Dựng tượng Lê-nin, Nghệ An muốn gì? (Võ Ngọc Ánh)


Nghệ An, vùng đất cộng sản nhất nhì tại Việt Nam, kết hợp với cả truyền thống đói nghèo cho dựng tượng Lê-Nin như một cách tự sướng. Truyền thống “hào hùng” đó đã làm cho không ít quốc gia, địa phương, doanh nghiệp…đề phòng, tẩy chay, thiếu thiện cảm với con người có xuất xứ nơi đây. (Võ Ngọc Ánh)


Để chuyển mình sang xã hội tự do, dân chủ, văn minh…hàng loạt nước châu Âu, châu Á đã dứt khoát đập bỏ tượng Lê-Nin. Do đó, việc nhà cầm quyền tại Nghệ An xây dựng tượng Lê-Nin chỉ tự làm xấu chính mình.

Lịch sử thế giới đã chứng minh, ở đâu có tượng Lê-Nin, ở đó nhân quyền bị chà đạp, tự do bị kìm hãm, dân chủ trưng ra như bánh vẽ, công lý bị giẫm nát.

Do đó, khi chính quyền XHCN tự sụp đổ, người dân từ Mông Cổ, sang Ukraina, đến Ba Lan, Bulgaria, Hungrary…đã trút sự giận dữ lên các tượng Lê-Nin bằng việc giật đổ, đập nát nó.

‘Đóng ấn’ bằng tượng Lê-nin

Thế nhưng, bỏ qua những tiếng nói phản biện, phân tích, nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An vẫn quyết tâm làm theo truyền thống cộng sản bằng việc xây dựng tượng Lê-Nin trên diện tích hơn 3.000 m2, tại vị trí đắc địa nhất của thành phố Vinh. Và kế hoạch khánh thành vào 1/4 tới. Kinh phí cho việc xây dựng khu tượng đài này hơn 8 tỷ đồng.

Một khoảng tiền không phải quá lớn, nhưng nó không hề nhỏ với một tỉnh quanh năm xin nhận trợ cấp. Nghệ An, địa phương nằm trong tốp năm xin trợ cấp từ trung ương.

Con số do chính báo chí của tỉnh này cho thấy: Năm 2018, tỉnh Nghệ An thu ngân sách đạt đạt hơn 13 ngàn tỷ đồng, nhưng chi gần 25 ngàn tỷ đồng. Tính trung bình mỗi ngày tỉnh này đã nhận gần 32 tỷ đồng để bù vào việc chi tiêu. Thu ngân sách trong năm 2019, tăng khoảng 10% so với năm trước, nhưng việc chi tiêu không hề được giảm xuống. Tết Canh Tý vừa rồi, trung ương phải cấp hơn 1.200 tấn gạo để cứu đói dân Nghệ An.

Dân Nghệ An phải phiêu dạt khắp nơi từ bắc chí nam để kiếm miếng ăn. Số người tìm đường ra nước ngoài lao động hợp pháp, lẫn bất hợp pháp thuộc hàng đứng đầu cả nước.

Hắn biết một số người Nghệ An đi theo kiểu bất hoặc bán hợp pháp đến Ba Lan, sang Đức, Pháp, qua Úc… ngay cả ở Mỹ cũng có. Sự chặt chẽ trong chính sách nhập cảnh vào Mỹ cũng bị dân Nghệ An ‘đâm thủng’. Trong vụ 39 công dân Việt Nam chết tại hạt Essex, đông bắc Lôn Đôn, nước Anh vào năm ngoái, thì riêng tỉnh Nghệ An đã có đã có 21 người.

Đời sống khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt, dân tình phải tứ tán để mưu sinh, nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An vẫn bất chấp, sẵn sàng phung khí để xây dựng tượng Lê-Nin. Phải chăng nhà cầm quyền Nghệ An ‘đóng ấn’ cho sự đói nghèo, truyền thống cộng sản, chuộng bạo lực, phản dân chủ, kìm hãm tự do bằng tượng Lê-Nin?

Tôn sùng bạo chúa

Lê-Nin, lãnh tụ phong trào cộng sản của cả thế giới, con người tàn ác như một bạo chúa. Ông ta xứng đáng là một tội đồ của nhân loại. Đã có hàng trăm triệu người bị giết tức tưởi do phong trào cộng sản và các nhà nước XHCN cho Lê-Nin thiết lập.

Sau khi đã nắm được quyền lực, Lê-Nin đã ra lệnh thủ tiêu gia đình hoàng đế cuối cùng của nước Nga vào tháng 7/1918, đã bị giam lỏng gần một năm trước đó. 11 thành viên Sa Hoàng bị bắn chết, sau đó bị tưới 176 lít a-xit để làm thi thể biến dạng và cuối cùng bị tưới 400 lít xăng đốt.

Noi gương thủ lĩnh Lê-Nin, tại hàng loạt các quốc gia từ châu Âu sang châu Á, khi cộng sản cướp được chính quyền một trong những việc đầu tiên họ làm là tàn sát hoàng gia, tiêu diệt hoặc cầm tù các lãnh đạo, quan chức của chính quyền trước. Bất kể họ là người yêu nước.

Bởi thế không chỉ ở Nga, mà tất cả những nước bị phong trào cộng sản càn quét sau thế chiến thứ hai đều không còn bóng dáng của hoàng gia, hoàng tộc. Điều này hoàn toàn khác với các thể chế dân chủ thực sự khác.

Tại Nga, phải đến khi chính quyền XHCN tại Liên bang Xô Viết bị dẹp bỏ, Boris Yeltsin, Tổng thống đầu tiên của Liên Bang Nga đã thừa nhận về việc giết 11 người trong gia đình Sa Hoàng cuối cùng là tội ác kinh tởm, đáng xấu hổ nhất của lịch sử nước Nga. Yeltsin cho rằng, tổ chức cải táng các nạn nhân vô tội như một cách chuộc lỗi.

Phong trào cướp chính quyền kiểu cộng sản và xây dựng nhà nước theo mô hình Xô Viết đầu tiên ở Việt Nam xảy ra ở Nghệ An với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, năm 1930 – 1931. Ngày nay nó đã được nâng lên thành thánh tích của chế độ, truyền thống ‘đỏ’ của quê hương.

Nghệ An, vùng đất cộng sản nhất nhì tại Việt Nam, kết hợp với cả truyền thống đói nghèo cho dựng tượng Lê-Nin như một cách tự sướng. Truyền thống “hào hùng” đó đã làm cho không ít quốc gia, địa phương, doanh nghiệp…đề phòng, tẩy chay, thiếu thiện cảm với con người có xuất xứ nơi đây.

Nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An, tôn sùng truyền thống cộng sản qua việc dựng tượng Lê-Nin chắc chắn sẽ không làm đẹp hơn hình ảnh của địa phương.

Võ Ngọc Ánh (3/3/2020)