Khi Covid-19 làm cho con người gần gũi với thiên nhiên hơn…(Minh Anh)
Một điểm tích cực được tạo ra từ đại dịch covid - 19 được lấy làm tiêu đề cho một bài tổng hợp của báo chí Pháp : ô nhiễm không khí và tiếng ồn giảm mạnh do lệnh phong tỏa được ban hành khắp nơi. Một số nhà sinh vật coi đây là cơ hội hiếm hoi để nghiên cứu về ảnh hưởng của tiếng ồn lên hệ động vật.
28/03/2020 - 09:33
Khi không có lệnh phong tỏa, để lấn át tiếng ồn do người gây ra, loài chim buộc phải hót thật to hay thường xuyên hơn. © gettyimages-533746208_0
Lệnh phong tỏa làm cho không khí trong lành và con người được gần gũi với thiên nhiên hơn ; Covid-19, hàn thử biểu đo tình liên đới Liên Hiệp Châu Âu ; Tại Hà Lan, hoa Tulip còn là nạn nhân của dịch virus corona và Bất chấp dịch bệnh, người dân Nhật Bản vẫn mừng lễ hội hoa anh đào… Trên đây là những chủ đề chính mục Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Tiếng chim hót ban mai, lời thì thầm của gió, bầu không khí trong lành… là những gì người dân Paris được tận hưởng trong mười ngày qua. Lệnh phong tỏa toàn quốc, yêu cầu người dân hạn chế đi lại, các hoạt động kinh doanh bị đình trệ, nhằm ngăn chận dịch bệnh khiến thành phố Paris và các vùng phụ cận như chìm vào tĩnh lặng.
Khi không còn tiếng xe là tiếng líu lo của những đàn chim ban mai, tiếng kêu của các loài động vật lại vang lên. Với ông Jerôme Sueur, nhà nghiên cứu âm học - sinh thái tại Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Quốc gia, đó là một sự « giải độc » âm thanh. Lúc bình thường, khi chưa phải bị « tự giam lỏng » ở nhà, những tiếng ồn do các hoạt động con người gây ra lấn át ở những tiếng ồn của muôn thú.
Bởi vì, tiếng kêu của loài vật thường có những chức năng sinh tồn, hàm ý rằng chúng sẵn sàng cho mùa sinh sản, hay báo động một mối nguy hiểm… Để lấp đi những tiếng ồn do con người gây ra, các loài thú buộc phải kêu to hơn hay thường xuyên hơn và điều đó làm cho chúng mau mệt mỏi.
Đổi lại, sự yên tĩnh tương đối có lẽ giúp cho chúng cảm thấy có nhiều sức lực hơn và sinh sản dễ dàng hơn. Thế nên, ông Jerôme Sueur cho rằng « với cuộc khủng hoảng Covid-19, mật độ lưu thông giảm mạnh mang lại những điều kiện hy hữu cho một khảo sát khoa học quy mô lớn. Xóa bỏ một phần tiếng ồn trên cả nước – cú sốc ngoại sinh không thể thiếu đối với một nghiên cứu khoa học – cho phép thử nghiệm ảnh hưởng của những âm thanh từ các hoạt động của con người đối với hành vi và hệ sinh thái động vật ».
Có lẽ siêu vi corona đến cũng để nói rằng con người nên nhường chỗ nhiều hơn cho thiên nhiên. Sự trở về của muôn thú những ngày gần đây được thấy rõ tại khu công viên quốc gia Calanques ở Marseille. Khi những khu cảng biển không còn tấp nập các du thuyền do lệnh phong tỏa, nhiều loài sinh vật biển như cá heo, cá ngừ, chim hải âu cánh dài, hay những con ó biển, diệc xám... hiếm khi được nhìn thấy bỗng nhiên xuất hiện.
Chuyện gì sẽ xảy ra một khi dịch bệnh đi qua, lệnh phong tỏa được dỡ bỏ ? Liệu rằng khi tái thiết đất nước, với kế hoạch hỗ trợ kinh tế hàng trăm, hàng ngàn tỷ euro, con người có còn nhớ phải dành chỗ cho thiên nhiên hay không ? Những câu hỏi không ai chắc là sẽ tìm được lời giải đáp thỏa đáng !
Covid-19 : Hàn thử biểu đo tình liên đới Liên Hiệp Châu Âu
Hồ sơ di dân chắc có lẽ chưa đủ để đo tình liên đới của Liên Hiệp Châu Âu. Dịch bệnh viêm phổi do siêu vi corona chủng mới xảy ra đã cho thấy rõ hơn cách ứng xử giữa các nước thành viên với nhau trong khối, mà vụ chính quyền Séc tịch thu trang thiết bị y tế được chính quyền Trung Quốc gởi tặng Ý là một ví dụ điển hình.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI, Pierre Benazet tường thuật:
« Ngoại trưởng Séc cam kết với đồng nhiệm Ý rằng chừng hơn 100 ngàn khẩu trang sẽ được gởi từ Praha sang Roma, chậm nhất là vào ngày 24/03. Đối với ngoại trưởng Ý, chuyện đã sang trang nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa ổn thỏa : đầu tiên hết là món hàng và khối lượng gởi đi.
Mọi thiết bị y khoa, tâm điểm của sự rắc rối này, đã bị giữ lại hôm thứ Ba 17/3 tại Lovosice, phía bắc vùng Bohemia. Ngày hôm đó, chính quyền Séc tự hào thông báo đã tịch thu 680 ngàn khẩu trang và nhiều máy trợ thở bị những kẻ đầu cơ biển thủ.
Những con số này cao hơn rất nhiều so với số lượng hàng sẽ được chính quyền Séc gởi sang Ý, vì 380 ngàn khẩu trang đã được phân phát cho các bệnh viện ở Séc và toàn bộ thiết bị tịch thu được không thể gởi đến Ý.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong vụ việc mà bộ trưởng Nội Vụ Séc cho là một sự ‘‘hiểu lầm đáng tiếc’’, chính là những hình ảnh về vụ tịch thu ở hải quan cho thấy trên thùng một số kiện hàng có ghi rõ hàng chữ ‘‘chúng tôi sát cánh cùng các bạn, nước Ý muôn năm’’ và dòng ghi chú bằng tiếng Anh : ‘‘Quà tặng của Chữ Thập Đỏ huyện Thanh Điền’’. Tất cả những hàng chữ này được ghi trên nền ảnh cờ Trung Quốc và Ý, những điều lẽ ra cho phép hải quan Séc phải đoán hiểu là hàng gởi cho ai ».
Áo : Phóng viên truyền hình bị cách ly trong phòng thu
Chuyện hy hữu trong ngành truyền thông Áo. Nhà báo giới thiệu bản tin thời sự nổi tiếng của đài phát thanh – truyền hình nhà nước Áo cùng ba cộng sự khác bị cách ly trong phòng thu từ hôm 24/03/2020 do bị nhiễm Covid-19.
Thông tín viên Isaure Hiace từ Vienna thuật lại :
« Không chút nghi ngờ, Armin Wolf là nhà báo nổi tiếng nhất ở Áo. Ngôi sao giới thiệu bản tin thời sự của đài truyền hình ORF, kể từ thứ Ba, 24/03/2020, đã bị cách ly trong một phòng thu được sắp xếp lại, ngay trong trụ sở đài phát thanh – truyền hình nhà nước, cùng với ba đồng nghiệp nhà báo khác. Họ có thể ở đó ngày và đêm để giới thiệu các bản tin cho hai tuần sắp tới, trong tình trạng bị cách ly hoàn toàn.
Các biện pháp cách ly này còn được mở rộng dần, nhất là cho các phòng thu âm địa phương của ORF từ hôm thứ Tư 25/3 vừa qua rồi sang cả các các đài phát thanh nhà nước, vì có khoảng 180 cộng tác viên có lẽ cũng bị nhiễm bệnh.
Ngành phát thanh truyền hình nhà nước đưa ra các biện pháp triệt để nhằm có thể tiếp tục thông tin đến người dân Áo hằng ngày về cuộc khủng hoảng virus corona. Nhìn vào lượng người xem trong những ngày gần đây tại các kênh nhà nước, nhu cầu này là rất lớn.
Hôm 15/3, ngày mà chính phủ thông báo các biện pháp cách ly nghiêm ngặt nhất, bản tin truyền hình lúc 19 giờ 30 phút thu hút gần 2,8 triệu người xem. Một kỷ lục tuyệt đối cho một chương trình truyền hình của ORF kể từ khi có biện pháp theo dõi số người xem bằng điện tử. »
Hoa Tulip, nạn nhân của Covid-19
Tháng 4-5 mùa hoa tulip nở rộ. Đây cũng là niềm kiêu hãnh của xứ Hà Lan. Rủi thay, dịch Covid-19 lại đến không đúng lúc, khiến các nhà trồng hoa tại Hà Lan năm nay bị lao đao. Mỗi ngày, hàng triệu nhành hoa tulip bị hủy chỉ vì nhu cầu tụt giảm do đại dịch virus corona.
Cùng chung số phận với tulip còn có hồng, cúc và nhiều loại cây kiểng khác buộc phải bị hủy hàng loạt mỗi ngày từ một tuần qua tại khu chợ hoa đầu mối lớn nhất thế giới.
Nguyên nhân là vì không có người mua. Ông Michel van Schie, đại diện của hợp tác xã Royal FloraHolland, cơ sở chuyên cung cấp hoa lớn nhất Hà Lan buồn bã nói với AFP rằng « giải pháp duy nhất là phải hủy chúng ». Vẫn theo ông, « khu chợ hoa này đã có từ một trăm năm nay. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đối mặt với một cuộc khủng hoảng như thế ».
Royal FloraHolland ước tính 70 – 80% tổng sản lượng hoa đang bị hủy ở Hà Lan. Các nhà trồng hoa Hà Lan cũng phải dùng đến giải pháp này ngay trong chính trang trại của mình.
Việc đóng cửa chợ và cửa hàng kinh doanh, cũng như là lệnh phong tỏa được áp đặt cho người dân tại nhiều nước châu Âu dẫn đến hậu quả thảm hại cho ngành kinh doanh hoa trồng Hà Lan. Bà Prisca Kleijn, giám đốc Hiệp hội các nhà trồng hoa củ (KAVB) tiếc rằng « lễ các bà mẹ sắp đến và các nhà trồng hoa tulip bắt đầu mùa thu hoạch từ tháng Giêng cho đến tận tháng Tư và Năm. Chúng ta đang giữa mùa hoa, cũng là mùa họ kiếm được tiền ». Theo bà Kleijn, cuộc khủng hoảng dịch tễ rơi « không đúng lúc » cho các nhà trồng hoa tulip.
Hội KAVB đang tìm mọi cách hỗ trợ các nhà nông bán được hoa nhiều nhất có thể, nhất là khuyến khích người tiêu thụ nên mua hoa chứ không phải là giấy vệ sinh.
Covid-19 : Một mùa hội hoa anh đào tĩnh lặng
Tại Nhật Bản, số phận hoa anh đào vẫn còn nhiều may mắn hơn hoa tulip ở Hà Lan. Tuy không bị « vùi dập » như hoa tulip, nhưng mùa hội hoa anh đào năm nay kém phần náo nhiệt do lệnh cấm tụ tập đông người vì dịch bệnh virus corona. Một quyết định của chính quyền Tokyo làm không ít người dân Nhật Bản cảm thấy « đau lòng ».
Bruno Duval, thông tín viên đài RFI tại Tokyo tường thuật :
« Mùa xuân năm rồi, bốn triệu người Nhật đã đến mừng lễ hội dưới 800 gốc cây hoa anh đào tuyệt đẹp tại Ueno, Central Park ở Tokyo. Nhưng năm nay, dân Nhật Bản có thể chỉ được đi dạo vì việc tổ chức ăn uống ngoài trời là không được phép.
Điều này làm cho nhiều người cảm thấy não lòng, như lời một cô gái Nhật, đã chuẩn bị sẵn sàng cho mùa lễ : ‘‘Đương nhiên là nên cẩn thận cấm những trò vui ngày hội. Nhưng với tôi, tôi đã trông đợi mùa hội này từ một năm qua. Lệnh cấm này làm cho tôi thật sự rất buồn’’.
Một năm buồn thảm đối với nhiều người Nhật. Vắng lễ hội hoa anh đào, giờ còn thêm Thế Vận Hội Mùa Hè bị hoãn. Nhiều người tỏ ra thông cảm trong bối cảnh khủng hoảng dịch tễ hiện nay.
Nhưng số khác thì tỏ ra quan ngại nhất là việc hạn chế các quyền tự do cá nhân. Một người qua đường tâm sự : ‘‘Con virus làm tôi sợ ít hơn là những hạn chế ngày càng nhiều đối với việc tự do đi lại của chúng tôi’’.
Cảnh sát canh gác quanh Ueno bảo đảm cho lệnh cấm được tuân thủ. Nhưng họ cũng không thể nào giám sát hết toàn bộ khuôn viên. Nhiều người dân thủ đô vi phạm lệnh cấm. Một người cho biết : ‘‘Đây là thời điểm duy nhất trong năm chúng tôi được phép buông thả, uống như những chiếc thùng rỗng, được nói đủ thứ chuyện tầm phào, vô thưởng vô phạt. Hơn nữa, không gì đẹp bằng được ngắm hoa anh đào lúc chiều tà’’.
Đối với người dân Nhật, ‘‘mừng xuân đến dưới bóng hoa anh đào, đấy mới thật sự là cái hồn văn hóa dân gian Nhật Bản’’. Ngay cả trong Đệ Nhị Thế Chiến, những bữa tiệc điền viên này cũng chưa bao giờ bị cấm. »
Nguồn: RFI Tiếng Việt