Covid-19 có 'giáng đòn' chí tử lên báo giấy Việt Nam? (BBC Tiếng Việt)
Không chỉ báo giấy mà ngay cả báo điện tử quốc doanh nếu không có đảng bảo trợ và cả bảo kê thì đã chết hết rồi. Đảng một mặt dùng tiền thuế để nuôi cả hệ thống báo chí tay sai của chế độ, mặt khác dùng công cụ chuyên chính độc tài đàn áp, khủng bố báo chí lề dân, nhưng báo lề dân vẫn ngày càng mạnh mẽ.
Bùi Thư
BBC News Tiếng Việt
Getty Images
Covid-19 có giáng đòn chí tử lên báo giấy Việt Nam?
Dưới tác động của Covid-19 lên nền kinh tế Việt Nam, báo chí với mô hình kinh doanh phụ thuộc quá nhiều vào quảng cáo cũng chịu thiệt hại nặng nề.
Covid-19 có giáng đòn chí tử lên báo giấy Việt Nam?
Ngày 30/3, báo Vietnam News thông báo sẽ tạm dừng xuất bản báo giấy trong 2 tuần từ 31/3 đến 15/4 do có một phóng viên nhiễm virus. Cùng ngày, Báo Phụ nữ Thủ đô thông báo tạm dừng xuất bản hai ấn phẩm báo giấy là tuần báo Báo Phụ nữ Thủ đô và Đặc san Đời sống - Gia đình cũng vì lý do dịch bệnh.
Chụp màn hình
Báo Quảng Ninh tạm ngưng xuất bản báo in do ảnh hưởng dịch Covid-19
Đến ngày 31/3, Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo và được Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cho phép tạm dừng xuất bản báo in Quảng Ninh hằng ngày từ ngày 2/4 đến hết ngày 15/4, thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo thông cáo, "việc phát hành báo do nhân viên bưu điện thực hiện, đưa đến hàng vạn bạn đọc hằng ngày sẽ tiềm ẩn các yếu tố rủi ro trong phòng chống dịch bệnh". Mặt khác, thông cáo còn nêu rõ rằng báo in không thể cung cấp thông tin cập nhật kịp thời về dịch bệnh cho công chúng bằng cách phương tiện khác.
Dù nguyên nhân tạm thời đình bản khác nhau, nhưng có thể coi đây là những "nạn nhân" báo chí đầu tiên của đại dịch Covid-19.
Covid-19 'giáng đòn nặng nề vào báo chí'
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 1/4, ông Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, nhận định đại dịch Covid-19 là đòn chí tử vào các tờ báo vốn đang chật vật dài hạn.
Ông nói: "Cấm tụ tập nơi đông người, hạn chế ra ngoài đường và việc cách ly xã hội hai tuần chắc chắn gây khó khăn cho việc bán báo. Bản thân tình hình báo chí Việt Nam vốn đã rất khó khăn thì thêm dịch Covid-19 sẽ là đòn giáng nặng nề về doanh thu và bạn đọc".
"Các tờ báo có sự bảo trợ của nhà nước như Nhân dân, Quân đội nhân dân thì tình hình không đáng lo ngại. Nhưng những tờ báo tự phát hành chắc chắn sẽ trắc trở hơn nhiều. Trong khi đó, nhà nước không có khả năng để bảo trợ cho các tờ báo khác. Những tờ báo không còn khả năng in và phát hành có lãi thì tôi nghĩ họ sẽ tự đóng cửa và một số nhân viên phải tìm việc khác". Ông chia sẻ thêm.
Nguyễn Công Khế
Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên nhận định về mặt kinh tế báo chí Việt Nam
Về vấn đề này, lãnh đạo một tờ báo lớn tại Sài Gòn không muốn nêu tên, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt:
"Dịch bệnh khiến báo chí khó khăn về phát hành và doanh thu quảng cáo. Về phát hành, việc giảm quy mô hoạt động ở mọi mặt đời sống dẫn tới đặt báo ít hơn, phát hành ít hơn. Chẳng hạn trước đây quán cà phê, tiệm hớt tóc, sân bay, các chuyến bay, bến xe… là những nơi tiêu thụ nhiều báo giấy thì bây giờ không còn nữa. Hoạt động phát hành chủ yếu phụ thuộc vào các đại lý, giờ dịch bệnh thì các đại lý cũng mua ít đi".
Phát hành báo chỉ là một mặt của vấn đề. Thực tế là các tờ báo giấy tự chủ về tài chính ở Việt Nam có nguồn thu chủ lực là từ quảng cáo, thường chiếm từ trên 60% tổng doanh thu. Xét về tỉ lệ lợi nhuận, quảng cáo còn chiếm cao hơn nữa, do chi phí cho quảng cáo ít hơn chi phí cho in ấn, phát hành. Giờ đây, các công ty vốn là khách hàng quảng cáo gặp khó khăn trong đại dịch sẽ đăng quảng cáo ít hơn, ảnh hưởng tới doanh thu quảng cáo tại các tờ báo.
Vị lãnh đạo cơ quan báo chí nói trên phân tích:
"Khó khăn lớn nhất của báo in là vấn đề về khách hàng quảng cáo. Nguồn thu quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng do các khách hàng cũng đang khó khăn. Ví dụ trước đây các công ty du lịch, công ty hàng tiêu dùng đặt quảng cáo rất nhiều thì giờ họ không đặt quảng cáo nữa do phải ngưng tổ chức tour, giảm quy mô hoạt động sản xuất".
Theo nhận định của vị này, nếu các hình thức cách ly xã hội kéo dài vài tháng, sẽ có khá nhiều tờ báo buộc phải tạm ngưng phát hành. Hiện nay, các biện pháp giảm chi phí đã được nhiều tòa soạn thực hiện, chẳng hạn giảm số lượng phát hành, cắt giảm phụ cấp, lương nhân viên.
Khó khăn dài hạn của báo chí Việt Nam
Đại dịch Covid-19 thật ra chỉ là thách thức mới nhất của báo chí Việt Nam. Trên thực tế, báo chí từ lâu đã chìm ngập trong khó khăn bởi hàng loạt nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Một nhà báo kỳ cựu ở Hà Nội góp ý với BBC News Tiếng Việt:
"Tôi không nghĩ con COVID-19 là nguyên nhân chính giết chết báo giấy Việt Nam, mà họ đã chết từ lâu rồi vì không thích nghi được với khoa học công nghệ, Nhất là báo Trung ương về địa phương, thông tin chậm, đưa về thì tin đã cũ. Văn phòng chúng tôi đặt từ 10 xuống 2 tờ của Vietnam News và Nhân dân, nhưng nay chúng tôi cắt nốt. Hàng ngày 7 giờ họ đưa báo đến, sau đó 10 giờ tin tức đó cũng có trên mạng, thường tin của báo giấy cũ hơn, ít cập nhật. Nay nay vì yếu tố an toàn cho bản thân, từ sản xuất, in ấn, phân phối, virus có tồn tại trên bề mặt tờ báo hay không nên tôi đã cắt nốt".
Getty Images
Báo giấy Việt Nam điêu đứng trước đại dịch Covid-19
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 3/4, cựu Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Huỳnh Sơn Phước nhận định:
"Báo giấy đã mất khách từ những năm 2010 đến nay. Trong top 5 của các nhật báo có số lượng phát hành cao nhất Việt Nam, số lượng phát hành đã giảm đến hơn 80%. Trong những cuộc trò chuyện của những nhà báo chuyên nghiệp thì báo giấy nói riêng và báo chí Việt Nam nói chung mất người đọc trước hết là vì sự phát triển của mạng xã hội. Mạng xã hội không chỉ nhanh nhạy, kip thời mà còn là một diễn đàn đa nguyên, đa ngôn ngữ, rất thân thiện với người đọc.''
''Những cây bút đã thành danh thường nói với tôi rằng: 'ở xứ mình, mạng xã hội là nơi cứu vớt những tác phẩm báo chí bị xếp vào ngăn kéo' của các cơ quan báo chí đươc nhà nước cho phép xuất bản. Với những bạn đồng nghiệp đang còn làm việc tại các tờ báo ở Việt Nam, thì báo giấy đã rơi vào khủng hoảng".
Còn vị lãnh đạo tòa soạn tờ báo ở Sài Gòn thì cho rằng:
"Báo chí chính thống khi chạy đua với các nền tảng mới sẽ đặt ưu tiên về thời gian hơn là chất lượng, từ đó tạo ra sản phẩm chất lượng thấp, đôi khi chỉ là việc đăng lại thông tin từ mạng xã hội mà chưa hề có sự tham gia của nghiệp vụ báo chí. Từ đó, báo chí dễ mất uy tín trong lòng người đọc. Chưa kể tín nhiệm đó còn là hệ quả của thực tế ở Việt Nam là báo chí bị quản lý chặt chẽ bởi nhà nước. Báo chí không được tự do phản biện hay làm đúng chức năng của nó nên uy tín bị giảm sút".
Cùng chung ý kiến đó, ông Huỳnh Sơn Phước nhấn mạnh: "Theo tôi, những người được cấp phép làm báo thực sự không có quyền tự do làm báo. Họ sẽ không thể tìm được lợi thế khi cạnh tranh vơi báo chí tự do".
Dễ bị thao túng bởi khách hàng quảng cáo
Sự thiếu bền vững trong mô hình kinh doanh cũng dẫn tới khó khăn dài hạn. Vị lãnh đạo tờ báo Sài Gòn phân tích:
"Mô hình kinh doanh tại Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Các tòa soạn không xây dựng mô hình kinh doanh khác, chẳng hạn bạn đọc trực tuyến trả tiền (subcription). Như vậy, khi các nguồn đặt quảng cáo gặp khó khăn thì báo chí sẽ điêu đứng theo. Nếu tờ báo có nguồn subcription tốt thì sẽ ít bị ảnh hưởng hơn khi kinh tế khó khăn".
"Quá phụ thuộc vào nguồn thu quảng cáo sẽ khiến báo chí dễ bị khách hàng quảng cáo thao túng. Chẳng hạn tại Việt Nam, có những tập đoàn lớn đăng quảng cáo rất nhiều trên báo. Đổi lại, các tờ báo né tránh đưa thông tin tiêu cực về những tập đoàn ấy", vị này chia sẻ và nhận định: "Phát triển theo hướng phụng sự bạn đọc, tính tiền bạn đọc trực tuyến sẽ khuyến khích các tòa soạn sản xuất nội dung độc quyền, chất lượng cao. Từ đó, tờ báo sẽ tạo sự khác biệt với mạng xã hội. Đây là hướng đi lành mạnh và bền vững".
Getty Images
Mô hình kinh doanh không bền vững sẽ khiến báo chí bị thao túng
Tuy nhiên, theo ghi nhận của BBC News Tiếng Việt, thực tế mô hình thu tiền người đọc trực tuyến hầu như không được triển khai tại Việt Nam. Một trường hợp đơn lẻ là báo Vietnamplus tính phí đối với một số bài long-form nhưng cơ bản mô hình này đã thất bại.''
"Các tờ báo lớn trên thế giới, như New York Times, Financial Times, Wall Street Journal… có mô hình tính tiền người đọc trực tuyến rất thành công. Chẳng hạn với FT, một chia sẻ của CEO John Ridding với tạp chí Fast Company cho biết quảng cáo báo in chỉ chiếm 17% doanh thu của tờ báo. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì hầu như không tờ báo nào dám xây dựng mô hình tính tiền người đọc trực tuyến. Điều này trước hết xuất phát từ truyền thống sống dựa vào quảng cáo của các tờ báo," vị lãnh đạo cơ quan báo nói trên nhận định. "Thêm nữa, nạn ăn cắp bản quyền cùng thói quen đọc báo miễn phí của công chúng là những thách thức khiến các tòa soạn nản lòng.", vị này nói.
Nguồn: BBC Tiếng Việt