Xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 300 triệu USD (RFA Tiếng Việt)

Việc xuất khẩu gạo của Việt Nam do các công ty quốc doanh độc quyền, các công ty này chỉ quan tâm tới số lượng mà không quan tâm tới chất lượng cũng như thương hiệu gạo Việt. 

Hậu quả là Việt Nam dù bắt đầu xuất khẩu gạo từ năm 1989, nhưng không có thương hiệu gạo được thế giới biết đến, lượng xuất khẩu tăng, nhưng giá trị xuất khẩu giảm trong mấy năm gần đây. Dù là nước trong nhiều năm đứng nhất nhì về xuất khẩu gạo, nhưng là nước xuất khẩu gạo giá rẻ, chất lượng thấp.

Nông dân phơi thóc ở Hậu Giang, ảnh minh họa chụp ngày 2/3/2016.
Nông dân phơi thóc ở Hậu Giang, ảnh minh họa chụp ngày 2/3/2016. AFP

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2019 giảm 300 triệu USD so với năm 2018.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương được truyền thông trong nước trích dẫn, xuất khẩu gạo giảm gần 10% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, dù có tăng về sản lượng.

Cụ thể, năm 2018 xuất khẩu 6,1 triệu tấn gạo, thu về  hơn 3 tỷ USD, trong khi năm nay, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,259 triệu tấn, nhưng chỉ thu về 2 tỷ 758 triệu USD,

Nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu gạo giảm như vừa nêu được cho là do giá gạo xuất khẩu trong năm 2019 xuống rất mạnh so với năm 2018.

Theo tin liên quan từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, tính đến tháng 10 năm 2019, Việt Nam có 7,47 triệu hecta đất trồng lúa, thấp hơn 92.300 hecta so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến trong các năm tiếp theo, đất trồng lúa tiếp tục giảm thêm 500 ngàn hecta.

Tin cho biết, phần diện tích đất trồng lúa bị giảm sẽ được sử dụng cho nuôi trồng thủy sản hoặc trồng cây ăn trái, để điều tiết việc sản xuất gạo mà theo nhận định thực tế thì cung cao hơn cầu.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, ngành gạo Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do biến động mạnh về sản xuất và nhu cầu và giá.