COVID-19 và kịch bản HNA: khủng hoảng có thể rất lớn (Nguyễn Gia Kiểng)

Kịch bản HNA gần như chắc chắn sẽ được dùng cho nhiều tổ hợp và tổng công ty khác để Trung Quốc chạy nợ rồi sau đó co cụm lại trong một thế giới riêng khép kín, điều mà với diện tích và dân số của mình Trung Quốc có thể làm. Bắc Kinh không có giải pháp nào khác. Trên thực tế kinh tế Trung Quốc đã phá sản dù chưa nhìn nhận.
Tôi hy vọng mình lầm. Cả thế giới đang xôn xao vì dịch cúm COVID-19, hay Coronavirus, nhưng điều nghịch lý nhất là một sự kiện chưa được các chuyên gia bình luận. Nó có thể rất quan trọng và đánh dấu một khúc quanh lớn của thế giới. Mọi thị trường chứng khoán trên thế giới đều suy sụp trong một tuần qua, các chỉ số chứng khoán trên khắp thế giới đều xuống 10%, hoặc hơn, trong khi chỉ số của Thâm Quyến đáng lẽ phải chao đảo hơn hẳn lại mạnh lên. Có một điều gì đó rất không bình thường cần được nhìn rõ.
Thực trạng như thế này : Dịch COVID-19 cho đến hôm nay, 28/02/2020, đã làm hơn 85.000 người nhiễm trùng và gần 3.000 người chết. Khoảng 95% nạn nhân, nhiễm trùng cũng như tử vong, là người Hoa tại Hoa Lục. Mọi hoạt động tại Trung Quốc đều dừng lại, các thành phố lớn vắng tanh như những thành phố chết. Dịch COVID-19 lan truyền khá nhanh, cho đến nay đã có hơn 50 nước có người mắc bệnh. Trong gần một tháng kể từ khi bệnh dịch này được Bắc Kinh chính thức công bố, các thị trường chứng khoán hình như coi nó là không nghiêm trọng và các chỉ số vẫn gia tăng đều đặn cho đến ngày 19/02. Từ ngay 21/02 tất cả đều suy giảm nhanh chóng. Hôm nay, 28/02/2020, so với ngày đầu năm 2020 chỉ số Dow Jones (Mỹ) đã mất -9,71%, Nikkei (Nhật) mất -10,63%, FTSE (Anh) mất -12,87, CAC 40 (Pháp) -11,62. Điều đáng ngạc nhiên là tại Trung Quốc, nơi phát sinh bệnh dịch và tập trung 95% nạn nhân, thay vì bị sa sút dữ dội nhất, 30% hay 40%, các chỉ số chứng khoán lại rất vững vàng, riêng chỉ số Thâm Quyến còn tăng lên ở mức khó tưởng tượng +10,60%. Chỉ số Thương Hải chỉ sụt 3% trong ngày hôm nay 28/02, khi cả thế giới hốt hoảng, trước đó không hề bị dao động. Phải giải thích thế nào tình trạng vô lý này ?
Giải thích hợp lý nhất là dịch COVID-19 đang cống hiến cho các công ty Trung Quốc, đặc biệt là tại Thâm Quyến, trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, một cơ hội để xóa nợ.
Kịch bản HNA
Các thị trường chứng khoán trên thế giới bắt đầu dao động khi chính quyền Trung Quốc quyết định cho phá sản tổ hợp HNA. Ngay lập tức trị giá cổ phiếu của một số công ty con của HNA tăng vọt 10% trong khi các chỉ số chứng khoán thế giới đều sụt giá và từ đó tiếp tục sụt giá, trừ Thượng Hải và nhất là Thâm Quyến . Kich bản HNA giúp ta hiểu những gì đang xảy ra.
Từ công ty Hàng Không Hải Nam (Hainan Airlines) HNA đã được nâng lên thành một tổ hợp ít lâu sau khi Tập Cận Bình lên cầm quyền với tham vọng biến Trung Quốc thành cường quốc số 1 thế giới. Một trong những dự án lớn của Tập là biến đảo Hải Nam thành trung tâm du lịch lớn chưa từng có với tất cả những phương tiện giải trí hiện đại nhất, kể cả các sòng bài. Theo tham vọng này, Hải Nam trong một tương lai gần sẽ giầu sang ngang với Singapore nhưng lớn gấp 50 lần. Hàng trăm tỷ đô la đã được đổ vào đảo này và một trong những cột trụ của dự án vĩ cuồng này là phát triển HNA thành tổ hợp du lịch và chuyên chở lớn nhất thế giới.
HNA bành trướng một cách chóng mặt, mua vô số tích sản đủ loại, công ty hàng không, khách sạn, nhà hàng, phi trường, hải cảng, ngân hàng, địa ốc v.v. và cả IT. Vào năm 2018 Tổ hợp HNA được biết tới như là một trong những tổ hợp lớn nhất thế giới với tích sản 230 tỷ USD, gồm hơn 20 công ty hàng không, hơn 2.000 khách sạn và hàng trăm công ty con đủ loại. Nhưng lỗ nặng. Số thương vụ chỉ hơn 50 tỷ USD mà nợ gần 100 tỷ USD, hàng năm phải trả hơn 5 tỷ USD tiền lãi các món nợ. Tình trạng khó khăn đến nỗi không vay được nữa và phải bán dần tích sản để trả nợ. Tổ hợp đang bế tắc thì chủ tịch Vương Kiện (Wang Jian) chết vì ngã vách núi tại Pháp một cách khó hiểu. Tình trạng ngày càng phức tạp hơn. Rồi hai tuần trước đây chính quyền Hải Nam (thực tế là Bắc Kinh) thông báo quyết định giải thể tổ hợp hợp doanh này. Ngay lập tức cổ phần của các công ty con tăng vọt lên hơn 10%.
Tình trạng ngộ nghĩnh này thực ra không khó hiểu. Lý do giản dị là phần lớn tài sản của HNA đã được chuyển sang các công ty con và các công ty này từ nay không còn phải chịu gánh nặng của một bà mẹ hấp hối nữa, thí dụ như đóng góp để trả nợ. Các ngân hàng và quỹ đầu tư chủ nợ của HNA có thể đòi nợ nhưng thủ tục sẽ kéo dài nhiều năm và đàng nào cũng chi đòi lại được môt phần rất nhỏ vì chính quyền Trung Quốc được quyền ưu tiên sai áp.
Nhưng bằng cách nào HNA đã có thể chuyển giao tài sản sang các công ty con ? Đó là phương thức "trao đổi nội bộ" mà các tổ hợp đa quốc thường dùng để chạy thuế. Thí dụ một công ty con A ở một nước X có tỷ lệ thuế là 40% tiền lời được lời 100 triệu. Công ty này bình thường phải trả 40 triệu tiền thuế. Công ty A này có thể nhận lệnh của tổ hợp mẹ để mua của một công ty con B của tổ hợp, ở một nước Ý trong đó tỷ lệ thuế trên tiền lời chỉ là 10%, một số sản phẩm hay dich vụ trị giá 50 triệu nhưng giá thực chỉ là 10 triệu. Như thế tổ hợp đa quốc đã chuyển 40 triệu từ công ty con A sang công ty con B và "chạy" được 12 triệu tiền thuế. Trao đổi nội bộ là phương thức chạy thuế mà hầu như tổ hợp đa quốc nào cũng dùng. Trong thí dụ này tổ công ty A có thể là chính tổ hợp HNA và công ty B có thể là một công ty Trung Quốc ở Thâm Quyến. Trao đổi nội bộ trong trường hợp này đồng nghĩa với tẩu tán tài sản trước khi giải tán và quỵt nợ. Đó chắc chắn là điều mà Bắc Kinh đã làm trước khi cho HNA phá sản. Số tiền nợ gần 100 tỷ USD coi như mất hết. Nếu các chủ nợ đòi lại được 10 tỷ sau nhiều năm tranh tụng cũng là rất may.
Chạy nợ rồi co cụm lại, hậu quả sẽ ra sao ?
Kịch bản HNA gần như chắc chắn sẽ được dùng cho nhiều tổ hợp và tổng công ty khác để Trung Quốc chạy nợ rồi sau đó co cụm lại trong một thế giới riêng khép kín, điều mà với diện tích và dân số của mình Trung Quốc có thể làm. Bắc Kinh không có giải pháp nào khác. Khối nợ của Trung Quốc có mọi triển vọng đã vượt quá 40.000 tỷ USD, gấp 3,5 lần GDP và không thể chịu đựng được nữa trong một nước mà thu nhập bình quân trên mỗi đầu người chỉ xấp xỉ 8.000 USD mỗi năm. Trên thực tế kinh tế Trung Quốc đã phá sản dù chưa nhìn nhận.
Trong một loạt bài trước đây (1) tôi đã nhận định rằng kinh tế Trung Quốc không tránh khỏi sụp đổ vì những sai lầm quá lớn về chính sách. Dịch COVID-19 là một lý cớ để biện minh cho sự suy sụp đồng thời cũng là một cơ hội để xóa nợ rồi co cụm lại. Người ta có thể nhận xét là Bắc Kinh đã bắt đầu co cụm lại từ hơn một năm nay. Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường (Belt and Road Initiative) từng được khoa trương rầm rộ như là một sáng kiến thiên tài sẽ đưa Trung Quốc lên ngôi bá chủ hoàn cầu không còn được nhắc tới nữa.
Một câu hỏi có thể được đặt ra là có gì khác biệt giữa Thâm Quyến và Thượng Hải khiến chỉ số chứng khoán Thâm Quyến tăng hơn 10% trong khi Thượng Hải chỉ giữ được mức ổn định ? Câu trả lời là đáng lẽ cả hai thị trường chứng khoán này đều phải sụp ít nhất 30%, cả hai đều đã rất may mắn, nhưng Thâm Quyến còn được ưu đãi hơn. Từ một làng đánh cá nhỏ, Thâm Quyến đã được khai sinh ra cùng với chính sách Hiện Đại Hóa của Đặng Tiểu Bình năm 1980 để làm biểu tượng và niềm tự hào của sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vì thế Thâm Quyến cũng là căn cứ tử thủ của Đảng và Chế độ cộng sản Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc là kinh tế hoạch định và Bắc Kinh có thể ra lệnh cho các tổ hợp và tổng công ty phải đặc biệt ưu đãi nhưng công ty con tại Thâm Quyến.
Trở lại với khối nợ 40.000 tỷ USD mà Trung Quốc không thể trả, chủ nhân khối nợ này là những ai ?
Không thể chỉ là các ngân hàng hay các công ty hay thường dân Trung Quốc. Trung Quốc đã khánh tận đến mức chết đói sau cuộc phiêu lưu Bước Nhảy Vọt rồi cuộc Cách Mạng Văn Hóa và chỉ bắt đầu phát triển từ 1980 nhờ chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình. Những gì đã làm ra và tích lũy được từ năm 1980 họ đã tiêu hao trong chính sách kinh tế chạy trốn về phía trước từ sau cuộc khủng hoảng 2008 và trong cuộc đào thoát ồ ạt ra nước ngoài của tư bản từ nhiều năm nay. Trung Quốc không đào đâu ra được 40.000 tỷ USD. Một phần lớn khối nợ này là tiền vay, một cách trực tiếp hay gián tiếp, từ những ngân hàng và quỹ đầu tư nước ngoài, đa số là Mỹ. Sự kiện nhiều quỹ đầu tư Mỹ cho Trung Quốc vay tiền là những quỹ hưu bổng cũng tạo ra nguy cơ bất ổn xã hội tại Mỹ khi Trung Quốc quỵt nợ làm các quỹ này khốn đốn.
Chúng ta có thể sắp chứng kiến một cuộc khủng hoảng rất lớn khi thực tế đã chứng tỏ một cách không thể chối cãi rằng Trung Quốc đã chọn quỵt nợ để sau đó co cụm lại. Đừng quên rằng cuộc khủng hoảng 2008 đã nổ ra khi chỉ một ngân hàng đầu tư Lehman Brothers phá sản.
Nguyễn Gia Kiểng
(28/02/2020)