Thú tội qua truyền hình: Chiêu trò của nhà nước độc tài (Diễm Thi)
Những chiêu trò bẩn thỉu này là sản phẩm truyền đời từ thời Hồ Chí Minh với những vụ Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn - Giai Phẩm. Nhưng thời thế đã thay đổi, trò đấu tố, cưỡng bức nhận tội trên truyền hình không khác gì lấy bùn ném người khác. Người bị ném chưa chắc đã bẩn, nhưng kẻ ném chắc chắn bẩn tay.
Ông Lê Đình Công 'thú tội' trên VTV hôm 13/1/2020. Hình chụp từ VTV
Với gương mặt bầm tím và nhiều vết xước trên sống mũi, ông Lê Đình Công, con ông Lê Đình Kình, người bị chính quyền cáo buộc là chủ mưu tấn công lực lượng chức năng ở Đồng Tâm hôm 9 tháng 1, thừa nhận những hành động sai trái của mình trên truyền hình Việt Nam ngày 13 tháng 1:
“Tôi đóng xăng vô chai bia, tổng cộng được 4 két”
“Lúc đầu chúng tôi cũng ném đá, xong rồi ném bom xăng. Các lực lượng chức năng kêu gọi chúng tôi đầu hàng. Chúng tôi không đầu hàng và chúng tôi tiếp tục ném đá và bom xăng.”
Cùng thú tội việc chế tạo bom xăng, đổ xăng đốt công an còn có những người họ hàng gần khác của ông Lê Đình Kình, người đã tử nạn trong vụ công an tấn công vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội rạng sáng ngày 9/1 vừa qua.
Phóng sự này của VTV ngay lập tức vấp phải những phản ứng từ nhiều người trên mạng xã hội vì họ cho rằng đây chỉ là những lời thú tội bị cưỡng bức.
Theo thông tin từ người dân Đồng Tâm mà Đài Á Châu Tự Do nhận được, rạng sáng ngày 9/1, chính quyền Hà Nội đã huy động hàng ngàn quân có trang bị vũ khí và chó đến để bắt giữ những người dân chống đối việc cưỡng chế đất ở khu đồng Sênh thuộc xã Đồng Tâm. Người dân cho rằng đất này là đất canh tác của dân trong khi chính quyền khẳng định đây là đất quốc phòng.
Theo thông báo của Bộ Công An, vụ đụng độ đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng bao gồm 1 người dân và 3 công an, khoảng 30 người khác bị bắt giữ.
Chiều 13 tháng 1 năm 2020, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố 22 bị can với các tội danh "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ". Quyết định khởi tố này cũng trùng với những lời thú tội của các ông Lê Đình Công, Lê Đình Quang và Lê Đình Danh trên VTV vào cùng ngày.
Thế nhưng, người dân trong nước từ lâu không lạ gì với việc nhận tội tương tự vì nó xảy ra cả chục năm trước với những video “nhận tội”; “ân hận”; “xin được khoan hồng”… của các nhà bất đồng chính kiến như Trần Anh Kim, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định…
Đó là chuyện của một thập niên trở về trước, khi mạng xã hội chưa lớn mạnh như bây giờ, người dân không có thông tin gì khác ngoài báo chí và truyền hình trong nước. Với một thế giới được coi là phẳng như hiện nay, thông tin không chỉ gói gọn trong khuôn khổ truyền thông nhà nước thì cách đưa những video ‘thú tội’ lên truyền hình có còn tác dụng hay không?
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội lên tiếng:
“Tôi thấy đây là một phương pháp đã ăn vào não trạng của ngành công an cũng như truyền hình. Họ sẵn sàng bất chấp mọi phương pháp với mục đích miễn sao người bị bắt nhận tội trên truyền hình. Khi làm như vậy họ cho rằng đã trấn an được dân chúng. Cách làm của VTV theo tôi là ngu ngốc và coi thường dư luận cũng như cộng đồng quốc tế.”
Ông Lã Việt Dũng không tin vào những lời được cho là nhận tội này, bởi theo ông, những nông dân can trường giữ đất bao nhiêu năm, phản đối việc chính quyền cướp đất bao nhiêu năm không thể nhận tội ngay chỉ sau vài ngày bị giam giữ như vậy. Ông cho rằng, những người bị đưa ra ‘thú tội’ đã chứng kiến việc ông Kình bị bắn chết, họ bị đánh đập đến bầm tím mặt mày nên tinh thần họ bị lung lay và họ buộc phải “nhận tội”.
Có thể dẫn chứng một ví dụ, tháng 10 năm 2018, trong một bức thư gửi về cho gia đình, anh Nguyễn Văn Hóa - người đang phải thụ án 7 năm tù tại Trại An Điềm, Quảng Nam về cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước - cho biết Phó giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đã đánh đập anh tại phòng cách ly của Tòa án khi anh được đưa đến để làm chứng trong phiên xử ông Lê Đình Lượng vào ngày 16 tháng 8.
Việc đánh đập xảy ra sau khi Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng phản cung tại toà, bác bỏ mọi cáo buộc mà cả hai tù nhân trẻ này cho là qui chụp nhắm vào ông Lê Đình Lượng.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, người trợ giúp pháp lý cho người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai, nói với RFA rằng việc “nhận tội” như vậy không có nghĩa là họ “phạm tội”. Ông giải thích:
“Theo như báo chí và truyền thông nhà nước đưa tin thì đại đa số họ nhận tội. Tuy nhiên việc nhận tội đó không đồng nghĩa với việc có quyền hồ đồ phán quyết họ là những người phạm tội, bởi vì vẫn có thể xảy ra oan sai trong suốt quá trình tố tụng. Thực tế ở Việt Nam các tình huống bị can, bị cáo nhận tội trên truyền hình, thậm chí nhận tội trước phiên tòa vẫn có sự oan sai.”
Nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ, giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders), người được vinh danh giải Nhân Quyền & Pháp Quyền năm 2019, nói với RFA rằng chính quyền Việt Nam làm như vậy để cố chứng minh cho người dân trong nước và cộng đồng quốc tế rằng họ bắt đúng người đúng tội; để chứng minh ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm, không có tù nhân chính trị mà chỉ có những người làm sai pháp luật. Mục đích của họ chỉ là tuyên truyền.
Ông Vũ Quốc Ngữ khẳng định cách làm của chính phủ Việt Nam rập khuôn Trung Quốc:
“Đây là cách làm bắt chước Trung Quốc!. Theo báo cáo của Tổ chức Safeguard Defenders thì đây là hình thức rất phổ biến ở Trung Quốc, đã có mấy chục nhà bất đồng chính kiến bị đưa lên truyền hình nhận tội như vậy.
Báo cáo của Tổ chức Safeguard Defenders có tên”Behind the scenes of China’s forced TV’s confessions” (Tạm dịch: Phía sau những lời thú tội trên TV) đưa ra con số 45 trường hợp thú tội trên truyền hình từ năm 2013 dến năm 2018. Báo cáo có bằng chứng cho thấy những người bị tạm giam và gia đình của họ bị đe dọa, bị tra tấn và cảnh sát chỉ đạo những lời thú tội.
Liệu có còn tác dụng?
Ngoài việc những nhà bất đồng chính kiến, những người tranh đấu cho tự do, dân chủ trong nước bị đưa lên truyền hình với những lời ‘thú tội’, một người được đưa lên truyền hình “nhận tội” khiến người dân ngỡ ngàng là vụ ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức chính phủ bị bắt cóc từ Đức về.
Ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên VTV vào tối 3 tháng 8 năm 2017 ‘thú tội’ về việc bỏ trốn sang Đức vì ‘lo sợ trước kết luận về vi phạm và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC’. Trên truyền hình, ông Thanh cũng tỏ ra hối lỗi và nhận đầu thú. Trong khi đó, Chính phủ Đức cáo buộc tình báo Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin vào ngày 23 tháng 7 năm 2017.
Ông Vũ Quốc Ngữ cho rằng chính phủ Việt Nam vẫn có thể lừa được quốc tế nếu không có những báo cáo từ phía những người bất đồng chính kiến trong nước đưa ra. Chính vì vậy, tổ chức Defend the Defenders và Tổ chức Safeguard Defenders đang phối hợp làm một báo cáo về tình trạng ép nhận tội trên truyền hình ở Việt Nam, trong đó có cả vụ mới nhất là Đồng Tâm. Ông nói:
“Tổ chức của chúng tôi cũng như tổ chức Safeguard Defenders sẽ đưa vụ này ra quốc tế với những báo cáo rõ ràng. Chúng tôi sẽ công bố báo cáo về hiện tượng này trong vòng một vài tuần tới.”
Một trường hợp nữa là tối 18 tháng 6 năm 2018, anh William Nguyễn, người Mỹ gốc Việt, bị bắt do tham gia biểu tình phản đối Luật đặc khu và An ninh mạng vào ngày 10 tháng 6, đã xuất hiện trên Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh - HTV phát biểu rằng anh lấy làm tiếc những hành động vi phạm luật Việt Nam, gây tắc nghẽn giao thông trên đường ra sân bay, gây phiền nhiễu cho người thân và gia đình.
Lúc bấy giờ AFP cho rằng hình thức thú tội được dàn dựng là phổ biến tại Việt Nam với việc những người bị cáo buộc phải công khai lên tiếng nhận tội để đổi lại một mức án nhẹ hơn.
Nguồn: RFA Tiếng Việt