Cuộc tấn công của Iran có thể khuyến khích tham vọng hạt nhân của Triều Tiên (Christy Lee)

So với Iran, chính quyền cộng sản Bắc Triều Tiên nguy hiểm và bệnh hoạn hơn nhiều. Đây là chính quyền phạm tội ác toàn diện trong thời gian dài, những thách thức về vũ khí hủy diệt hàng loạt của nó cũng cấp bách và khó giải quyết hơn. 

Điều quái đản là Donald Trump lại đặt niềm tin vào tên độc tài Kim Jong Un và rút khỏi thỏa thuận đã đạt được với Iran, với hậu quả là cả hai hồ sơ hạt nhân Iran và Bắc Triều Tiên giờ đây đang trở thành mớ hỗn độn mà Trump hoàn toàn bất lực.

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đi thăm một nhà máy chế tạo phân bón tại tỉnh Nam Pyongan, ảnh do Thông tấn xã Triều Tiên KCNA công bố ngày 7/1/2020.

Những cuộc tấn công của Iran vào các căn cứ Iraq có binh sĩ Mỹ đồn trú cũng như việc Tehran loan báo không còn tuân thủ những giới hạn tinh chế uranium có thể khuyến khích Triều Tiên hoàn thiện công nghệ hạt nhân và phi đạn, các chuyên gia nói.

“Với việc Iran thách thức nước Mỹ, Triều Tiên có thể cảm thấy những hành động giống như khủng bố sẽ ít làm cho Hoa Kỳ trả đũa vì Hoa Kỳ bận rộn về vấn đề Iran,” ông Bruce Bennett, một nhà phân tích cao cấp tại trung tâm nghiên cứu Rand Corporation, nói.

Nhiều rocket bắn trúng Khu vực Xanh của Baghdad, gần tòa đại sứ Mỹ hôm 8/1. Không có thiệt hại nào và hiện không rõ Iran hay lực lượng ủy nhiệm phóng phi đạn.

Vụ việc diễn ra một ngày sau khi Iran tấn công hai căn cứ Iraq được các lực lượng Mỹ sử dụng để đáp trả vụ Mỹ giết chết chỉ huy trưởng lực lượng Quds của Iran, tướng Qassem Soleimani, hôm 3/1. Không có thiệt hại của Mỹ trong những cuộc tấn công này.

Tổng thống Donald Trump ra lệnh giết Qassem Soleimani để bảo vệ những quyền lợi của Mỹ chống lại những cuộc tấn công trong tương lai xuất phát từ Iran, theo Ngũ Giác Đài.

Dù có những lo ngại là ông Trump sẽ trả đũa qua lại những cuộc tấn công của Iran nhưng khi phát biểu sáng ngày 8/1, ông không loan báo thêm những hành động quân sự.

“Iran dường như lùi bước” ông nói và hứa sẽ ban hành những chế tài mới đối với Iran.

‘Ông Kim sẽ bạo dạn hơn’

Ông Joseph Bosco, một chuyên gia về Đông Á tại Viện Nghiên cứu Mỹ-Triều (ICAS) nói nếu Tehran giết người Mỹ và Hoa Kỳ không hành động chống lại thì nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể có một lập trường hung hăng hơn đối với Mỹ.

“Nếu Hoa Kỳ không đáp trả, ông Kim sẽ bạo dạn hơn,” Ông Bosco nói.

Tuần trước, ông Kim loan báo Triều Tiên có kế hoạch tăng cường lực lượng quân sự, có “những biện pháp tấn công,” phát triển “vũ khí chiến lược mới” và “chuyển sang một hành động mạnh mẽ hơn” nhưng không nói rõ những biện pháp này thế nào.

Tuyên bố của ông Kim được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng thề quyết nhiều lần vào năm ngoái là sẽ có “hướng đi mới” nếu Hoa Kỳ không thay đổi thái độ, ám chỉ là vẫn duy trì những chế tài đối với Triều Tiên.

Năm ngoái, Triều Tiên thử nghiệm phi đạn 13 lần trong nỗ lực làm áp lực để Hoa Kỳ nhượng bộ trong đó có việc nới lỏng chế tài. Bình Nhưỡng tìm cách được nới lỏng các chế tài khi ông Kim gặp Tổng thống Trump tại Hà Nội vào tháng 2 năm ngoái, nhưng thất bại.

Vào tháng 10 năm 2019, Hoa Kỳ và Triều Tiên gặp nhau tại Stockholm. Nhưng những cuộc thảo luận đổ vỡ mà không có thỏa thuận nào. Kể từ đó, Washington và Bình Nhưỡng lâm vào tình trạng bế tắc.

Ông Ken Gause, giám đốc chương trình phân tích các đối thủ tại CNA, nói Iran và Triều Tiên đang quan sát lẫn nhau để xem họ có thể nâng cao những đe dọa đối với Mỹ như thế nào.

“Họ rõ ràng đang học cách Hoa Kỳ phản ứng như thế nào đối với hai nước này để họ có thể nhận ra xem có thể đẩy Hoa Kỳ leo thang đến mức nào,” ông Gause nói.

Các mối đe dọa họ đề ra cũng khác biệt, Iran dùng lực lượng ủy nhiệm tấn công vào các quyền lợi Mỹ ở Trung Đông còn Triều Tiên thì thử nghiệm phi đạn trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Gause nói, Triều Tiên và Iran đã có những hành động tương tự là rút lại những cam kết đối với chương trình vũ khí “sẽ tiến tới gần hơn những chương trình có thể thực hiện được trong tương lai.”

Sau khi Hoa Kỳ hạ sát ông Soleimani, Iran loan báo sẽ không còn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015 vốn hạn chế nước này tinh chế uranium, một thành phần chính để chế tạo vũ khí hạt nhân. Ông Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận này vào năm 2018.

Tỏ ý định thử nghiệm phi đạn đạn đạo xuyên lục địa

Tuần trước, ông Kim loan báo là Triều Tiên không còn cảm thấy bị buộc phải duy trì chuyện ngưng thử nghiệm phi đạn tầm xa, ra chỉ dấu là ông có thể thử nghiệm phi đạn đạn đạo liên lục địa.

Iran chưa phát triển công nghệ đến mức có thể hoàn thành một vũ khí hạt nhân, nhưng Iran đã phá vỡ thỏa thuận hạt nhân 2015 bằng cách tinh chế uranium vào tháng 7 năm qua.

Ông Lawrence Korb, cựu phụ tá Bộ trưởng quốc phòng dưới thời chính quyền Reagan, nói nếu Iran tái khởi động chương trình hạt nhân thì việc này có thể thúc đẩy tham vọng của Triều Tiên hoàn tất chương trình hạt nhân của họ.
Ông Robert Manning, một nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói nếu Iran tái tục những nỗ lực phổ biến vũ khí hạt nhân, điều này “sẽ giúp ông Kim chọn chiến lược mới.”

Ông Bennett thuộc Rand Corp nói điều ngược lại cũng có thể xảy ra.

Loan báo của Iran là nước này có thể bắt đầu tinh chế uranium cũng là một cơ hội cho Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn với ý định bán cho Iran, ông Bennett nói.

Vũ khí bán cho Iran, Syria

Triều Tiên đã bán phi đạn đạn đạo và vũ khí hóa học cho Iran và Syria trong quá khứ. Ước lượng của chính phủ Mỹ trong năm 2017 cho thấy Triều Tiên có thể sản xuất đủ nhiên liệu hạt nhân mỗi năm cho 12 vũ khí hạt nhân, theo Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân.

Ông Gary Samore, phối trí viên kiểm soát vũ khí và vũ khí giết người hàng loạt của chính quyền Obama, nói “Iran sẽ hoan nghênh sự trợ giúp của Triều Tiên và Triều Tiên có thể trợ giúp chương trình vũ khí hạt nhân của Iran.”

Nếu Iran quyết định tiến hành chương trình vũ khí hạt nhân, ông Bennett nói, Hoa Kỳ sẽ đối mặt với 4 mặt trận đe dọa hạt nhân: Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran.

Ông Joshua Pollack, biên tập viên của tạp chí Nonproliferation Review tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Middlebury ở Monterey, nói “nếu Iran là cơ hội cho Triều Tiên hiện nay thì chuyện này có thể liên quan đến một sự hợp tác sâu rộng hơn với một nước khác chống lại Hoa Kỳ.”

Ngày 8/1 ông Trump tuyên bố ‘Chừng nào tôi còn làm Tổng thống Mỹ, Iran sẽ không bao giờ được phép có vũ khí hạt nhân.”

Ông Thomas Countryman, cựu phụ tá Bộ trưởng ngoại giao về an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân, nói Triều Tiên vượt quá chuyện tự vệ quốc gia và bán công nghệ vũ khí hạt nhân cho những nước khác đủ để nước này trở thành mục tiêu cho hành động quân sự của Mỹ và chuyện này rất dễ biện minh.