Tổng thống Trump không có nhiều lựa chọn khi chế tài thêm Iran (Masood Farivar)

Vấn đề không phải là còn " dư địa " cho chế tài cấm vận đối với Iran hay không, mà là tác dụng của những chế tài này đối với Iran. Có lẽ cần một cách tiếp cận khác, khi mà thực tế cho thấy, các biện pháp cấm vận Iran không mấy hiệu quả như Mĩ mong muốn.

Tổng thống Donald Trump loan báo về việc Iran bắn phi đạn vào hai căn cứ có lính Mỹ trú đóng tại Iraq ngày 8/1/2020.

Ngày 8/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo Hoa Kỳ sẽ lập tức áp đặt thêm những chế tài mạnh mẽ đối với Iran, một ngày sau khi Iran phóng phi đạn vào hai căn cứ Iraq có binh sĩ Mỹ trú đóng để trả đủa vụ hạ sát tướng hàng đầu Qassem Soleimani của Iran.

“Những chế tài này vẫn giữ nguyên cho đến khi Iran thay đổi thái độ,” ông Trump nói trong một bài diễn văn truyền hình từ Tòa Bạch Ốc.

Tuy nhiên Iran đã bị những chế tài làm tê liệt nước này với nhiều tỉ đô la thiệt hại trong một năm. Vấn đề là những trừng phạt nào thêm nữa chính quyền Mỹ có thể áp đặt lên Tehran?

“Đây là một câu hỏi rất đúng bởi vì hiện nay mỗi lãnh vực của nền kinh tế Iran đều bị chế tài,” ông Kenneth Katzman, nhà phân tích hàng đầu về Iran tại Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội nói. “Do đó tôi nghĩ các chuyên gia gồm cả tôi đều tự hỏi có thể làm thêm gì nữa đây, vì thực ra không có gì để đào xới thêm hơn những gì đã làm.”

Việc xuất khẩu khí đốt của Iran, hiện chưa bị chế tài, có thể bị nhắm vào, nhưng việc này sẽ làm thiệt hại cho những người mua như Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ, ông Katzman nói. Một giải pháp khác là thắt chặt những chế tài hiện hữu, dù nỗ lực này,có thể đối mặt với kháng cự của những công ty muốn giao dịch với Iran.

Những người từ lâu ủng hộ những chế tài đối với Iran vẫn có chiều hướng trừng phạt thêm Iran.

“Hoa Kỳ có những đòn bẩy thêm nữa, đặc biệt liên hệ đến những tài sản của lãnh tụ Tối cao [Ayatollah Ali Khamenei] và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo. Nhắm đặc biệt vào những tài sản này sẽ tăng thêm áp lực đối với chế độ và tránh thiệt hại cho người dân Iran,” bà Annie Fixler, một nhà phân tích tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, một cơ quan nghiên cứu bảo thủ từ lâu bênh vực những chế tài đối với chế độ Iran, nói.

Tòa Bạch Ốc không đưa ra chi tiết về tuyên bố của Tổng thống. Một phát ngôn viên Bộ Tài chánh nói bà không có tin tức gì là liệu những chế tài thêm nữa đang được cứu xét hay không.

Kể từ cuộc Cách mạng Hồi Giáo năm 1979, chính quyền Mỹ đã đưa ra một loạt chế tài rộng rãi nhằm thúc đẩy Iran thay đổi thái độ. Những hạn chế này bao gồm “những chế tài chính” như cấm giao dịch thương mại trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Iran và những “chế tài thứ yếu" như hạn chế những công ty nước ngoài giao dịch với Iran. Trong những năm gần đây, chế tài Iran đôi khi được xem như là “những chế tài liên hệ đến hạt nhân” và “những chế tài phi hạt nhân.”

Những chế tài phi hạt nhân

Những chế tài này có từ những ngày đầu của nước Cộng hòa Hồi Giáo và được áp đặt mạnh mẽ trước khi đe dọa hạt nhân của Iran nổi lên vào năm 2010. Những chế tài này bao gồm cấm giao dịch thương mại giữa Hoa Kỳ và Iran cũng như những chế tài liên hệ đến việc Iran hỗ trợ khủng bố và những nỗ lực thủ đắc công nghệ phi đạn tiên tiến. Những chế tài vẫn giữ nguyên. Những hạn chế cũng bao gồm việc cấm các công ty nước ngoài giao dịch với Iran bằng đô la Mỹ.

Những chế tài hạt nhân

Những chế tài này được áp đặt trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2015 giữa lúc phương Tây quan ngại là Iran đang phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Những chế tài này giúp giảm bớt một nửa mức xuất khẩu dầu mỏ của Iran, gây khó khăn cho các ngân hàng Iran giao dịch với thế giới bên ngoài, và cắt giảm sự tiếp cận tài sản của Iran có tại nước ngoài vào khoảng từ 100 tỉ đến 150 tỉ đô la. Phe ủng hộ nói những chế tài này giúp mang Iran đến bàn thương thuyết.

Thỏa thuận hạt nhân 2015 và việc nới lỏng chế tài

Vào năm 2015, Iran đồng ý ngưng chương trình hạt nhân để đổi lấy nới lỏng chế tài quốc tế rộng rãi. Trong khuôn khổ của thỏa thuận, Hoa Kỳ gỡ bỏ chế tài đối với những cá nhân Iran cũng như khu vực dầu mỏ, ngân hàng và vận chuyển bằng tàu thuyền. Hoa Kỳ cũng gỡ bỏ những hạn chế việc Iran tiếp cận hệ thống tài chánh quốc tế, cho phép từ 100 tỉ đến 150 tỉ đô la tài sản luân chuyển trở lại các két sắt của Iran. Tổng thống Trump bác bỏ những điều khoản của thỏa thuận hạt nhân được chính quyền Obama thương thuyết, cho rằng tiền được dùng để thúc đẩy các hoạt động khủng bố của Iran. Tuy nhiên những chế tài liên hệ đến lãnh vực phi đạn đạn đạo và xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí của Iran vẫn giữ nguyên.

Tái áp đặt chế tài

Vào tháng 11 năm 2018, sáu tháng sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, chính quyền Tổng thống Trump loan báo những chế tài rộng rãi nhất đối với Iran, tái áp đặt những trừng phạt đã được gỡ bỏ hay ngưng trong khuôn khổ của thỏa thuận hạt nhân 2015 cũng như áp đặt thêm những hạn chế. Hơn 700 cá nhân, thực thể, máy bay, tàu thuyền bị nhắm vào. Động thái này là một phần của “áp lực tối đa” của chính quyền nhằm buộc Iran tái thương thuyết thỏa thuận hạt nhân.

Theo Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội, tái áp đặt các chế tài đã làm suy thoái nền kinh tế Iran, tạo nên những bất ổn trên toàn quốc. Thêm vào đó, trong khi những chế tài trực tiếp của châu Âu đối với Iran vẫn được gỡ bỏ, đe dọa chế tài của Hoa Kỳ đã làm giảm khối lượng giao dịch giữa Iran và châu Âu.

Tuy nhiên những chế tài này đã thất bại trong việc làm thay đổi thái độ của Iran, ông Katzman nói, cho rằng chế độ Iran vẫn tiếp tục ủng hộ các lực lượng ủy nhiệm và đồng minh tại Trung Đông.

Ông Katzman nói “Iran chứng tỏ khả năng tiếp tục những hoạt động này ở mức độ cao ngay cả khi đối mặt những chế tài khắc nghiệt. Do đó tôi không nghĩ là bất cứ chế tài nào thêm nữa có thể làm thay đổi thái độ này trên thực tế.”