Khủng hoảng chính trị : Bỉ không có chính phủ từ gần một năm nay (Mai Vân)

Bỉ là nước quân chủ lập hiến, thực chất, đây là nước theo mô hình đại nghị, nhưng lại chọn cách bầu cử theo tỉ lệ. Cách bầu cử này thường dẫn đến một quốc hội phân tán, không một đảng nào chiếm đa số để thành lập chính phủ. Nếu các cuộc đàm phán giữa các đảng không đi đến đồng thuận chung thì bế tắc chính trị sẽ kéo dài.

Đây là điều chúng tôi đã tiên liệu trong Dự Án Chính Trị để chúng ta tránh cách thức bầu cử này khi đất nước sang trang mới.

17/02/2020 - 14:02
Bộ trưởng Tư Pháp Bỉ Koen Geens trong cuộc họp báo sau khi gặp Vua Bỉ tại Cung Hoàng Gia, Bruxelles, ngày 31/01/2020
Bộ trưởng Tư Pháp Bỉ Koen Geens trong cuộc họp báo sau khi gặp Vua Bỉ tại Cung Hoàng Gia, Bruxelles, ngày 31/01/2020 NICOLAS MAETERLINCK / BELGA / AFP

Dân Bỉ mới bầu lại Quốc Hội cách đây hơn 260 ngày, nhưng vương quốc này vẫn chưa thành lập được chính phủ liên minh. Tình hình càng rối ren kể từ tối thứ Sáu 14/02/2020 khi phái viên được nhà vua đề cử để thành lập chính phủ đã từ nhiệm.

Thông tín viên RFI tại Bruxelles, Laxmi Lota, giải thích thêm:

Bộ trưởng Tư Pháp Koen Geens đã rất hy vọng thành lập được một chính phủ. Nhưng khi trở thành phái viên của Quốc Vương Bỉ, ông đã phải chịu thua, từ nhiệm sau 15 ngày làm việc.

Lý do là ông không thể đạt thỏa thuận giữa các đảng phải khác nhau về một chính phủ liên minh.

Đảng N-VA theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa và đảng Xã Hội đã về đầu trong cuộc bầu cử vừa qua, nhưng lại không muốn cầm quyền chung với nhau. Trước tình hình bế tắc kéo dài hàng tháng trời, hai bên đã cố tiếp xúc với nhau để thảo luận nhưng không kết quả gì.

Cách đây vài ngày đảng Xã Hội đã cho rằng thương lượng với những kẻ dân túy đã trở nên một cực hình. Còn về phía đảng N-VA thì họ tố cáo thái độ áp đặt của đảng Xã Hội.

Trước viễn cảnh có chính phủ vẫn mờ ảo, nước Bỉ có thể phải chuẩn bị trở lại phòng phiếu.

Thế nhưng các đảng chính trị không mấy tán thành, ngoại trừ đảng cực hữu Vlaams Belang. Đảng này còn đưa ra kiến nghị tổ chức bầu cử trước thời hạn. Các cuộc thăm dò cho thấy đảng cực hữu sẽ thắng lớn ở vùng Flandres, với gần 30% ý định bầu, nếu người Bỉ phải đi bầu lại.

Nước Bỉ đã chính thức không có chính phủ từ hơn 420 ngày, sau khi liên minh cầm quyền tan vỡ do bất đồng về vấn đề di trú.

Và với kỷ lục 541 ngày không chính phủ trong hai năm 2010-2011, nước Bỉ quả đã nổi tiếng là một đất nước bất trị.