Biển Đông : Từ Gia Long đến chính quyền thuộc địa Pháp, tính liên tục của chủ quyền (Chi Phương)
Mặc dù trong suốt một thời gian dài, Pháp « quên » hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng những chính sách hàng hải của thực dân Pháp đã để lại di sản pháp lý và chiến lược, cho phép củng cố các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông ngày nay. Trả lời phỏng vấn của RFI Tiếng Việt hồi đầu tháng Ba 2025, chuyên gia Didier Ortholland làm sáng tỏ phần lịch sử ít được biết đến này.
Ông Didier Ortholland là chuyên gia về luật hàng hải, cố vấn đối ngoại của Pháp, đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau tại Cục pháp lý, thuộc bộ Ngoại giao Pháp. Hiện là phó vụ trưởng Vụ Đông Nam Á. Ông vừa cho ra mắt cuốn sách « Les Mers de Chine », tạm dịch là « Những vùng biển Trung Quốc ». Cuốn sách nêu ra những khu vực thể hiện tham vọng của Bắc Kinh, đặc biệt là ở Biển Đông, biển Hoa Đông. Liên quan đến Biển Đông, qua các tư liệu lịch sử, ông đã phác thảo lại vai trò của chính quyền thuộc địa tác động như thế nào đến yêu sách chủ quyền của Việt Nam tại khu vực này.
Xin cảm ơn ông Didier Ortholland đã dành thời gian trả lời RFI Tiếng Việt, trước tiên, ông có thể cho biết Pháp có chính sách như thế nào đối với Biển Đông khi đô hộ Đông Dương ?
Didier Ortholland : Cho đến đầu thế kỷ 20, các quốc gia chỉ có thể tuyên bố lãnh hải rộng 3 hải lý. Khái niệm về vùng đặc quyền kinh tế (ZEE) rộng 200 hải lý vẫn chưa tồn tại. Điều này có nghĩa là, Pháp giống như các cường quốc khác, không quan tâm đến những gì nằm ngoài khơi, ngoại trừ việc giám sát các tuyến hàng hải chính. Do đó các quy định về hàng hải tại khu vực này không hoặc ít được thiết lập bởi chính quyền thực dân.
Đối với Việt Nam, vua Gia Long đã chính thức chiếm đảo Hoàng Sa vào năm 1816, nhiều lần cử tàu đến đó để đánh cá, và xác định các tuyến hàng hải. Người kế vị là vua Minh Mạng cũng đã quyết định xây chùa, dựng bia để khẳng định chủ quyền của Việt Nam (còn được gọi là An Nam). Do đó, chủ quyền của Việt Nam ở khu vực này đã được chứng thực từ lâu.
Nhưng dưới thời Pháp đô hộ, Paris lại bỏ quên khu vực này, mà dồn mối quan tâm chính vào đảo Hải Nam, hòn đảo có diện tích hơn 30 000 km2 ở phía bắc Biển Đông. Vì hòn đảo này được xem là chiến lược và có thể gây ra nguy hiểm nếu như bị một nước khác kiểm soát, đặc biệt là trước sự hiện diện của Nhật trong khu vực. Do đó, có một thỏa thuận được thiết lập giữa Pháp và Trung Quốc, không để Trung Quốc nhường quyền kiểm soát đảo này cho một nước khác.
Pháp có những hành động gì trước các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ?
Didier Ortholland : Vào năm 1909, Pháp đã không có hành động nào khi Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa, nhưng Paris tiếp tục cử đến đó các phái đoàn thực hiện nghiên cứu khoa học… Mãi đến năm 1931, Pháp mới lên tiếng phản đối Trung Quốc. Tức là trong vòng hơn 20 năm, Pháp không có phản ứng nào. Nhưng cũng phải nói rằng Pháp không hề công nhận quyền chủ quyền của Trung Quốc. Sau năm 1931, hai bên đã có những trao đổi công hàm, Pháp đề xuất tìm bên trung gian đàm phán, nhưng Trung Quốc từ chối.
Phản ứng của Pháp còn chậm hơn đối với đảo Trường Sa. Khu vực này không được nhiều người biết đến. Hải quân Pháp không muốn mạo hiểm đến đó vì sợ bị mắc cạn trên rạn san hô. Tuy nhiên, trước sự hiện diện gia tăng của Nhật, đặc biệt là qua các công ty khai thác khoáng sản, Pháp đã chính thức chiếm giữ đảo năm 1930, chỉ một đảo thôi, nhưng đến năm 1933 thì Paris quyết định chiếm 5 đảo trong quần đảo này, trước khi rơi vào tay Nhật. Vào thời điểm đó, có lo ngại được nêu ra, cho rằng trong trường hợp xảy ra xung đột, Nhật có thể sử dụng khu vực này để hạ cách thủy phi cơ, hoặc xây dựng căn cứ quân sự (trước khi bị Nhật chiếm vào năm 1939).
Liệu những hành động mà Pháp thực hiện tại khu vực này, có định hình các yêu sách chủ quyền sau này của Việt Nam và các nước trong khu vực hay không ?
Didier Ortholland : Khi nói đến tính hiệu lực trong luật pháp quốc tế, nghĩa là sự hiện của một lực lượng trên một lãnh thổ, để tuyên bố chủ quyền với lãnh thổ đó. Do đó điều này rất quan trọng đối với các đảo của Việt Nam trên Biển Đông. Pháp với tư cách là bảo hộ của đế chế An Nam, đã tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, đặc biệt là dựa vào việc hoàng đế Gia Long kiểm soát khu vực này vào năm 1816. Việc Pháp chính thức chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, rất quan trọng, cho phép Việt Nam có thể tuyên bố rằng đó là di sản để lại từ chế độ thuộc địa.
Ngay sau khi Pháp rút quân từ năm 1956, chính phủ miền Nam Việt Nam đã chiếm nhiều đảo ở Trường Sa và khẳng định chủ quyền với các hòn đảo ở đó.
Tính liên tục trong lịch sử cũng khá hữu ích cho Việt Nam trong luật pháp quốc tế, cho rằng nhà nước thực dân, không có quyền chia cắt lãnh thổ mà họ kiểm soát. Điều này có thể cho là theo một cách nào đó, Trường Sa thuộc Đông Dương dưới thời Pháp thuộc, do đó Việt Nam cũng được thừa hưởng.
Ông có thể giải thích các tranh chấp chủ quyền hiện nay ở Biển Đông, khu vực được cho là chiến lược và giàu tài nguyên ?
Didier Ortholland :Các tuyên bố chủ quyền tại khu vực này chồng lấn nhau. Trung Quốc là nước duy nhất tuyên bố có quyền lịch sử, và có chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông và không được luật pháp quốc tế công nhận. Các nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia thì có những yêu sách thông thường, phù hợp với luật pháp quốc tế. Tất cả các nước đều cố tìm cách kiểm soát các đảo, hoặc các khu vực, có thể do lãnh hải và đặc quyền kinh tế từ những điểm đó.
Tại khu vực chứa khoảng 12 % nguồn thủy sản của thế giới, đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực của người dân ven biển, và là trục giao thông hàng hải Á-Âu quan trọng. Nhưng ngay cả khi không có dầu khí hay nguồn tài nguyên thủy sản thì các nước cũng sẽ cố tìm cách kiểm soát vì lý do chủ quyền
Trong cuộc xung đột tranh chấp chủ quyền ở biển Đông hiện nay, có điều gì mà ông thấy đặc biệt, đáng chú ý nhất ?
Didier Ortholland :Trung Quốc sử dụng lực lượng quân sự đánh cá để tấn công, theo tôi, đây là hành động chỉ có ở trong khu vực này. Hiện Trung Quốc được cho là có 300 thuyền bằng kim loại, dài 50 mét, được điều đi đánh cá, nhưng thực chất là để chứng tỏ có sự hiện diện của Trung Quốc ở đó. Khi Trung Quốc muốn đe dọa tàu của Việt Nam hoặc Philippines thì cử hàng chục tàu dân quân đánh cá đến đó, và được cho là có hiệu quả. Chiến lược này đã được Trung Quốc triển khai từ năm 2013, và Việt Nam cũng học theo cách tương tự. Nhưng chính sách của Việt nam đối với lực lượng dân quân đánh cá lại khá khiêm tốn, vì không phải là tàu sắt, mà chỉ là tàu gỗ, dài 24 mét, số lượng ít hơn nhiều.
Liệu trong cuốn sách của mình, ông có cố gắng tìm ra câu trả lời giải quyết các xung đột tại khu vực này ?
Didier Ortholland : Tôi cho rằng cuốn sách của mình chỉ làm sáng tỏ vấn đề, vì không hề đơn giản để tìm ra giải pháp. Bởi vì vấn đề ở Biển Đông, liên quan đến các nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và một số nước trong khu vực. Tôi cho rằng các giải pháp giải quyết xung đột quốc tế có thể được tìm ra, tôi cũng đã đề xuất một số giải pháp. Nhưng vấn đề ở đây là các bên phải tìm được đồng thuận, cùng đối thoại để giải quyết các khác biệt.
Chi Phương
5/5/2025
Nguồn: RFI Tiếng Việt