Việt Nam khốn đốn vì Covid-19 (Việt Hoàng)


Dịch cúm Covid-19 cũng đã phơi bày sự kém cỏi và thiển cận của nhà cầm quyền Việt Nam. Việc chạy theo những lợi nhỏ trước mắt mà không tính đến chuyện lâu dài để rồi nền kinh tế phụ thuộc quá nặng vào Trung Quốc của ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam sẽ dẫn cả nước xuống vực sâu. (Việt Hoàng)


Dịch cúm Vũ Hán (Covid-19) vẫn đang tiếp tục hoàng hành với các ổ dịch mới là Hàn Quốc, Iran và Ý. Con số tử vong đã vượt quá 3.100 và 100.000 người đã bị lây nhiễm trên 78 quốc gia. Như vậy là con virus corona đã có mặt khắp năm châu. Nguy cơ đại dịch toàn cầu đang hiện hữu hơn bao giờ hết. 

Thiệt hại về kinh tế do dịch cúm Covid-19 gây ra cho Trung Quốc và thế giới đang ngày càng lớn và rất khủng khiếp, chúng ta sẽ biết rõ khi dịch bệnh kết thúc.

Trào lưu toàn cầu hóa cộng với chủ nghĩa thực tiễn của Mỹ và Phương Tây đã biến Trung Quốc thành một đại công xưởng của thế giới. Trung Quốc có một nguồn tài nguyên vô tận đó là dân số 1,4 tỉ người. Hàng hóa Trung Quốc được sản xuất với giá cực rẻ và bán với giá gần như cho không. Cả thế giới được hưởng lợi từ Trung Quốc nhất là các đại công ty của Mỹ và Châu Âu.

Mọi chuyện đang sắp kết thúc. Covid-19 làm thay đổi cục diện thế giới. Cả nhân loại đều đã nhận ra sự nguy hiểm khi bỏ tất cả trứng vào cái giỏ Trung Quốc. Nhiều công ty trên khắp thế giới không thể hoạt động vì thiếu nguyên vật liệu hoặc các linh kiện được sản xuất tại Trung Quốc. Trào lưu rút dần các nhà máy ra khỏi Trung Quốc đã bắt đầu từ nhiều năm nay và sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Lý do là với sự lớn mạnh của mình Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa cho hòa bình của thế giới khi họ từ chối các giá trị căn bản về dân chủ và nhân quyền. 

Trung Quốc cũng nhận ra rằng không thể tiếp tục hủy hoại môi trường để phát triển kinh tế một cách hoang dại như hiện nay. Họ đã tìm nhiều cách buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ mới, tăng lương cho công nhân và hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường như việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than... 

Việt Nam là một trong những quốc gia ảnh hưởng mạnh mẽ của Covid-19, hậu quả sẽ rất lớn. Việt Nam phụ thuộc rất nặng nề vào thị trường Trung Quốc. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2019 là gần 117 tỉ USD trong đó Việt Nam mua hàng hóa của Trung Quốc là 75,4 tỉ USD và xuất sang Trung Quốc 41,4 tỉ USD (nhập siêu 34 tỉ USD). Mỗi ngày Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc một lượng hàng hóa lên đến 320 triệu USD. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ cho các ngành xuất khẩu chủ lực như may mặc, điện tử và giày da. Nhiều công ty Việt Nam mua hoàn toàn nguyên phụ liệu của Trung Quốc về gia công và gắn mác Việt Nam rồi xuất khẩu. Trong khi đó Trung Quốc mua hàng hóa của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô, nông sản và hải sản như gạo, cà phê, chè, cao su, hạt điều, tiêu, sản phẩm gỗ…

Một trong những lý do khiến Việt Nam phụ thuộc nặng vào thị trường Trung Quốc là vì thị trường này vừa lớn vừa dễ dãi vừa…mì ăn liền. Với 1,4 tỉ dân mà không phải ai cũng giàu có thì nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rẻ tiền từ Việt Nam là rất phù hợp. Hầu hết hàng hóa nông sản Việt Nam xuất vào Trung Quốc đều có tiêu chuẩn chất lượng thấp. Những mặt hàng này nếu không xuất được cho Trung Quốc thì không thể xuất đi đâu ngoài cách kêu gọi người dân Việt Nam “giải cứu”.

Lối làm ăn kinh doanh mì ăn liền của người nông dân và tiểu thương Việt Nam rất phù hợp cho việc xuất hàng sang Trung Quốc vì tiêu chuẩn thấp, không cần kho bãi cất giữ và xuất hàng nhanh chóng. Trong khi đó để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ và các nước EU thì cần có sự kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng từ lúc gieo trồng rồi chăm bón cho đến cả cách đóng gói thành phẩm.

Để các sản phẩm của Việt Nam đạt chất lượng cao thì cần có sự phối hợp một cách thành thật và bài bản giữa nhà nước, các doanh nhân và người nông dân trong đó vai trò của nhà nước là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên vai trò của nhà nước thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất mờ nhạt và thiếu hiệu quả. Bộ và các Viện nghiên cứu thậm chí không hề đưa ra được các dự báo cần thiết cho người nông dân khiến tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” diễn ra liên tục. 

Để người nông dân yên tâm sản xuất thì hàng hóa của họ phải đảm bảo đầu ra và điều đó phụ thuộc vào các doanh nhân và nhà nước. Nhà nước cần hỗ trợ vốn để các doanh nhân xây dựng các nhà máy chế biến và kho bãi theo tiêu chuẩn quốc tế để họ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu thông qua các công ty phân phối đa quốc gia. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhà nước độc quyền thì chỉ nghĩ đến việc ăn chặn người dân thay vì giúp họ phát triển, ví dụ Tổng công ty Lương thực miền Nam (miền Bắc). Các tiểu thương thì vừa không đủ tầm vừa không đủ vốn nên “mua đắt thì bán đắt, mua rẻ thì bán rẻ” cuối cùng bao nhiêu thiệt thòi đổ hết lên đầu người nông dân. Chỉ cần Trung Quốc đóng cửa biên giới một thời ngắn là hàng trăm xe hàng nông sản Việt Nam phải đổ bỏ vì hư hỏng. Cũng vì lý do đó mà chính quyền Việt Nam không dám đóng cửa biên giới với Trung Quốc dù nguy cơ dịch bệnh cúm Covid-19 từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam là rất lớn.

Ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cũng rất èo uột vì không cạnh tranh được với Trung Quốc một phần, phần khác cũng vì qui mô quá nhỏ nên không gia nhập được vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Cách dễ kiếm tiền nhất và hiệu quả nhất ở Việt Nam là đi…buôn đất. Nếu ai cẩn thận hơn thì xây khách sạn và nhà hàng để phục vụ cho ngành du lịch.

Việc phụ thuộc và trông chờ vào du lịch không chỉ trả giá đắt khi có sự cố như dịch cúm Covid-19 mà còn một điều đáng nói nữa là nghề làm du lịch quá đơn giản, chỉ là làm thuê và phục vụ cho du khách. Những người làm nghề này không cần nhiều kỹ năng và không giúp phát triển được tư duy hay mang lại những giá trị cao về tinh thần. Nói tóm lại chỉ là nghề hầu hạ người khác chứ không có gì cao siêu.

Dịch cúm Covid-19 gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch thì ai cũng có thể thấy được. Nhiều chủ khách sạn, nhà hàng và tất nhiên là cả các nhà đầu cơ đất sẽ khốn đốn trong vụ này. Nạn nhân của dịch cúm Covid-19 là tất cả mọi người dân Việt Nam từ nghèo đến giàu, từ quan đến dân và nặng nhất sẽ là những người giàu có, trong đó có nhiều quan chức. Trong cơn bão lớn thì cây to sẽ đổ trước. Các quan chức cộng sản và giới nhà giàu sẽ mất rất nhiều trong cuộc khủng hoảng này.

Sự thờ ơ với chính trị của người dân và tư duy “có tiền sẽ có tất cả”, “mọi việc đã có nhà nước lo” đã, đang và sẽ phải trả giá đắt. 

Chính quyền Việt Nam đang hoang mang và bối rối vì Covid-19. Nếu dịch bệnh xảy ra trên diện rộng thì nguy cơ “vỡ trận” như lời các quan chức cao cấp Việt Nam là không thể tránh khỏi. Sự điều hành quan liêu, không minh bạch và thiếu trách nhiệm của chính quyền Việt Nam từ xưa đến nay khiến người dân mất hết niềm tin. Chúng ta cầu mong cho dịch cúm Covid-19 ở Việt Nam đang bị khống chế như báo chí nhà nước đưa tin. Nếu khủng hoảng xảy ra thì cả đất nước sẽ khốn đốn. 

Dịch cúm Covid-19 cũng đã phơi bày sự kém cỏi và thiển cận của nhà cầm quyền Việt Nam. Việc chạy theo những lợi nhỏ trước mắt mà không tính đến chuyện lâu dài để rồi nền kinh tế phụ thuộc quá nặng vào Trung Quốc của ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam sẽ dẫn cả nước xuống vực sâu. 

Việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển nhà máy sang Việt Nam và các nước khác trong khu vực là điều hiển nhiên nhưng không thể trong một sớm một chiều. Cả chính quyền lẫn người dân Việt Nam có thể trả giá đắt trong lúc chờ đợi. Đằng nào việc giao thương với Trung Quốc cũng chỉ giảm dần chứ không thể đột ngột dừng lại hẳn. 

Không ai có thể biết đến bao giờ thì dịch cúm Covid-19 mới kết thúc nên không ai có thể đoán được sự thiệt hại mà nó gây ra cho Việt Nam. Tuy nhiên qua vụ này thì ai cũng nhận ra một điều rằng, chính sự thờ ơ, vô cảm và hời hợt với chính trị của người dân và sự thiển cận của đảng cộng sản Việt Nam sẽ khiến dân tộc Việt Nam lao đao và khốn đốn như chưa từng thấy.

Việt Hoàng (3/3/2020)