nhàNgày nay chúng ta thấy đó là quyết định quan trọng nhất mà chúng ta đã đưa ra. Nếu điều đó đã giúp chúng ta thì cũng có thể giúp mọi nơi khác.”

Slovakia: Chính phủ đeo khẩu trang khi tuyên thệ nhậm chức

Tại Slovakia, sau khi gây chú ý ngày 21/03 với việc toàn bộ các thành viên chính phủ đều mang khẩu trang lúc tuyên thệ nhậm chức, chính quyền nước này đã ra quy định là kể từ 25/03, “tất cả những ai không có trang bị bảo hộ trên mặt (khẩu trang, khăn choàng, máy thở v.v…) đều bị cấm ra đường”.

Biện pháp này được xem là “một trong những công cụ quan trọng nhất để chống virus Covid-19 ở Cộng Hòa Slovakia”, dựa trên ý kiến của cơ quan đặc trách y tế Slovakia.

Thế nhưng báo giới nước này không tránh khỏi việc đặt lại vấn đề và đưa ra quan điểm của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Theo tạp chí thiên hữu Tyzden: “Chính quyền mới chỉ phản ứng dưới sức ép của dân chúng. Chúng ta có thể nói đây là sức ép từ bên dưới và các chính trị gia, giới truyền thông và phần lớn giới khoa học của chúng ta đã đi theo.”

Slovenia: Nhật, Hàn kềm hãm được dịch bệnh nhờ khẩu trang

Tại Slovenia, việc đeo khẩu trang trở nên bắt buộc kể từ ngày 30/03. Rất năng nổ trên Twitter, thủ tướng Janez Jansa, không ngần ngại chỉ trích quan điểm dè dặt của Tổ Chức Y Tế Thế Giới và tìm cách hạ uy tín của định chế này.
Ông cũng đã phát tán một thông tin trên Twitter cho thấy một đồ họa về tình hình lây nhiễm ở các quốc gia và kết luận là tại những nước mà người dân đeo khẩu trang, như Nhật Bản hay Hàn Quốc, dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn.

Áo: Bước đầu là siêu thị, bước sau là mọi nơi

Một cách giới hạn hơn, Áo cũng theo gương các láng giềng Slovenia, CH Séc và Slovakia khi bắt buộc phải mang khẩu trang trong các siêu thị kể từ ngày 06/04. Ngay từ ngày 01/04, các dây chuyền siêu thị tại Áo đã bắt đầu phân phát khẩu trang cho khách hàng.

Việc đeo khẩu trang bắt buộc này đã được thủ tướng Sebastian Kurz nêu lên như là điều “xa lạ với văn hóa Áo”, nhưng cho đấy là “một thay đổi lớn” mà chính phủ Áo xem là “một biện pháp cần thiết để giảm đà lây lan của dịch bệnh”.

Theo thủ tướng Áo: “Đây là vấn đề bảo vệ miệng và mũi. Với những khẩu trang này thì có thể bảo đảm là việc truyền nhiễm qua đường không khí là không quá dễ dàng. Tuy khẩu trang không thể thay thế việc giữ khoảng cách, nhưng đó là một biện pháp bổ sung để chống lây nhiễm.”

Chính quyền Áo xem biện pháp đeo khẩu trang, hiện chỉ thực hiện ở các siêu thị, là một giai đoạn thực tập và “mục tiêu sẽ là đeo khẩu trang không chỉ ở siêu thị, mà là ở mọi nơi mà con người tiếp xúc với nhau”.

Bulgari: Lùi bước trước công luận

Ngoài các nước kể trên, trong thời gian rất ngắn, chính quyền Bulgari cũng bắt buộc dân chúng đeo khẩu trang, nhưng sắc lệnh công bố ngày 30/03 đã bị bộ trưởng Y Tế Kiril Ananiev rút lại ngay vào hôm sau, giải thích rằng biện pháp đã “không có sự đồng thuận tuyệt đối của dân chúng”.

Tuy không còn bắt buộc, nhưng tại Bulgari, việc đeo khẩu trang vẫn được khuyến khích.